Bệnh viện Bạch Mai ngày đầu tiên cách ly
20h tối 28/3, sau khi Bệnh viện Bạch Mai được khử khuẩn, từng đoàn người nhà bệnh nhân xách theo túi quần áo lên xe đến khu cách ly.
Đoàn xe 36 chiếc (loại xe khách 29 chỗ) thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô xếp hàng dài dọc đường Giải Phóng, trước cổng chính Bệnh viện Bạch Mai, quận Đống Đa từ 18h. Tiếp sau là đoàn xe khử khuẩn của Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng.
Hai giờ sau, việc khử khuẩn hoàn thành, khoảng 630 người, chủ yếu là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân, được đưa đến khu cách ly tập trung ở ký túc xá Đại học FPT, khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất.
Là một trong những người phải đi cách ly, bà Phạm Thị Phùng, 56 tuổi, quê Vĩnh Phúc, kể bảo vệ bệnh viện đi từng khoa thông báo, người nhà chuẩn bị đồ để đi. “Chúng tôi đều xin ở lại vì lo không có ai chăm sóc người thân, nhiều người khóc không chịu đi. Nhưng các bác sĩ nói bệnh viện sẽ bố trí người chăm sóc, nếu chúng tôi ở lại sẽ không an toàn”, bà Phùng kể.
Binh chủng Hóa học khử khuẩn bệnh viện Bạch Mai, tối 28/3. Ảnh: Giang Huy
Ở ngoài cổng bệnh viện, anh Phạm Việt Hưng, 33 tuổi, nhà ở Lĩnh Nam, Hà Nội, cố gắng tiến gần các đoàn ôtô để tìm bóng dáng của mẹ. Ba ngày trước, bố anh hiến thận để ghép cho em trai anh. Sau ca phẫu thuật, cả hai người vẫn đang nằm ở khoa hồi sức. Anh Hưng và mẹ thay nhau vào viện chăm sóc.
Đầu giờ chiều 28/3, anh mang theo hai thùng mì tôm, mấy chai nước lọc, dự định gửi vào bệnh viện cho mẹ dùng. Nhưng Bạch Mai đã bị phong tỏa từ sáng nên anh phải đứng ngóng ngoài cổng đến tối.
Qua điện thoại, anh thấy giọng mẹ lạc đi: “Bác sĩ vừa yêu cầu mẹ phải lên xe đi cách ly tập trung. Nhưng mẹ lo bố và em còn yếu quá, nằm trong viện chưa tự chăm sóc nhau được”. Anh Hưng cố trấn an mẹ: “Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ chăm sóc bố và em, mẹ đừng quá lo lắng”.
Video đang HOT
Bà Đào Thị Trinh, 62 tuổi, khóc nức nở trước cổng bệnh viện. Chồng bà nhập viện năm ngày trước, hai mẹ con thay nhau chăm sóc. Hôm trước bà về nhà để con thay ca vào chăm bố. Đến khi nghe tin chồng hôn mê, bà vội bắt xe từ Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đến.
Nhưng đến nơi thì Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa, bà không vào trong được. “Con trai tôi đi cách ly, còn tôi chưa được vào viện, nên không biết ai sẽ chăm sóc chồng”, bà vừa nói vừa khóc.
23h30, khi đoàn xe chở người nhà bệnh nhân đã rời đi hết, Bệnh viện Bạch Mai trở lại yên tĩnh. Những dãy hành lang, ghế đá không còn bóng người nằm, ngồi như mọi khi. Trong các khu điều trị, thấp thoáng một vài cán bộ y tế.
Người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai lên xe đến khu cách ly tập trung, tối 28/3. Ảnh: Giang Huy
Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa khiến hàng trăm người ở các xóm chạy thận quanh đó lo lắng. 15 năm nay chuyển đến sống gần Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận, lần đầu tiên anh Phạm Thanh An, 35 tuổi, trưởng nhóm bệnh nhân chạy thận lưu trú ở bệnh viện, gặp phải tình huống như hiện nay.
Chủ nhật tuần trước, sau khi phát hiện hai điều dưỡng dương tính với nCoV, anh An và 30 người trong khu vực lưu trú được yêu cầu chuyển ra ngoài ở. Anh phải thuê phòng ở xóm nhỏ gần đó. Cũng từ khi đó, anh hạn chế ra ngoài hơn, chỉ khi nào đi mua đồ dùng thiết yếu hoặc điều trị mới sang viện.
Từ hơn một tuần nay, trước khi vào chạy thận trong bệnh viện, anh và các bệnh nhân khác phải qua nhiều vòng kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn từ cổng vào đến trong khoa. Là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày Bệnh Mai đón tiếp 10.000-15.000 người. Vì thế chưa bao giờ anh An thấy viện vắng vẻ như bây giờ, kể cả Tết. “Dù đã chuẩn bị tâm lý có thể nhiễm nCoV, lúc biết tin bệnh viện bị cách ly, tôi và mọi người trong xóm chạy thận vẫn lo lắm”, anh An chia sẻ.
