“Bệnh viện có nhiều người mẹ như chị lắm”: Tâm sự xé lòng của những nữ y bác sĩ trong bệnh viện cách ly
Ở một nơi xa, trên ngực áo của những người mẹ là những nữ y bác sĩ đang cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh, dòng sữa vẫn chảy ướt đẫm, chảy cùng cả những giọt nước mắt tuôn trào trong nỗi nhớ con da diết của các chị…
Màn đêm buông xuống, đứa trẻ đang tuổi bú mẹ nào cũng rúc tìm ti mẹ. Không có bầu sữa mẹ, bọn trẻ trằn trọc khó ngủ và có thể khóc thét bất cứ lúc nào khi tỉnh giấc. Ở một nơi xa, trên ngực áo của những người mẹ là những nữ y bác sĩ đang cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh, dòng sữa vẫn chảy ướt đẫm, chảy cùng cả những giọt nước mắt tuôn trào trong nỗi nhớ con da diết của các chị…
“Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế!”
“Nhìn clip thằng bé khó ngủ vật vã tìm ti mẹ mà mình chỉ lặng lẽ khóc. Nhớ lắm, nhớ cảm giác ôm con vào lòng, nắn tay nắn chân, thơm trán, dụi đầu, xoa lưng… nhớ đến đau tim. Mình biết, còn nhiều người mẹ nữa giống mình ở trong bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương này. Có bạn con mới hơn 7 tháng tuổi.
Sáng nay nghe 1 bạn khóc òa vì nhớ con, mình cũng khóc theo. Đúng là các bà mẹ đang cho con bú dễ khóc thật! Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế” .
Đây là những dòng chia sẻ trên facebook rất ngắn gọn của một nữ bác sĩ đang cách ly trong BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có sở Đông Anh. Khi đọc những dòng này, tôi đã cố gắng liên lạc với chị qua facebook nhưng chị không muốn nói rõ danh tính của mình. Chị bảo: “bệnh viện có nhiều người mẹ như chị lắm…”.
Cuộc tâm sự của tôi với những người mẹ đặc biệt này diễn ra vào 21h tới 23h đêm khuya, khi các chị đã hoàn thành xong ca trực. Bởi, ban ngày, các chị phải làm nhiệm vụ của người thầy thuốc, khoác trên người đồ bảo hộ kín mít, không tiện nghe hay cầm điện thoại.
Tất cả những nhân vật trong bài viết này không có tên tuổi cụ thể bởi các y bác sĩ này không muốn thể hiện mình, họ nghĩ những việc họ làm là trách nhiệm họ cần phải thực hiện, không phải “điều gì đáng nói”. Nhưng chắc rằng, mọi người vẫn hoàn toàn tin vào những câu chuyện tôi kể dưới đây, tin vào những con người này và việc làm của họ là có thật.
Đêm nào thằng bé cũng tỉnh giấc 3, 4 lần khóc ngằn ngặt đòi mẹ
Qua máy điện thoại, chị D, một nữ điều dưỡng nói chuyện mà giọng nghẹn ngào như muốn khóc. Chị D nhà ở Đông Anh, có 2 con trai, cháu lớn 4 tuổi, cháu bé 10 tháng tuổi. Chị đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh từ ngày 5/5, hai con để lại cho ông bà nội trông giúp vì chồng chị là công an, đợt này đã đi công tác 10 ngày chưa về.
Chị nhớ như in buổi sáng ngày 5/5/2021, chị đang làm thì nhận được lệnh phong tỏa toàn bệnh viện, không ai được rời khỏi viện: “Em đợi tới chiều, hy vọng có sự thay đổi nào đó nhưng cổng bệnh viện đã khóa lại, khi đó, em mới cầm máy gọi về nhờ ông bà nội trông con” – chị D kể lại.
Chị D bắt đầu chuỗi ngày cách ly tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Đông Anh từ ngày 5/5/2021. Chị vẫn tiếp tục làm công việc của mình.
Một ngày, chị D sợ nhất là thời khắc mỗi khi màn đêm buông xuống. Chị biết, giờ này, con trai út 11 tháng của chị bắt đầu trằn trọc tìm ti mẹ rồi ngằn ngặt khóc trên tay bà nội. “Thằng cu khó ngủ lắm, lúc trước khi chưa chưa đi cách ly, tối nào cũng phải mất một lúc cháu mới ngủ được. Em đi cách ly đột ngột chưa kịp cai sữa nên cháu quấy lắm. Bà cứ phải bế vác trên vai hằng tiếng đồng hồ rồi mới ngủ.”
