Bệnh viện Bạch Mai khó khăn tới kiệt quệ
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ nhiều khó khăn với những khoản tiền nghìn tỉ để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, “giữ chân” người giỏi cũng như thực trạng “về mo” trang thiết bị của nhiều chuyên khoa quan trọng.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 3 năm qua, Bệnh viện chật vật, nhiều khó khăn để duy trì khám chữa bệnh cho người dân.
Không nói đến 2 năm dịch bệnh (năm 2020, 2021), ngay cả trong năm 2022, khi mà số bệnh nhân nội trú, ngoại trú tăng đột biến, thì nguồn thu cũng rất hạn hẹp, không đủ để chi trả giữ chân người giỏi, chứ không nói đến việc đầu tư trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: H.Hải).
Máy móc “đắp chiếu”, nhiều chuyên khoa không có trang thiết bị
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khác với giai đoạn trước, khi bệnh viện thực hiện liên doanh liên kết, nguồn tài chính chênh lệch thu chi khá tốt đảm bảo chi thường xuyên, giúp đời sống cán bộ nhân viên ổn định.
Tuy nhiên, khi cơ quan tư pháp kiểm tra, 11/27 đề án được liên doanh liên kết có dấu hiệu sai phạm, chuyển cơ quan điều tra, bệnh viện chỉ còn một vài đề án đang thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng.
“Hậu quả là hiện tại BV thiếu thiết bị y tế một cách trầm trọng, từ lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, trang thiết bị cho chuyên ngành u bướu, y học hạt nhân. 10 năm trở về trước Bạch Mai tự hào khi trang thiết bị cho các chuyên ngành này là đầu ngành, máy móc hiện đại, đồng bộ, thì nay, trong lĩnh vực ung bướu, máy móc trang thiết bị về số 0 tròn trĩnh. Các loại máy Pet, dao Gamma dừng hoạt động hoàn toàn”, PGS Cơ nói.
Hệ thống dao Gamma mỗi năm thực hiện 2.000 ca can thiệp, đặc biệt với bệnh nhân u não nay cũng đắp chiếu, trong khi bệnh nhân không có máy dùng (Ảnh: H.Hải).
Tiếp đó, ông dẫn chứng, trước đây, Bạch Mai là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á có máy 256 dãy ứng dụng chụp thần kinh, tim mạch, hô hấp… hiện tại không còn hoạt động nữa. Các máy cộng hưởng từ, CT… hiện tại thiếu trầm trọng.
“Hay như hệ thống nội soi tiêu hóa hỏng, xuống cấp, mỗi ngày có 800-1.000 người bệnh có chỉ định nội soi nhưng cố lắm chỉ thực hiện được nửa, quá nửa”, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông tin.
Bên cạnh đó, hệ thống phẫu thuật nội soi, robot trong phẫu thuật thần kinh, cột sống… trước đây là các máy là liên doanh liên kết. Giờ có máy đã kết thúc điều tra, công ty có tặng lại cho bệnh viện nhưng cũng không thể dùng được do liên quan đến vật tư tiêu hao kèm theo, không có vật tư… nên không hoạt động được.
Video đang HOT
Phòng điều trị cửa đóng then cài, trong khi rất nhiều bệnh nhân cần thực hiện can thiệp (Ảnh: H.Hải).
“Đến hệ thống máy xét nghiệm, 95% là máy đặt, máy mượn sau khi trúng thầu hóa chất. Trước đó công văn của Bộ Tài chính không cho phép thực hiện máy mượn, nhưng may mắn vừa rồi có nghị quyết Chính phủ tháo gỡ, có giá trị cho phép trong vòng một năm. Bệnh viện đang phải nghiên cứu hết 1 năm phải làm như thế nào, mua sắm, thuê khoán… cũng cần nguồn tài chính.
Để đầu tư cho hệ thống xét nghiệm cũng cần cả nghìn tỉ. Nếu không có cơ chế thuê khoán, không có tiền để mua, đồng nghĩa với việc Bệnh viện chỉ có đóng cửa nếu thiếu hệ thống này”, PGS Cơ nói.
Đi sớm về khuya, tiền không tăng: Đau xót nhìn nhân lực giỏi rời khỏi bệnh viện
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ, ngày nào ông cũng nhận được tin nhắn của nhân viên, rằng Giám đốc “bắt đi làm từ sáng sớm, đến khuya, mà không có tiền để nộp học ngoại ngữ cho con. Em phải xin đi làm đúng giờ để ở nhà dạy con”.
Hệ thống máy Pet rất quan trọng để đánh giá giai đoạn bệnh ung thư, giờ nằm không nhưng vẫn phải chăm sóc, bật điều hòa 24/24 để bảo quản máy (Ảnh: H.Hải).
“Tôi rất trăn trở khi đọc những dòng tin nhắn ấy, mà bất lực, không làm thế nào cải thiện thu nhập được cho anh em. Đau xót nhìn hơn 100 nhân lực giỏi rời khỏi bệnh viện từ đầu năm đến nay”, ông Cơ nói.
Theo lãnh đạo bệnh viện lý giải, vì máy móc, trang thiết bị thiếu, bệnh viện phải “thúc” khám ngoại trú từ sáng sớm, toàn bộ máy dành cho khám ngoại trú buổi sáng, nên nhân viên phải làm việc từ 5h sáng. Các chỉ định cho bệnh nhân nội trú phải thực hiện vào buổi chiều, tối.
“Rõ ràng đi làm sớm, về khuya, nhưng bệnh viện không có nguồn trả thu nhập tăng thêm, dẫn đến cán bộ nhân viên không an tâm làm việc. Hiện tại mức thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1/3, có khoa chỉ bằng 1/5 so với thu nhập tăng thêm trước kia. Nhiều người đã rời bỏ bệnh viện”, PGS Cơ trầm ngâm nói.
Hơn 100 nhân lực, từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hành chính rời đi họ đều là những người rất giỏi. “Chúng tôi gặp gỡ từng người, trò chuyện, động viên… nhưng khi thu nhập không đủ cho mối lo cơm áo gạo tiền, thì họ phải ra đi thôi. Rất tiếc nuối những cán bộ có năng lực. Họ ra đi, còn để lại lỗ hổng trong việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ sau đó”, PGS Cơ nói.
Tăng đột biến bệnh nhân, nguồn thu vẫn không có
Theo PGS Cơ, trong 3 năm qua, nguồn thu của Bệnh viện Bạch Mai giảm do các đề án liên doanh liên kết dừng. Giá hiện tại thu theo BHYT, nên trong năm 2022, năm bệnh nhân tăng đột biến cả nội, ngoại trú, nhưng chênh lệch thu chi gần như không có.
Trong khi đó, với bệnh viện tự chủ toàn diện là sống nhờ vào chênh lệch thu chi. Giá thu phải tăng, chênh lệch thu chi phải có thì bệnh viện mới sống được.
“Nhưng thu toàn bộ bằng giá BHYT, nên chênh lệch thu chi rất thấp, nguồn chênh lệch dành do chi thường xuyên cũng không tăng. Nên nhân viên tăng ca, tăng giờ làm, thu nhập của họ cũng không tăng lên vì không có tiền trả”, ông Cơ nói.
Động đâu cũng cần tiền!
Không chỉ thiếu nghìn tỉ để đầu tư trang thiết bị, máy móc, mà cơ sở vật chất xuống cấp cũng khiến lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đau đầu vì không có tiền sửa chữa.
Những tòa nhà có tuổi đời trăm năm, xuống cấp trầm trọng, hệ thống thoát nước vỡ thường xuyên đã không còn cơ hội sửa chữa, chỉ có thể đập đi xây lại.
Các tòa nhà có tuổi đời thấp hơn cũng xuống cấp trầm trọng, không có nguồn lực duy tu bảo dưỡng. “Ngay tòa nhà Việt Nhật được xây dựng 20 năm, xuống cấp, phía Nhật sang khảo sát khẳng định cần bảo dưỡng, với chi phí cỡ 100 tỷ. Các tòa tuổi đời trăm năm khác phải xây mới chi phí nghìn tỷ, không thể có nguồn tài chính”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Ông Cơ cũng chia sẻ, Bệnh viện đang có trát đòi thuế sử dụng đất, từ 2014 trở lại đây, hơn 100 tỷ. “Nếu phải đóng, toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai không có lương vài tháng”.
