Bệnh viện K thêm 3 máy xạ trị, người bệnh đỡ xếp hàng giữa đêm
Ông Trần Văn Thuấn, giám đốc Bệnh viện K, cho hay bệnh viện này vừa lắp đặt 3 máy xạ trị và một máy xạ phẫu, giải quyết tình trạng người bệnh phải đi xạ trị vào ban đêm.
Khám sàng lọc ung thư tại Vĩnh Phúc ngày 29-6 – Ảnh: HÀ TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trong chuyến khám sàng lọc ung thư tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 29-6, ông Thuấn cho biết: trước đây Bệnh viện K chỉ có 6 máy xạ trị, sử dụng cho trên 300.000 lượt bệnh nhân/năm. Do số lượt sử dụng lớn mà máy ít ỏi, máy xạ trị phải sử dụng 22/24h mỗi ngày, bệnh nhân phải đi xạ trị cả vào ban đêm, gây bất bình lớn cho dư luận.
“Chúng tôi vừa lắp đăt thêm 3 máy xạ trị và 1 máy xạ phẫu, các máy mới này đang trong quá trình chạy thử, dự kiến sẽ sử dụng chính thức từ tháng 8 tới. Khi đó sẽ giải quyết cơ bản tình trạng người bệnh phải thức đêm để xạ trị”- ông Thuấn cam kết.
Ông Thuấn cũng cho biết: trước đây công suất giường bệnh của Bệnh viện K lên tới… trên 300%, nhiều khoa phòng đặc biệt quá tải. Nhưng gần đây, thống kê cho thấy công suất giường bệnh của bệnh viện chỉ còn 106%, tình trạng quá tải đã giảm rất nhiều và sắp tới sẽ giảm thêm.
“Chúng tôi đã có 42 bệnh viện vệ tinh, cả công và tư, trong đó các bệnh viện vệ tinh mới nhất sắp triển khai là Bệnh viện Lạc Việt ở Vĩnh Phúc và một bệnh viện ở Nghệ An”- ông Thuấn nói.
Theo thống kê năm 2018, Việt Nam ghi nhận trên 165.000 người mắc ung thư mới, trên 110.000 người tử vong do ung thư. Nhiều người bệnh ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, và đó là nguyên nhân số năm sống sau khi được phát hiện bệnh không dài.
Video đang HOT
L.ANH
Theo tuoitre
Dấu hiệu ung thư lưỡi mà bạn dễ dàng bỏ qua
Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Vài năm gần đây số ca ung thư lưỡi ngày càng gia tăng tại Bệnh viện K.
Theo thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 264.000 ca mới mắc ung thư lưỡi và khoảng 128.000 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2009 có hơn 10.500 trường hợp ung thư mới mắc, 1.900 trường hợp tử vong.
Dấu hiện mà bạn cần nghĩ ngay đến ung thư lưỡi
Giai đoạn đầu
Các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ngoài ra, ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường.
Khoảng 50% bệnh nhân có hạch ngay từ đầu. Hạch hay gặp là hạch dưới cằm, dưới hàm, cảnh cao. Khả năng di căn hạch vùng từ 15 - 75% tùy thuộc vào độ xâm lấn của u nguyên phát.
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này được phát hiện do đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nuốt. Người bệnh có thể sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Ngoài ra còn cảm thấy đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai; tăng tiết nước bọt; ra máu vùng miệng kèm theo hơi thở mùi khó chịu do tổn thương hoại tử gây ra.
Một số trường hợp gây khít hàm, cố định lưỡi khiến bệnh nhân nói và nuốt khó khăn. Ở giai đoạn này xuất hiện ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ ra máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được.
Giai đoạn tiến triển
Ở giai đoạn này, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây đau đớn, gây bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ ra máu, thậm chí có thể gây ra máu trầm trọng. Thường phải khám bệnh nhân ở trạng thái đã gây tê để hạn chế phản ứng của người bệnh do đau đớn. Việc thăm khám rất quan trọng để đánh giá độ thâm nhiễm xuống phía dưới, độ xâm lấn vào các mô tiếp cận: sàn miệng, trụ amidan, amidan, rãnh lưỡi... và đo kích thước khối u.
Khám hạch: khoảng 40-50% các trường hợp có hạch ngay từ lần khám đầu tiên, trong đó 3/4 là hạch di căn. Hạch dưới cằm dưới hàm hay gặp, hiếm gặp các hạch cảnh giữa và dưới. Đa số các tổn thương: 80% gặp ở bờ tự do của lưỡi, 10% gặp ở mặt dưới lưỡi, 8% gặp ở mặt trên lưỡi, 2% gặp ở đầu lưỡi.
Điều trị ung thư lưỡi như thế nào để đạt hiệu quả điều trị cao nhất?
Phẫu thuật
Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đến khám và phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u). Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có ra máu nhiều tại u, phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.
Xạ trị
Có thể xạ trị đơn thuần trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra có thể xạ trị tại chỗ (xạ trị áp sát) bằng cách dùng nguồn phóng xạ đặt hoặc cắm vào tổn thương ung thư tại lưỡi nhằm tiêu diệt tổn thương.
Xạ trị đóng vai trò điều trị triệt căn hoặc bổ trợ trong điều trị bệnh ung thư lưỡi. Tuy nhiên, nó cũng gây ra một số tác dụng phụ như khô miệng, viêm miệng, sạm da, cháy da, loét da, khít hàm.
Hóa chất
Có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa trị hoặc phối hợp đa hóa trị. Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng đa hóa trị cho kết quả đáp ứng tốt hơn đơn hóa trị.
Hóa trị tân bổ trợ là hóa trị trước phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm mục đích thu nhỏ tổn thương để phẫu thuật và xạ trị thuận lợi hơn. Hóa trị bổ trợ trước đem lại tỷ lệ đáp ứng tại chỗ cao (75 - 85%), nâng cao khả năng dung nạp thuốc cho người bệnh, giảm tỷ lệ kháng thuốc và ngăn ngừa di căn xa xuất hiện sớm. Hóa trị liệu trước phẫu thuật thường áp dụng cho ung thư đầu mặt cổ giai đoạn muộn.
Để phòng ngừa ung thư lưỡi mọi người cần thăm khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường để chẩn đoán, phát hiện bệnh và kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm nâng cao hiệu quả.
Theo VTV News
Bệnh viện K đưa vào khu khám bệnh mới đáp ứng 400 bệnh nhân mỗi ngày Cơ sở khám mới của bệnh viện K gồm 12 tầng, 8 phòng khám và khu vực điều trị có thể đáp ứng 400 - 600 lượt bệnh nhân tới khám mỗi ngày. Sáng 8/5, Bệnh viện K cơ sở 1 tại số 9A - 9B Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chính thức hoạt động. Theo GS.TS Trần Văn Thuấn,...