“Bệnh nhân vượt tuyến làm bệnh viện đông như trại tị nạn”
“Thực tế có đến 60% bệnh nhân điều trị tại BV tuyến trên chỉ mắc các loại bệnh nhẹ vẫn “dồn” lên, dẫn tới quá tải. Như BV Ung bướu TPHCM tôi vừa đến thăm mới đây vào buổi tối đông như trại tị nạn”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Ngày 17/4, tại phiên họp toàn thể lần của UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi giải trình về vấn đề chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh và quản lý sử dụng quỹ BHYT.
Liên quan đến vấn đề đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT đăng ký hám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã chiếm khoảng 20%, tuyến huyện 60%, tuyến tỉnh và tuyến TƯ 20%. Đa số các cơ sở y tế và cơ quan BHXH đều đã thống nhất việc lập danh sách các cơ sở đủ điều kiện đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, phân bổ số lượng người tham gia BHYT đăng ký tại mỗi cơ sở phù hợp với khả năng phục vụ của đơn vị, đảm bảo cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận những vấn đề tồn tại như việc một số Sở Y tế và BHXH tỉnh không hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu về trạm y tế vì chưa yên tâm về chất lượng và khó khăn trong quản lý, giám sát. Việc phân bổ thẻ BHYT tại mỗi cơ sở chưa phù hợp, dẫn đến có những nơi quá đông người đăng ký, có nơi lại quá ít hoặc chủ yếu là đối tượng người cao tuổi, hưu trí dẫn đến việc không đảm bảo cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Người tham gia BHYT cũng còn phàn nàn về việc phải chờ đợi, thủ tục trong chuyển tuyến khám chữa bệnh còn nhiều phiền hà, nhiều bệnh nhân tự vượt tuyến khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng quá tải ở tuyến trên. Đặc biệt, một số trường hợp bệnh nhân trong tình trạng chưa đến mức phải chuyển lên tuyến trên nhưng bác sĩ đã viết giấy chuyển viện theo yêu cầu của người bệnh.
Cảnh bệnh nhân chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Y tế trong chuyến thị sát bệnh viện năm ngoái của bà Tiến vẫn gây nhức nhối dư luận.
Ngành Y tế suốt thời gian qua cũng “đau đầu” vì dù ban hành rất nhiều giải pháp để giữ bệnh nhân khám chữa bệnh ở tuyến dưới nhưng số bệnh nhân vượt tuyến vẫn không giảm. Năm 2010 có khoảng trên 3 triệu người 2011 9,1 triệu thì năm 2012 đã có 9,95 triệu bệnh nhân vượt tuyến.
Bộ trưởng Tiến thanh minh: “Thực tế có đến 60% bệnh nhân điều trị tại BV tuyến trên chỉ mắc các loại bệnh nhẹ, đáng lẽ có thể khám chữa bệnh tại BV tuyến cơ sở. Chính điều này dẫn đến quá tải BV tuyến trên. Cụ thể như BV Ung bướu TPHCM tôi vừa đến thăm mới đây vào buổi tối đông như trại tị nạn”.
Video đang HOT
Bà Tiến trao đổi, ngành Y tế ý thức được thực trạng bức xúc này và sẽ đưa ra nhiều giải pháp như phân tuyến kỹ thuật, quy định chuyển tuyến, đồng chi trả, xem lại khám chữa bệnh ban đầu….để chặn vượt tuyến.
“Về việc nhiều cụ già chờ cả đêm đến chiều hôm sau chưa nhận được thuốc và đã đề xuất phân tuyến hoặc có cửa riêng ưu tiên người già, người có công”, bà Tiến nói.
Bộ Y tế cũng có chỉ đạo, các BV không tăng cường trang thiết bị, thái độ phục vụ không tốt sẽ cắt hợp đồng BHYT. Bộ trưởng Y tế cũng thông tin, có nhiều vụ sai phạm trong BHYT đã bị xử lý hình sự như việc ở BV Chợ Rẫy…
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) chỉ ra nghịch lý khi quỹ bảo hiềm nhiều tỉnh nghèo kết dư lớn nhưng người dân lại không được hưởng. Phân tích về nguyên nhân bệnh nhân vượt tuyến, ông Châu cho rằng, vì khám chữa bệnh ở tuyến dưới được hưởng mức chi trả rất thấp trong khi mức đóng bảo hiểm là như nhau. Việc vượt tuyến theo đó lại càng có lợi cho người giàu. Ông Châu gợi ý hướng quy định, vượt tuyến không được thanh toán bảo hiểm.
