Bệnh viện chật vật xoay xở tìm nguồn cung thuốc
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế vẫn đang xảy ra ở nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Mỗi ngày Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tiếp nhận khoảng 1000 lượt bệnh nhân ngoại trú, trong đó 2/3 dịch vụ phải sử dụng thuốc gây tê, chưa kể cả bệnh nhân nội trú cũng phải sử dụng nhiều. Tuy nhiên, dự kiến khoảng 2 tuần nữa bệnh viện sẽ hết thuốc gây tê. Trong khi đó, thuốc gây tê rất quan trọng với các cơ sở điều trị răng hàm mặt.
TS.BS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, bệnh viện cũng đang loay hoay tìm loại thuốc phù hợp nhất, có thể thay thế những thuốc đang dùng bị thiếu, khan hiếm; đặc biệt là thuốc gây tê, loại thuốc cực kỳ quan trọng với một cơ sở điều trị về răng hàm mặt.
Các bệnh viện chật vật xoay xở tìm nguồn cung thuốc. (Ảnh minh họa)
Được biết, loại thuốc gây tê mà Bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương đang sử dụng là thuốc nhập khẩu của Pháp. Hiện Việt Nam chưa sản xuất được thuốc tê nha khoa nên không thể chủ động nguồn thuốc thay thế trong nước.
“Xảy ra tình trạng thiếu thuốc gây tê như vừa qua là do vấn đề giấy phép nhập khẩu cho thuốc tê chưa được gia hạn, các công ty cung ứng thuốc cũng đã hết hàng”- TS.BS Phạm Thanh Hà cho biết.
Việc thiếu thuốc trước đây chỉ xảy ra các cơ sở y tế công lập là chính, khối tư nhân vẫn có thể mua được. Tuy nhiên hiện nay, kể cả các cơ sở tư nhân cũng đang bị thiếu vì dự báo nguồn cung sắp tới rất khó khăn.
BS Phạm Thanh Hà cũng cho biết, trong tình huống thiếu thuốc tê, để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bệnh viện có thể thay thế bằng một số thuốc có tính năng tương tự, nhưng điều này không thể đảm bảo chất lượng tốt như những loại được chọn lựa. Bên cạnh đó, thời gian từ khi công ty đăng ký nhập khẩu đến khi về Việt Nam phải mất ít nhất 3- 4 tháng vì các nhà máy sản xuất đều yêu cầu phải có kế hoạch đặt hàng trước.
Video đang HOT
“Một số loại thuốc tê có thể sử dụng với người bình thường, nhưng với những người có bệnh lý cao huyết áp, tim mạch thì không thể, dẫn đến cơ hội điều trị của bệnh nhân sẽ giảm đi. Chúng tôi cố gắng nâng cao y đức, chuyên môn, nghiệp vụ để lựa chọn các phương án tốt nhất, phù hợp nhất, an toàn nhất với người bệnh, đảm bảo chất lượng điều trị“- TS.BS Phạm Thanh Hà cho biết.
Giao cho cơ sở thay vì đấu thầu thuốc tập trung?
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế vẫn đang xảy ra ở nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khám chữa bệnh, thậm chí tính mạng của người bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc từ giấy tờ, thủ tục chưa kịp thời. Bên cạnh đó, quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế cũng tác động lớn đến nguồn cung ứng thuốc phục vụ cho khám chữa bệnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết một trong những nguyên nhân là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám triển khai đấu thầu, mua sắm của một số địa phương, đơn vị. Cũng theo Bộ Y tế, ngay cả khi một số địa phương đã giao các đơn vị chủ động tự đấu thầu thay vì đấu thầu tập trung, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.
Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, về lâu dài, cần có sự xem xét một cách tổng thể, khi có thuốc nên để ở Trung ương đấu thầu hay phân cấp về địa phương.
“Việc phân công phân cấp, phân quyền trong đấu thầu cũng cần phải được đặt ra nhưng trong bối cảnh là đáp ứng được năng lực của bộ phận thực hiện công tác đấu thầu. Nếu có phân cấp cũng phải xem xét mặt bằng của thị trường, bởi có thể mỗi nơi một giá khác nhau và họ lại có cơ hội để so sánh và nếu các giải pháp thực hiện được thì công tác đấu thầu thuốc sẽ ngày một tốt hơn“- ông Quang cho biết.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), để có được quan điểm giữ hay bỏ cần phải có các thông tin đầy đủ và thực tế.
Với các thuốc đàm phán giá rõ ràng, thường là các thuốc biệt dược ông Quang cho rằng nên để Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia thực hiện công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, với các loại thuốc khác gắn với đấu thầu tập trung, nếu cần xem xét khả năng cung ứng, đáp ứng toàn bộ thị trường thuốc của 63 tỉnh, thành cũng nên để Trung ương thực hiện. Khi có giá nhất định, các địa phương ký hợp đồng và thực hiện. Theo ông Quang, đây cũng là bước cải cách cả về tài chính và hành chính.
“Trong trường hợp chúng ta mạnh dạn giao các địa phương thực hiện thì phải xem xét năng lực của địa phương đó có đảm bảo đáp ứng được yêu cầu không. Hà Nội, TP.HCM, một số các tỉnh thành khác năng lực đấu thầu tốt nhưng một số địa phương khác thì chưa chắc đã tốt, nên chúng ta cần có sự xem xét khách quan nhưng cũng phải khoa học, thực tiễn để xem giữ hay bỏ đấu thầu thuốc tập trung. Như vậy chúng ta mới có được một quyết sách mang tính chất khách quan và phải đem lại hiệu quả lớn nhất cho xã hội”- ông Nguyễn Huy Quang cho biết.