Mỗi đêm, thằng cu thường thức dậy 3, 4 lần rúc ti mẹ rồi ngủ nhưng từ hôm vắng mẹ, đêm nào hai bà cháu cũng vật lộn với nhau. Thằng cu chỉ ngủ được 1 hoặc 2 tiếng rồi lại dậy, không có ti mẹ, nó khóc, bà phải bế vác cháu lên nhưng cũng có lúc cháu chịu, có lúc cháu không chịu, cứ khóc cả tiếng đồng hồ. Thương bà, thương cháu lắm” – kể tới đây giọng chị D lạc đi, không kìm nổi cảm xúc.
“Những ngày đầu, sữa về nhiều, em phải vắt bỏ đi nhưng bây giờ, càng ngày, sữa càng kiệt dần, chắc tới ngày 1/6 là hết 21 ngày cách ly, em được về nhà thì có khi cũng hết sữa luôn. Có lẽ em sẽ cai sữa sớm cho con” – chị D chia sẻ.
Nữ điều dưỡng BV Bệnh Nhiệt đới trung ương phát thuốc cho bệnh nhân
Trở thành bệnh nhân COVID-19 điều trị ngay tại bệnh viện mình làm việc
Câu chuyện với nữ điều dưỡng tên D thẫm đẫm nước mắt nhớ nhung còn câu chuyện với nữ điều dưỡng tên H lại khiến cho tôi cảm thấy như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới dù nữ điều dưỡng này đang là bệnh nhân điều trị COVID-19.
H là một nữ điều dưỡng làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh có tuổi đời còn trẻ, rất xinh xắn và mới có một con gái đầu 21 tháng tuổi. Tôi đã quen H từ 6 năm trước. H cho biết, em bị nhiễm COVID-19 trong khi làm nhiệm vụ tại một đêm trực. Tuy nhiên, H không có triệu chứng, không ho, không sốt, mà chỉ mất khứu giác. Tôi cũng cảm nhận được tình trạng sức khỏe của H ổn qua giọng nói của em nhanh nhẹn và vui vẻ.
Có lẽ tới suốt cuộc đời, H sẽ không bao giờ quên ngày 4/5 vừa rồi. Hôm ấy, buổi sáng, khi phát hiện trong khoa có người dương tính, ngay buổi chiều, Khoa cho toàn bộ cán bộ nhân viên và một số bệnh nhân làm xét nghiệm. H cũng được làm xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Tới sáng ngày 5/5/2021, nhận được lệnh phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh, H ở lại luôn để cách ly. “Hôm đó tất cả mọi người dù đang không phải tua trực ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng cũng phải tới bệnh viện chấp hành cách ly” – H cho biết.
Điện thoại về nhà thông báo tin ở lại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương Đông Anh cách ly, đồng thời, H cũng nói với chồng phải tự cách ly ở nhà vì chồng H là F2. Tuy nhiên, tới ngày 9/9, xét nghiệm lần thứ 2, kết quả cho thấy, H đã nhiễm COVID-19.
Một ca cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở Đông Anh
Đâu phải chỉ bom rơi đạn nổ mới là chiến tranh!
Từ ngày 9/9/2021, H trở thành bệnh nhân COVID-19. Em không làm công việc của người điều dưỡng nữa mà chuyển sang khu điều trị bệnh nhân như những bệnh nhân COVID-19 khác.
“Bây giờ em là bệnh nhân nên chỉ ở trong phòng, không được ra ngoài. Em không có triệu chứng bệnh, không ho, không sốt, mà chỉ mất khứu giác. Ở đây em được chăm sóc ổn lắm, mỗi bữa, thức ăn được đổi món liên tục. Em uống thuốc hằng ngày. Thuốc uống cũng không có biểu hiện mệt” – H cho hay.
Còn chồng của H, thì tự cách ly ở nhà từ ngày mùng 5/5 nhưng tới ngày 9/5, khi H có kết quả dương tính, chồng H cũng được y tế địa phương đưa đi cách ly tập trung tại Tây Mỗ. Vậy là, cô con gái nhỏ 21 tháng tuổi phải nhờ ông bà ngoại trông giúp.
“Trước đây, ngày nào cũng làm việc như trâu nhưng bây giờ, là bệnh nhân chỉ phải ngồi 1 chỗ, em hay gọi cho ông xã và con bé. Cả nhà nói truyện nhìn nhau qua điện thoại.
Em cai sữa con bé rồi nên cũng đỡ vất. Chỉ là cả nhà nhớ nhau thôi. Mong chóng cho tới ngày em được ra viện và ông xã em âm tính trong những lần xét nghiệm tới” – H lạc quan chia sẻ.
