Bệnh viện FV kiến nghị thu phí dịch vụ tiêm vaccine Covid-19
Họp với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều qua, Bệnh viện FV cho biết họ có thể tiêm 10.000 mũi mỗi ngày, nhưng mong được thu phí dịch vụ tiêm.
Bà Phạm Thị Thanh Mai, giám đốc điều hành Bệnh viện tư nhân FV trong cuộc họp chiều 1/8 giữa Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo của các bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP HCM, cho biết hiện tại FV đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho gần 5.000 công dân Pháp và thân nhân tại phía nam. Đồng thời, bệnh viện tình nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân thành phố theo sự kêu gọi và phân công của Sở Y tế.
Theo bà Mai, chỉ với ba điều dưỡng, một bác sĩ cùng với một nhóm nhân viên hành chính, bệnh viện FV đã có thể tiêm 800 mũi mỗi ngày. Như vậy, với hơn 100 điều dưỡng có chứng chỉ tiêm vaccine, đơn vị này có thể tổ chức tiêm 10.000 mũi một ngày tại bệnh viện và các điểm tiêm di động. Nếu làm việc cả 7 ngày trong tuần, FV sẽ góp phần cùng thành phố đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng, mở rộng độ bao phủ vaccine phòng Covid-19.
Ngoài ra, bệnh viện đã trang bị hệ thống kho lạnh được Viện Pasteur TP HCM kiểm định và chứng nhận đủ điều kiện có thể lưu trữ cùng lúc 800.000 liều vaccine AstraZeneca, 200.000 liều Moderna và 600.000 liều Pfizer.
Nhân viên y tế Bệnh viện FV tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân theo phân công của Sở Y tế TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Tuy nhiên, người đại diện bệnh viện cũng kiến nghị Bộ trưởng cho phép họ “thu phí dịch vụ tiêm chủng” vì đây là điều kiện cần thiết để “cân đối ngân sách trong bối cảnh khó khăn chung”.
Video đang HOT
Bà Mai lý giải, FV là cơ sở y tế tư nhân, phải tự huy động ngân sách rất lớn để mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ hoạt động tiêm chủng, bao gồm hệ thống trữ lạnh âm sâu và kho lạnh hiện đại để bảo quản vaccine, trả lương cho nhân viên y tế, chi phí cho các hoạt động phụ trợ… FV còn phải tạm dừng các hoạt động của một số bộ phận khác để điều chuyển nhân sự ưu tiên cho công tác tiêm chủng.
Thêm nữa, sau khi Chính phủ và Bộ Y tế có Nghị quyết 21 khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng chống Covid-19, thông qua các mối quan hệ ngoại giao, Bệnh viện FV đã có nguồn mua vaccine, nên đề xuất được chủ động đàm phán, mua và nhập vaccine bằng nguồn tài chính của bệnh viện.
Bà Mai cho rằng, cách này sẽ không chỉ có thêm nguồn vaccine lớn mà người dân còn có thể tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm vaccine bằng khả năng tài chính của mình, như một cách góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trao đổi với VnExpress hôm nay, FV cho biết nếu bệnh viện được thành phố cấp vaccine theo nguồn chung để tiêm cho người dân thì bệnh viện sẽ tiêm nhưng lấy phí dịch vụ tiêm chủng. Còn nếu tiêm bằng nguồn vaccine do đơn vị tự nhập về cho những người có nhu cầu tiêm dịch vụ, bệnh viện sẽ thu cả phí vaccine và phí dịch vụ tiêm chủng. Mức phí dịch vụ tiêm hiện bệnh viện chưa có chính thức.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bệnh viện FV đang hoạt động theo mô hình “bệnh viện tách đôi” với 74 giường điều trị Covid-19, gồm 63 giường cho F0 không cần máy thở, 11 giường cho F0 cần điều trị đặc biệt. Theo kế hoạch của Sở Y tế ban hành ngày 22/7, Bệnh viện FV sẽ được huy động hoặc trưng dụng để điều trị cho trường hợp F0 có bệnh lý nền nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa (tầng 4 của tháp 5 tầng), với quy mô tối đa khoảng 200 giường.
Phản hồi kiến nghị của Bệnh viện FV, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao sự đồng hành chủ động của bệnh viện. FV dẫn lời ông Khuê cho biết Bộ sẽ xem xét các kiến nghị và sớm có chỉ đạo chính thức.
Tại cuộc họp chiều qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tha thiết kêu gọi các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân chung tay cùng TP HCM chống dịch, mong muốn các đơn vị y tế tư nhân đăng ký số giường cho bệnh nhân Covid-19, nhân sự có thể đảm đương công việc điều trị hồi sức và vận hành máy thở. Bộ trưởng cũng đề nghị y tế tư nhân chia sẻ, cho mượn những trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hậu cần… để điều trị Covid-19.
Khoảng 50 triệu liều Pfizer sẽ về Việt Nam dịp cuối năm
Bộ trưởng Y tế cho biết vaccine có thể về Việt Nam dồn dập trong quý IV. Riêng vaccine Pfizer là khoảng 47- 50 triệu liều.
Tại cuộc họp khẩn trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19 sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vừa ký văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19.
Ông Long yêu cầu các địa phương không giới hạn điểm tiêm, không giới hạn số lượng tiêm trong một buổi, thời gian chờ đợi sau tiêm có thể thay đổi theo quyết định của địa phương. Các tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch tiêm nhanh chóng nhất có thể nhưng phải đảm bảo an toàn.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo.
Theo Bộ trưởng Y tế, trong quý III, số lượng vaccine về có thể chưa nhiều nhưng tới quý IV thì dồn dập. Riêng vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng 47- 50 triệu liều.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ, huy động tổng lực các lực lượng tham gia tiêm chủng. Ngay cả khi có ít vaccine vẫn phải đẩy nhanh tốc độ tiêm để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm cho các đợt tới. Đặc biệt, tại các vùng phong toả càng phải tổ chức tiêm ngay.
"Có vaccine nào tiêm ngay vaccine đó, không lựa chọn vaccine. Tất cả các loại vaccine Bộ Y tế cấp phép đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép và sử dụng ở các nước", ông Long nói.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.
Bộ Y tế đã phân bổ hơn 16 triệu liều vaccine theo 16 đợt cho các địa phương, bộ ngành, đơn vị. Tính tới sáng 2/8, cả nước đã có gần 6,5 triệu liều vaccine đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân. Trong đó có gần 660.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.
Cũng trong ngày 2/8, Bộ Y tế có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm an toàn, miễn phí, không nhận bồi dưỡng từ các tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, có hiện tượng người đến tiêm bồi dưỡng tự nguyện cho cơ sở tiêm chủng. Việc này chưa đúng với chỉ đạo của Chính phủ về miễn phí tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị được phân công tiêm chủng vaccine tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 năm 2021-2022 theo phương châm tiêm chủng hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận bồi dưỡng từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế: 'Phải chuẩn bị cho trận chiến nhanh, mạnh, bền bỉ hơn' Đề cập việc một số địa phương chưa phát huy hết khả năng ứng phó, Bộ trưởng Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực cho việc phân loại, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại hội nghị trực tuyến tập huấn công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19 sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế...