Bệnh ung thư tuyến giáp tăng đột biến
“Sắp tới, chúng tôi sẽ làm thống kê để tìm hiểu lý do của tình trạng này bởi trên thế giới, đây không phải bệnh phổ biến”, PGS Tùng cho hay.
Tại Lễ khai trương khu điều trị I131 của Bệnh viện K Trung ương, PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm xạ trị quốc gia, Trưởng khoa xạ đầu cổ, phụ trách khoa y học hạt nhân, Bệnh viện K Trung ương, cho biết thực tế khám, điều trị tại bệnh viện trong thời gian gần đây, cho thấy số lượng bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp tăng đột biến.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ làm thống kê để tìm hiểu lý do của tình trạng này bởi thực tế trên thế giới, đây không phải bệnh phổ biến. Ở nước ta, trước đây, ung thư tuyến giáp nằm ngoài top 10 bệnh ung thư phổ biến. Hiện, nó đã nằm trong top 10″, PGS Tùng cho hay.
Từ đầu tháng 12, bệnh viện chính thức đưa vào sử dụng máy BQSV thế hệ mới, theo tiêu chuẩn của Đức. Ảnh: PV.
Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp được xem là bệnh ung thư nhẹ nhất. Theo PGS Tùng, có tới 80-90% thuộc thể biệt hóa. Trước tiên, bệnh nhân được phẫu thuật, sau đó, điều trị bằng dược chất phóng xạ I131.
“Đây là bệnh có tiên lượng tốt, có thể chữa khỏi. Thậm chí, có bệnh nhân đã di căn phổi, vẫn điều trị khỏi, sau 5-6 năm sau mới tái phát”, PGS Tùng cho biết.
Video đang HOT
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay ung thư không phải căn bệnh khủng khiếp như nhiều người đang lo sợ. Nếu người dân có lối sống lành mạnh và phát hiện bệnh sớm, đa phần đều có thể chữa khỏi.
“Hiện tại, chúng ta có rất nhiều kỹ thuật để điều trị ung thư, bao gồm nội khoa, hóa, xạ trị, i-ốt, điều trị miễn dịch chuyển giao từ nước ngoài. Bộ Y tế đang giao các bệnh viện đầu ngành để chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến về ung thư”, PGS Khuê cho hay.
TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết ung thư đang là một vấn đề lớn của xã hội khi mỗi năm có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người bệnh đang phải chiến đấu với căn bệnh này.
“Việc đưa vào sử dụng khu điều trị I131 giúp nâng cao khả năng và chất lượng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến ung thư, mở ra những hy vọng mới cho người bệnh được tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại, tiên tiến trên thế giới, giúp bệnh nhân yên tâm lựa chọn điều trị trong nước”, TS Quang cho hay.
Đầu tháng 12, bệnh viện chính thức đưa vào sử dụng máy BQSV. Đây là thiết bị hiện đại đầu tiên tại Việt Nam dùng cho chiết tách dược chất phóng xạ trong điều trị I131, hoạt động chia liều tự động và bán tự động bằng hệ thống máy tính, độ chính xác cao, tránh được các sự có bức xạ, an toàn cho nhân viên y tế cũng như môi trường.
Theo Zing
Hy hữu: Cụ bà bị ung thư tuyến giáp suốt 50 năm mà không biết
Cụ bà phải sống chung với khối u tuyến giáp khổng lồ suốt nhiều năm qua. Mãi gần đây khi đi khám cụ mới biết mình mắc bệnh nhưng chưa có điều kiện để phẫu thuật.
Khối u tuyến giáp khổng lồ của bệnh nhân.
Cụ bà (85 tuổi, ở Đoan Hùng - Phú Thọ) đã đi khám tại các bệnh viện tuyến Trung ương nhiều lần, được tư vấn phẫu thuật nhưng gia đình chần chừ chưa muốn thực hiện vì hoàn cảnh khó khăn. Gần đây tình trạng sức khỏe của cụ ngày càng nặng, khối u quá to chèn ép khiến cụ khó thở, nói khàn người thân mới đưa cụ nhập viện vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị.
Sau khi thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sỹ nhận định đây là 1 trường hợp rất khó vì khối u quá to gây chèn ép vào đường thở, bệnh nhân tuổi cao, thể trạng suy kiệt. Các Bác sỹ khoa Ung bướu đã hội chẩn các bác sỹ Gây mê hồi sức và chuyên gia Bệnh viện K trung ương đồng thời trao đổi với gia đình tình trạng của bệnh nhân.
Được sự đồng ý thống nhất của gia đình và sự hỗ trợ từ các chuyên gia ung thư, cụ bà đã được thực hiện phẫu thuật thành công. Khối u được loại bỏ hoàn toàn, hiện tại sức khỏe cụ đã ổn định và có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật với sự hỗ trợ từ chuyên gia Bệnh viện K.
Theo các bác sỹ khoa Ung bướu - BVĐK Hùng Vương ung thư tuyến giáp là bệnh lý tiên lượng rất tốt, tỷ lệ sống thêm 10 năm trung bình của nhóm biệt hóa khoảng gần 90%. Thể tủy tỷ lệ sống thêm 5 năm khoảng 50 %. Thể không biệt hóa thời gian sống thêm trung bình 6 - 8 tháng.
Ung thư tuyến giáp là bệnh xảy ra khi có sự bất thường thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp chiếm 1 - 2% trong tất cả các loại ung thư nhưng chiếm đến 90% ung thư của các tuyến giáp.
Khối u của bệnh nhân sau khi được phẫu thuật.
Ung thư tuyến giáp gặp nữ> nam, tỷ lệ 3/1. Việt Nam là 1 trong những nước có tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao.
Ung thư tuyến giáp chia làm 2 nhóm khác nhau về lâm sàng và tiên lượng gồm: Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
Điều trị ung thư tuyến giáp dựa vào từng thể loại mô bệnh học cụ thể. Trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất. Điều trị I131 là phương pháp điều trị bổ trợ bổ trợ giúp tiêu diệt nhứng tế bào ung thư còn sót lại hoặc những tổn thương di căn xa. Điều trị hormone thay thế giúp duy trì bệnh ổn định, kéo dài thời gian xuất hiện tái phát.
Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Hành trình chiến đấu với ung thư vú của cô giáo vùng cao Sau 6 tháng được phát hiện bị ung thư vú, đến thời điểm hiện tại, cô giáo Lê đã được truyền 8 đợt hóa chất và phẫu thuật thành công. Theo phác đồ điều trị, cô giáo Lê sẽ tiếp tục hành trình với 30 mũi xạ. Ngày 19/11, BV K TƯ cho biết, BV đang điều trị cho cô giáo Trương Thị...