Bệnh nhân HIV và nỗi đau bị ruồng bỏ: Người nhà cho sai số điện thoại, ra đi trong cô độc
Với những người mắc căn bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, số phận dường như đóng sập toàn bộ các cánh cửa cuộc đời họ, từ sự nghiệp, sức khoẻ, bạn bè cho đến chính với những người thân yêu.
“Mặc xác nó, nó chết ở đâu cũng được”
Được coi là một trong số thế hệ thứ 2 làm và nghiên cứu về HIV ở Việt Nam, Ths. Bs Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 chứng kiến hàng hàng lớp lớp những bệnh nhân HIV bị xã hội ruồng bỏ.
Nhưng đối với bác sĩ, sự ruồng bỏ đáng sợ nhất, chính là sự đối xử của nhiều gia đình bệnh nhân HIV với con cháu của họ.
Anh kể: “Bệnh nhân được đưa vào đây, sau đó, người nhà cũng mất hút, họ đưa cho chúng tôi một số điện thoại không chính xác. Khi bác sĩ gọi điện, đầu dây bên kia chỉ trả lời lạnh nhạt “các anh nhầm số”.
Đến ngày bệnh nhân hấp hối, lúc cấp cứu, chúng tôi phải gọi về UBND xã của bệnh nhân để truy cứu địa chỉ. Cũng tối đó, chúng tôi được cán bộ xã cho số điện thoại người bố. Tuy nhiên, điều thất vọng nhất, đó là ông chỉ nói duy nhất một câu “khi nào nó chết, các anh hãy gọi tôi”!
Ths. Bs Hưng đang khám cho một nữ bệnh nhân HIV
Ngay như với câu chuyện kể trên, khi bệnh nhân qua đời, gọi mãi gia đình người nhà mới đến, họ đứng từ xa nhìn vọng vào, sau đó, xin khẩu trang từ bác sĩ vì sợ lây bệnh.
Với quan niệm của người Việt, chết phải chết ở nhà, không làm “ma đường, ma chợ” nhưng những người mắc bệnh HIV không có quyền được làm điều đó. Họ không chỉ chịu thiệt thòi vì bị bỏ rơi, phần nhiều trong số đó còn không thể gặp người thân trong giây phút hấp hối.
Giữa giây phút sinh tử, nhiều người có nguyện vọng được nhìn thấy khuôn mặt của cha mẹ, chị em thế nhưng, khi bác sĩ liên hệ, đa số người nhà đều từ chối. Có những trường hợp, gia đình buông câu lạnh nhạt “kệ nó, nó muốn chết ở đâu nó chết!”.
Video đang HOT
Hay cũng có những bệnh nhân, dù sắp trút hơi thở cuối cùng, khi được bác sĩ hỏi có nguyện vọng gặp cha mẹ hay không. Anh này chỉ lắc đầu, không chịu đọc số điện thoại nhưng hai hàng nước mắt không ngừng rơi.
Vài năm trước, cũng tại Bệnh viện 09, một nam thanh niên nhiễm HIV lâu năm đang hấp hối. Các bác sĩ cho anh thở oxy úp mặt nạ dưỡng khí thế nhưng cứ khi bác sĩ quay vào, chiếc mặt nạ trên mặt bệnh nhân lại bị bỏ ra.
“Cứ vài lần như thế, đến khi điều dưỡng hỏi người nhà, hoá ra, chính ông bố và chị gái bệnh nhân giật ra. Chúng tôi hỏi tại sao, ông bố vô tâm trả lời “Đằng nào nó chẳng chết, tôi chọn giờ đẹp cho nó chết rồi!”, Ths. Bs Hưng đau lòng nhớ lại.
Một câu chuyện khác là có cặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh và chị Hoàng Thủy Tiên từng điều trị tại Bệnh viện 09. Họ quen nhau và cưới nhau khi đã bị HIV. Lam lũ xuống Hà Nội làm việc, thuê nhà sống từng ngày. Thế nhưng, mỗi khi đi tới đâu bị phát hiện mắc bệnh, họ đều bị đuổi không cho ở.
Đến khi anh chị chấp nhận đối mặt, lên truyền hình chia sẻ câu chuyện của mình, gần như cả hai bị tẩy chay khỏi Hà Nội. Họ lên Phú Thọ sinh sống và làm ăn, đến bây giờ, họ sinh con và con không hề mang bệnh.
