Bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1: “Tôi không ăn tiết canh vịt”
Được một người quen sống tại miền Tây mang lên biếu con vịt xiêm, ông bác họ liền nhờ Sơn làm thịt . “Hôm đó, không làm món tiết canh sau khi vặt lông, tôi chặt miếng làm món vịt kho sả nhưng chưa kịp ăn thì có việc bận nên phải đi làm”.
Sau nửa tháng được điều trị tích cực tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM ca nhiễm cúm gia cầm thứ 3 trong năm 2012 đã hoàn toàn bình phục. Sau hai ca tử vong liên tiếp tại miền Tây, đây là trường hợp hi hữu mắc phải loại bệnh nguy hiểm này được cứu sống.
Vui mừng khôn xiết pha lẫn với nỗi ám ảnh về loại bệnh mình vừa phải vật lộn để vượt qua, anh Trương Phú Sơn cho biết: “Sau 5 ngày sốt cao liên tiếp, tôi phải dùng đến cả kháng sinh mạnh nhưng không thấy bệnh tình thuyên giảm. Bước sang ngày thứ 5, gia đình chuyển tôi tới bệnh viện Quân Đoàn 4, Bình Dương. Tại đây bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm cúm gia cầm nên tôi tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Sau khi biết kết quả dương tính với H5N1, tôi nghĩ nhiều đến tình huống mình đã làm và chế biến thịt vịt”.
“Nhiễm căn bệnh chết người, tôi rất may mắn vì đã được cứu sống”
Tuy nhiên, anh Sơn đã phủ nhận thông tin mình bị nhiễm cúm gia cầm vì ăn tiết canh bởi: “Hôm đó, sau khi làm và nấu xong, tôi có việc gấp nên phải đi thành thử cũng chưa ăn uống gì. Hơn nữa con vịt bữa đó không làm món tiết canh mà chỉ làm món vịt kho sả. Tất cả những người ăn món vịt hôm đó đều không có vấn đề gì, duy nhất chỉ có tôi nhiễm bệnh, nhiều khả năng tôi đã bị vi-rút tấn công trong quá trình giết mổ và chế biến”.
Video đang HOT
BS Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa nhiễm D, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Hiện sức khỏe của bệnh nhân Sơn đã bình phục, dự kiến hôm nay (6/3) chúng tôi sẽ cho bệnh nhân xuất viện. Tuy nhiên, tình trạng viêm phổi do cúm A/H5N1 thường để lại những tổn thương khiến phổi bị xơ hóa ít có khả năng phục hồi, do đó sau khi xuất viện bệnh nhân sẽ phải tái khám mỗi tuần để được theo dõi”.
Nói về sự thành công của việc điều trị đã cứu sống bệnh nhân, BS Thanh trường cho biết: “Người bệnh nhập viện trong tình trạng đã rất nặng, nhưng bệnh viện cố gắng tiến hành hồi sức tích cực liên tục và sử dụng thuốc đặc trị kháng vi-rút. Chúng tôi tuân thủ phác đồ điều trị của Bộ Y tế nên sau 5 ngày hồi sức tích cực xét nghiệm bệnh phẩm đã cho kết quả âm tính, người bệnh dần phục hồi. Nếu nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 cần tiến hành điều trị theo phác đồ càng sớm càng tốt”.
Vân Sơn
Theo Dân trí
TPHCM: Gia cầm từ vùng dịch đang tràn vào thành phố
Nam thanh niên nhiễm cúm gia cầm đang trong tình trạng "thập tử nhất sinh" tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới là trường hợp thứ 3 dương tính với cúm A/H5N1. Tuy nhiên, những vụ vận chuyển giết mổ gia cầm trái phép vẫn đang công khai diễm ra trên địa bàn thành phố.
Ngoài trường hợp của bệnh nhân nhiễm cúm hiện đang sinh sống tại Bình Dương, 2 trường hợp nhiễm bệnh đã tử vong đều tập trung ở khu vực phía Nam, trong đó có một thanh niên chăn vịt ngụ tại tỉnh Kiên Giang và một phụ nữ mang bầu chết vì chế biến và ăn thịt gia cầm bệnh. Ngành y tế nhận định khu vực phía Nam đang là điểm nóng của cúm A/H5N1.