Ngày 3/8/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Trung tâm) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, với tổng giá kế hoạch hơn 7.630 tỷ đồng, giá trúng thầu là 6.293 tỷ đồng, tiết kiệm được 1.337 tỷ đồng, thậm chí có thuốc chỉ còn 46-48% so với giá kế hoạch.
Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng giải tỏa cơn khát thuốc là phi thực tiễn. “Muốn thực hiện được, trên cơ sở gói thầu này, các địa phương phải tham gia ký hợp đồng để cung ứng thuốc với các doanh nghiệp đã có trúng thầu, sau đó chuyển tiền và thực hiện gói thầu đó. Gói thầu đó tập trung vào thuốc nào và thuốc đó có thực sự thiếu trên thị trường hay không thì mới giải tỏa được cơn khát. Phải thúc đẩy để các sở y tế, bệnh viện căn cứ vào kết quả trúng thầu khẩn trương lập các kế hoạch, các dự toán để ký hợp đồng mua thuốc đối với các doanh nghiệp này”- ông Nguyễn Huy Quang cho biết.
Đấu thầu ngành Y và những chuyện cười ra nước mắt
Ngành Y với mục tiêu đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị cho người bệnh nên những trang thiết bị, vật tư...sử dụng cần phải đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu.
"Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt" - Phát ngôn của Giám đốc Bệnh viện chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã gây bão dư luận. Không ít người đặt câu hỏi: Vậy trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu khi để bác sĩ phải sử dụng dao mổ không đảm bảo yêu cầu như vậy?
Ảnh minh họa.
Một số người khác thì cho rằng: "Nếu rạch 2 lần không đứt thì rạch 3 lần, 4 lần", bác sĩ có thể chỉ cần tốn thêm một ít thời gian nhưng tiết kiệm được một số tiền đáng kể với gói thầu "rẻ nhất". Nhưng thực sự thì điều này không đơn giản như vậy!
Dao mổ là một dụng cụ y tế được thiết kế "đủ bén" để giảm thiểu được tối đa tổn thương ở các tế bào vùng bị cắt, điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm, sưng sau mổ, giảm hiện tượng xơ hóa, thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại nhỏ. Nghĩa là, việc có con dao mổ không đảm bảo"chất lượng để phẩu thuật" sẽ làm tổn thương mô lan rộng, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ, thời gian vết thương lành lâu hơn và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó.
Không chỉ con dao mổ, nhiều thứ khác trong lĩnh vực Y tế cũng có chung số phận, như: kim chỉ, thuốc men, dụng cụ hỗ trợ...
"Phải dùng chỉ khâu rẻ tiền, kém chất lượng khi phẫu thuật cho bệnh nhân, tôi luôn lo ngay ngáy, trằn trọc" - chia sẻ của một bác sĩ làm việc ở bệnh viện tuyến cuối phía Bắc.
Tại TP.HCM, các y bác sĩ làm việc cho một bệnh viện tuyến cuối, cũng "toát mồ hôi" mỗi lần tháo sonde tiểu cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Sonde tiểu được dùng để đặt vào trong bàng quang, giúp dẫn lưu nước tiểu trong quá trình mổ. Sau khi bệnh nhân có thể tự đi tiểu, y bác sĩ làm động tác xả quả bóng để lấy sonde ra. Với sản phẩm của những nhà sản xuất uy tín, việc này thực hiện rất dễ dàng, không tốn nhiều thời gian. Nhưng với hàng kém chất lượng, đây là cả một vấn đề.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị và hiện tượng giảm chất lượng vật tư y tế ở bệnh viện có phải là một trong những hệ quả của cơn bão Việt Á - CDC?
Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức trung tuần tháng 8, bác sĩ Nguyễn Tri Thức có nhắc tới một thông tư về đấu thầu mua sắm từ năm 2016 và 2 website về mua sắm công. Thông tư ấy quy định là phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm. Nhưng thực tế thì "có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở 1 quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không mua sắm nổi".
Còn 2 website đều "chạy chưa ổn". Có lúc muốn tham khảo, tra cứu phải mở... 18 cửa sổ mới tìm được thông tin, có lúc cả bệnh viện tập trung đấu thầu...
Có nghĩa là tình trạng thiếu và bất cập trong mua sắm xảy ra từ lâu và chỉ bộc phát khi nỗi sợ khiến việc đấu thầu mua sắm đóng băng.
Thêm nữa, trong đấu thầu mua sắm, chúng ta đặt mục tiêu "càng rẻ càng tốt, năm sau phải rẻ hơn năm trước". Đồng ý rằng tiền của nhà nước và tiền do nhân dân đóng góp cần được chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Nhưng, ngành Y với mục đích cuối cùng là đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị cho người bệnh nên những trang thiết bị, vật tư.... sử dụng trong ngành Y cần phải đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu. Vì thế không thể để "giá cả" là thứ tự ưu tiên hàng đầu để lựa chọn một sản phẩm.
Một số quy định trong đấu thầu hiện nay không có nhiều tác dụng trong việc đảm bảo sự minh bạch trong quá trình mua sắm công. Ngược lại, có thể gây tác dụng phụ, và như những gì chúng ta đang chứng kiến, những quy định đó thậm chí còn làm tê liệt hoạt động của ngành y tế...
Y bác sĩ than tiền trực ca đêm chỉ 115.000 đồng Khối lượng công việc nhiều nhưng tiền trực ca đêm của nhiều y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ được 115.000 đồng, phụ cấp phẫu thuật chỉ 150.000 đồng/ca. Thông tin được bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại buổi làm việc với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Bà...