Bệnh nhân viêm tụy cấp lũ lượt nhập viện vì ngày nào cũng uống rượu
Từ đầu năm 2019 đến nay, khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, tiếp nhận và điều trị cho 70 trường hợp bị viêm tụy cấp, trong đó có 2 người chết.
BSCKI Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết nguyên nhân người bệnh nhập viện điều trị viêm tụy cấp chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia. Hiện tại, khoa đang điều trị cho 30 người bệnh thì có đến 5 ca bị viêm tụy cấp. Ước tính 70% các trường hợp viêm tụy cấp nhập viện ở đây là do lạm dụng rượu, bia.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thế H., 56 tuổi, có tiền sử nghiện rượu nhiều năm liền, vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện. Trước đó, người bệnh đã vào Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, đến khi tình trạng diễn biến nặng, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh bị viêm tụy cấp đang điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.
Tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc, qua khai thác triệu chứng và tiền sử, người bệnh được chỉ định chụp CT ổ bụng và làm các xét nghiệm cần thiết. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm tụy cấp nặng.
Tại đây, người bệnh được điều trị hồi sức tích cực, truyền dịch, thay huyết tương, lọc máu liên tục. Sau 3 ngày điều trị, dẫn lưu được 2.000 ml dịch viêm hoại tử, người bệnh đã qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Mai, các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp thường xuất hiện sau khi uống rượu, bia như đau bụng một cách đột ngột vùng thượng vị, đau liên tục, dữ dội kéo dài nhiều giờ kèm theo buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện, bụng trướng và đầy tức, khó chịu.
Video đang HOT
Ngoài ra, bệnh có thể tiến triển tới các biểu hiện khó thở do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi. Nặng hơn có thể gây sốc nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa tạng như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, tỷ lệ người bệnh tử vong rất cao.
Hơn nữa, các trường hợp đã bị viêm tụy cấp do rượu bia nếu sau điều trị còn tiếp tục uống rượu, bia thì khả năng tái phát bệnh cao và lần sau mức độ bệnh sẽ nặng hơn những lần trước.
Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu bia như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, uống nhiều rượu bia còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, có thể dẫn đến viêm tụy, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan, tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư đại tràng.
Nhiều trường hợp nghiện rượu lâu năm còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh gút, đột quỵ, giảm sút trí nhớ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ gia đình…
Do đó, hạn chế và điều chỉnh thói quen uống rượu, bia là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm tụy cấp và các bệnh nói trên.
Theo các bác sĩ, bệnh viêm tụy cấp đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp như do sỏi mật, chấn thương vùng bụng, nhiễm siêu vi hoặc do dùng thuốc, lạm dụng rượu bia…
Tuyến tụy là một cơ quan rất quan trọng nằm trong ổ bụng, dài từ 12-15 cm nằm dựa vào thành sau ổ bụng, tương ứng đốt sống lưng số 2 và nằm lọt vào trong khung tá tràng. Tuyến tụy có vai trò tiết ra một số men giúp tiêu hóa chất đạm, đường và mỡ từ thức ăn.
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do hoạt hóa các men tuỵ dưới dạng chưa hoạt động (tiền men) ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề tổ chức tụy hoặc nặng hơn nữa là gây ra xuất huyết, hoại tử nhu mô tụy.
Thông thường, các men này khi xuống ruột non mới hoạt động để phân giải thức ăn giúp cho quá trình hấp thu tại ruột, nhưng khi tụy bị viêm nó được hoạt hóa ngay tại tụy và phân giải luôn cả tổ chức tụy gây hoại tử trong nhu mô tụy và các cơ quan xung quanh.
Theo Zing
Nhiều người nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa sau dịp nghỉ lễ
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị suy thận cấp, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu,... Đây là điều đáng báo động bởi thói quen tụ tập liên hoan uống quá nhiều rượu bia của người dân kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe và tai nạn giao thông.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, tác hại của rượu bia gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phình mạch chủ, bệnh đường miệng, sơ gan, viêm gan, viêm tụy cấp và mạn tính. Bên cạnh đó còn gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực.Theo các chuyên gia y tế, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Thống kê trung bình mỗi năm tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú bị xơ gan, viêm tụy do rượu. Đáng lo ngại, nếu 10 năm trước số bệnh nhân nhập viện bị xơ gan chủ yếu là viêm gan do vi rút thì gần đây lại chủ yếu là xơ gan do rượu.
TS.BS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa cho biết, uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái mỡ, tổ chức xơ phát triển dẫn đến xơ gan. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình chuyển hóa của cơ thể như khả năng thải độc, tạo mật, quá trình đông máu... Trong khi, các bệnh nhân xơ hoá gan do uống rượu nhiều hầu hết đến viện trong tình trạng muộn, đã có biến chứng rõ ràng như xuất huyết tiêu hoá, vàng da, cổ trướng, viêm tụy...khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn.
Sau mỗi đợt nghỉ lễ, số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa vì uống rượu tăng cao đột biến so với ngày thường. Các bác sĩ cho biết, đa số những bệnh nhân này bị các bệnh như xơ gan, bệnh lý về dạ dày hoặc bị các bệnh về thực quản... Việc uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn tới biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
Bệnh nhân khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như: Mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê. Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ đại tiện phân đen 2-3 lần trong ngày người mệt mỏi vã mồ hôi, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vật vã, có khi ngất xỉu, mạch nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh nếu không cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh nên đi khám sớm để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Để bảo vệ lá gan khỏe mạnh và phòng tránh xuất huyết tiêu hóa, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu bia, thuốc lá - đặc biệt các loại rượu mạnh. Nên lựa chọn thực phẩm sạch, không nhiễm hóa chất, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, ăn ít đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn chế biến sẵn...
Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để cung cấp nhiều vitamin, chất chống oxy hóa; đồng thời duy trì chế độ tập luyện đều đặn tăng cường sức khỏe. Những người đang sử dụng bia, rượu đừng chờ biểu hiện bệnh mới đi khám, mà nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, kịp thời điều trị.
Với các bệnh nhân xơ gan do rượu, điều đặc biệt quan trọng đầu tiên là phải từ bỏ được thói quen uống rượu. Bệnh nhân cần đến các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập thể dục rèn luyện sức khỏe và lao động hợp lý.
Nguyễn Minh
Theo laodongthudo
Hàng triệu người Việt nghiện 'món' gây xơ gan, chảy máu dạ dày Thống kê trung bình mỗi năm tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú bị xơ gan, viêm tụy do rượu. Ảnh minh hoạ: Internet Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, rượu bia gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phình mạch chủ, bệnh đường miệng, sơ gan,...