Bệnh nhi chờ chết được cứu nhờ phương pháp mổ mới
Trước đây những trẻ em chẳng may bị hẹp khí quản chỉ còn cách…chờ chết hoặc ra nước ngoài điều trị thì nay đã được phẫu thuật ngay tại TPHCM với tỷ lệ thành công rất cao.
Trước đây chỉ có thể chờ chết
Chiều ngày 22/5, Thạc sĩ – bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng Khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, bênh viện vừa phối hợp với Khoa ngoại lồng ngực của Bệnh viện Chợ Rẫy, phẫu thuật thành công cho 8 bệnh nhi bị hẹp khí quản (5 ca bẩm sinh, 3 ca sẹo hẹp do tai biến).
Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam bệnh nhi bị hẹp khí quản được phẫu thuật cứu sống thành công.
Bé Hùng đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật để đến với cuộc sống. Ảnh: Thanh Huyền.
“Phẫu thuật hẹp khí quản là một kỹ thuật vô cùng phức tạp, nhất là với trẻ em, từ trước đến nay rất ít bác sĩ nào dám thực hiện. Khi khí quản trẻ bị hẹp không thể đặt ống nội khí quản, chính vì thế chúng tôi chỉ có thể đứng nhìn bệnh nhi tử vong một cách bất lực.” – bác sĩ Loan nói.
Bác sĩ Loan không thể quên một trường hợp bị hẹp khí quản quá nặng. Ở Việt Nam không ai dám mổ, bác sĩ Loan làm hồ sơ bệnh án của bé gửi cả cho các bệnh viện ở nước ngoài nhưng chẳng nhận được hồi âm. Cuối cùng các bác sĩ đành đứng nhìn em bé đó đã qua đời ngay trước mắt.
Chính vì những lý do đó, khi biết Bệnh viện Chợ Rẫy làm rất tốt phẫu thuật hẹp khí quản ở người lớn, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mạnh dạn đề nghị hợp tác.
Bác sĩ mổ chính ở Khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy ban đầu rất ái ngại, dù rất nhiều kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật mổ này nhưng lại chưa bao giờ tiến hành trên trẻ em.
Sau 2 năm nín thở theo dõi, 8 em bé (nhỏ nhất 5 tháng tuổi, lớn nhất chưa tới 2 tuổi) được phẫu thuật hẹp khí quản thì cả 8 đều khỏe mạnh, hồi phục tốt. Điều đáng mừng hơn, chẳng bé nào bị biến chứng sẹo hẹp sau phẫu thuật.
Bé Trần Đức Huy Hùng, ngụ tại Gia Lai, sinh ngày 3/8/2013 là một trong những trường hợp may mắn ấy.
Trước khi phẫu thuật, cứ 1 tuần bé Hùng lại phải nhập viện một lần để thở o xy.
Mẹ của bé Hùng kể: “Cháu cứ khò khè như cối xay, có lúc ngửa cổ về sau nấc lên như bị ai bóp chẹn vào cổ, toàn thân tím tái. Thương con lắm nhưng chẳng biết làm thế nào, tháng nào 2 mẹ con cũng phải bồng bế nhau vào viện 3 – 4 lần. Khi xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu, được biết bệnh tình của con có thể phẫu thuật khỏi hẳn, tôi mừng lắm.”
Sau khi thăm khám, soi phế quản, các bác sĩ kết luận Hùng bị hẹp trên 50% khí quản.
Video đang HOT
Trải qua nhiều lần hội chẩn, cuối cùng ca phẫu thuật cũng được tiến hành trong 4 tiếng đồng hồ.
Đối với thân thể nhỏ bé mới 8 tháng tuổi thì đây là một cuộc đại phẫu thuật. Các bác sĩ phải mổ hở, xẻ xương ức, phẫu thuật tạo hình khí quản theo dạng trượt, đặt tuần hoàn ngoài cơ thể.
Mới mổ xong, tránh làm tổn thương cho đường thở, bệnh nhân sẽ được luồn ống nội khí quản trợ thở.
