Bệnh nhân nhí bị thu phí ‘giá cắt cổ’?
Nằm viện 29 ngày, bệnh nhi đã ra viện với số tiền viện phí lên đến gần 100 triệu đồng. Không chỉ riêng trường hợp này, nhiều bệnh nhi khác cho biết cũng phải trả giá quá cao cho những dịch vụ mà họ nhận được.
Sự việc xảy ra tại khoa Điều trị tự nguyện A của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Viện phí gần 100 triệu đồng!
Bệnh nhi L.Đ.M.H (sinh tháng 2 vừa qua, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện điều trị vào ngày 5/4 với triệu chứng ho, sốt, được chẩn đoán viêm phế quản phổi (bên trái).
Chị N., mẹ cháu H. cho biết sau 5 ngày điều trị, bé bị viêm thêm phổi bên phải và tình trạng ho cứ tiếp diễn suốt thời gian ở viện.
Bệnh nhân điều trị tại khoa điều trị tự nguyện A – BV Nhi TW.
Trong quá trình ở viện, cháu H. đã được đổi kháng sinh 4-5 lần nhưng không khỏi. Đến ngày nằm viện thứ 25, cháu được một bác sỹ đổi sang loại kháng sinh thứ 6 và lần này thì bệnh có dấu hiệu đỡ hẳn. Đến ngày thứ 29, cháu xuất viện. Mẹ bệnh nhi H. cho biết: “15 ngày cuối, vì sợ nhiễm chéo từ các bệnh nhân khác nên tôi cho cháu nằm phòng đơn, một mình một giường/phòng với giá gần 2 triệu đồng/ngày. Còn 14 ngày trước đó cháu nằm phòng giá 1,1 triệu đồng/ngày chung với bệnh nhi khác”. Cầm hóa đơn xuất viện, cả gia đình cháu H. khá sốc vì hết 97 triệu đồng cho toàn bộ quá trình điều trị.
Với mức giá giường nằm như trên, chỉ tính riêng tiền giường đã ngốn hơn 40 triệu đồng, còn lại là tiền thuốc, tiền làm các thủ thuật, xét nghiệm chụp chiếu, khám và các dịch vụ phục vụ khác.
Tương tự, vào đầu tháng 6 vừa qua, cháu N.L.V. (SN 2008, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) vào khoa điều trị tự nguyện A của Bệnh viện Nhi TW điều trị vì sốt cao 3 ngày không dứt, dù đã được gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn (4 tiếng/lần). Cháu V. nằm viện 4,5 ngày, được thăm khám, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ trong khoa. Đến khi ra viện, viện phí của cháu là gần 21 triệu đồng.
Hóa đơn nằm viện 4,5 ngày của cháu V. lên đến gần 21 triệu đồng. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân không thỏa mãn, hài lòng với chất lượng dịch vụ mà bệnh viện cung cấp
Chị T.N.T.V., mẹ của bệnh nhi này cho hay: Trước khi nhập viện, chị đã tìm hiểu và biết được về mức giá cao hơn các khu khác của khoa này, tuy nhiên, chị không ngờ lại đắt như vậy (đặc biệt là tiền giường).
Video đang HOT
Ngoài ra, điều khó hiểu là các y bác sỹ không tìm ra được bệnh chính xác của cháu mà lúc nào cũng cho biết “nghi bị sốt virut” và xét nghiệm máu, vv… Đó là chưa kể đến việc chất lượng phục vụ của đội ngũ bác sỹ, y tá, điều dưỡng chưa thực sự như chị mong muốn và chưa tương xứng với số tiền chị bỏ ra, khi mà chị phải liên tục nhắc nhở nhân viên của khoa thực hiện việc chăm sóc con mình.
Giá vẫn còn thấp
Trước những thắc mắc của bệnh nhân, bà Trần Thanh Tú, trưởng khoa điều trị tự nguyện A (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết người bệnh phản ánh giá thu là đắt do họ chưa nhìn thấy hết những gì được sử dụng. Theo bà Tú, không thể tính giá cho một nhân trong một đợt điều trị mà phải xem xét cả hệ thống sử dụng trong bao lâu. Ngoài ra, chi phí không chỉ đơn thuần là các vật dụng trong phòng mà còn là con người, cả hệ thống bảo dưỡng, hỗ trợ đi theo sau…
“Nếu chỉ tính chi phí máy móc để ở trong mỗi phòng thôi thì chi phí đó quá đơn giản. Giống như khi vào khách sạn, có thể khách không dùng hết các dịch vụ nhưng cả hệ thống vẫn phải chạy đều. Cần phải xem xét toàn bộ các yếu tố liên quan như con người, dịch vụ, phục vụ đi kèm…” – bà Tú cho hay.
Lãnh đạo khoa điều trị tự nguyện A cho biết một số mức giá đang thu hiện đã lỗi thời và sẽ được xem xét điều chỉnh trong thời gian tới
Theo bà Tú, khoa điều trị tự nguyện A của bệnh viện Nhi TW có những điểm nổi trội hơn hẳn như tỷ lệ bác sỹ, điều dưỡng/bệnh nhân.
