Bệnh nhân Ebola cuối cùng ở Congo xuất viện, dịch bệnh sắp kết thúc
Bệnh nhân Ebola cuối cùng đã được điều trị khỏi tại Congo và xuất viện ngày 3/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. Đợt bùng phát kéo dài 19 tháng chính thức sắp chấm dứt.
Người nhận được giấy chứng nhận sống sót là cô Semida Masika. Cô nói rằng cô rất vui mừng được trở về nhà. “Vì tôi là người sống sót cuối cùng (của dịch Ebola), tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc (đến đội ngũ y tế) và tạ ơn Chúa”, cô nói.
Các nhân viên bệnh viện ở Beni, thành phố phía đông bắc Congo, đã nhảy mủa, hát ca và đánh trống để ăn mừng sự kiện trọng đại: bệnh nhân Ebola cuối cùng của nước này được chữa khỏi. Lần đầu tiên kể từ khi công bố dịch bệnh vào tháng 8/2018, đến nay Congo mới chính thức không có ca bệnh nào, theo Reuters.
Trong 19 tháng qua, virus đã giết chết 2.264 người và lây nhiễm gần 1.200 người ở Congo, khiến nước này trở thành ổ dịch Ebola tồi tệ thứ hai trong lịch sử. Đứng đầu là dịch Ebola Tây Phi 2013-2016 giết chết hơn 11.000 người.
Congo đã trải qua 14 ngày mà không ghi nhận thêm trường hợp mới nào mắc bệnh. Dịch bệnh sẽ được tuyên bố kết thúc sau 42 ngày không có ca nhiễm mới. Thời gian ủ bệnh tối đa của chủng virus này là 21 ngày.
Video đang HOT
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh bước tiến triển mới của dịch bệnh ở quốc gia Trung Phi. “Đây là tin tức rất tốt không chỉ với tôi mà với toàn thế giới”, ông nói trong cuộc họp báo hôm 3/3.
Điều phối viên được chỉ định về dịch bệnh của Liên Hợp Quốc đã từ chức để quay lại với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Congo.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của WHO cảnh báo rằng dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, với lý do khó theo dõi tình hình phát triển ở phía đông Congo, nơi tình trạng bạo lực dân quân đang leo thang.
“Vì môi trường an ninh phức tạp, không thể loại trừ việc lây lan Ebola bên ngoài các nhóm được theo dõi hiện thời”, phát ngôn viên WHO, Tarik Jasarevic, nói. “Chỉ một ca nhiễm có thể làm dịch bùng phát trở lại”.
Đây là đợt bùng phát thứ 10 của Congo kể từ năm 1976. Các cánh rừng nhiệt đới rậm rạp của nước này được coi là ổ bệnh của Ebola.
Khi các ca nhiễm Ebola giảm vào tháng trước, nó đã bị lu mờ bởi sự bùng phát nhanh chóng của virus corona trên toàn thế giới. WHO tin rằng dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu”.
Theo danviet.vn
WHO gia hạn tình trạng khẩn cấp dịch Ebola tại Congo
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12/2 tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp dịch Ebola tại Congo, mặc dù các trường hợp nhiễm bệnh giảm mạnh là "cực kỳ tích cực".
"Miễn là có một trường hợp mắc bệnh Ebola duy nhất ở một khu vực không an toàn và không ổn định như phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo thì nguy cơ một dịch bệnh lớn hơn nhiều vẫn còn", người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên ở Geneva.
Tuy nhiên, WHO đang hạ thấp cảnh báo nguy cơ mắc dịch bệnh này ở phạm vi quốc gia và khu vực từ mức rất cao xuống cao, trong khi mức cảnh báo trên phạm vi toàn cầu vẫn giữ nguy cơ ở mức thấp.
Ông Tedros cũng bày tỏ hy vọng rằng tình trạng khẩn cấp có thể được dỡ bỏ trong vòng 3 tháng tới dựa trên ý kiến đánh giá của Ủy ban khẩn cấp của các chuyên gia quốc tế của WHO. Tedros cho biết chỉ có 3 trường hợp nhiễm Ebola được báo cáo trong tuần qua.
WHO gia hạn tình trạng khẩn cấp dịch Ebola tại Congo (Ảnh: Reuters)
Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 7 năm ngoái tuyên bố dịch Ebola là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng". Việc tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng" đối với dịch Ebola vào năm ngoái diễn ra vài ngày sau khi một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus Ebola ở thủ phủ tỉnh Goma - trường hợp đầu tiên tại một trung tâm đô thị lớn. Một tháng trước đó, WHO đã báo cáo lần đầu tiên dịch Ebola lây lan sang Uganda.
Virus Ebola lây truyền qua tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, dịch tiết hoặc nội tạng của người bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ chết do nhiễm virus Ebola thường cao, lên tới 90%, theo WHO.
Những nỗ lực để ngăn chặn sự bùng phát dịch Ebola hiện bị cản trở bởi các cuộc tấn công vào nhân viên y tế và xung đột ở phía đông Congo. WHO cho biết vào tháng 11/2019, họ đã chuyển 49 nhân viên ra khỏi khu vực Beni ở phía đông Congo vì không an toàn.
Dịch Ebola bùng phát gần đây được xác định vào tháng 8/2018 và kể từ đó đã giết chết hơn 2.300 người ở miền đông Congo - khu vực có nhiều nhóm dân quân đang hoạt động.
KÔNG ANH (Nguồn: Straitstimes)
Theo vtc.vn
Virus corona ở Trung Quốc: Đỉnh dịch đã qua? Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, hầu hết những người bị nhiễm virus corona mới ở Trung Quốc đều có triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có nền bệnh khác thuộc nhóm nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong chung từ virus corona Covid-19 là 2,3%. Nghiên cứu được công bố...