Với các ca trước đó bệnh nhi phải nằm hậu phẫu từ 7 – 10 ngày, có ca cả tháng nhưng bé Hùng hồi phục rất nhanh, chỉ 4 ngày đã được ra ngoài, dự tính sẽ xuất viện vào ngày 26/5.
Đem lại cơ hội sống cho trẻ
Trong 5 năm qua, Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận trên 35 trường hợp bị hẹp khí quản. Tỷ lệ tử vong tùy thuộc vào mức độ hẹp. Nếu hẹp dưới 50 % đa phần chỉ cần theo dõi, tuy nhiên khi đã vào bệnh viện thường bệnh nhi ở mức độ bị hẹp trung bình đến nặng.
Các bác sĩ và gia đình bệnh nhi vô cùng vui mừng vì kết quả của ca mổ. Ảnh: Thanh Huyền
Với các trường hợp như vậy nếu bị bệnh lý đi kèm hoặc viêm hô hấp sẽ vô cùng nguy hiểm. Các bác sĩ cũng không thể phẫu thuật cứu chữa vì khí quản bị hẹp không đưa được ống nội khí quản vào.
Tháng trước, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận một bệnh nhi bị khó thở do hẹp khí quản, và em bé này đã tử vong ngay sau đó.
Chính vì thế, việc phẫu thuật thành công bệnh lý hẹp khí quản cho trẻ em là một bước tiến rất quan trọng, giúp cứu sống nhiều trường hợp tưởng như đã…bó tay.
Chi phí cho một ca phẫu thuật hẹp khí quản ở trẻ em khoảng 30 triệu đồng.
Thanh Huyền
Theo_VietNamNet
"Chỉ cần đi qua đầu giường là đã lây sởi".
Cùng Bộ trưởng Y tế làm việc với Sở Y tế TP.HCM, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh đã nhận định: "Chỉ cần đi qua đầu giường là đã bị lây sởi". Điều đó có nghĩa bệnh sởi rất dễ lây lan, các bệnh viện phải cố gắng phân loại, phân tuyến thật tốt thì mới giảm tử vong, giảm mắc, giảm tải và giảm lây chéo.
Mở rộng độ tuổi chích ngừa
Trong quá trình thăm hỏi các phụ huynh có con nằm điều trị sởi tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM vào ngày 28/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảm thấy việc tiêm chủng vẫn chưa đạt yêu cầu.
"Tôi đã trực tiếp hỏi một chị đang chăm con bị sởi, được biết em bé chưa chích ngừa. Chị ta tâm sự chưa chích ngừa được cho con vì cứ mỗi lần định đưa con đi chích bé lại bị ho, sốt, viêm hô hấp. Tới khi bé hết bệnh thì không đúng ngày chích ngừa ở y tế địa phương. Và thế là cháu bé chưa kịp chờ tới ngày chích đã mắc bệnh sởi", Bộ trưởng Y tế cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo TPHCM phải tăng thêm số ngày chích ngừa sởi trong tháng. Ảnh: Thanh Huyền.
Khắc phục tình trạng này, số ngày chích ngừa sởi phải được tăng lên. Chẳng hạn như tại Hà Nội, thời gian chích ngừa sởi hiện nay gần như diễn ra thường xuyên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế còn căn dặn Sở Y tế TP.HCM cố gắng mở rộng lứa tuổi tiêm chủng, trên tinh thần miễn sao bảo vệ được nhiều trẻ em nhất.
Đặc biệt, những đối tượng dù là người lớn nhưng có nguy cơ lây nhiễm sởi cao như các bà mẹ đang nuôi con nhỏ cũng nên chích ngừa sởi.
Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp mẹ bị sởi lây cho con. Người mẹ dù đã từng chích ngừa nhưng trải qua thời gian lâu, kháng thể kém, vẫn có nguy cơ nhiễm sởi.
Muốn khống chế được dịch sởi, đầu tiên phải thực hiện cách ly từ ngoài Khoa Khám bệnh. Để cách ly tốt thì phải phân luồng bệnh, muốn phân luồng được bệnh thì phải cố gắng giảm tải, cuối cùng muốn giảm được tải thì phải phân tuyến tốt.