Với khu vực điều trị nội trú trong ngày, khoa có 18 bác sỹ, tính cả điều dưỡng lẫn hộ lý thì có khoảng gần 60 người. Như vậy, tỷ lệ bác sỹ, điều dưỡng/giường bệnh là hơn 1 người, cao hơn hẳn so với các khu vực khác trong cùng bệnh viện, đặc biệt là khu vực khám thông thường.
Chưa hết, theo bà Tú, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân lực tại khoa này cũng vượt trội. Đây là khoa duy nhất trong viện ngày nào cũng được ban giám đốc đi thăm các buồng. Các bác sỹ được làm việc tại đây đều là bác sỹ nội trú (ít nhất từ thạc sỹ trở lên).
Ngoài ra còn có các bác sỹ chuyên khoa giỏi của bệnh viện. Riêng điều dưỡng phải có kinh nghiệm 3-5 năm và có kiến thức chuyên sâu về nhi khoa.
Vị trưởng khoa khẳng định những “ưu thế” vượt trội này cũng chính là yếu tố khiến giá thành trở nên khác biệt. Lý giải về việc xây dựng khung giá “đặc biệt” này, bà Tú cho biết khi xây dựng đã căn cứ trên mức giá của những nơi đã làm trước như bệnh viện Việt Pháp, bệnh viện Hồng Ngọc và mức giá mà bệnh viện Nhi đưa ra chỉ bằng 2/3 của bệnh viện Việt Pháp (dù về chuyên môn, bà Tú khẳng định là viện Nhi sẽ hơn).
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh giá vì mức giá đang áp dụng vẫn còn những điểm bất cập” – bà Tú cho hay.
Xã hội hóa y tế: Mỗi nơi một kiểu Khoa điều trị tự nguyện A (bệnh viện Nhi Trung ương) ra đời theo chủ trương xã hội hóa trong ngành y tế. Hiện nay, mỗi năm khoa khám cho khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú, điều trị nội trú cho khoảng 400-500 bệnh nhân. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có khả năng thanh toán thì khoa cũng đã góp phần nhỏ trong công tác giảm tải bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện Nhi TW từ chối tiết lộ về khoản thu hàng năm do khoa này mang lại. Hiện nay, chủ trương xã hội hóa trong y tế đều được các cơ sở y tế thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu bệnh nhân và tăng nguồn thu cho bệnh viện. Tuy nhiên, chủ trương này hiện không được thực hiện thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu.
Theo Vietnamnet
"Tỉnh càng nghèo đề xuất viện phí càng cao"
Đến thời điểm này đã có 50 địa phương gửi đề xuất mức giá 447 dịch vụ y tế, trong đó, đa số đều tăng giá rất cao. Đặc biệt, càng những tỉnh nghèo, quỹ BHYT của tỉnh đã "vỡ" thì càng đề xuất giá cao.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ Bảo hiểm Y tế, Ban Thực hiện chính sách BHYT-Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ Bảo hiểm Y tế, Ban Thực hiện chính sách BHYT-Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc đề xuất giá viện phí tại các địa phương.
Mức giá không phù hợp!
Thưa ông, đến nay ngoài Bắc Ninh đã có địa phương nào áp dụng giá viện phí mới? Đánh giá của ông về những đề xuất giá viện phí này tại các địa phương?
Đến nay, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên thực hiện mức giá viện phí mới. Còn lại, trên trên 20 tỉnh, thành khác đã có sự thống nhất giữa Sở Y tế, Sở Tài chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội và đang trình lên HĐND. Ngoài ra, còn 10 tỉnh, thành phố vẫn đang trong quá trình thẩm định, xây dựng mức giá. Gần 20 tỉnh thành gửi đề xuất giá về BHXH VN nhưng đang bị kiến nghị bởi đề xuất mức giá quá cao, không phù hợp.
Cụ thể mức giá các địa phương đề xuất là như thế nào, thưa ông?
Trong số 50 địa phương gửi báo cáo về mức giá dịch vụ y tế, có 10 tỉnh đề xuất mức giá rất cao, tương đương 90-100% (so với khung giá kịch trần mà Bộ Y tế đưa ra), 15 tỉnh có mức giá từ 85-90% mức tối đa.
Trong khi đó, trong hướng dẫn thực hiện giá viện phí mới đã nêu rõ, giá viện phí mới được xây dựng dựa vào cơ cấu, định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành và đặc biệt phải dựa trên thực trạng về chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực thực hiện các dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh tình hình kinh tế xã hội và khả năng cân đối quỹ BHYT trên địa bàn.
Nhưng trên thực tế, càng những tỉnh nghèo, vùng núi, vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn, quỹ BHYT bội chi lại càng đề nghị mức giá cao. Các địa phương đề nghị mức viện phí cao gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Đắc Lắc, Sơn La, Vĩnh Long... Mức giá ở các địa phương này đề xuất cao gần bằng mức kịch trần chỉ được áp dụng cho những BV hạng đặc biệt như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế.... Trong khi đó, một số điạ phương khác có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương lại đề xuất mức giá thấp hơn nhiều như: Lạng Sơn (78% so với giá tối đa), Bắc Giang (71%), Lai Châu (70%), Kon Tum (70%) Hà Nam (63%), Hà Tĩnh (74%). Ngay tại Hà Nội, Hải Phòng là hai thành phố mức giá đề xuất cũng chỉ chiếm 73% và 72%. Việc thực hiện giá viện phí mới tại Hà Nội cũng được áp dụng theo lộ trình để giảm sự tác động tới người dân.
