Bệnh nhân mắc COVID-19 ít vận động có nguy cơ tử vong cao hơn
Trong số bệnh nhân COVID-19, những người ít vận động có thể có triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Đây là kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Sports Medicine (Anh) ngày 13/4.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Brasilia, Brazil. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ở 48.440 người trưởng thành tại Mỹ mắc COVID-19 từ tháng 1-10/2020. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 47 tuổi và 60% là phụ nữ. Chỉ số cân nặng (BMI) trung bình của họ là 31 (chỉ số trên 30 là thừa cân). Khoảng 50% trong số bệnh nhân này không có các bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh tim hay thận; gần 20% mắc một bệnh lý nền và hơn 30% có từ 2 bệnh lý nền trở lên.
Tất cả các bệnh nhân báo cáo mức độ hoạt động thể chất thường xuyên của họ ít nhất 3 lần trong thời gian từ tháng 3/2018 – 3/2020. Theo đó, khoảng 15% nói rằng họ ít tập thể dục (0-10 phút/ tuần); gần 80% có hoạt động thể chất một chút (11-149 phút/tuần) và 7% hoạt động đều đặn theo khuyến nghị về sức khỏe (150 phút trở lên/tuần).
Kết quả cho thấy những người không hoạt động thể chất trong ít nhất 2 năm trước khi đại dịch bùng phát có nguy cơ phải nhập viện, cần điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) và tử vong cao hơn. Mặc dù khác biệt về chủng tộc, tuổi tác và bệnh lý nền, những bệnh nhân COVID-19 ít vận động có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với những người năng vận động nhất. Nhóm trên cũng có nguy cơ cần điều trị tại ICU cao hơn 73% và có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 lần. So với những bệnh nhân hoạt động thể chất nhưng không thường xuyên, những bệnh nhân lười vận động có nguy cơ nhập viện cao hơn 20%, nguy cơ phải điều trị tại ICU cao hơn 10% và nguy cơ tử vong cao hơn 32%.
Các tác giả nghiên cứu kết luận việc không hoạt động thể chất là yếu tố rủi ro nhất trong số những yếu tố rủi ro có thể thay đổi khác như hút thuốc lá, chứng tăng huyết áp hoặc béo phì. Đây cũng là yếu tố rủi ro khiến bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng chỉ sau yếu tố tuổi tác và tiền sử cấy ghép nội tạng.
Tuy nhiên, theo các tác giả, nghiên cứu mới trên dựa vào quan sát và thống kê, không thể được xem là bằng chứng trực tiếp cho thấy ít vận động dẫn đến kết quả khác nhau. Kết quả nghiên cứu cũng tùy thuộc vào việc cung cấp thông tin chính xác của bệnh nhân.
Video đang HOT
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 137,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 13/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 137.464.817 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.962.554 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 110.586.887 người.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 576.401 ca tử vong trong tổng số 31.997.770 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 171.205 ca tử vong trong số 13.714.419 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 355.031 ca tử vong trong số 13.521.409 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 262 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 245 người và Bosnia-Herzegovina với 228 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 46,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 835.400 ca tử vong trong trên 26,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 585.800 ca tử vong trong trên 32,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 287.100 ca tử vong trong trên 19,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 119.400 ca tử vong, châu Phi có trên 115.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.000 người.
Bộ Y tế Campuchia ngày 13/4 xác nhận thêm 181 ca nhiễm mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 178 ca lây nhiễm cộng đồng. Cũng giống như 2 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới được phát hiện nhiều nhất ở Phnom Penh (140 ca, gồm 139 người Campuchia và một người Pháp). Chính quyền thủ đô Phnom Penh quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 2 tuần (tới ngày 28/4) do số ca mắc mới COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm. Trong thời gian giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, hoạt động đi lại trong thành phố bị cấm, trừ các trường hợp có lý do gia đình, khám chữa bệnh khẩn cấp, cấp cứu, cứu hỏa, công nhân nhà máy làm ca, lực lượng vũ trang thực thi nhiệm vụ. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt theo Luật ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm gây chết người khác.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan thông báo ghi nhận 965 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.575 ca, trong đó 97 ca tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca. Trong số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua, 956 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện vẫn còn 6.190 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Thái Lan.
Tương tự, Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mông Cổ cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 885 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - mức cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh lên 16.603 ca. Các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng và phần lớn ở thủ đô Ulan Bator. Mông Cổ cũng có thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 32 ca. Tuần trước, Mông Cổ đã ghi nhận trung bình hơn 700 ca nhiễm/ngày - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 3/2020. Mông Cổ đã áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc vào ngày 10/4 và kéo dài đến ngày 25/4.
