Bệnh sĩ của người Việt và những kỷ lục hay công trình ngàn tỷ
“Muốn thay đổi bệnh sĩ diện là điều không dễ, nhưng không đồng nghĩa với việc không thể thay đổi”, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan nói về “bệnh sĩ của người Việt.
GS.Nguyễn Minh Thuyết: “Dạy học sinh chống tham nhũng như nước đổ lá khoai”
LTS: Thời gian gần đây, hàng loạt kỷ lục lớn nhất tại Việt Nam đã được xác nhận, như bánh chưng, bánh giầy, tô hủ tiếu, cái bánh tét cho đến cả chai rượu…
Sắp tới Việt Nam có thể xây dựng tháp truyền hình và một số công trình mang giá trị lịch sử, văn hóa khác, có quy mô lớn, được đầu tư lên tới cả nghìn tỷ đồng…
Một số chuyên gia nhận định, đây là cái cách người Việt thỏa mãn thói sĩ diện hão của mình.
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, chuyên gia tâm lý, Đại học Khoa học – Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PV: Ông đánh giá như thế nào về “căn bệnh” thích “to” của phần đông người Việt?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Việc xây cái “to”, làm cái lớn thực chất là để thỏa mãn bệnh sĩ hay thói quen sĩ diện hão của phần đông người Việt.
Những suy nghĩ, hành vi này của con người đối lập với những gì họ đang có, đang phải đối diện.
Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường, khi người ta cạnh tranh nhau về các giá trị vật chất, thì các yếu tố phi thực tế cũng sẽ được thổi phồng lên. Điều này khiến không ít người ảo tưởng về bản thân.
Giá trị của vật thể có phụ thuộc vào kích cỡ, quy mô đầu tư?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Công bằng mà nói, phải nhìn nhận vấn đề trên ở hai phương diện.
Ví dụ những vật thể (đặc biệt là những vật thể, biểu tượng văn hóa, lịch sử) được xây dựng ở mỗi giai đoạn, dù ít hay nhiều, đều lưu giữ các giá trị đi kèm.
Nhưng cũng nên lưu ý rằng, những công trình được đầu tư số tiền lớn như vậy cũng phải tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi vùng, miền, rộng hơn là phạm vi quốc gia.
Video đang HOT
Không phải thấy người ta làm cái gì là mình làm theo cái đó. Bởi lẽ cái giá phải trả đằng sau những vật thể lớn ấy là không hề nhỏ.
Chai rượu khổng lồ của một hãng nói là làm để tiến cúng các vua Hùng nhân dịp giỗ tổ từng bị cả nước phê bình là quảng cáo trá hình và cũng là một biểu hiện của thói sĩ diện. Ảnh nld.com.vn
Trước đây (thời kỳ phong kiến) nhiều công trình có giá trị văn hóa, lịch sử được xây dựng để phục vụ cho tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử… biểu hiện đặc trưng của của giai cấp thống trị. Nhưng cái (giá trị vật chất, tinh thần) mà người ta phải đánh đổi để có được nó thì quá đắt.
Hay gần đây, thông tin sắp xây dựng tháp truyền hình “khủng” cũng phô diễn rất nhiều điều bất hợp lý.
Người Nhật làm được tháp truyền hình lớn, bởi có rất nhiều yếu tố (kinh tế, xã hội) đảm bảo cho họ làm được những công trình tầm cỡ như vậy.
Còn Việt Nam thì sao? Trong thời điểm hiện nay, chúng ta liệu có đủ điều kiện và tính cần thiết phải có tháp truyền hình lớn như vậy không?.
Theo quan điểm của tôi, điều này chưa cần thiết…
Theo ông, có cần thiết phải xem xét ý kiến của người dân khi thực hiện đầu tư xây dựng những công trình này, đặc biệt là những công trình sử dụng nguồn ngân sách nhà nước?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Đứng trên phương diện quản lý nhà nước, không loại trừ người ta áp đặt tư duy đối với những công trình xây dựng được đầu tư bằng tiền ngân sách.
Còn về phương diện người dân, tôi tin chắc họ sẽ không ủng hộ lắm!
Việc sử dụng đồng tiền, đặc biệt là tiền thuế của nhân
dân vào bất kỳ công việc gì cũng phải hỏi ý kiến của dân.
Dân sẽ góp ý cho nhà quản lý nên hay không nên làm? làm mức độ như thế nào thì đủ?
Những đóp góp ý kiến của người dân là cần thiết và hay hơn rất nhiều khi những quyết sách quan trọng chỉ được thông qua bởi một số người.
Ông từng nhắc tới “căn bệnh” sĩ diện hão của phần đông người Việt. Vậy theo, ông đâu là nguyên nhân?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Điều này tùy thuộc vào môi trường, hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Trong cuộc sống, khi con người phải đối diện với nhiều khó khăn, sẽ dẫn tới sự tự ti, mặc cảm.
Khi đó trong tâm trí họ luôn thường trực suy nghĩ muốn thể hiện mình cho oai, kể cả ngay bản thân họ không có nội lực.
