Bệnh nhân tâm thần đoàn tụ gia đình sau 26 năm được bác sĩ cưu mang
Ông Đông đi lạc đến Quảng Ngãi từ năm 25 tuổi, được gia đình bác sĩ Thái nuôi dưỡng, điều trị bệnh và mới đây tìm được người thân.
Một ngày cuối tháng 2, rất đông người đến nhà bác sĩ Phạm Hồng Thái – Trưởng Trạm Y tế xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ở thôn Châu Me để chứng kiến cuộc đoàn tụ của ông Nguyễn Văn Đông với gia đình. Ông Đông 51 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, là người bệnh tâm thần đã lưu lạc vào Quảng Ngãi và được gia đình bác sĩ Thái cưu mang 26 năm qua, nay tìm lại được thân nhân.
Khi gặp mặt, anh trai ông Đông là ông Nguyễn Văn Bình xúc động ôm chầm lấy em.
Rất đông người đến nhà bác sĩ Thái hôm 20/2 để chứng kiến ông Đông (áo caro đen trắng) gặp lại người thân. Ảnh: Phương Linh.
“Tháng 6/1993, cha tôi gặp một thanh niên nói giọng Quảng Nam đi lạc vào chợ Bờ Đắp, thần trí ngây dại, chỉ nhớ tên không nhớ họ, bụng đói nhưng không biết xin ăn”, bác sĩ Thái kể. Cha bác sĩ Thái là ông Phạm Nam đã đưa người thanh niên về nhà với hy vọng sẽ sớm tìm được người thân cho chàng trai.
Cưu mang một người bệnh tâm thần, mấy ngày đầu, gia đình bác sĩ Thái đã rước phải phiền toái. Chuyện tắm rửa, vệ sinh thanh niên này không thể tự làm mà phải có bàn tay chăm sóc của cha con ông Thái. Người bệnh nhiều lần lên cơn, rượt đuổi người trong nhà và bà con hàng xóm.
“Nhiều người lời ra tiếng vào nói nhà tôi bị khùng mới nuôi anh, nhưng thấy anh như trẻ nhỏ, bỏ ra đường sẽ bị đói khát nên cả nhà quyết tâm giữ lại”, bác sĩ nhớ lại. Khi ấy, Thái đang là sinh viên y khoa, đã đặt tên cho người lạ là Phạm Đông và như anh em trong gia đình.
Một năm sau khi nhận nuôi ông Đông, bác sĩ Phạm Hồng Thái ra trường và nhận công tác ở trạm y tế xã. Từ đây, bác sĩ Thái bắt đầu hành trình chữa trị để ổn định thần trí, kiểm soát hành vi cho anh nuôi. Bác sĩ đưa ông Đông đi khám, nhắc uống thuốc mỗi ngày.
Bác sĩ Thái (phải) luôn nhắc ông Đông uống thuốc mỗi ngày. Ảnh: Phương Linh.
Video đang HOT
“Năm 1998, anh Đông vác gậy phang làm gãy tay ba tôi”, bác sĩ Thái kể. Khi ấy đang theo học bác sĩ đa khoa ở Huế, Thái phải chạy về quê lo chữa cho cha.
Anh Thái tiếp tục kiên trì nhờ bác sĩ chuyên khoa thần kinh điều trị, kê đơn thuốc cho ông Đông. Hai năm trước, ông Đông khiến cả nhà lo lắng vì bị thủng dạ dày phải vào viện cấp cứu. Một tuần liền, bác sĩ Thái gác lại công việc đến viện chăm sóc.
Trong nhiều năm, bác sĩ Thái nhiều lần đưa ông Đông đi Quảng Nam, Đà Nẵng, tìm lại người thân nhưng trí nhớ ít ỏi của người bệnh khiến cuộc tìm kiếm tưởng chừng vô vọng.
Nhờ được chăm sóc, điều trị tốt, sức khỏe ông Đông dần hồi phục. Cuối năm 2018, trong một lần trò chuyện, bất ngờ ông Đông buộc miệng nói ra hai cái tên Võ Hữu Lân, Võ Hữu Thứ và bảo đó là người thân của mình. Vừa nghe, bác sĩ Thái vội vàng kiếm mảnh giấy ghi lại hai cái tên ấy.
Từ manh mối này, bác sĩ Thái chia sẻ câu chuyện lên Facebook và nhờ mọi người giúp đỡ. Tối 20/2, chỉ vài giờ sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, Thái nhận được điện thoại từ người thân của ông Đông. “Đêm đó tôi không ngủ được vì bồi hồi”, bác sĩ Thái tâm sự.
Ngay hôm sau, bà Nguyễn Thị Lê – mợ của ông Đông cùng con cháu tức tốc đến Bình Châu đón người. Gặp lại, bà Lê càng bất ngờ khi thấy cháu trai như được hồi sinh sau thời gian xa cách.
“Trước khi mất tích nó điên dại không biết gì. Mà giờ gặp lại, nó nhận ra tôi, nhận ra các em, nhớ vanh vách tên từng người”, bà Lê xúc động nói, “Cả nhà tôi không biết làm sao trả hết ân tình này”.
Ông Bình dỡ bỏ bàn thờ của em trai sau ngày đoàn tụ. Ảnh: Phương Linh.
Ông Nguyễn Văn Bình kể em trai mình đổ bệnh từ năm 12 tuổi, mất tích 25 tuổi. “Khi Đông mất tích gia đình tôi đã hoảng loạn, 10 năm đăng tin trên báo đài tìm kiếm nhưng bặt vô âm tính, chúng tôi đã lập bàn thờ. Giờ tìm được nó khỏe mạnh thế này tôi mừng lắm”, ông Bình nói.
