Bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2 ở Đắk Lắk đi đám cưới, đến nhiều chỗ vui chơi
Đắk Lắk vừa có 2 ca dương tính với SARS-COV-2 đều xuất phát từ Đà Nẵng, trong đó có 1 nữ bệnh nhân đi đám cưới ở 3 tỉnh thành (Đà Nẵng, Huế, TP Buôn Ma Thuột).
Gần số nhà 41 đường Hoàng Diệu đã bị phong tỏa
Trường hợp thứ nhất là H.T.T.V (SN 1979, sống tại TP Hồ Chí Minh, địa chỉ tạm trú tại số 41 đường Hoàng Diệu, TP Buôn Ma Thuột).
Theo đó, từ ngày 18-25/7 vừa qua, V cùng gia đình di chuyển trên chuyến bay VN122 tới Đà Nẵng để đi du lịch một số nơi và đi đám cưới ở huyện Hòa Vang. Ngoài ra, người này còn đi thêm đám cưới nhà trai ở Huế.
Theo yếu tố dịch tễ, bệnh nhân V bắt rất nhiều chuyến taxi, Grab để đi đến nhiều danh lam thắng cảnh ở Bà nà Hill và ăn ở tại nhiều nhà hàng, các khách sạn Mercure Bà Nà, A Little Luxurry Hội An (số 9 Phan Bội Châu, Hội An, Quảng Nam), Homestay Huế villa.
Khoảng 9h ngày 25/7, V cùng con về TP Buôn Ma Thuột trên chuyến bay VN115, số ghế 20D. Trưa cùng ngày, V về nhà anh trai mình ở số 91 Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột rồi ăn trưa tại đây với khoảng 20 người (không đeo khẩu trang).
14 giờ cùng ngày, V về nhà mẹ đẻ tại số 41 Hoàng Diệu, TP Buôn Ma Thuột. Sau đó, V lên nhà chị gái tại số 43/15 Ama Khê, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột ăn tiệc và tiếp xúc gần với 89 người.
Ngày 1/8, V và 5 người cùng nhà được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên. Cùng ngày, kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật Real time RT-PCR, V dương tính với SARS-COV-2.
Ca thứ 2 mới có kết quả dương tính với SARS-COV-2 là H.H.A (SN 2006, trú tại số 101, Quốc Lộ 14 , thôn 5, xã Hòa Thuận. Tạm trú số 13/2/9 Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột). Yếu tố dịch tễ, A có tiếp tiếp xúc gần với H.T.T.V.
Hiện tại, cả 2 bệnh nhân không sốt, không có biểu hiện các triệu chứng hô hấp (sốt, ho, khó thở).
Video đang HOT
Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột đang điều tra các yếu tố liên quan và phun hóa chất Chloramin B khử khuẩn bề mặt tại các địa điểm bệnh nhân đi lại; Cung cấp thông tin chuyến bay của bệnh nhân thứ nhất và xe Mai Linh bệnh nhân thứ 2 cho các đơn vị liên quan để triển khai điều tra; Phong tỏa để phun thuốc khử trùng các địa điểm mà các bệnh nhân đã đến và lưu trú.
Cuộc sống người dân trong vùng phong tỏa
Giấc ngủ đêm đầu tiên trong hoàn cảnh bị phong toả của gia đình chị Xuân trôi qua chập chờn vì tâm trạng lo lắng.
Chiều 28/7, chị Đinh Song Bách Xuân nghe loa của công an đi ngang qua ngõ trên đường Hải Phòng, thông báo thành phố sẽ cách ly toàn bộ khu dân cư xung quanh Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Lúc này, thành phố đã ghi nhận 15 ca mắc nCoV, liên quan đến 3 bệnh viện này.
Nhà chị Xuân cách cổng Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng khoảng 300 m. Nhiều người hỏi sao không về nhà ngoại trên đường Hà Huy Tập để khỏi bị phong toả, nhưng vợ chồng chị Xuân và hai con gái quyết định ở lại. "Mình di chuyển để tránh bị cách ly, nhỡ lại lây nhiễm thêm cho người thân, cộng đồng", chị Xuân nói.
0h, cảnh sát lập rào chắn, cách nhà chị Xuân khoảng 50 mét. Màn đêm buông một màu đen kịt. Không gian ở khu phố vốn nhộn nhịp người xe, với các quán ăn uống, phòng mạch của bác sĩ, điểm tham quan du lịch, được thay bằng tiếng còi hụ của xe cảnh sát. Ánh sáng xanh đỏ hắt vào những cánh cửa đã đóng kín.
