Bệnh viện cách ly đặc biệt thứ 2 lập tại Quảng Ninh
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch nCoV, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Bệnh viện cách ly đặc biệt thứ 2 với quy mô 200 giường cùng các trang thiết bị y tế tốt nhất, đảm bảo hiệu quả tối đa trong công tác phòng chống dịch.
Bệnh viện cách ly đặc biệt thứ 2 đặt tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh.
Cụ thể, Bệnh viện cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân thứ 2 tại Quảng Ninh được đặt tại Bệnh viện Lao & Phổi tỉnh Quảng Ninh (phường Cao Xanh, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) do Giám đốc bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Hùng phụ trách.
Bệnh viện được triển khai với quy mô 200 giường cùng các trang thiết bị y tế tốt nhất và trưng dụng toàn bộ nhân viên y tế của Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh và các nhân viên do Sở Y tế điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo hiệu quả tối đa trong công tác phòng chống dịch nCoV.
Các bệnh nhân lao phổi được chuyển sang khu điều trị mới.
Tỉnh Quảng Ninh còn xây dựng 4 Trung tâm thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân viêm phổi cấp do virus corona trên cơ sở Khoa bệnh nhiệt đới tại các Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Quảng Ninh, bệnh viện Bãi Cháy, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và bệnh viện Việt Nam Thụy Điển – Uông Bí, mỗi trung tâm có năng lực tiếp nhận khoảng 100 ca bệnh.
Video đang HOT
Đồng thời, tổ chức khu điều trị cách ly tại 13 khoa truyền nhiễm của 13 trung tâm y tế huyện, thị xã và 2 bệnh viện đa khoa tuyến huyện (Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả và Bệnh viện Đa khoa TP Cẩm Phả), mỗi khu vực có khoảng 20 đến 30 giường bệnh.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Bệnh viện cách ly đặc biệt, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona tại TP Móng Cái, được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ giỏi chuyên môn, sẵn sàng làm nhiệm vụ 24/24h đã được đưa vào hoạt động từ ngày 3/2.
Hiền Vũ
Theo baophapluat
Ngày đầu tiên học sinh nghỉ học phòng chống dịch nCoV: Nhà trường, phụ huynh tìm cách ứng phó
Quyết định cho học sinh (HS) nghỉ học để phòng chống virus Corona (nCoV) vào tối 2/2 đã khiến nhiều phụ huynh không kịp trở tay. Các nhà trường cũng bị động nhưng sau đó đã họp bàn và có kế hoạch giao bài tập cho học sinh làm trong những ngày nghỉ học ở nhà.
Kiểm tra thân nhiệt của học sinh tại quận Thanh Xuân trước khi có thông báo nghỉ học. Ảnh: Phạm Hùng
Các con ở nhà tự trông nhau
Từ hôm qua (3/2), HS từ bậc mầm non đến THPT ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nghỉ học ở nhà để tránh dịch nCoV. Quyết định này được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ, bởi sức khỏe của các con là quan trọng nhất. Nhưng có không ít phụ huynh bị động, gặp khó khăn trong việc trông và quản lý con. Ngay khi nhận được thông tin HS Hà Nội được nghỉ học, chị Trần Thu Thủy ở khu chung cư Times City đã phải đôn đáo vào mạng tìm gia sư cho con. "Tôi đã thuê được gia sư đến nhà để kèm dạy con. Nói là để dạy kèm nhưng thực chất là trông con cho tôi đi làm. Để tránh bị lây nhiễm, tôi yêu cầu thầy đến nhà dạy phải đeo khẩu trang".
Ngày 3/2, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 269 gửi các sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh do virus Corona. Theo đó yêu cầu, các đơn vị tổng hợp nhanh tình hình dịch bệnh tại các nhà trường, cơ sở giáo dục và khẩn trương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên tạm thời nghỉ học và xây dựng kế hoạch học bù trong khung kế hoạch thời gian năm học, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình giáo dục.
Do thông báo cho HS nghỉ học để tránh dịch được phát ra quá gấp nên nhiều phụ huynh không kịp trở tay. Trong ngày đầu tiên HS nghỉ học, đã có những phụ huynh phải đưa con đến cơ quan, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thủy, ở quận Thanh Xuân, không sắp xếp được công việc kinh doanh để ở nhà trông con, chồng đi lái xe cho khách nên đành để con gái học lớp 9 chơi với em trai 5 tuổi. "Sáng nay, trước khi đi làm, tôi đã cắm nồi cơm và chuẩn bị sẵn thức ăn, buổi trưa các con tự lấy ra ăn. Tôi sẽ thường xuyên kiểm tra tình hình các con ở nhà qua điện thoại. Vì thầy cô giáo chưa giao bài tập nên hôm nay tôi để cho con ở nhà chơi và xem tivi" - chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thụy Anh ở quận Tây Hồ cũng đành để 2 con (học lớp 5 và lớp 2) ở nhà tự trông nhau. Trước khi đi làm, vợ chồng chị Thùy Anh đã dán băng dính bịt kín các ổ điện ở trong nhà, kiểm tra các thiết bị điện tử, bình ga, chuẩn bị đồ ăn cả ngày.
