Bệnh viện bị trại lợn “tấn công”
Hàng trăm cán bộ, y bác sĩ cùng các bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần, lao và phổi tại xã Trà Đa (TP Pleiku, Gia Lai) phải sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ trại lợn 1.500 con ở ngay gần đó.
Hơn 1 năm nay, vào mỗi ngày nắng, một số hộ dân ở thôn 1, thôn 2 (xã Trà Đa) cùng hàng trăm cán bộ y, bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị ở 2 bệnh viện Tâm thần kinh, và Lao, phổi (đóng chân trên địa bàn thôn 1, xã Trà Đa) phải chịu đựng mùi xú uế hôi thối bốc ra từ trại lợn “khủng” gần đó.
Chỉ cách trại lợn có quy mô 1.500 con vài trăm mét, Bệnh viện Tâm thần kinh là cơ quan phải hứng chịu mùi hôi thối này nhiều nhất. Bác sĩ Võ Đình Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh cho biết, hiện tại bệnh viện có hơn 60 cán bộ, nhân viên; bệnh nhân điều trị tại bệnh viện dao động khoảng trên dưới 30 bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân đều có kèm người nhà ở nuôi.
Ông Hiệp cho biết, trại lợn “khủng” trên đã làm ô nhiễm không khí ở khu vực bệnh viện, đặc biệt là những lúc nắng gió. Vì vậy, mùi hôi thối đã làm ảnh hưởng đến công việc của cán bộ, nhân viên bệnh viện. Thay vì mở cửa phòng làm việc thì các cán bộ ở đây phải đóng kín cửa phòng để làm việc, để giảm được mùi hôi thối.
Ảnh hưởng nhất là những bệnh nhân đang trị bệnh tâm thần tại đây. Đã bị bệnh tật hành hạ, họ còn phải chịu thêm mùi xú uế của trại lợn, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình điều trị bệnh.
“Những lúc có gió rất hôi, kinh lắm, đặc biệt là tháng 11, 12 có gió nhiều. Có những bệnh nhân và người nhà thấy mùi hôi quá nên đã phải xuất viện sớm. Có bệnh nhân đáng ra phải điều trị 1 tháng thì nửa tháng đã xuất viện rồi”, bác sĩ Hiệp cho biết.
Hơn 100 con người đang làm việc và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh phải hứng chịu mùi xú uế của trại lợn “khủng”
Video đang HOT
Cũng chung tình trạng trên, bác sĩ Nguyễn Đại- Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai cho biết, mùi hôi thối của trại lợn ảnh hưởng tới những cán bộ và bệnh nhân đang làm việc và điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện có 77 cán bộ và hiện tại có khoảng 65 bệnh nhân. Bệnh viện đã hoạt động được hơn 5 năm nay, còn trại lợn mới xây được hơn 1 năm nay.
Sau khi bị mùi hôi thối của phân lợn “tấn công”, các y, bác sĩ đã chịu không nổi nên đã liên tục có ý kiến lên Giám đốc bệnh viện. Vì vậy, đã 2 lần ông Đại điện thoại phản ánh đến lãnh đạo xã Trà Đa về sự việc.
“Mùi hôi của phân heo rất khó chịu. Cán bộ, nhân viên và cả bệnh nhân, cùng người nhà đã phản ánh lên tôi. Bản thân tôi cũng thấy mùi hôi rất khó chịu, nên tôi đã 2 lần gọi điện phản ánh lên Bí thư xã và Phó Chủ tịch xã để nói về vấn đề trên”, ông Đại bày tỏ.
Đã bị bệnh lao, phổi hành hạ, giờ bệnh nhân lại bị hành thêm bởi mùi hôi thối
Nhà cách xa trại lợn cả 1km, nhưng mỗi ngày nắng gió mùi hôi của trại lợn cũng “tấn công” tới nhà bà X. (thôn 1) và những người hàng xóm, khiến cuộc sống sinh hoạt của họ cũng bị ảnh hưởng. Bà X. cho biết: “Ngày nào mùi bốc lên là hôi thối kinh khủng, nhưng chúng tôi cũng đành chấp nhận”.
Trước những phản ánh trên, trao đổi với chúng tôi- ông Nguyễn Đình Thức- Chủ tịch UBND xã Trà Đa cho biết, trại lợn trên là của ông với 3 người khác hợp tác nuôi lợn. Nhưng ông Thức đã bán lại phần của ông cách đây khoảng 1 tháng cho 3 “cổ đông” còn lại.
Theo ông Thức, trại lợn trên có quy mô 40 chuồng, nuôi 1.500 con heo và diện tích trang trại là 2ha. Bản thân ông Thức chưa nghe bất kì phản ánh nào của người dân cũng như phía bệnh viện về tình trạng ô nhiễm.
