Bệnh viện “lách luật” thu lợi
Cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, ở các BV đã triển khai viện phí mới, chất lượng khám chữa bệnh phần nào đã được cải thiện, song ngược lại, qua giám sát phát hiện tình trạng lạm dụng dịch vụ có xu hướng tăng, nhiều nơi còn sử dụng các chiêu “ lách luật” rất tinh vi nhằm thu lợi tối đa.
Bệnh nhân nặng gánh khi chi phí một đợt điều trị tăng hơn 30-40%
Một đợt điều trị đắt hơn 30-40%
Trong số 22 BV tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế đã được phê duyệt giá viện phí mới, mức giá tăng trung bình từ 88-94,5% so với khung giá tối đa. Với 49 địa phương đã được HĐND tỉnh, thành phố thông qua viện phí mới, có 8 tỉnh phê duyệt dưới 70% so với giá tối đa, 26 địa phương phê duyệt hoặc đang đề nghị phê duyệt giá nằm trong khoảng từ 70-80%, 10 địa phương phê duyệt giá nằm trong khoảng từ 80-90% và 5 địa phương phê duyệt giá từ 90% trở lên. Đáng chú ý, cả 5 địa phương phê duyệt giá từ 90% trở lên đều là những tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn, gồm Lào Cai (98%), Cao Bằng (93%), Khánh Hòa (95%), Đồng Tháp (93%), Ninh Thuận (91%). Với sự điều chỉnh như vậy, ước tính chi phí trung bình một lần đi khám chữa bệnh của người dân sẽ tăng thêm khoảng 30-40% so với giá viện phí trước đó.
Video đang HOT
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam cho biết, quan điểm của BHXH Việt Nam rất rõ ràng: Tăng viện phí là đúng đắn nhưng điều chỉnh ra sao thì phải cân nhắc. Thực tế có địa phương không hề nghiên cứu kỹ quy trình tăng giá viện phí, tự cho phép mình đề xuất mức giá cao ngất ngưởng, thậm chí khi xây dựng giá còn liệt kê dư thừa nhiều yếu tố cấu thành lên giá khám. Chẳng hạn, chi phí trong một phòng khám đã kê tiền giá điện sử dụng điều hòa rồi lại kê thêm cả tiền điện dùng cho quạt trần và quạt bàn. Đặc biệt, nhiều địa phương, nhiều BV cố ý lách luật khi xây dựng giá viện phí nhằm thu tiền tối đa của người bệnh. Ông Bằng lấy ví dụ, tại nhiều tỉnh (điển hình như Tiền Giang), những dịch vụ, kỹ thuật y tế được sử dụng nhiều, phổ biến thì đẩy giá lên tối đa (các địa phương khác cũng tăng bình quân từ 3-5 lần), còn những dịch vụ kỹ thuật rất ít sử dụng, bệnh nhân không có nhu cầu làm hoặc BV tại địa phương chưa thực hiện thì chỉ đề xuất tăng giá thấp, chỉ khoảng 43%. Như vậy, mức tăng bình quân sẽ không cao nhưng chi phí bình quân mà người bệnh phải bỏ ra mỗi lần khám chữa bệnh lại tăng rất cao.
Cũng theo phía BHXH Việt Nam, viện phí tăng khiến tình trạng “tăng cung” dịch vụ y tế không cần thiết, nghĩa là lạm dụng dịch vụ kỹ thuật có xu hướng tăng theo. Chẳng hạn, có những loại thuốc nằm trong danh mục hỗ trợ điều trị nhưng lại chiếm tỷ lệ khá cao trong đơn thuốc. Qua kiểm tra của BHXH Việt Nam tại một số BV, các loại thuốc hỗ trợ điều trị thường chiếm đến 20% trong một đơn thuốc. Như vậy là lãng phí, gây thất thoát tiền BHYT và đặc biệt làm tăng gánh nặng chi phí cho người bệnh.
Người tham gia BHYT sẽ tăng cao
Với chi phí bình quân một đợt điều trị tăng lên đến 30-40% so với trước đây, cả ngành y tế lẫn ngành BHXH đều tin tưởng rằng số đối tượng tham gia BHYT sẽ tăng lên nhanh chóng và sớm tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Tuy vậy, tỷ lệ số hộ thuộc đối tượng cận nghèo tham gia BHYT vẫn tăng rất chậm, số thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc lại càng tăng chậm hơn. Hiện cả nước còn khoảng gần 40% dân số chưa tham gia BHYT. Từ năm 2012, Nhà nước có chính sách hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo và 30% cho người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp. Nhưng bên cạnh lý do về tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân của thực trạng này là vì quyền lợi của người bệnh BHYT và chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn chưa được nâng cao.
Theo báo cáo của một số địa phương đã triển khai thực hiện dịch vụ y tế mới từ 1-8-2012, số bệnh nhân khám tại các bàn vẫn lớn hơn nhiều so với định mức (50-70 bệnh nhân/ bàn khám/ngày), tình trạng nằm ghép, nằm trên băng ca, ngoài hành lang vẫn phổ biến. Dù các bộ, ngành đều nhấn mạnh khi viện phí tăng, ngoài khoản phải đồng chi trả, người bệnh BHYT sẽ không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào cho các loại thuốc, vật tư tiêu hao song thực tế điều này vẫn chỉ là khẩu hiệu, đòi hỏi BHXH và ngành y tế phải có sự phối hợp giám sát chặt chẽ hơn.
TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương chia sẻ, ngành BHXH kêu nhiều về việc viện phí tăng cao, một số cơ sở y tế còn lạm dụng dịch vụ, kỹ thuật khiến cho nguy cơ “vỡ” quỹ BHYT tăng lên song điều này không hẳn đúng. Ông Phú phân tích, trong mối quan hệ tay 3 giữa BHXH – BV – người bệnh, khi viện phí tăng phải đảm bảo được lợi ích cho cả 3 bên, trong đó người bệnh phải được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật tốt hơn còn phía BV ngoài việc có nguồn thu tăng thì cũng phải bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người bệnh. Theo ông Phú, muốn số người tham gia BHYT tăng cao thì bản thân cơ quan BHXH phải có giải pháp đưa BHYT thành một gói dịch vụ hấp dẫn bởi chỉ khi dịch vụ hấp dẫn thì khách hàng mới tự nguyện tham gia, chứ không thể gán trách nhiệm hoàn toàn cho ngành y tế.
Theo ANTD
Yêu cầu các bệnh viện nâng cao chất lượng
Ngày 10-9, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, các BV phải chủ động dành kinh phí, tối thiểu khoảng 15% số thu từ tiền khám, tiền giường theo giá mới để mở rộng khoa khám, buồng bệnh, mua bổ sung, thay thế dụng cụ khám, điều hòa nhiệt độ, quần áo bệnh nhân... Ngoài ra, cần kiểm soát việc sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định kỹ thuật, tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, đơn thuốc, phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sai sót chuyên môn...
Cùng đó, Bộ cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, áp dụng khen thưởng, kỷ luật... trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Theo ANTD
"Bẫy nghèo" vì viện phí Với gần 88 triệu dân, trung bình ở Việt Nam cứ 10.000 người mới có 12 bác sĩ, một tỷ lệ đáng lo ngại so với các nước trong khu vực. Con số này còn thấp hơn nhiều ở vùng nông thôn miền núi, vùng sâu - xa nước ta, nơi thiếu cả bệnh viện lẫn nhân viên y tế. Trong khi đó,...