Nhiều trường cho học sinh học và làm bài trực tuyến
Lãnh đạo nhiều trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho biết, đã không chủ động được với quyết định cho HS nghỉ học, bởi vì hôm trước là ngày nghỉ. Nhưng ngay buổi sáng hôm sau, các trường đã tổ chức họp và bàn phương án phòng dịch, cũng như giao bài tập cho HS trong những ngày nghỉ. Bà Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm cho biết, 9 giờ sáng 3/2, trường tổ chức họp hướng dẫn giáo viên cách thức, thời gian cho HS ôn tập tại nhà. Ngay trong ngày, thầy cô đẩy các bài giảng E leaning lên trang web của trường và hướng dẫn các em tải bài giảng trực tuyến xuống để học. Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn soạn nội dung tóm tắt các bài học kèm theo bài tập tuần này gửi cho giáo viên chủ nhiệm để chuyển đến phụ huynh. Tuần sau, HS đi học, thầy cô sẽ chấm lấy điểm kiểm tra miệng hoặc 15 phút nhằm nêu cao tinh thần tự giác học tập của các con.
Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cũng khai thác hệ thống CNTT trong việc hướng dẫn và giao bài tập cho HS làm tại nhà. "Chúng tôi có hệ thống CNTT Office 365 và trang web ôn luyện của HS theo các chủ đề. Mỗi HS có một tài khoản, giáo viên sẽ giao bài tập để các con chủ động bố trí thời gian học tập các môn cho hợp lý. Với cách học này, về mặt tiến độ nội dung chương trình vẫn đảm bảo. Thay vì hàng ngày đến học, bây giờ HS học tập tại nhà. Tất nhiên, cách học thế này cũng có hạn chế như khó khăn trong việc tương tác" - ông Hà Xuân Nhâm cho hay.
Hệ thống các trường ngoài công lập cũng rất chủ động trong việc hướng dẫn và giao bài tập ở nhà cho HS trong những ngày các em nghỉ ở nhà. Hiệu trưởng trường THCS & THPT Ban Mai (quận Hà Đông) Nguyễn Khánh Chung cho biết: Các giáo viên xây dựng tài liệu tự học gửi cho HS và phụ huynh. Các tài liệu hỗ trợ được phân theo đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Nhà trường phân chia lớp thành các nhóm đối tượng, để xây dựng tài liệu học tập bổ trợ cá nhân hóa. HS sẽ học tập trên các trang website (Shub Classroom, Google Classroom). Nhà trường thiết kế 2 buổi livestream để toàn bộ HS theo dõi bài giảng của thầy, cô. Sau đó, HS nộp sản phẩm trên các lớp học trực tuyến và giáo viên sẽ đánh giá hiệu quả học tập trong tuần.
Ban lãnh đạo trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) chọn cách thông qua hệ thống hòm thư điện tử của trường, điện thoại thông minh, group các lớp để tổ chức ôn tập cho HS ở nhà. Theo đó, nhà trường tập trung vào những môn học chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ bố trí thời lượng nhiều hơn cho việc ôn tập; ngoài ra là tổ chức ôn tập môn Lịch sử, Địa lí... HS lớp 9 được giáo viên giao các bài tập với những cấp độ khác nhau từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. "Chúng tôi giao bài tập theo từng ngày. Sau mỗi ngày, chúng tôi phối hợp cùng với cha mẹ HS sẽ gửi lại kết quả cho giáo viên chủ nhiệm qua group của các thầy cô" - Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Tuy rằng, đã hướng dẫn bài học và giao bài tập cho học sinh ở nhà nhưng các nhà trường mong muốn phụ huynh hợp tác quản lý con em mình, cũng như sự tự giác của HS thì mới đảm bảo kết quả, nhất là khi chưa thể biết được dịch nCoV sẽ kéo dài bao lâu.
Ông Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Học sinh tăng cường tự học online
HS ở nhà cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nCoV đã được nhà trường phổ biến. Các em có thể học online bằng cách hỏi ý kiến thầy cô, tham khảo bạn bè; cộng với phụ huynh hướng dẫn các con tìm các nội dung, website, phần mềm để tự học online. Đây chính là các thức thiết thực, hiệu quả, an toàn. Về phía cha mẹ phải quản lý, hướng dẫn, giao thêm việc cho các con, để tránh tình trạng các con rảnh lại tụ tập bên ngoài hoặc sa đà vào tivi, điện thoại, chơi game. Nếu có thể, cha mẹ chính là những người thầy, người cô dạy cho con những kỹ năng, kiến thức cần thiết. Tăng cường học ngoại ngữ online trong thời gian nghỉ cũng rất tốt cho học sinh.
Ông Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai): Mỗi học sinh là một chiến sĩ nhỏ
Sáng 3/2, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp để triển khai các hoạt động về phòng chống dịch cũng như tổ chức rà soát các công việc của nhà trường. Theo đó, trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Corona, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên triển khai các giải pháp cụ thể. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh, mỗi em HS trong thời gian nghỉ là một chiến sĩ nhỏ để tuyên truyền cho bố mẹ biết về tình hình dịch bệnh để biết cách bảo vệ sức khỏe. Nhà trường cũng hướng dẫn HS tổng vệ sinh sát trùng ở nhà, đeo khẩu trang, tránh tụ tập, đến chỗ đông người.
Việc giao bài tập cho HS và chấm điểm trên mạng rất khó đối với điều kiện nhà trường nên trước mắt giáo viên giao cho các em ở nhà ôn tập, làm bài tập trong 3 ngày học vừa qua và xem bài mới chuẩn bị cho tuần học tới.
Theo kinhtedothi
Thêm đường dây nóng Bộ Y tế tư vấn phòng chống dịch nCoV (1900 9095) Bắt đầu từ 7 giờ sáng mai (2/2), Bộ Y tế sẽ có thêm đường dây nóng 1900 9095 để tư vấn người dân các biện pháp phòng, chống dịch nCoV. Các cuộc gọi đến đường dây này đều miễn phí. Đường dây nóng 1900 9095 được thực hiện với sự hợp tác của Tổng Công ty Viễn thông Viettel, hoạt động song...