Bà Tiến phân trần, khi xây dựng Luật BHYT, quan điểm của Bộ là không thanh toán cho việc vượt tuyến nhưng Quốc hội không đồng ý.
Cũng theo bà Tiến, gói dịch vụ khám chữa bệnh tương tự như ở Việt Nam, người dân các nước lân cận như Thái Lan phải chi trả 80-120 USD cho thẻ BHYT, trong khi mức đóng ở Việt Nam chỉ là 30 USD. Mệnh giá thẻ thấp mà viện phí không cho tăng (năm 2012 đã tăng nhưng mới tính 4/7 cấu thành của viện phí), nên bảo hiểm phải đặt trần khám chữa bệnh.
Mặt khác, việc “nhảy” tuyến, vượt tuyến, theo Bộ trưởng Y tế cũng do lỗi của báo chí “khi có vài ca tai biến là làm rùm beng dẫn đến người dân mất niềm tin vào y tế tuyến cơ sở là không đáng”. Tuy nhiên, để nâng chất lượng khám chữa bệnh tuyến sơ sở, Bộ Y tế đang xây dựng cơ chế luân phiên ý bác sỹ đi cơ sở trong thời gian tới đây.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội) đặt câu hỏi, các bệnh viện tuyến trên khám chữa cho tất cả các bệnh nhân hay chỉ khám chữa bệnh khi tuyến dưới không chữa được? Còn khi chất lượng giá dịch vụ tuyến trên cao hơn tuyến dưới mà vẫn được chi trả bảo hiểm, việc “chạy” chuyển tuyến là đương nhiên. Đây cũng là thách thức đối với vấn đề cân đối quỹ BHYT.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hứa tháng 6 tới sẽ ban hành thông tư quy định về chuyển tuyến BV. Thông tư này sẽ đề ra các giải pháp kỹ thuật nhằm phân tuyến như đối với bệnh viêm phối thì nhất quyết không lên BV trung ương hay thành lập thêm BV vệ tinh.
“Với thông tư này, nếu BV trung ương nhận chuyển tuyến không đúng sẽ bị xử phạt và hạ bậc. Cụ thể BV tuyến trên mà khám, chữa bệnh nhẹ mà tuyến dưới có khả năng làm được thì hạ bậc BV, đồng thời BHXH không ký hợp đồng khám chữa bệnh nữa”- bà Tiến quả quyết.
Theo Dantri
Công nhân mãi sống mòn với lương tối thiểu
Lương khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 62 - 69% mức sống tối thiểu. 90% số công nhân phải làm thêm giờ. Nhưng dù có làm thêm "miệt mài", thu nhập vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu sống tối thiểu.
Lương tối thiếu quá chênh lệch với mức sống tối thiểu
Tại hội thảo Mức sống tối thiểu, những vấn đề đặt ra đối với việc xác định tiền lương tối thiểu, mức sống tối thiểu của người lao động do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức, nhiều ý kiến ái ngại về việc lương tối thiểu vẫn còn chênh lệch quá xa so với mức sống tối thiểu của người lao động.
Nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tiền lương tối thiểu cho thấy lương luôn luôn chạy theo nhu cầu sống tối thiểu. Cụ thể, khu vực sản xuất kinh doanh (SXKD) chỉ đáp ứng được 62- 69% mức sống tối thiểu. Còn ở khu vực hành chính sự nghiệp, tỷ lệ này còn thấp hơn.