Bệnh viện Bạch Mai ngày 28/3, sau khi có lệnh phong tỏa. Ảnh: Giang Huy.
Cũng chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai 24 năm nay, anh Mai Anh Tuấn, 44 tuổi, quê Ba Vì, trưởng xóm chạy thận Lê Thanh Nghị, lại không quá bất ngờ khi biết tin Bạch Mai bị cách ly. Từ khi có ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam, anh đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống bệnh dịch lây lan. Khi bệnh viện bị cách ly, anh Tuấn bình tĩnh gọi điện cho bác sĩ để hỏi tình hình việc chạy thận ra sao.
“Tôi và mọi người rất xúc động khi bác sĩ thông báo trước mắt chúng tôi tiếp tục được vào viện để chạy thận. Tuy nhiên, ai cũng chuẩn bị sẵn sàng nếu phải cách ly hoặc chuyển nơi chạy thận”, anh Tuấn nói, nhắn tin động viên mọi người trong xóm ở yên trong nhà, thường xuyên rửa tay, giữ vệ sinh, để phòng dịch bệnh. Nếu phải cách ly cũng không quá sợ mà để giữ an toàn cho mỗi người và cộng đồng.
Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa từ sáng 28/3 sau khi Bộ Y tế xác định có 8 ca dương tính nCoV. Đến sáng 29/3, số ca nhiễm tăng lên 16, khiến Bạch Mai trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước. Chủ tịch TP Hà Nội tối qua đã hai lần gửi công điện khẩn, yêu cầu rà tất cả người đã ra vào Bạch Mai từ 10/3 đến nay.
Đến sáng 29/3, Việt Nam ghi nhận 179 ca nhiễm nCoV, trong đó 28 người khỏi bệnh. Hà Nội đang là địa phương có nhiều người nhiễm nhất cả nước với 65 ca.
Tất Định – Viết Tuân
Đưa 700 người nhà bệnh nhân ở Bạch Mai cách ly tại ký túc xá ĐH FPT
Lãnh đạo CDC Hà Nội cho hay sáng 29/3, thành phố sẽ tổ chức đưa khoảng 700 người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai lên cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT.
Trao đổi với Zing.vn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay sáng 29/3, thành phố tổ chức đưa người nhà, người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai đến cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT. Đơn vị chủ trì vận chuyển là Bộ Tư lệnh thủ đô.
"Người nhà bệnh nhân trong Bạch Mai được coi là đối tượng F1, phải cách ly y tế tập trung. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện cho cán bộ y tế và bệnh nhân, thành phố sẽ chuyển khoảng 700 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân đến ký túc xá đại học FPT để cách ly tại đó", lãnh đạo CDC nói.
Tối 28/3, Binh chủng Hoá học đã huy động lực lượng phun hoá chất, tiêu độc, khử trùng toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Việt Linh.
Ông cũng thông tin thêm chiều 28/3, trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thống nhất cách ly toàn bộ người nhà bệnh nhân tại Bạch Mai như đối tượng F1. Nhưng việc cách ly toàn bộ người nhà ở đấy sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị cho những bệnh nhân còn lại.
"Trong số 700 người này vẫn có người sẽ phải ở lại bệnh viện do có bệnh nhân nặng bắt buộc phải có người nhà chăm. Bệnh nhân nhẹ thì người nhà phải đi cách ly hết, không ai ở lại", ông Tuấn nói.
22h ngày 28/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung có công điện khẩn thứ 2 do có tình huống mới liên quan đến bệnh nhân thứ 170 dương tính với Covid-19. Theo đó, ngày 20-22/3, bệnh nhân số 170 đã đến mua và ăn cơm 5 lần tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai, qua xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19.
Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát toàn bộ các trường hợp đến, thăm, chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai các ngày 10-25/3 đã sử dụng dịch vụ tại căng tin bệnh viện, lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố qua số điện thoại 0969082115 hoặc 0949396115 để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
Tối cùng ngày, Binh chủng Hóa học đã huy động 10 phương tiện đặc chủng để khử trùng, tẩy độc tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Theo thông báo của Bạch Mai thì trong 10 ngày qua, có 14.000 người trên địa bàn Hà Nội đến khám ngoại trú ở bệnh viện. Thành phố đang sàng lọc những trường hợp này để tiếp tục khuyến cáo họ tự cách ly. Nếu ho, sốt khó thở thì lập tức báo cho y tế để điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đề xuất dừng, không nhận bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai. Với bệnh nhân đang điều trị ở đó không nên chuyển đến bệnh biện khác mà tiếp tục điều trị, chỉ cho ra viện khi đã xét nghiệm âm tính. Sau đó, báo cho địa phương để giám sát 14 ngày sau khi ra viện.
Quân đội khử khuẩn Bệnh viện Bạch Mai Tối 28/3, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai. 19h, 10 xe đặc chủng của binh chủng với gần 100 chiến sĩ thuộc Trung tâm ứng cứu sự cố hoá chất, phóng xạ hạt nhân đã phun khử khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, bắt đầu từ cổng chính tại số 78 Giải Phóng, quận...