Mặc dù quy mô của trại lợn nằm gần bệnh viện và khu dân cư, nhưng lại không có bất kì một quy trình xử lý chất thải nào. Theo ông Thức, dù trại lợn được nuôi với quy mô không nhỏ, nhưng không có quy trình xử lý chất thải. Phân lợn sau khi được thải ra chỉ được mang ra phơi ngoài nắng và sau đó mang đi bán. Vì vậy, mùi hôi càng nặng nề hơn.
Trại lợn 1.500 con nhưng không có bất kì quy trình xử lý chất thải nào ngoài mang ra phơi khiến mùi hôi thối càng nặng nề hơn
Ông Thức cho biết thêm, hiện trại lợn đang chuẩn bị xây dựng hầm biogas để chứa chất thải. Khí gas sau đó sẽ bán cho người dân hoặc đốt trên không.
Thiên Thư
Theo Dantri
Bộ GTVT lên tiếng vụ xây cầu treo phục vụ chủ tịch xã
Vừa qua, các cơ quan báo chí phản ánh cầu treo Khe Tây (Vũ Quang - Hà Tĩnh) trước mắt chỉ phục vụ một số hộ dân. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị địa phương sớm làm đường để phát huy hiệu quả; Bộ GTVT sẽ rút kinh nghiệm về quy trình lấy ý kiến của người dân.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mục tiêu xây dựng cầu treo là đảm bảo cho một cụm dân cư thoát khỏi cảnh chia cắt; người dân không bị gián đoạn sinh hoạt, sản xuất; trẻ em không phải nghỉ học vào ngày lũ. Tuy nhiên, sông, suối chia cắt dân cư ở nhiều khu vực khác nhau nên vị trí đặt cầu cần đạt các tiêu chí: Kết nối các trục đường chính của huyện, xã; vị trí đặt cầu an toàn, phù hợp với quy mô, nguồn vốn.
Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc khảo sát vị trí, Bộ GTVT đặt ra nguyên tắc phải luôn tôn trọng ý kiến người dân, chính quyền địa phương và yếu tố kết nối giao thông. Rút gọn quy trình là như vậy nhưng đều đảm bảo nguyên tắc tôn trọng ý kiến người dân, không áp đặt.
Tổng cục Đường bộ là chủ đầu tư nhưng Sở GTVT là đơn vị tham mưu trực tiếp để lựa chọn vị trí và xin ý kiến của người dân. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn thiết kế của địa phương cung cấp các số liệu về khí tượng thủy văn, điều tra xã hội học đã có cho Tổng cục Đường bộ. Đó là quy trình làm lâu nay, hợp lý và khoa học.
"Tuy nhiên, sau sự việc cầu treo Khe Tây, Bộ sẽ rút kinh nghiệm, cho rà soát quy trình để từ nay về sau đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc: Lấy ý kiến rộng rãi người dân để xác định vị trí làm cầu phục vụ nhiều người dân nhất; an toàn, kết nối được giao thông; đáp ứng bền vững trong quá trình khai thác", ông Trường nói.
Thứ trưởng Trường cho biết thêm, cầu treo dân sinh chỉ đặt mục tiêu giải quyết nhu cầu đi lại bằng xe máy, đi bộ; không giải quyết vấn đề xe cơ giới. Vì thế, cầu được thiết kế theo mẫu điển hình, khổ cầu 1,5 - 2m. Với khổ cầu đó, chiều dài 120 m đảm bảo tính kỹ thuật và vốn đầu tư. Cụ thể, trong đề án, giá trị cầu treo từ 2-3 tỷ đồng, tối đa là 5 tỷ đồng.
Trong 186 cầu của giai đoạn 1, cầu Nam Công (tỉnh Hà Nam) và cầu Sảo Phong (tỉnh Quảng Bình) được UBND tỉnh đề nghị nới rộng quy mô vì dân cư ở đó đông. Nguồn vốn xây dựng hai cầu này không lấy từ ngân sách mà từ các nhà tài trợ.
Cụ thể, cầu Nam Công làm bằng sự tài trợ của Ngân hàng BIDV; cầu Sảo Phong dùng kinh phí từ kêu gọi của chương trình Nhịp cầu yêu thương (Chương trình kêu gọi các cá nhân, tập thể ủng hộ xây cầu treo do Bộ GTVT khởi xướng- PV).
Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án xây dựng cầu dân sinh giai đoạn hai. Theo đó, đề án dự kiến thực hiện tại 50 tỉnh thành. Sau khi Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT và các địa phương sẽ xây dựng phương án cụ thể, phấn đấu thực hiện xong trong 3 năm (2015- 2017) với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.
Theo Tiền phong
Vụ "cầu treo phục vụ 2 hộ dân": Bộ GTVT khẳng định xây cầu là cần thiết! Liên quan đến "lùm xùm" cầu treo Khe Tây ở Hà Tĩnh, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết vị trí xây dựng cầu đúng theo quy hoạch và phù hợp với các tiêu chí. Việc người dân chưa được sử dụng cầu là do địa phương làm đường dẫn kết nối chưa đủ. Cầu treo Khe Tây được xây dựng tại xã Sơn...