Khi gặp phải sự phản ứng thì người ta mới nhận thức được những hành vi thiếu thực tế, không đem lại hiệu ứng như mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Đại học Khoa học – Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: Báo Kiến thức)
Mặt khác, trong xã hội hiện nay, con người có điều kiện thụ hưởng nhiều giá trị vật chất, tinh thần. Do đó các giá trị cuộc sống cũng dần thay đổi theo. Điều này dễ dẫn dắt con người ta đến việc bắt chước một cách mù quáng, làm mọi cách để cho bằng người khác…
Cũng cần đề cập đến yếu tố giáo dục. Một xã hội coi trọng vấn đề thi cử,bệnh háo danh, sẽ tạo nên các giá trị ảo trong đời sống.
Theo ông, cần làm gì để thay đổi thói quen sĩ diện hão của phần đông người Việt?
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Muốn thay đổi suy nghĩ này là không dễ. Không dễ không đồng nghĩa với việc không thể thay đổi được.
Sự thay đổi (nếu có) trước tiên, phải xuất phát từ các nhà hoạch định chính sách. Theo đó việc xây dựng các trương trình kế hoạch, dự án, phải luôn luôn phải mang tính thực tiễn, bám sát lợi ích cốt lõi của nhân dân…
Mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La vừa ra Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP. Sơn La, tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện từ năm 2015-2019. Dự kiến lễ động thổ khởi công xây dựng vào ngày 11/10/2015, nhân kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La.
Được biết, Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ (Chương trình 30a).
Hiện tại, có nhiều ý kiến về khoản chi 1.400 tỷ đồng và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Sơn La báo cáo trước ngày 15/8.
XUÂN QUANG
Theo Dantri
"Tượng đồng phơi những lối mòn"
Nơi duy nhất Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng đài khi Người còn sống là đảo Cô Tô, ngay sát biên giới Trung Quốc, được coi là biểu tượng hải phận Việt Nam. Vậy mà...
Giờ đây cả nước lại rộ lên cơn sốt tượng đài. Nơi nơi đua nhau xây tượng. Cả nước hiện có 400 tượng đài, riêng Thủ đô Hà Nội giành giải quán quân với con số 34, và theo quy hoạch dự tính trong 5 năm tới Hà Nội sẽ dựng thêm 11 tượng đài ở 5 đô thị vệ tinh mới. Dường như hàng trăm tượng Bác ở khắp nơi chưa đủ, mới đây tỉnh Sơn La liền "chơi sang" quyết định xây khu tượng đài 1.400 tỷ.
Xin đừng để "tượng đồng phơi những lối mòn", tiền dân, của đau con xót...
Trong khi đó hễ nhắc đến Sơn La, người ta liền nói đến "danh hiệu" một trong những tỉnh nghèo nhất nước ta; ngân sách địa phương thu không đủ cho đồng bào các dân tộc cầm hơi, hàng năm phải xin trung ương cấp thêm hàng nghìn tỷ đồng để bù chi; chỉ mới đây thôi, hình ảnh đàn gia súc, xe cộ, của cải bị cuốn trôi trong trận lũ lớn vẫn còn đầy trên các bản tin thời sự...Ấy thế mà lãnh đạo Tỉnh này dám chơi ngông với dự án quy mô hơn nghìn tỷ với lý do: "nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào". Thế nhưng, bà Phương (người dân bản địa) lại ngơ ngác nói: "Tôi thấy những người sống quanh mình có cái nguyện vọng dựng tượng ngàn tỷ đâu. Không hiểu báo đài họ moi đâu ra cái nguyện vọng đấy cơ chứ?". Khoan nói về câu trả lời bất nhất giữa lãnh đạo và người dân nơi đây, câu hỏi đặt ra lúc này là việc phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng khu tượng đài trong khi dân phải chạy cơm từng bữa có nên hay không?
Tỉnh Sơn La còn hơn 36.000 người thiếu đói.
Trong khi thay vì xây dựng một tượng đài rồi...bỏ đấy, các vị lãnh đạo Tỉnh Sơn La có thể sử dụng 1.400 tỷ đồng một cách thiết thực hơn, thông qua việc hỗ trợ người dân chống đói giáp hạt, giúp họ... no bụng để duy trì cuộc sống. Khi người dân còn đói, công ăn việc làm chưa ổn định, cuộc sống chưa được đáp ứng một cách tối thiểu, thì việc thể hiện tình cảm bằng số tiền khổng lồ là quá lãng phí và không xứng đáng với chính tình cảm của người dân.
Sinh thời Bác sống rất giản dị, tiết kiệm đến từng que diêm nhỏ. Người sống dung dị như câu thơ Tố Hữu: "Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn". Giờ đây đây dưới suối vàng, biết tin đất nước còn nghèo khó, nhân dân còn nhiều cơ cực mà khắp nơi nô nức xây tượng đài chắc Bác buồn lắm!
"Cả một đời Bác có ngủ yên đâu, nay Bác ngủ, để yên cho Bác ngủ", xin đừng nhân danh, núp bóng, mượn cớ mà làm khổ Bác. Xin đừng để "tượng đồng phơi những lối mòn", tiền dân, của đau con xót...
Theo truongtansang.net
Vụ xây tượng đài 1.400 tỷ: "Nếu còn sống Bác Hồ không bao giờ đồng tình" Xung quanh việc Sơn La trích ra 1.400 tỷ để xây dựng tượng đài, trao đổi với PV Infonet, ông Lê Văn Cuông, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng, việc làm trên Bác không bao giờ chấp nhận... 1.400 tỷ không phải chỉ để xây tượng đài Trao đổi với phóng viên Infonet sáng 4/8, đại diện lãnh đạo tỉnh...