Sự kỳ thị như một vết dầu loang khiến cả xã hội bị tổn thương
Qua những câu chuyện thực tế mình đã gặp, Ths. Bs Hưng cho rằng, xã hội đang có cái nhìn lệch lạc về căn bệnh HIV/AIDS: “Việt Nam có cả một ngành truyền nhiễm với hàng loạt các bệnh nguy hiểm có thể lây truyền, hay các bệnh về da liễu, bệnh lây lan qua đường tình dục… rất nguy hiểm. Tại sao chúng ta không nhìn nhận HIV như những căn bệnh khác?”
Khi một bệnh nhân viêm gan C giai đoạn 3, 4 được bác sĩ chẩn đoán bệnh, nó không khác gì họ được nghe một án tử. Nếu với bệnh nhân ung thư, căn bệnh đeo đẳng và tổn kém thì HIV điều trị chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, khi được điều trị, bệnh không thể lây lan cho người khác. Thế nhưng, nó vẫn đang bị kì thị, cô lập khỏi xã hội.
Chưa kể, với những người mắc bệnh HIV, không phải tất cả họ đều là người tệ nạn xã hội chích hút, mại dâm… Nghề nào, tuổi nào, giới tính nào cũng có thể mắc căn bệnh trên.
Bác sĩ cho rằng, sự kỳ thị trong xã hội như một vết dầu loang làm tổn thương tất thảy những người đã bị và chưa bị H. Ngay như trong câu chuyện xã Kim Thượng vừa qua, bác sĩ cho rằng, khi chúng ta đẩy câu chuyện lên đỉnh điểm với chiều hướng HIV là căn bệnh nguy hiểm. Nó trở thành rào cản giao tiếp cho tất cả những người đã và đang sinh sống tại đó.
“Bây giờ, trong làng có đám, họ đi ăn cỗ nhưng phải dòm mặt nhau, lo sợ xem có ai mắc bệnh hay không. Hay có một cô gái, đi tìm hiểu người yêu nhưng nói đến quê quán, chắc hẳn, đối phương của họ sẽ quy chụp, nghi ngờ cũng có thể bị bệnh”, bác sĩ chia sẻ.
Chưa kể, bởi chính sự tổn thương, nhiều người bệnh HIV giấu mình, vô tình, là nguyên nhân khiến bệnh phát triển âm thầm trong xã hội.
Trong khi đó, với căn bệnh HIV, mặc dù khoa học, y học chưa có cách điều trị dứt điểm nhưng nếu bệnh nhân được điều trị thuốc, theo đúng phác đồ, họ vẫn sống khoẻ mạnh, tuổi thọ kéo dài hay có thể sinh con không mang bệnh.
Bác sĩ cho rằng, những người kỳ thị HIV là những người thiếu hiểu biết cả về văn hoá và tri thức. Đã đến lúc, xã hội cần nhìn nhận đúng đắn về căn bệnh HIV, có cái nhìn hiểu biết và rộng lượng hơn với người mắc bệnh.
Theo Hồng Ngọc/GIADINHMOI.VN
Vụ 42 người ở một xã nhiễm HIV: Chỉ là số nhỏ của toàn huyện
Tỉnh Phú Thọ có số người nhiễm HIV/AIDS xếp thứ 21/63 tỉnh, thành của cả nước với hơn 4.300 người nhiễm và hơn 1.500 ca tử vong. Riêng huyện Tân Sơn với 17 xã, hơn 80.000 dân; trong đó xã Kim Thượng có 42 ca mắc HIV mới được phát hiện, xã Minh Đài: 42 ca, xã Mỹ Thuận: 29 ca...
Hàng chục người đã tử vong
Theo ông Dương Văn Khái, Chủ tịch UBND xã Minh Đài, thực tế trên địa bàn toàn xã có tổng số 42 người nhiễm HIV chứ không phải 46 như thống kê của Bộ Y tế vì khi đi khám có nhiều người trùng tên, trùng năm. 42 người này là con số tích lũy từ trước tới nay. Ông Khái cho biết thêm: "Căn bệnh HIV hiện không còn lạ lẫm, mọi người không còn xem đây là nỗi ám ảnh, vẫn sống bình thường với những người bị nhiễm HIV, tất nhiên vẫn có phòng ngừa nhất định".