Tại châu Âu, bộ Y tế Pháp cho biết số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay với 5.916 người, dù nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 385 ca tử vong, cao gấp đôi so với một ngày trước đó, nâng tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên 99.135 ca. Nước này cũng thông báo có thêm 8.536 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh lên 5,07 triệu ca, tăng 4,84% so với con số thông báo cách đây một tuần. Tuy nhiên, trong vòng 3 tuần qua, mức tăng số ca nhiễm mới theo tuần trung bình là khoảng 5,6%, thấp hơn nhiều so với mức hai con số ghi nhận trong hầu hết mùa thu năm ngoái. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại Pháp tăng từ tháng 3 đến nay chủ yếu do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil. Trong động thái nhằm ngăn dịch lây lan thêm nữa, ngày 13/4, Pháp thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Brazil cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong khi đó, Nga cũng quyết định đình chỉ khai thác các tuyến đường bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và Tanzania trong 6 tuần do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại hai nước này đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/4 đến 1/6, được đưa ra căn cứ diễn biến dịch bệnh tại hai nước. Từ đầu tháng 3 đến nay, Nga ghi nhận nhiều ca mới là công dân Nga bị lây nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước.
Trong vài tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 gia tăng liên tục tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như thời điểm giữa tháng 3 mỗi ngày các cơ quan chức năng của nước này ghi nhận từ 6.000 đến 8.000 ca dương tính với SARS-CoV-2 thì từ đầu tháng 4 đến nay, con số này đã lên tới 56.000 ca.
Một trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 13/4, Chính phủ Anh cũng thông báo số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 1/4 đến nay với 3.568 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh cũng tăng lên 127.100 ca sau khi có thêm 13 trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, ngày 12/4, Anh - một trong những nước có số ca tử vong cao nhất trên thế giới - đã lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế trong nhiều tháng qua, cho phép các quán rượu và nhà hàng nối lại dịch vụ ăn uống ngoài trời. Các tiệm làm tóc, phòng tập gym và bể bơi trong nhà cũng được mở cửa trở lại.
Anh hiện được đánh giá là một trong những nước triển khai thành công chương trình tiêm chủng. Cùng với đó, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa đã giúp giảm 95% số ca tử vong và 90% số ca nhiễm mới kể từ tháng 1. Đến nay, tại Anh có 32,191 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và 189.665 người đã được tiêm đủ 2 liều.
Trong khi đó, giới chức y tế Ireland cho biết nước này sẽ giới hạn độ tuổi được tiêm vaccine AstraZeneca của hãng dược liên doanh Anh-Thụy Điển là từ 60 tuổi trở lên. Trước đó, một số nước châu Âu cũng đã áp dụng quy định tương tự sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) công bố kết quả đánh giá mới nhất cho thấy có mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca và hiện tượng đông máu hiếm gặp được ghi nhận ở một số người sau khi tiêm. Cụ thể, Ủy ban Cố vấn tiêm chủng quốc gia Ireland (NIAC) cho rằng không nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi cho tới khi có thêm những dữ liệu đánh giá mới.
Quyết định của NIAC sẽ được đưa vào hướng dẫn triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia và kế hoạch điều phối vaccine tại Ireland. Dù vậy, Chủ tịch NIAC Karina Butler vẫn lưu ý rằng vaccine của AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ cao và giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng ở mọi độ tuổi và nguy cơ mắc hội chứng đông máu hiếm gặp sau tiêm là rất thấp. Tới nay, Ireland đã tiêm vaccine mũi đầu cho gần 750.000 người trên tổng số khoảng 5 triệu dân.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Chủ tịch Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) José Manuel Barroso đã hối thúc những nước thừa vaccine ngừa COVID-19 chia sẻ chế phẩm này với những nước khác càng sớm càng tốt. Theo WB, ông Malpass đã bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với GAVI về chiến lược năm 2022, trong đó có việc tăng sản lượng vaccine cho những nước đang phát triển. Hai quan chức trên cũng cho rằng các quốc gia, nhà cung cấp, các đối tác phát triển cần minh bạch về các hợp đồng vaccine cũng như những yêu cầu và cam kết về nguồn cung và xuất khẩu quốc gia.
Trước đó, WB đã thông qua khoản hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD cho hoạt động phát triển, sản xuất, phân phối vaccine tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó khoảng 4 tỷ USD dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa năm nay. Ông Malpass lưu ý những khoản tiền này có thể được dùng để đồng chi trả cho sáng kiến phân phối vaccine COVAX và mua bổ sung vaccine ngoài tỷ lệ bao phủ cơ bản 20% dân số.
Cơ chế COVAX hiện đã phân phối 38,7 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, và dự kiến phân phối được hơn 40 triệu liều vaccine vào cuối tuần này. Trong đó, hơn 40 nước tại châu Phi sẽ nhận được vaccine tính đến cuối tuần này và sẽ được phân phối gần 50% số liều vaccine nói trên qua cơ chế COVAX.
Gia tăng số bệnh nhân trẻ tại Brazil cần điều trị tích cực Một nghiên cứu của Brazil cho thấy trong tháng 3 vừa qua, nước này ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 dưới 40 tuổi cần điều trị tích cực tăng mạnh, vượt nhóm bệnh nhân cao tuổi. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh Brazil đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh lây lan nhanh do biến thể của SARS-CoV-2. Nhân viên...