Trong câu truyện với điều dưỡng D ở trên, chị có nhắc tới một đồng nghiệp làm cùng khoa tên N. Điều dưỡng N cũng có một con trai vừa sinh nhật 1 tuổi cách đây 1, 2 ngày. Dù vẫn trong chế độ không phải chống dịch và ra khu cách ly sớm vì có con dưới 1 tuổi nhưng chị N vẫn xung phong tham gia chống dịch. Tôi muốn xin liên lạc với chị N. Nhưng chị N nói lại với điều dưỡng D rằng “chị ngại lắm, chị không lên báo đâu, chị chẳng biết nói gì…”.
Còn rất nhiều các nữ y, bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh có con nhỏ như những điều dưỡng D, N, H. Các chị, những nữ thầy thuốc thuốc luôn khiêm nhường và lặng lẽ như vậy. Đâu phải chỉ bom rơi đạn nổ mới là chiến tranh! Trong cuộc chiến của dịch bệnh COVID-19 khốc liệt này, những người nữ thầy thuốc vẫn lặng lẽ, bền bỉ chiến đấu với bệnh dịch!
Người mẹ nghèo cầm giải thưởng lớn của con gái lần đầu làm "cameo" chụp ảnh kỷ yếu, xem album thành quả ai cũng rưng rưng
Bộ ảnh kỷ yếu 0 đồng này dù không đầu tư cầu kỳ nhưng lại có cảm xúc khó tả.
Những ngày tháng 4, tháng 5 hằng năm, các học sinh cuối cấp ở khắp nơi lại rộn ràng bước vào mùa chụp ảnh kỷ yếu để lưu giữ lại những khoảnh khắc tươi đẹp nhất thời học trò. Ngày nay, khi cuộc sống phát triển hơn, học trò không còn gò mình lại với những concept kỷ yếu thông thường mà ngày càng sáng tạo với các phong cách chụp ảnh độc lạ. Nhưng bạn đã có bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ lưu giữ lại những bức ảnh cuối cùng của thời học sinh với bố mẹ hay chưa?
Mới đây, một bộ ảnh kỷ yếu của một cô học trò đã gây sốt cộng đồng mạng. Bộ ảnh không váy áo sặc sỡ, không bối cảnh lộng lẫy, không thiết bị quay hình xịn xò ấy thế nhưng xem qua ai cũng nghẹn ngào vì quá cảm xúc. Những tấm ảnh ghi lại cảnh người mẹ đang rạng rỡ, vui mừng vì thành tích học tập đáng tự hào của con gái trong căn nhà ọp ẹp và thiếu thốn.
Được biết, nhân vật chính của câu chuyện trên là bạn Nguyễn Thị Kim Ngân - học sinh lớp 12A2 trường THPT Vĩnh Bình của huyện Gò công Tây - Tiền Giang. 10X có hoàn cảnh khó khăn. Bố mất khi cô bạn vừa tròn 1 tuổi, kể từ đó, một mình mẹ phải nuôi Ngân ăn học.
Căn nhà bối cảnh của bức ảnh cũng là nhà mà hai mẹ con Ngân ở nhờ người quen suốt nhiều năm qua. Mẹ của cô bạn làm nghề may gia công nhưng do dịch bệnh Covid-19 hoành hành hơn năm qua mà hiện tại cô cũng không có việc gì làm để trang trải cuộc sống.
Dù khó khăn là thế nhưng Kim Ngân lại có thành tích học tập cực tốt. Cô bạn luôn duy trì được thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền và gần như đứng đầu trường về điểm số. Tham gia 2 cuộc thi học thuật do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang tổ chức, 10X đều đạt giải Nhất. Trong bộ ảnh, cô bạn cùng mẹ mình đang rạng rỡ với tấm bằng khen giải Nhất cuộc thi Đường Đến Vinh Quang.
Được biết, đây là dự án cá nhân được thực hiện bởi thầy Phạm Văn Thông, giáo viên trường THPT Ngô Văn Nhạc, Tiền Giang với mong muốn ghi lại câu chuyện đẹp của các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vươn lên, nỗ lực trong học tập.
Đúng là không có gì đẹp bằng tình mẫu tử, bộ ảnh đã cho thấy những cố gắng, hy sinh của người mẹ để nuôi con đã được đền đáp xứng đáng bằng kết quả học tập đáng ngưỡng mộ của con gái. Bộ ảnh kỷ yếu 0 đồng này dù không cầu kỳ nhưng hẳn là những tấm ảnh cảm xúc nhất mùa tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 năm nay!
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nỗi lòng những người mẹ đem cho con vì hoàn cảnh túng quẫn Cuộc sống rơi vào cảnh bế tắc đã khiến những người phụ nữ này phải đành đoạn đưa con ruột của mình cho người khác nuôi để rồi cả đời phải sống trong sự dằn vặt. Đối với người mẹ, con cái luôn là điều quý trọng nhất. Chẳng người mẹ nào lại muốn vứt bỏ đứa con do chính mình dứt ruột...