Bên trong khu vực dân cư phải cách ly y tế quanh ba bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Đông.
Chị Xuân kể, giấc ngủ đêm đầu tiên bị phong toả "nội bất xuất ngoại bất nhập" cứ chập chờ vì tâm trạng lo lắng. Nhưng rồi người phụ nữ 38 tuổi tự trấn an: "Tính ra ở đây bây giờ lại an toàn, vì đã khoanh vùng và sẽ được xét nghiệm sớm hơn những vùng dân cư bên ngoài".
Những ngày sau đó, mọi người xung quanh ý thức việc "có thể mình bị nhiễm virus" nên ai ở nhà nấy. Cổng thường đóng kín. Hàng xóm muốn hỏi thăm nhau cũng đứng xa gần chục mét, khẩu trang đeo kín mặt. Từng con ngõ nhỏ được quân đội phun khử khuẩn.
Quán cơm của chị Xuân đóng cửa mà không cần đến một tấm bảng thông báo nào. Anh Nguyễn Ngọc Bản (36 tuổi), chồng chị kiểm lại thực phẩm trong tủ lạnh, rồi bảo vợ "đủ đồ ăn cho cả tháng". Anh chỉ không nhận đồ tiếp tế vì nghĩ "nhiều người khác cần hơn".
Dịch Covid-19 lần trước, quán cơm cũng phải đóng cửa vì lệnh cách ly xã hội. Hai vợ chồng động viên nhau làm ăn có lúc này lúc khác, "chỉ mong hết dịch để làm lại từ đầu". Ba tháng qua, quán hoạt động cầm chừng vì chủ yếu bán cho khách quen mang về. Do giá cao hơn các quán cơm bình dân, không có người trong bệnh viện ra mua, chị yên tâm phần nào.
Những ngày này, mỗi sáng chị Xuân thức dậy lúc 10h vì không phải lo đi chợ, chuẩn bị cho quán cơm như trước. Bữa cơm trưa thành cơm chiều, lúc 15h. Hai vợ chồng dành thời gian trò chuyện, xem tin tức cho nhanh qua một ngày. "Hàng xóm tôi cũng vậy. Mọi người đều muốn sống chậm lại", chị nói.
Nhiều cư dân trong khu cách ly trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ra vỉa hè hỏi han các chiến sĩ làm nhiệm vụ gác chắn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Lần thứ hai trong vòng 6 tháng chị đã quen với việc phải ở trong nhà để phòng chống dịch, nhưng bức bí nhất là hai đứa nhỏ, đang tuổi chơi và mong mãi mới được nghỉ hè, phải quanh quẩn trong nhà. Để giúp con giải khuây, ba mẹ con cùng nhau đọc sách, trồng cây trong nhà.
Bên Mỹ, bố mẹ ruột anh Bản đang trải qua cơn đại dịch. Lo lắng cho gia đình của con ở vùng phải cách ly, hàng ngày ông bà đều gọi điện thoại về dặn phải thường xuyên rửa mũi, súc miệng bằng nước muối, sáng và tối phải đo nhiệt độ để tự giám sát sức khoẻ.
Sáng 31/7, những cư dân trong vùng phong toả được gọi đi lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại trường THCS Nguyễn Huệ. Dù trời mưa rả rích và phải ngồi chờ hàng giờ, nhưng khoảng 1.700 người đều trật tự "vì được lấy mẫu sẽ yên tâm hơn", anh Trần Hữu Đức Nhật nói.
Nhà anh Nhật ở khu dân cư trên đường Quang Trung, giữa Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng. Ngay khi nghe trong bệnh viện có ca mắc Covid-19, anh dặn vợ con tuyệt đối không được ra đường. Đồ đạc trong nhà cũng được vệ sinh toàn bộ.
Cuộc sống bị thay đổi, bốn thành viên tự giới hạn không gian trong nhà, không ra khỏi cửa. Để an toàn hơn, anh từ chối tổ dân phố đến đo nhiệt độ. "Khu vực này vẫn chưa biết ai lây nhiễm, vì chưa có kết quả xét nghiệm. Mỗi cán bộ dân phố lại tiếp xúc cùng lúc với nhiều người", anh nói.
