Bệnh tay chân miệng và những điều cần biết
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có hai mùa dịch là tháng 3-5 và 9-12.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay có hơn 100 bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại khoa. Trung bình ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện. Bố mẹ nên nhận biết các dấu hiệu bệnh thật sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế, cũng như cách chăm sóc và phòng bệnh cho bé.
Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh là virus Coxsackie. Virus này có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ bệnh. Các đường lây truyền bệnh chủ yếu:
- Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh; bị nhiễm bệnh do hít phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho hay hắt hơi.
- Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi hay chạm vào sàn nhà có dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.
- Lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.
Virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó phát triển rất nhanh gây ra các tổn thương da và niêm mạc.
Nổi bóng nước lòng bàn tay bàn chân là triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng. Ảnh: L.P.
Video đang HOT
Triệu chứng
- Sốt là triệu chứng thấy rõ nhất ở bệnh tay chân miệng. Thường trẻ sốt nhẹ ở 37,5-38oC hoặc sốt cao 38-39oC.
- Loét miệng do các bóng nước đường kính 2-3 mm trên niêm mạc miệng vỡ ra tạo thành những vết loét, làm cho trẻ rất đau khi ăn và tăng tiết nước bọt.
- Bóng nước xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, ấn vào không đau.
- Một số trường hợp bóng nước xuất hiện rất ít xen kẽ với những hồng ban; hoặc không có bóng nước mà chỉ hồng ban đơn thuần, hay chỉ loét miệng đơn thuần.
- Triệu chứng báo hiệu bệnh nặng: Sốt cao không giảm, nôn ói nhiều, tay chân run, dáng đi loạng choạng, thở nhanh, khi ngủ hay bị giật mình.
Bố mẹ nên nhận biết các dấu hiệu trên ở trẻ để cho nhập viện ngay.
Dinh dưỡng
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, hay không ăn uống được do các vết loét bên trong niêm mạc miệng gây rất đau đớn. Ngoài ra bé còn bị sốt cao, nôn ói… nên rất mệt mỏi và khó chịu, quấy khóc. Bố mẹ nên cho trẻ ăn những món kích thích ngon miệng như rau có tính mát, chứa nhiều vitamin, chẳng hạn rau dền đỏ, mồng tơi… Thức ăn nên được xay thật nhỏ, mềm và chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để dễ hấp thu.
Cho trẻ ăn thực phẩm giàu kẽm để tăng sự ngon miệng, tăng sức đề kháng, mau lành các vết loét trong miệng, bảo vệ vị giác… Các món thích hợp gồm sò, củ cải, đậu hà lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà, thịt cừu, thịt heo nạc….
Cho trẻ dùng thực phẩm nhiều nước, mát và vitamin C như nước ép cam, quýt, cà chua, ổi, bưởi… Uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh thức ăn cay, nóng, cứng. Tránh dùng các loại thìa muỗng cứng, sắc cạnh đút thức ăn cho trẻ vì sẽ đụng đến các vết loét trong miệng, khiến trẻ đau, sợ hãi, bỏ ăn uống.
Đối với bé còn bú mẹ thì cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc còn khỏe. Khi trẻ giảm bệnh (khoảng 4-5 ngày sau khi phát bệnh) và hết các vết loét trong miệng thì cần khuyến khích, động viên bé ăn uống bình thường trở lại, không kiêng khem để phòng tránh suy dinh dưỡng. Ăn xong nên cho bé súc miệng thật sạch và nhịn hoàn toàn trong 3-4 giờ sau mới cho ăn uống trở lại.
Phòng bệnh
Hiện nay chưa có văcxin để phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy cha mẹ nên lưu ý những điều sau để tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau mỗi lần vệ sinh cho trẻ.
- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%.
- Hạn chế thói quen trẻ ngậm mút tay. Không cho trẻ nhỏ ngậm vú giả. Luôn cắt móng tay và móng chân cho trẻ sạch sẽ, kể cả người lớn.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Theo vnexpress.net
Hơn 300 triệu người mắc bệnh hiếm
Hơn 7.000 các căn bệnh hiếm khác nhau đã được ghi nhận trên thế giới, với khoảng hơn 300 triệu người mắc bệnh (cao gấp hơn 3 lần dân số của nước ta).
Tại buổi Lễ kỷ niệm ngày Quôc tế Bệnh hiếm (28/2) và ra mắt cuốn sách "Lắng nghe câu chuyện của chúng tôi" kể về 22 câu chuyện nhỏ của 22 bệnh nhân mắc bệnh hiếm, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết có tới hơn 7.000 các căn bệnh hiếm khác nhau đã được ghi nhận trên thế giới, với khoảng hơn 300 triệu người mắc bệnh (cao gấp hơn 3 lần dân số của nước ta).
Trong đó, 90% bệnh nhân chưa có giải pháp trong việc điều trị (chưa có thuốc điều trị bệnh) gây nên những thách thức lớn về mặt tiếp cận chẩn đoán và điều trị.
Đặc biệt, 58% bệnh hiếm xuất hiện ở trẻ em, một đối tượng cần quan tâm chăm sóc đặc biệt.
"80% các bệnh hiếm là bệnh di truyền, tức là biểu hiện bệnh suốt đời mặc dù các triệu chứng có thể không xuất hiện ngay", Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin.
Trước thực tế này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thành lập Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý bệnh hiếm.
Theo ông Hải, ngày cuối cùng của tháng 2 hàng năm được chọn là ngày thế giới về các bệnh hiếm gặp. Mục đích hàng đầu của ngày này là làm tăng nhận thức của cộng đồng, của những nhà hoạch định chính sách và các nhà chuyên môn về các bệnh hiếm gặp và ảnh hưởng của các bệnh này lên cuộc sống của người bệnh và gia đình họ.
Sáng kiến tổ chức ngày bệnh hiếm lần đầu ở Pháp năm 2008. Tính đến năm 2017, 94 nước đã tham gia các hoạt động hưởng ứng ngày quốc tế bệnh hiếm. Ở Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở đầu tiên trong cả nước có các hoạt động hưởng ứng ngày thế giới về bệnh hiếm và lần đầu tổ chức năm 2013. Từ đó đến nay đều đặn hàng năm bệnh viện đều có các hoạt động cùng thế giới hưởng ứng ngày này.
Năm nay, chủ đề ngày thế giới bệnh hiếm là "Vì hiếm - Hãy chăm sóc chúng tôi". Chủ đề của năm nay là tập trung vào bệnh nhân (lấy bệnh nhân làm trung tâm), mọi nghiên cứu hướng tới chẩn đoán xác định bệnh, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Theo Hà Quyên (Zing)
Bé gái bị điều dưỡng tiêm nhầm kali đã tử vong Tối 23/1, bé gái 8 tháng tuổi qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhà chức trách tiến hành khám nghiệm tử thi, phục vụ điều tra. Gia đình bé cho biết sẽ khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, nơi bé bị điều dưỡng tiêm nhầm kali đường tĩnh mạch thay vì uống theo chỉ định của bác sĩ. Chẩn...