Ngay với việc đào tạo, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện cũng phải cân đối chi phí đào tạo, thu phí thực tập, học tập… đây cũng là một hạn chế với các bác sĩ vùng sâu vùng xa, do người ta phải đóng học phí lớn. Đến nay, hầu hết các tỉnh khi gửi cán bộ đến bệnh viện học đều xin miễn giảm học phí, bệnh viện giải quyết 100%, nhưng đây là rào cản nếu thực hiện tự chủ toàn diện. Vì nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng.
Mong muốn được tự chủ nhóm 2
Sáng 8/11, chia sẻ với báo chí, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói: “Rất mừng vì sáng nay chúng tôi nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ về việc Bệnh viện Bạch Mai sẽ dừng thí điểm tự chủ toàn diện, thực hiện tự chủ theo nghị định 60 của Chính Phủ”.
Theo ông Cơ, tự chủ trong bệnh viện công lập là chủ trương đúng đắn, cần có lộ trình. Việc áp dụng theo nghị định 60 rất linh hoạt, mỗi đơn vị căn cứ vào điều kiện đơn vị để áp theo nhóm thực hiện.
Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/NĐ-CP, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: Nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.
“Bệnh viện đã nghiên cứu kỹ, nếu được tự chủ theo nhóm 2 trong giai đoạn này là rất hợp lý, tự chủ chi thường xuyên. Lộ trình tiếp theo sẽ thực hiện từng bước sau này, khi bệnh viện hoàn thiện từ đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị, giá viện phí… cũng như có hệ thống văn bản pháp quy chặt chẽ sẽ dần từng bước tiến tới tự chủ toàn diện”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Cụ thể, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.
Thời gian thực hiện Nghị quyết là 2 năm kể từ khi đề án của bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghị quyết này có quy định, sau 2 năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế – dân số theo quy định của Chính phủ.
Sau thời gian thí điểm, 2 bệnh viện triển khai thực hiện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện do nhiều nguyên nhân.
Tiếp tục thực hiện tự chủ ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục thực hiện tự chủ tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau 2 năm thí điểm theo Nghị quyết số 33.
Văn phòng Chính phủ vừa trả lời về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33, Bộ Y tế đã có báo cáo Chính phủ. Theo đó, sau khi rà soát các quy định, Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong Nghị quyết số 33 đều đã được quy định cụ thể trong các nghị định của Chính phủ mới được ban hành trong năm 2020 và năm 2021.
Tháng 8 vừa qua, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Bộ Y tế xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện
Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo nghị quyết số 33 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Hai bệnh viện sẽ chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60 ngày 21-6-2021 của Chính phủ và các nghị định của Chính phủ.
Bộ Y tế kiến nghị hai bệnh viện tiếp tục được phân loại là đơn vị nhóm 1 và tiếp tục duy trì mô hình tổ chức có Hội đồng quản lý bệnh viện (theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ).
Xét đề nghị của Bộ Y tế về báo cáo kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục thực hiện tự chủ sau thời gian thí điểm theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh, yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33.
Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy và làm rõ bài học kinh nghiệm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan hỏi thăm, động viên người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ rõ tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh. Đồng thời, nêu rõ nguyên nhân trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.
Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên, khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25-11.
Trước đó, ngày 19-5-2019, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 33 phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với các bệnh viện: Bạch Mai, K, Việt Đức và Chợ Rẫy. Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, 2 bệnh viện triển khai thực hiện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện do nhiều nguyên nhân.
Ngày 14-10 Bộ Y tế đã có báo cáo về việc thực hiện thí điểm tự chủ của 2 bệnh viện này. Bộ Y tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đầu tư cho các bệnh viện trong các trường hợp cần thiết theo đề xuất của Bộ Y tế.
Bồng con vượt hàng trăm km đến Bệnh viện Bạch Mai xếp hàng khám bệnh từ tờ mờ sáng Tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lúc 4h sáng nhưng chị Hồng (quê Quảng Trị) đưa con nhỏ đến khám bệnh vẫn xếp sau hàng chục bệnh nhân khác. Video xếp hàng từ mờ sáng chờ khám ở Bệnh viện Bạch Mai Có mặt tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Bạch Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) lúc...