Từ đó, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh các bệnh viện nhi phải quyết liệt ngay từ khoa khám bệnh, nếu bệnh chưa nặng yêu cầu bệnh nhân về bệnh viện địa phương điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân không chịu về bệnh viện địa phương thì chuyển sang các bệnh viện vệ tinh của bệnh viện nhi.
Chẳng hạn như hiện nay TP.HCM có Bệnh viện quận Bình Tân có Khoa Nhi là vệ tinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Ngoài ra, đối với bệnh nhân sởi, trong thời điểm bệnh đang phức tạp như hiện nay tuyệt đối không được nằm ghép.
Hiện nay Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị sởi cập nhật bổ sung cho tất cả các bệnh viện.
Chi 30 tỷ đồng chống sởi
Cũng chung quan điểm với Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê - Cục Trưởng Cục khám, chữa bệnh đã nhận định: "Chỉ cần đi qua đầu giường là đã bị lây sởi".
Điều đó có nghĩa bệnh sởi rất dễ lây lan, các bệnh viện phải cố gắng phân loại, phân tuyến thật tốt thì mới giảm tử vong, giảm mắc, giảm tải và giảm lây chéo.
Phải giải quyết không để bệnh nhi sởi nằm ghép - Ảnh: Thanh Huyền.
Cục trưởng Khuê cũng biểu dương Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tổ chức được buổi tập huấn về phòng tránh, điều trị sởi cho các bệnh viện tuyến dưới trên địa bàn mình và các bệnh viện trên khắp các tỉnh, thành phía Nam.
Phía Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ đầu năm tới nay đã chuẩn bị 30 tỷ đồng cho chiến dịch phòng, chống sởi. Sở đã bàn giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP trước 10 tỷ, còn 20 tỷ sẽ dùng toàn bộ để mua sắm trang thiết bị, thuốc men cần thiết khác.
Trong buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thông tin, từ tháng 1 tới tháng 3 các trường hợp mắc sởi gia tăng dần. Cho tới tháng 4, số người mắc sởi chững lại, tuy nhiên lứa tuổi mắc bệnh lại có xu thế ở các bé lớn hơn.
Lứa tuổi mắc sởi cuối năm 2013 chủ yếu dưới 3 tuổi thì hiện nay là từ 10 tuổi trở xuống.
Tỷ lệ biến chứng sởi trong tháng 1 lên tới 32,6% nhưng tháng 4 chỉ còn 24,1%.
Qua 8 tuần tiêm vét vắc - xin sởi, ngành y tế TP. đã tổ chức chích được hơn 62 ngàn mũi trong chương trình và hơn 25 ngàn mũi dịch vụ.
Tuy nhiên, lượng dân vãng lai, nhập cư vào TP.HCM quá lớn nên vẫn còn có trẻ trong độ tuổi chưa được chích.
"Ngày mai chúng tôi sẽ họp 24 quận, huyện kiểm tra thật chính xác về nhu cầu vắc-xin xem có thiếu không. Nếu thực sự thiếu chúng tôi sẽ cho bổ sung", bác sĩ Dũng nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Dũng cũng cho biết, qua lễ 30/4 - 1/5, ngành y tế TP. sẽ tổ chức chích ngừa luôn cho các đối tượng trẻ em từ 10 tuổi trở xuống.
Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng, từ đầu năm tới nay toàn TP.HCM đã có hơn 1.000 ca mắc sởi.
May mắn, số trường hợp bị biến chứng không cao. Đa số bệnh nhi mắc sởi nhẹ nhưng do tâm lý lo lắng nên phụ huynh yêu cầu cho con được nhập viện.
Thanh Huyền
Theo VNN
Nước mắt tuôn rơi khi vừa chôn cất con gái, con trai đã nguy kịch vì sởi Ngay câu mở lời, nước mắt của người mẹ đã trào ra như trời đất đang sụp đổ dưới chân: "Tôi phải làm gì đây, phải làm gì để cứu con mình"... Bất cứ ai ở Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cũng đều phải nghẹn đắng trước hoàn cảnh của anh chị Khúc Văn Khôi và Phạm Thị Bích trú tại Mỹ...