Bệnh nhân ung thư vòm họng Singapore không từ bỏ hy vọng sống
Dù tế bào ung thư đã di căn vào xương, lan đến hạch quanh cổ, ngực và ổ bụng, ông Tan vẫn không từ bỏ việc điều trị.
Trong cuốn tự truyện “ Hy vọng và phục hồi”, bác sĩ Ang Peng Tiam – Giám đốc Trung tâm ung thư Parkway Singapore – chia sẻ câu chuyện của ông Tan, bệnh nhân ung thư vòm họng từng bị các bác sĩ từ chối chữa trị.
Một ngày hiếm hoi, con gái tôi tạt qua phòng khám của bố nhân tiện vào thành phố có việc. Noel đang đến gần nên tôi bật những giai điệu Giáng sinh vui vẻ.
Tôi nói với con: “Hãy ngồi cạnh bố khi bố khám cho bệnh nhân kế tiếp”. Con bé là bác sĩ trẻ, tôi muốn nghe ý kiến của con.
Bệnh nhân tiếp theo đến khám là ông Tan, 57 tuổi, từng làm quản đốc ở xưởng cát. Ông có bốn người con. Anh trai ông mất nhiều năm trước vì ung thư vòm họng (Nasopharyngeal Cancer – NPC). Qua chia sẻ về tình trạng bệnh sử, tôi biết ông đang mắc căn bệnh tương tự.
Một ngày đầu tháng 8/2011, ông bị nghẹt mũi. Bác sĩ đa khoa chẩn đoán ông bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối và nói ông tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Sau đó, ông lại được giới thiệu tới bác sĩ ung thư nội khoa để điều trị theo phác đồ hóa chất tấn công. Ông đáp ứng tốt đợt hóa trị và tiếp tục kết hợp xạ trị.
Tôi thường mô tả phác đồ hóa xạ trị kết hợp trong giai đoạn điều trị như “địa ngục trần gian”. Bệnh nhân phải đi xạ trị mỗi ngày – từ thứ Hai đến thứ Sáu. Phác đồ tiêu chuẩn dùng cho điều trị ung thư vòm họng yêu cầu bệnh nhân phải trải qua 33 mũi xạ. Để tối đa hóa hiệu quả, bệnh nhân được hóa trị mỗi tuần một lần.
Hai tuần đầu gần như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh từ tuần thứ ba trở đi. Lớp niêm mạc bên trong miệng ông bong ra và đau mỗi khi cố gắng nuốt nước bọt, nói hay uống nước. Điều này giống một người đi tắm nắng nhưng không bôi kem chống nắng vậy. Theo thời gian, vùng da bị cháy và phồng rộp.
Video đang HOT
Nhưng ông Tan vẫn vượt qua các thử thách và hoàn tất điều trị vào tháng 1/2012. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, ung thư tái phát. Lúc này, tình trạng trầm trọng hơn nhiều vì tế bào ung thư di căn khắp cơ thể. Giữa tháng 3/2012 và tháng 10/2013, ông thử tám phác đồ hóa trị và một đợt xạ trị nhẹ để giảm đau xương.
Nhìn bệnh án ông mang tới, tôi đếm được có chín loại hóa chất khác nhau đã được dùng đơn hoặc kết hợp. Cứ cách từ một đến ba tháng, ông lại phải chuyển từ loại hóa chất này sang loại hóa chất khác vì không có tác dụng.
Bác sĩ Ang Peng Tiam – Giám đốc Trung tâm ung thư Parkway Singapore.
Thời điểm gặp tôi, ông Tan chỉ nặng 54kg, bị khàn tiếng và nói chỉ đủ nghe. Một trong những dây thanh của ông đã bị liệt vì ung thư chèn ép lên dây thần kinh. Ông ho dai dẳng, nhìn rất mệt mỏi. Ông còn chán ăn và luôn trong tình trạng đau nhức xương. Bác sĩ đã đầu hàng, không điều trị cho người đàn ông ấy nữa.
Kết quả chụp PET – CT cho thấy hai phổi ông bị khối u di căn rải khắp như “đạn súng thần công”. Bệnh di căn vào xương, có dịch màng tim và ung thư cũng di căn đến cả hạch quanh cổ, ngực và ổ bụng. Phim chụp hiện lên hình ảnh thật kinh khủng. Nhưng tôi lại nhìn thấy một thứ gì đó mà phim chụp PET không bắt được – đó là tinh thần đấu tranh của ông.
