Bệnh nhân nhập viện Việt Đức do uống rượu, bia tiếp tục giảm
Sau hơn 2 tuần Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, số ca tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu, bia tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức đã giảm đáng kể.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt Đức những ngày cận Tết Nguyên đán 2020 luôn tấp nập người qua lại. Bởi số bệnh nhân vào viện do tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng đông. Tuy nhiên, số ca TNGT do sử dụng rượu, bia đã giảm dần.
Lượng bệnh nhân vào viện do TNGT ngày càng đông, tuy nhiên, ca bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu đã giảm.
Thống kê của BV Việt Đức cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 12/1/2020, BV tiếp nhận 599 trường hợp nạn nhân bị TNGT. Trong đó, chỉ có 85 trường hợp TNGT có nồng độ cồn trong máu. Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, không có bệnh nhân nào nhập viện vì TNGT do sử dụng rượu, bia. Con số này giảm so với cùng kỳ năm 2019 (tính từ 1/1/2019 đến 6/1/2019) với 49 bệnh nhân nhập viện có nồng độ cồn trong tổng số 324 bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Đức – Khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Việt Đức cho biết, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, tỷ lệ số ca bệnh nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu đã giảm. Điều này cũng giúp cho tình hình trực cấp cứu của các bác sĩ tại BV đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nặng vào cấp cứu tại BV vẫn còn, thậm chí có những trường hợp đa chấn thương, sốc đa chấn thương, chấn thương sọ não, hàm mặt, ngực, bụng, gẫy đa xương… Và rượu vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng TNGT hiện nay.
“Sau Nghị định 100, ý thức của người dân được cải thiện rõ rệt. Những trường hợp uống rượu ra ngoài đường, đa số thuê người lái xe về. Tuy nhiên, vẫn có người tự đi xe bị TNGT do có nồng độ cồn trong máu. Nguyên nhân TNGT có thể do tự họ gây ra hoặc do người khác gây ra” – bác sĩ Đức nói.
Theo bác sĩ Đức, mức độ cồn trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến tri giác. Thực tế, nhiều trường hợp vào viện gần như không có chi giác, thậm chí, gọi, cấu… nhưng bệnh nhân vẫn không biết gì.
“Đây là những trường hợp bệnh nhân nặng và khó đánh giá được các tổn thương khác bởi tri giác không có. Lúc này, không biết bệnh nhân có đau hay không? Mạch, huyết áp lại càng khó đo. Bởi khi say rượu, mạch thường rất nhanh, không biết tình trạng của bệnh nhân có bị mất máu hay không?. Đánh giá chung trên một bệnh nhân cho thấy, những trường hợp càng uống rượu nhiều, càng say nặng thì đánh giá tình trạng bệnh và xử lý cấp cứu bệnh nhân sẽ khó khăn hơn” – bác sĩ Đức cho hay.
Bác sĩ Hoàng Minh Đức cũng khẳng định, mỗi bác sĩ, mỗi người dân đều hoàn toàn ủng hộ Nghị định 100. Bởi từ khi Nghị định 100 đi vào thực tế, rõ ràng số ca cấp cứu vào BV đã giảm hẳn, đặc biệt, giảm nhiều trường hợp TNGT do dùng các chất kích thích xuất phát từ cồn. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, các y, bác sĩ của BV Việt Đức, nhất là những người dân, những người tham gia giao thông sẽ có một cái Tết an lành, hạnh phúc bên người thân mình hơn.
Video đang HOT
Vấn đề dùng rượu, bia là truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trong khi, thời điểm gần Tết, số ca TNGT bao giờ cũng sẽ tăng hơn so với những ngày thường. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên uống rượu nhiều vào ngày Tết. Nếu người dân đã có rượu, bia trong người, nên chấp hành đúng Luật Giao thông, không lái xe để tránh tai nạn cho những người khác và cho chính bản thân mình.
Thống kê của BV Việt Đức cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 12/1/2020, BV tiếp nhận 599 trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Đa số bệnh nhân bị TNGT đều do nguyên nhân khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Minh Đức – Khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Việt Đức khám cho bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Đức) giảm hẳn số bệnh nhân đến cấp cứu.
Theo kinhtedothi.vn
Thủ tướng: Tuyệt đối không can thiệp việc xử lý vi phạm nồng độ cồn
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định 100, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Thủ tướng đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông giảm nhiều khi các bộ, ngành, địa phương đồng loạt triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng người đã uống rượu bia lái xe.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Hoàng Đông.
Đặc biệt, việc này nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, điều đó cho thấy những quy định pháp luật hiện hành phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống và thể hiện tính răn đe, giáo dục.
Việc này cũng góp phần giúp người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông.
Để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100 trong dịp Tết Canh Tý và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các quy định trên có tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện nghiêm: "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Canh Tý và các lễ hội Xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong năm 2020.
Trong đó, lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang, không có vùng cấm đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ công tác tuần tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra việc can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.
Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1, nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm về an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Với hơn 5.400 trường hợp bị xử lý từ 1/1 đến 13/1, CSGT Hà Nội đã xử phạt gần 3,2 tỷ đồng, tạm giữ 566 phương tiện, gần 1.900 bộ giấy tờ và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 413 trường hợp.
Theo thống kê, các lỗi phổ biến gồm: Không đội mũ bảo hiểm (1.290 trường hợp), dừng đỗ xe sai quy định (444 trường hợp). Lỗi vượt đèn đỏ có 377 trường hợp và 213 tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Theo news.zing.vn
Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn là "liệu pháp sốc" cần thiết Sau hơn 1 tuần thực thi, Nghị định 100/2019 (NĐ 100) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có kết quả khả quan, tạo được hiệu ứng tốt, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí bức xúc với các quy định mới. Trong cuộc tọa đàm ngày 9-1...