Ông Đặng Quang Điều, Viện công nhân và Công đoàn cho rằng, do mức lương tối thiểu của người lao động quá thấp (chỉ 2,3- 2,5 triệu đồng/ tháng) nên để có được mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng, có đến trên 90% số công nhân phải làm thêm giờ.Nhưng dù có làm thêm "miệt mài", theo ông Điều, thu nhập của người lao động vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu sống tối thiểu. Bởi theo nghiên cứu, tính trung bình mỗi tháng, người lao động tối thiểu phải chi phí 800.000 - 900.000 đồng/tháng cho việc ăn uống, 1,2 triệu đồng cho các chi phí sinh hoạt khác. Nếu có thêm con cái, họ sẽ phải tiêu tốn thêm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
"Mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng, chưa đủ để người lao động đủ sống. Do đó, các bữa ăn của công nhân, người lao đông rất kham khổ, cộng làm thêm nhiều nên không thể tái tạo lại được sức khỏe. Nhiều người phải ăn mòn mãi vào sức của mình, dẫn đến tình cảnh làm công nhân được vài làm là héo hắt, gầy mòn, nhất là lao động nữ" - ông Điều nói.
Bữa ăn của công nhân ngày càng đạm bạc
Còn ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, không ít bất cập của chính sách tiền lương tối thiểu hiện nay đã lộ rõ. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của chính sách tiền lương tối thiểu còn hẹp (chủ yếu trong khu vực chính thức), không điều chỉnh đối với công việc theo ngày, theo giờ.
L ương khu vực doanh nghiệp: Cần tăng cường giám sát
Thực tế cho thấy, trong số 506 vụ đình công xảy ra năm 2012 thì có 80% nguyên nhân là tranh chấp tiền lương và phụ cấp tiền lương. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, việc điều chỉnh lộ trình mức lương tối thiểu như kết luận của trung ương là rất khó khăn. Như năm 2013, Chính phủ chỉ tăng được 16 - 18% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Còn khu vực hưởng lương từ ngân sách thì thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng như đã trình với Trung ương (từ 1/5) cũng chỉ tăng lên mức 1,15 triệu đồng và thời gian áp dụng cũng chậm hơn 2 tháng.
Tuy nhiên, cả ông Thành và ông Điều đều cho rằng, khó có thể điều chỉnh đúng lộ trình. Câu chuyện tiền lương và mức sống sẽ mãi như hình với bóng và khó biết bao giờ mới gặp nhau. Bởi việc cải cách tiền lương không đơn thuần là việc thay đổi bảng lương mà còn rất nhiều vấn đề liên quan khác.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tiền lương phải gắn với năng suất lao động, do đó, tính toán về tiền lương tối thiểu phải gắn với việc tính năng suất lao động của họ trong quá trình làm việc.
Đứng ở góc độ bình đẳng giới, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng trong cách tính toán mức lương tối thiểu hiện nay không ổn ở chỗ chưa tính đến yếu tố đặc thù giới tính. "Lao động nữ có những đặc thù như trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ cũng cần tăng cường chế độ dinh dưỡng thì chưa thấy đề cập đến trong này".
Ông Đặng Quang Điều đưa ra kiến nghị: Cần phải tăng cường quản lý tiền lương ở khu vực doanh nghiệp cũng như giám sát định mức lao động do doanh nghiệp đưa ra. Bởi lâu nay, việc quản lý vấn đề này quá lỏng lẻo, nhất là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì thế, người lao động chỉ còn cách đình công để đàm phán lương".
Mặt khác, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng cần phải tăng cường năng lực và tính độc lập của công đoàn trong thương lượng tập thể. Thực tế hiện nay, người lao động rất thiệt thòi, bởi công đoàn là do giới chủ trả lương nên sức mạnh để đàm phán đòi hỏi quyền lợi cho lao động không cao.
Theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/5/2013) có một số nội dung mới như: mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ mức lương tối thiểu bao gồm lương tối thiểu theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố theo khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia (gồm đại diện của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động ở Trung ương).
Theo Dantri
Xót thương cảnh bé lớp 4 bỏ học chăm mẹ bị ung thư "Bệnh của tôi có tiền thì kéo dài thêm sự sống chứ không mong trị khỏi. Chỉ thương đứa con gái nhỏ, nó phải vì tôi mà bỏ học giữa chừng. Người làm mẹ như tôi cảm thấy có lỗi vô cùng" - chị Diễm Chi tâm sự qua hơi thở thều thào. Con đường ngoại ô heo hút ở ấp 5, huyện...