Trước thời điểm cách ly, anh Nhật tự mua máy đo thân nhiệt cầm tay để kiểm tra hàng ngày cho vợ và hai con. Việc khai báo y tế được anh điện thoại trực tiếp cho phường. "Thành phố cũng đã thông báo cho người dân việc khai báo y tế qua các ứng dụng điện thoại. Tôi thấy đây là việc cần thiết để hạn chế tối đa tiếp xúc", anh nói.
Ngày thứ 7 phải cách ly trong nhà, em Nguyễn Lê Minh An chưa thể hình dung kỳ thi THPT quốc gia sắp tới với mình sẽ như thế nào? Mỗi ngày, ngoài việc tất bật nấu cơm cho bà nội và bố, em lại ngồi vào bàn học nhưng thấp thỏm suy nghĩ "khi các bạn đi thi, mình có được ra khỏi khu cách ly".
Minh An học bài sau khi thay mẹ làm việc nhà. Ảnh: Anh Tuấn.
Đọc tin tức, nữ sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú biết thành phố đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng kỳ thi này tại Đà Nẵng. "Nếu được hoãn thi, hoặc đặc cách cho tụi em xét hồ sơ và sát hạch để vào đại học khi đã hết dịch thì sẽ tốt hơn. Bây giờ ngồi ôn thi trong khu cách ly, tâm trạng rất bất an", An chia sẻ.
Nhà An ở cạnh gác chắn gần cuối đường Quang Trung. Phòng khám của gia đình đã đóng cửa từ ngày 26/7. Mẹ đi làm ở Trạm Y tế phường Thuận Phước, không được về nhà, thi thoảng tranh thủ chạy xe máy qua chợ mua ít đồ ăn rồi chạy về treo lên gác chắn cách nhà chưa đầy 10 mét, gọi điện thoại cho con xuống lấy.
"Em nhớ mẹ, nhưng không được nhìn rõ mặt vì phải đeo khẩu trang. Hai mẹ con hỏi han nhau vài câu rồi mẹ lại phải quay xe đi làm", An kể. Bố em làm bác sĩ ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu, muốn ra ngoài khu phong toả để tăng cường cho đồng nghiệp, nhưng buộc phải ở yên trong nhà.
Mỗi ngày, An lo ba bữa cơm cho bố và bà nội, rồi lại tranh thủ ngồi vào bàn học. Những lúc căng thẳng, em xuống nhà, đứng từ xa hỏi chuyện mấy chú công an nơi gác chắn cho khuây khoả. "Các chú mời em uống nước mía. Nhưng con không dám nhận vì các chú cực khổ lắm rồi".
Chị Xuân nói, những ngày qua các cư dân bị phong toả dù bị thay đổi toàn bộ nhịp sống, nhưng nhìn các chiến sĩ công an đứng dưới mưa để đảm bảo không có người dân ra khỏi khu cách ly y tế, rồi xem tin tức thấy hình ảnh bác sĩ phải cắt tóc, ngủ tạm trên bìa carton... và "thấy mình chưa phải là người khổ nhất".
"Mình còn có lựa chọn là đeo hay không đeo khẩu trang khi ở yên trong nhà. Còn những người tuyến đầu thì bức bí vô cùng trong bộ đồ bảo hộ. Tôi từng chứng kiến, hai nhân viên y tế đi lấy mẫu cho người dân, phải tạm ra một khu vực vắng, tháo khẩu trang ra để thở, nên thấu cảm phần nào vất vả của họ", chị nói.
Trong 9 ngày qua, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 104 ca, Quảng Nam 26, TP HCM 8, Hà Nội hai, Quảng Ngãi hai, Thái Bình và Đăk Lăk mỗi nơi một. Tổng số ca nhiễm cả nước lên 590, trong đó 373 người đã khỏi, năm người tử vong, 212 bệnh nhân đang điều trị.
Phong tỏa 9 căn nhà ở Sài Gòn vì có người nghi mắc COVID-19 Khu dân cư với 9 hộ dân bị cơ quan chức năng phong tỏa, cách ly vì có trường hợp nghi mắc COVID-19 sau khi du lịch Đà Nẵng về. Khu dân cư với 9 hộ dân bị cách ly. Chiều 1/8, lực lượng chức năng vẫn đang phong toả 9 căn nhà xung trong hẻm 20, đường Hồ Đắc Di, phường Tây...