Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim ít xâm lấn
Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa áp dụng thành công kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim ít xâm lấn cho bệnh nhân từng phẫu thuật thay van tim một lần.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức phẫu thuật tim – Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám cho bệnh nhân sau khi áp dung phương pháp phẫu thuật tim mới. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Ngày 31/12, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa áp dụng thành công kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim ít xâm lấn mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Hai tháng trước, anh Huỳnh Thanh Hòa (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) bị ho ra máu, không thở được.
Đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, anh được chẩn đoán viêm phổi, tăng áp phổi do hở van tim 2 lá. Tuy nhiên, do anh Hòa từng phẫu thuật thay van tim một lần cách đây 15 năm nên Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sỹ xác định bệnh nhân bị hở van tim 2 lá. Tuy nhiên, do cách đây 15 năm bệnh nhân đã phẫu thuật tim bằng phương pháp cưa xương ức kinh điển, nếu tiếp cận lại phương pháp phẫu thuật này thì nguy cơ dính vết mổ cũ rất lớn.
Video đang HOT
“Nếu như cưa lại xương ức theo vết mổ cũ thì có khả năng bệnh nhân sẽ bị rách động mạch chủ, rách tim, thậm chí là vỡ tim do sau phẫu thuật lần 1, tim của bệnh nhân gần như nằm sát với lồng ngực,” tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thái An cho hay.
Đồng thời, nếu phẫu thuật theo phương pháp cưa xương ức kinh điển bệnh nhân sẽ mất nhiều máu, tổn thương lớn, thời gian hồi phục lâu.
Do đó, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định sử dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi có hỗ trợ bằng một đường mổ nhỏ bên ngực phải.
“Ứng dụng kỹ thuật này dù bác sỹ gặp nhiều bất lợi như phẫu trường hẹp, khó thực hiện các thao tác kỹ thuật, thời gian phẫu thuật kéo dài nhưng bệnh nhân tránh được nguy cơ tổn thương tim, hồi phục nhanh và thay vì một vết mổ dài đến 20cm giữa ngực thì vết mổ mới chỉ dài khoảng 5-6cm bên ngực phải,” bác sỹ Nguyễn Thái An nhận định.
Chỉ 20 ngày sau phẫu thuật, anh Huỳnh Thanh Hòa được xuất viện và đến nay đã hoàn toàn khỏe mạnh, có thể làm việc như bình thường.
“Lần phẫu thuật trước, thời gian điều trị sau phẫu thuật kéo dài cả mấy tháng thì lần phẫu thuật nhẹ nhàng hơn nhiều. Hiện tôi đã có thể đi làm bình thường” – anh Hòa chia sẻ.
Được biết, phẫu thuật nội soi hỗ trợ bằng một đường mổ nhỏ đi qua khoảng hở giữa 2 xương sườn bên ngực phải để giải quyết các bệnh lý về van tim là kỹ thuật được các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện từ năm 2015 và đến nay đã trở thành phẫu thuật thường quy.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được ứng dụng vào cuộc phẫu thuật lần thứ 2 đối với bệnh nhân mắc bệnh lý van tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thái An, với mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho bệnh nhân, các bác sỹ Khoa Phẫu thuật tim luôn tìm tòi những phương pháp mới và kỹ thuật này không những giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn hạn chế được những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh./.
Đinh Hằng
Theo TTXVN/Vietnamplus
Cần Thơ: Impact Health Việt Nam hỗ trợ 3 ca phẫu thuật đặc biệt
Dưới sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia về phẫu thuật tim của Impact Health Việt Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thành công cả 3 trường hợp phẫu thuật bắc cầu không cần sự hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thậu - Ảnh: Phong Phạm
Chiều 7.11, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn - Giám đốc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết, lần đầu tiên tại bệnh viện và cũng là tại ĐBSCL, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật liên tiếp 3 ca bắc cầu động mạch vành trong ngày, có sử dụng hệ thống máy theo dõi huyết động liên tục. Thành công có được nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đoàn Impact Health Việt Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Bệnh nhân thứ nhất là Võ Thị Đ. (60 tuổi, ngụ TX.Bình Minh, Vĩnh Long), nhập viện ngày 30.10.2019, do đau ngực trái. Tiền sử bệnh mạch vành 3 nhánh, nhồi máu cơ tim cũ đã đặt 2 stent. Phương pháp điều trị tối ưu trong trường hợp này là phẫu thuật bắc cầu. Bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật bắc cầu với 3 cầu của động mạch vành mà không có hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể.
Bệnh nhân thứ hai là Trương Ngọc Kh. (53 tuổi, ngụ H.Bình Tân, Vĩnh Long), nhập viện ngày 28.10, trong tình trạng mệt, khó thở, đau ngực trái, uống thuốc không giảm. Bản thân bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, bệnh 3 nhánh động mạch vành - hở van 2 lá nặng - suy tim độ 3. Bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật bắc 3 cầu động mạch vành, sửa đặt vòng van 2 lá.
Bệnh nhân thứ ba là Nguyễn Hữu Tr. (72 tuổi, ngụ H.Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), vào viện ngày 28.10, vì lý do mệt, khó thở. Bản thân bệnh nhân bị hẹp van 2 lá - rung nhĩ - hẹp 90% nhánh liên thất trước đoạn 1. Bệnh nhân được thực hiện đồng thời 4 phẫu thuật trên cùng 1 bệnh nhân: bắc cầu động mạch vành nhánh liên thất trước, thay van 2 lá sinh học- phẫu thuật Cox -Maze điều trị rung nhĩ, sửa van 3 lá De-Vega.
Đặc biệt trong ngày phẫu thuật này êkip đã sử dụng trang thiết bị là hệ thống theo dõi huyết động liên tục. Đây là 1 hệ thống theo dõi huyết động cấp cao đo liên tục và đồng thời nhiều thông số huyết động như: cung lượng tim, tiền gánh, sức cản hệ thống, sức co bóp của tim và lượng nước ngoài lòng mạch ở phổi mà không cần thiết phải đặt catheter vào tim phải. Đây là những thông số giúp ích rất nhiều trong quá trình phẫu thuật và hồi sức sau mổ tim.
Sáng 7.11, cả 3 bệnh nhân đã rút nội khí quản, tĩnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định. Việc phẫu thuật thành 3 trường hợp bắc cầu động mạch vành trong ngày với những tổn thương nặng và phối hợp cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn đồng bộ của các chuyên khoa.
Đặc biệt trong dịp này, tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, đoàn Impact Health Việt Nam đã hỗ trợ các dụng cụ, thuốc cấp cứu, 33 stent mạch vành phủ thuốc, phẫu thuật 10 ca bệnh van tim và phẫu thuật bắc cầu cho bệnh nhân nghèo hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 4 tỉ đồng.
Phong Phạm
Theo motthegioi
Những người sửa 'lỗi' trái tim Để cứu sống một bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh, các bác sĩ đã đổ cả tâm sức vào ca mổ, bởi đây là kỹ thuật rất phức tạp và bác sĩ phải đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu. Các bác sĩ thực hiện một ca mổ tim tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: B. Nhàn...