Ông P.V.Đ. và cháu H.N.Q. 18 tháng tuổi - con của em gái ông Đ. (ngụ khu Chiềng 3, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) - cùng bị nhiễm HIV và ông Đ. từng có thời gian đi làm việc ở Hà Nội trước khi phát hiện mắc bệnh Ảnh: Huy Thanh
Nhiều năm gắn liền với công tác phòng chống HIV, bác sĩ Bùi Thị Hường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Đài, cho hay: "Những người mắc HIV tùy thể trạng của từng người và do uống thuốc đều đặn mà kéo dài sự sống rất lâu, sinh hoạt hằng ngày cũng bình thường. Nhiều đối tượng nghiện chích, bị HIV nhưng giấu bệnh rồi lây sang vợ, nhiều trường hợp mắc bệnh sau khi đi làm ăn từ nơi xa về... Trên địa bàn hiện có ít nhất hơn 20 ca nhiễm HIV đã tử vong, hiện còn gần 20 ca đang được theo dõi, quản lý, cho dùng thuốc. Những người tử vong trước đây là do xã Minh Đài mới chỉ tiếp cận được thuốc cách đây vài năm".
Theo bác sĩ Phùng Thị Minh Diện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Thuận, toàn xã từ trước đến nay có 29 trường hợp bị nhiễm HIV, đa phần là phụ nữ, độ tuổi thanh niên rất ít. Do dùng thuốc đầy đủ nên trong 29 trường hợp này chưa có ca nào tử vong và khi sinh con cũng không bị lây nhiễm HIV.
Nhiễm HIV ở mức khá nghiêm trọng
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, từ năm 2015 đến nay, tại xã Kim Thượng đã có 5 người tử vong vì AIDS. Như vậy, vấn đề nhiễm HIV tại địa phương này đã xảy ra từ lâu nhưng gần đây qua triển khai xét nghiệm HIV rộng rãi mới phát hiện được. "Con số 42 người nhiễm HIV được coi là khá nghiêm trọng bởi tỉ lệ nhiễm HIV cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình toàn quốc và cần có biện pháp kiểm soát dịch ngay" - ông Long nhận định.
Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan có liên quan của tỉnh Phú Thọ khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân, xem xét toàn diện các đường lây... PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu... đều có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3%. "Bơm kim tiêm là loại sử dụng một lần, sau khi dùng sẽ đậy nắp kim tiêm và được xử lý theo quy trình xử lý vật sắc nhọn của Bộ Y tế. Bơm kim tiêm có bán trên thị trường và giá rất rẻ nên việc lây truyền HIV qua dùng chung bơm kim tiêm là rất khó, việc lây đồng loạt cho nhiều người lại là điều càng khó xảy ra" - PGS Cường phân tích.
Theo PGS-TS Cường, nếu không may bị vật sắc nhọn, bơm kim tiêm có nghi ngờ phơi nhiễm HIV, người dân cần bình tĩnh, rửa vết thương dưới vòi nước, để nguyên máu chảy nhưng không nặn ra; với vết thương hở lớn cần cầm máu, đến cơ sở y tế để được uống thuốc dự phòng lây nhiễm tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu (hoặc trong vòng 72 giờ) sẽ có hiệu quả ngăn chặn virus qua da vào máu.
Người bệnh nghi nhiễm HIV sau 1 tháng cần đánh giá lại và sau 3 tháng kiểm tra để xác định chính xác có dương tính với HIV không? Với nhân viên y tế, người làm nhiệm vụ như công an truy bắt tội phạm nếu có máu người nhiễm HIV bắn vào mắt, da, niêm mạc cần uống thuốc kháng virus trong vòng 28 ngày để bảo đảm virus không nhân lên.
Tuân thủ phác đồ điều trị có thể sống 50 năm
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, cho biết người đầu tiên phát hiện bị nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12-1990 là một phụ nữ 30 tuổi. Đến nay, sau gần 30 năm, người phụ nữ này vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc ARV đều đặn và sống tích cực, lạc quan. Virus HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường, không thể sống trong không khí, nước hoặc thức ăn và rất dễ chết khi ở ngoài cơ thể. Theo giới chuyên môn, đến nay, virus HIV chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, sử dụng thuốc kháng virus ARV thì có thể sống tới 50 năm.
Theo Ngọc Dung - Huy Thanh (Người lao động)
Cuộc sống ở xã vùng cao cứ hơn 100 người có 1 người nhiễm HIV Là xã miền núi với dân số chỉ 6.600 người, chủ yếu là dân tộc Mường và Dao, nhưng Kim Thượng lại có đến 48 người nhiễm HIV. Nhiều người trong số họ không biết vì sao mình mắc bệnh. Xã Kim Thượng thuộc huyện Tân Sơn, nằm cách trung tâm thành phố Việt Trì (Phú Thọ) khoảng 80 km. Xã gồm 13...