Bệnh viện Mỹ đối mặt nguy cơ “vỡ trận” trong ngày “tồi tệ nhất” vì Omicron
Sự lây lan nhanh chóng của làn sóng Omicron khiến các bệnh viện tại khu vực Trung Tây Mỹ rơi vào tình trạng quá tải và phải chuẩn bị cho tình huống “tồi tệ nhất”.
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Minnesota, Mỹ (Ảnh: Getty).
So với nhiều khu vực khác tại Mỹ, các bang Indiana, Ohio và Michigan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 trong những tuần gần đây. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Mỹ, khoảng 1/4 giường bệnh tại các bang này có bệnh nhân Covid-19 điều trị.
Số người nhập viện ở Ohio đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 11 và sức ép đối với hệ thống y tế đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phía đông bắc của bang, bao gồm Cleveland.
Video đang HOT
“Nếu những ca nhập viện tiếp tục tăng, nó sẽ đạt đến điểm “vỡ trận”", John Palmer, người phát ngôn của Hiệp hội Bệnh viện Ohio, cho biết.
Với 78% số giường nội trú và 81% số giường chăm sóc đặc biệt đã kín chỗ, các bệnh viện ở Ohio buộc phải tạm dừng các ca phẫu thuật tự chọn và chuyển một số bệnh nhân đến các cơ sở khác do lo ngại làn sóng ca nhiễm Omicron tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ.
Tuần trước, Thống đốc Ohio Mike DeWine đã huy động hơn 1.000 lính Vệ binh Quốc gia, bao gồm 150 chuyên gia được đào tạo về y tế, đến giúp các nhân viên y tế đang bị quá tải tại các bệnh viện để làm các công việc như xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân, dịch vụ thực phẩm và bảo trì.
“Chúng tôi hy vọng kịch bản tốt nhất, nhưng cũng chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất liên quan đến Omicron. Thực tế vẫn còn rất nhiều người Ohio chưa được tiêm phòng”, người phát ngôn của Hiệp hội Bệnh viện Ohio cho biết.
Hiện chỉ 55% dân số đủ điều kiện của Ohio được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là gần 62%, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Những người chưa được tiêm chủng đầy đủ chiếm 94% số bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở Ohio trong năm nay tính đến ngày 15/12.
Dữ liệu của CDC cho thấy Omicron đã vượt qua Delta, trở thành biến chủng thống trị và chiếm 73% số ca mắc Covid-19 tại Mỹ. Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng Omicron có thể ít độc lực hơn và ít có khả năng khiến người nhiễm virus phải nhập viện. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của Omicron vẫn có thể dẫn tới làn sóng bệnh nhân cần chăm sóc.
Trong khi đó, các bệnh viện ở Michigan đang sử dụng 82% giường thông thường và 87% giường chăm sóc đặc biệt. Michigan hồi đầu tháng xác nhận 76% bệnh nhân Covid-19 tại bang này là những trường hợp chưa được tiêm chủng.
Michigan và Indiana nằm trong số 6 bang mà Tổng thống Joe Biden tuần này cho biết sẽ nhận được sự trợ giúp ngay lập tức từ các đội ứng phó khẩn cấp liên bang. 4 bang còn lại gồm Wisconsin, Arizona, New Hampshire và Vermont. Tính đến tuần trước, 4 trong 6 bang này nằm trong số 10 bang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện.
Tại các bệnh viện thuộc Đại học Y Illinois ở Chicago, các ca mắc Covid-19 đang “phủ kín” giường bệnh nhanh hơn so với làn sóng Covid-19 vào mùa đông năm ngoái.
“Với số ca nhiễm Omicron cứ sau 2-3 ngày lại tăng gấp đôi, hệ thống y tế của chúng ta có nguy cơ trở nên quá tải nhanh chóng”, Tiến sĩ Susan Bleasdale, giám đốc y tế về ngăn ngừa và kiểm soát truyền nhiễm tại hệ thống bệnh viện của Đại học Y Illinois cảnh báo.
Australia xem xét rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhóm cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATAGI) đang xem xét đẩy nhanh thời gian chờ để tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh bang New South Wales (NSW) vừa ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một ngày, mức cao nhất theo ngày từ trước đến nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 26/8/2021. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Truyền thông Australia cho biết ATAGI đã họp bàn về đề xuất rút ngắn khoảng thời gian chờ tiêm mũi tăng cường từ 5 tháng xuống còn 4 hoặc 3 tháng, tính từ khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai, và sẽ sớm công bố thông tin chính thức trong tuần này. Nếu được thông qua, đây là lần thứ hai ATAGI điều chỉnh thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường, sau khi đã cho phép rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 5 tháng vào tuần trước. Bên cạnh đó, ATAGI cũng đang đánh giá liệu việc tiêm ba mũi vaccine ngừa COVID-19 có đáp ứng tốt hơn yêu cầu chống các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.
Giáo sư Sharon Lewin, Giám đốc Viện nghiên cứu Doherty cho biết ATAGI đang phân tích các dữ liệu ở nước ngoài trước khi quyết định rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường. Cụ thể, nhà chức trách và nhóm cố vấn ATAGI đang cân nhắc quyết định dựa trên nghiên cứu tốc độ giảm lượng kháng thể của người đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 , độ an toàn khi tiêm mũi vaccine tăng cường sớm hơn, khả năng đáp ứng, hiệu quả của mũi vaccine này ra sao và nguồn cung vaccine trong nước.
Động thái của ATAGI diễn ra ngay trước thềm cuộc họp Nội các khẩn cấp của Australia, dự kiến diễn ra vào ngày 22/12. Cuộc họp này nhằm tìm ra giải pháp giúp kiểm soát số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng nhanh chóng, cũng như thống nhất cách tiếp cận của chính quyền các bang trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh.
Phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương của Australia hiện đã được dỡ bỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, giới chức y tế nước này đã kêu gọi các chính quyền địa phương cần khẩn trương tái áp đặt một số biện pháp hạn chế, như bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng có không gian kín và cả ngoài trời... Thậm chí, một số chuyên gia y tế hàng đầu của Australia đã hối thúc chính phủ xem xét lại kế hoạch mở cửa biên giới quốc tế, trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng đột biến trong nước.
Ngày 19/12 vừa qua, các chuyên gia, bao gồm cả Giáo sư Lewin, đã khuyến nghị Australia nên tái áp đặt các lệnh hạn chế "trong vài tuần", nhằm có thêm thời gian để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron và khả năng "lẩn tránh" vaccine của biến thể này. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nội các sẽ nhóm họp để đưa ra các giải pháp thích hợp nhất. Ông khẳng định Australia đảm bảo đủ nguồn cung cấp vaccine, với 13 triệu liều sẵn có và 9.000 điểm tiêm chủng trên khắp đất nước, để người dân có thể đăng ký tiêm mũi tăng cường.
New Zealand hoãn mở cửa biên giới do lo ngại biến thể Omicron New Zealand ngày 21/12 thông báo hoãn kế hoạch mở cửa biên giới cho đến hết tháng 2/2022, vì lý do biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên toàn cầu. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Wellington, New Zealand, ngày 3/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN Đảo quốc Nam Thái Bình Dương này vừa mới bắt đầu kế hoạch nới lỏng các...