Nói cụ thể hơn, như với mức giá khám bệnh mà Bộ Y tế đề xuất được tính khám 35 người bệnh/bàn khám. Trong khi đó, ở các địa phương rất khó đạt được mức khám này nhưng vẫn đề xuất giá tương đương là không công bằng.
Việc các địa phương đua nhau tăng giá kịch trần có tác động như thế nào đến quỹ BHYT cũng như những người dân trực tiếp đi khám bệnh, thưa ông?
Khi tăng viện phí thì 35- 40% người dân chưa có thẻ BHYT sẽ bị tác động mạnh khi đi khám chữa bệnh. Ngay cả những đối tượng đã có thẻ BHYT cũng chịu tác động nhất định bởi họ phải cùng chi trả 5 - 20%. Vì thế, nếu ở các vùng khó khăn mà vẫn phê duyệt mức giá viện phí cao sẽ tác động mạnh tới người dân.
Lại quá tải tuyến Trung ương!
Ngoài sự tác động trực tiếp đến người dân và quỹ BHYT, với mức giá này, liệu có xảy ra tình trạng người dân các địa phương đổ xô về tuyến TƯ khám không, thưa ông?
Theo tôi, chắc chắn điều đó xảy ra nếu các địa phương áp dụng mức giá cao tương đương tại các thành phố, thậm chí nhiều địa phương áp gần bằng mức kịch trần vốn chỉ được thực hiện tại một vài bệnh viện hạng đặc biệt.
Ví như tại Bắc Ninh hiện đang áp dụng giá viện phí mới với mức tăng trung bình bằng khoảng 85% so với khung giá tối đa. Cụ thể, giá ngày giường bệnh tương đương với 89%, giá khám bệnh là 89%, giá các dịch vụ kỹ thuật khoảng 87%... Trong khi đó, ngay tại các bệnh viện của Hà Nội, mức giá tăng trung bình chiếm 73%. Khi đó hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng người dân từ Bắc Ninh sẵn sàng chi thêm một chút tiền tàu xe đổ về Hà Nội khám.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giải pháp gì để giảm xu hướng địa phương nào cũng tăng giá kịch trần, thưa ông?
Theo quy định, Bộ Y tế sẽ phê duyệt giá của các bệnh viện trực thuộc Bộ. Còn tại các địa phương, UBND và HĐND các tỉnh, thành phố mới là nơi có toàn quyền trong việc xem xét, phê duyệt giá viện phí mới của các BV thuộc địa phương quản lý.
Trên thực tế, với những địa phương đề xuất mức giá cao, chưa phù hợp, BHXH VN đã yêu cầu cơ quan BHXH các tỉnh báo cáo gửi UBND tỉnh về những bất hợp lý khi xây dựng giá viện phí mới và cả những tác động đến người dân, quỹ BHYT nếu áp dụng giá viện phí đó. Ngoài ra, BHXH VN cũng đã gửi văn bản tới lãnh đạo của các địa phương đó, đề nghị cân nhắc, phê duyệt mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân chung của địa phương, bảo đảm có lộ trình thực hiện đến mức giá tối đa. Giá dịch vụ y tế tăng phải tính đến khả năng cân đối quỹ BHYT tại địa phương bởi khi tăng giá, dịch vụ y tế, quỹ BHYT phải chi thêm ít nhất 25%. Mục đích chính cũng là để việc tăng giá dịch vụ y tế không tác động mạnh đến đời sống của người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là của UBND và HĐND tỉnh. Như Bắc Ninh, dù BHXH VN đã có văn bản nhưng mức giá vẫn được thông qua.
Xin cảm ơn ông!
Ông Lê Văn Phúc cho biết, sớm nhất đến 1/8 mới có khoảng 70% địa phương thực hiện được giá viện phí mới. Vì thế, trong năm 2012 quỹ BHYT vẫn đảm bảo khả năng chi trả. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng chi phí như hiện nay, năm 2013 sẽ có nhiều địa phương bị bội chi quỹ BHYT và tính chung trên cả nước cũng thì quỹ BHYT khó có thể cân đối và sẽ phải đề nghị Chính phủ tăng mức đóng BHYT.
Theo dantri
Lời khai đê hèn của nhân viên y tế hãm hiếp bé 3 tuổi Dư luận TP.Hồ Chí Minh đang xôn xao trước vụ hiếp dâm trẻ em do một nhân viên y tế thực hiện. Tại cơ quan điều tra, lời khai nhận của nghi phạm đã thể hiện thái độ coi thường luật pháp và tính dâm ô đê hèn của kẻ khoác áo blu. Đối tượng Tạ Quang Bình trong đêm bị công an...