Tiễn ông Đông về đoàn tụ với gia đình, bác sĩ Thái không quên dặn anh nuôi uống thuốc đều đặn. “Vui lắm chứ, cuối cùng sau bao nhiêu năm anh ấy đã tìm được người thân. Hy vọng anh sẽ sống vui vẻ như thời gian ở cùng gia đình tôi”, bác sĩ Thái cười, thoáng chút hụt hẫng vì chia xa người anh nuôi nhiều năm gắn bó.
Phương Linh
Theo VNE
24 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần
Bác sĩ Lợi cùng các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 vẫn cần mẫn ngày đêm túc trực, điều trị triệu chứng, giải quyết tình huống cho bệnh nhân tâm thần, hướng đến ổn định sức khỏe, giúp họ được về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.
BS Nguyễn Lợi thăm khám và trò chuyện với nữ bệnh nhân tâm thần vô gia cư - Ảnh: X.MAI
"Càng làm tôi càng thấy yêu nghề" - đó là bộc bạch của BS CKII Nguyễn Lợi, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (TP Biên Hòa, Đồng Nai) với 24 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần.
Không đếm xuể khó khăn
Tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, tần suất bác sĩ, điều dưỡng bị tấn công, hành hung như chuyện cơm bữa bởi bệnh nhân là đối tượng mắc vấn đề tâm thần - không kiểm soát hành vi và suy nghĩ của mình, đặc biệt đối với bệnh nhân mới nhập viện.
Riêng khoa hồi sức cấp cứu, khó khăn dường như gấp bội khi các bác sĩ phải giải quyết tình trạng sức khỏe bệnh nhân như một bác sĩ đa khoa, chuyên tâm thần. Cụ thể, ngoài điều trị tâm thần, các bác sĩ còn điều trị thêm các bệnh lý ngoại khoa, nội khoa khác.
Theo BS Lợi, quan trọng là phải tìm ra các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên tâm thần hay bệnh lý kết hợp với tâm thần. Điều này đòi hỏi các bác sĩ phải luôn theo dõi sát sao người bệnh để phát hiện triệu chứng. Khó nhất là điều trị cho bệnh nhân kích động, chống cự, đập phá, thậm chí hành hung y bác sĩ ngay trong lúc cấp cứu.
Song dữ đến mấy cũng đến lúc dịu êm, bệnh nhân tâm thần cũng thế, họ cũng có những khoảng thời gian như người bình thường. "Điều hay ở bệnh nhân tâm thần là khi được thăm khám, trò chuyện thường xuyên thì những lúc bình thường họ rất tình cảm và quý chúng tôi như người nhà" - BS Lợi tâm sự.
Cần sự quan tâm nhiều hơn!
Lĩnh vực tâm thần học đã có từ rất lâu nhưng trên thực tế vẫn còn mới lạ. Đây cũng là căn nguyên tồn tại suy nghĩ bệnh nhân tâm thần chỉ là người điên vẫn hiện hữu trong xã hội. Để hiểu một cách tổng quát, BS Lợi cho hay sức khỏe tốt bao gồm trạng thái thoải mái về thể chất lẫn tinh thần.
Những biểu hiện tâm lý bất thường chỉ là một phần rất nhỏ trong cả kho thông tin cơ bản của bệnh tâm thần. Theo bảng phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến hơn 300 rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não hay viêm não, sử dụng rượu bia và ma túy, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực...
Tại khoa hồi sức cấp cứu ở bệnh viện này, ngoài tiếp nhận bệnh nhân tâm thần phân liệt, hậu quả của tai nạn giao thông thì bệnh tâm thần liên quan đến độc chất như rượu bia, ma túy nhiều nhất. Mỗi đêm trực, khoa tiếp nhận khoảng 10 ca bệnh thì có đến 6 ca là hậu quả từ rượu bia, ma túy.
Theo BS Lợi, mỗi bệnh nhân đều có những đặc điểm bệnh và khó khăn riêng. Vì thế, các bác sĩ tâm thần phải luôn "kề bên sát cánh" với bệnh nhân. Song song đó phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm lý bệnh nhân cũng như thân nhân mới có thể đem lại kết quả tốt.
Nghề bác sĩ tâm thần lắm gian truân nhưng với BS Lợi và toàn thể y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, chẳng có niềm vui nào sánh bằng khi sức khỏe tinh thần, thể chất bệnh nhân ổn định và họ được về với gia đình. Đây cũng chính là mong muốn và lý do "giữ chân" BS Lợi đến ngày hôm nay và trong tương lai.
Trò chuyện cùng bệnh nhân
Tại bệnh viện, một nữ bệnh nhân tâm thần 16 tuổi, vô danh, vô gia cư được các đoàn thể xã hội địa phương đưa đến bệnh viện từ tháng 7-2016 trong tình trạng chống đối, tiếp xúc hạn chế.
Dù biết bệnh nhân chẳng thể trả lời nhưng khi khám xong, BS Lợi cầm cánh tay phù nề của bệnh nhân hỏi: "Con đã ăn uống gì chưa?". Cứ thế, đằng đẵng hơn 3 năm qua, BS Lợi cùng toàn thể y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 nhiệt tình điều trị, chăm sóc, trò chuyện cùng bệnh nhân vô danh này như người trong gia đình.
Theo tuoitre
Gan, thận, dạ dày phải 'gánh họa' vì ép nhau ăn, uống ngày Tết Ép nhau ăn, uống đã trở thành phổ biến trong những ngày Tết. Tuy nhiên, việc làm tưởng chừng hiếu khách này lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Tết là thời gian gia đình đoàn tụ, nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc, lao động vất vả. Vào dịp này mọi người thường tụ họp, chúc nhau bằng ly bia, cốc...