Hầu hết mọi người đã từ bỏ từ lâu. Ông Tan hiểu rõ bệnh tình của mình rất nặng, nhưng vẫn muốn thử điều trị thêm lần nữa. Quyết định của ông lay động tôi, khiến tôi cố gắng hơn
Hầu hết các loại hóa chất sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng đều đã áp dụng trên người ông. Tất cả những gì tôi muốn thử là thay đổi sự kết hợp của thuốc.
Tuy nhiên, tôi cũng có một kế hoạch dự phòng. Các nghiên cứu cho biết, 80% bệnh nhân ung thư vòm họng ác tính có mang đột biến gien riêng biệt. Theo kinh nghiệm của tôi, bổ sung thêm hóa chất đích là cetuximab luôn cho kết quả tích cực. Bất chấp tác dụng phụ và rủi ro, ông Tan kiên quyết muốn điều trị theo hướng tôi nêu ra ngay hôm đó.
Sau khi người ông Tan rời phòng khám, con gái nhăn mặt nhìn tôi. Nó không nghĩ người đàn ông từng trải qua phác đồ điều trị rất nặng này có thể đáp ứng phác đồ mới. Tôi nhún vai nói: “Đừng lo. Đảm bảo có tác dụng”.
Con gái tôi gật đầu nhưng có vẻ không tin. “Bố nhớ kể cho con nghe tình hình của bệnh nhân này nhé”, con bé dặn tôi.
Chín tuần trôi qua kể từ hôm ấy, ông Tan đã hoàn tất ba đợt hóa trị. Ông ăn tốt, giọng khỏe và nghe rõ hơn. Kết quả chụp PET-CT cho thấy các khối u đã đáp ứng ở tất cả các vùng bị ảnh hưởng. Tôi rất mừng khi xem phim chụp PET-CT và gửi cho con gái xem.
Tôi muốn con bé hiểu bài học nằm ngoài kiến thức y học – đó là không bao giờ từ bỏ khi vẫn còn chút tinh thần đấu tranh. Ngoài điều trị bằng thuốc, tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng bệnh tật của bệnh nhân cũng góp phần không nhỏ giúp bệnh nhanh khỏi.
Bác sĩ Ang Peng Tiam
Theo vnexpress.net
Bé 12 tuổi nuốt kẹp tóc gây thủng đường tiêu hóa
Chiếc kẹp tóc đâm thủng thành sau tá tràng xuyên vào ổ bụng bé gái 12 tuổi quê Bình Phước.
Bác sĩ Nguyễn Hiền, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bé gái được bệnh viện địa phương chuyển đến sau ba ngày theo dõi nhưng vẫn ói nhiều, đau bụng, sốt nhẹ. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định mổ ngay trong đêm nhập viện.
Chiếc kẹp tóc đâm thủng thành sau tá tràng xuyên mạc treo ruột non vào ổ bụng bệnh nhi.
Kíp phẫu thuật ghi nhận chiếc kẹp tóc có 2 nhánh, mỗi nhánh dài 5 cm đâm thủng thành sau tá tràng xuyên mạc treo ruột non vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Do phần tá tràng nằm phía sau phúc mạc nên việc lấy dị vật tương đối khó khăn. Sau khi lấy dị vật, phẫu thuật viên đã tiến hành khâu lại tá tràng.
Chiếc kẹp tóc được lấy khỏi cơ thể bé gái. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Bé gái đang được theo dõi sức khỏe. Bệnh nhi kể trước nhập viện 4 ngày có nuốt một chiếc kẹp tóc.
Mỹ Lê
Theo vnexpress.net
Phát hiện khối u nặng hơn 2kg ở ổ bụng sau thời gian rong kinh kéo dài Thường xuyên thấy mệt mỏi, da xanh xao, rong kinh kéo dài ra máu nhiều đến khi đi khám, bệnh nhân được phát hiện có khối u to trong tử cung. Theo thông tin từ các bác sĩ khoa Phụ (Bệnh viện đa khoa Đức Giang- Hà Nội) vừa phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn loại bỏ thành công khối u nặng...