Tuy nhiên, bất chấp những khuyến cáo cũng như chế tài của cơ quan chức năng hoạt động vận chuyển, buôn bán và giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phức tạp. Tính riêng trong tuần qua, các trạm kiểm dịch tại cửa ngõ ra vào thành phố đã phối hợp với Cảnh sát giao thông, thanh tra liên ngành liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gia cầm trái phép.
Trong đó, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phát hiện xử lý tiêu hủy 60 con gà thịt, 500 con gà ác thịt, gần 4.000 con vịt không rõ nguồn gốc. Trạm Thú y huyện Bình Chánh tiến hành thanh tra đột xuất (địa chỉ C13/19 khu phố 3 Thị trấn Tân Túc), bắt quả tang tại hiện trường hơn 100 con gia cầm làm sẵn và gần 80 con gà vịt sống chờ giết mổ. Bên cạnh đó, trạm Thú y Bình Chánh còn tịch thu tiêu hủy hơn 700 con gia cầm sống, gần 80kg gia cầm làm sẵn do bà Nguyễn Thị Thúy (ngụ tại địa chỉ F1/38R tổ 1, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A) làm chủ. Trạm Thú y Bình Tân kiểm tra và tiêu hủy 48 con gà sống, 11 con vịt sống.
Gia cầm được vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau
Tuy nhiên, đây mới chỉ là "bề nổi của tảng băng" bởi trên thực tế gia cầm từ các vùng có dịch tại miền Trung, miền Tây vẫn len lỏi theo nhiều con đường khác vào thành phố tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra xử lý chưa triệt để của cơ quan chức năng đã tạo khe hở cho những cơ sở giết mổ, kinh doanh buôn bán trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Thực tế này khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn thành phố luôn đặt trong tình trạng báo động.
Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, hạn chế đến mức tối thiểu việc sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc trong các bữa ăn, tại cuộc họp khẩn ngày (28/2) ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố yêu cầu đẩy mạnh thanh tra tại các quận huyện, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy nếu phát hiện gia cầm không rõ nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn có sử dụng gia cầm. Ông Hòa bảy tỏ quan ngại bùng phát cúm A/H5N1 vì thực tế chưa thể kiểm soát được các điểm giết mổ trái phép, gia cầm sống không rõ nguồn gốc vẫn đang công khai buôn bán tại hầu hết các quận huyện vùng ven.
Bất chấp dịch cúm, buôn bán giết mổ gia cầm lậu vẫn diễn ra công khai
Trước thực tế này, Chi cục trưởng Chi cụ Vệ sinh an toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không mua bán, giết mổ, chế biến gia cầm sống, gia cầm không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không ăn tiết canh, hoặc thịt gia cầm chưa được nấu chín.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân Dương Phú Sơn (22 tuổi, ngụ tại Bình Dương) bị nhiễm cúm A/H5N1 vì ăn tiết canh vịt, chiều ngày 28/2 BS Huỳnh Thị Loan, Phó khoa Cấp cứu tích cực Hồi sức Chống độc người lớn, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết:
"Sau 4 ngày nhập viện điều trị, tình trạng sốt cao, suy hô hấp, viêm phổi của bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Hiện bệnh viện đang tiến hành điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tuy nhiên việc điều trị cho những ca cúm A/H5N1 thường rất khó khăn nên khó có thể tiên lượng được về sự bình phục của bệnh nhân".
Vân Sơn
Theo dân trí
Việt Nam nghiên cứu thành công vắc xin cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 Việc tự sản xuất được vắc xin cúm trong nước, VN có thể chủ động, kịp thời hơn trong phòng chống các đại dịch cúm trong tương lai. Các chuyên gia dịch tễ cho biết đặc điểm dịch tễ của cúm A là có tỷ lệ mắc và tử vong cao, phạm vi lớn khắp thế giới với tỷ lệ mắc và chết...