Bệnh lậu: Sự khác biệt giữa nam và nữ
Bệnh lậu được biết từ lâu, nhưng mãi đến năm 1897 mới được Neisser tìm ra, có tên khoa học là Neisseria Gonorrhoeae. Đây là bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Vi khuẩn lậu có hình hạt cà phê xếp thành từng cặp nên còn gọi là song cầu, có chiều dài 1,6µm, rộng 0,8µm. Trên kính hiển vi, vi khuẩn bắt màu gram âm. Lậu cầu rất yếu khi ra ngoài cơ thể, và chết nhanh ở nhiệt độ thường ngược lại sống rất mãnh liệt ở môi trường ẩm của cơ thể, cho nên giao hợp vẫn là cách lây bệnh chủ yếu. Tuy nhiên, lậu cầu cũng có thể lây qua vật dụng dùng chung.
Ở điều kiện sinh lý bình thường, giữa nam và nữ có sự khác biệt về giải phẫu ở đường niệu đạo. Niệu đạo của nữ giới tương đối ngắn so với nam giới, khoảng 3cm, vì vậy bệnh lậu ít rầm rộ hơn, có nhiều tuyến quanh niệu đạo là nơi ẩn náu của vi khuẩn như tuyến Skène, tuyến Bartholine ở 1/3 trước của môi lớn và môi bé.
Niệu đạo là nơi ẩn chứa vi khuẩn gây bệnh lậu. (Ảnh minh họa)
Niệu đạo của nam giới chia làm 2 phần gồm niệu đạo trước và niệu đạo sau, được ngăn cách bởi cơ thắt niệu đạo, có chiều dài từ 14 – 16cm niệu đạo trước có nhiều hang, là nơi trú ẩn của lậu cầu niệu đạo sau càng phức tạp hơn cũng có nhiều ngóc ngách, xuyên qua tuyến tiền liệt, thông với túi tinh, ống dẫn tinh, mào tinh và tinh hoàn. Ngoài ra, còn có tuyến Morgagni và tuyến Littr cũng thuận lợi cho lậu cầu sinh sôi và phát triển.
Video đang HOT
Sau khi lậu cầu xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo, vi khuẩn có khuynh hướng ưa thích tế bào mô bì trụ ở niêm mạc đường tiết niệu, đưa đến phản ứng viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đa nhân đến để thực bào, từ đó trở thành tổ chức hoại tử trong quá trình viêm, được thoát ra ngoài theo nước tiểu, màu trắng hơi vàng gọi là tiểu ra mủ, lậu cầu tiếp tục phát triển và đi dọc theo chiều dài của niệu đạo, đi đến đâu gây viêm đến đó.
Về triệu chứng, bệnh lậu ở nam và nữ có khác nhau, do niệu đạo của nam giới dài, giai đoạn cấp tính lậu ở nam giới có tính chất rầm rộ, còn ở nữ thì âm thầm dễ bỏ qua, vì thế là nguồn lây nhiễm rất đáng quan tâm. Thời gian ủ bệnh trung bình 3 – 5 ngày, nhưng có thể kéo dài 2 – 3 tuần.
Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng, triệu chứng thường âm thầm, không rõ. Theo thống kê, có khoảng 97% số ca bệnh không có triệu chứng, chỉ có 3% còn lại mới có triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, khó chịu, nếu không điều trị bệnh sẽ đi vào giai đoạn mãn tính không có biểu hiện gì đặc biệt, mà thường chỉ có huyết trắng, hoặc có những biểu hiện của biến chứng như viêm tuyến Bartholin, tuyến Skene, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm bàng quang, viêm vùng chậu, viêm trực tràng. Viêm ống dẫn trứng có thể dày dính, gây thai ngoài tử cung, hoặc tắc tai vòi gây vô sinh.
Về điều trị, lậu cầu cứ 15 phút phân chia một lần do đó lan nhanh.Vì vậy, cần điều trị càng sớm càng tốt, điều trị đúng thuốc – đủ liều điều trị cả với người tiếp xúc sinh lý. Thuốc hiện nay được chọn ưu tiên là spectinomycine với tên biệt dược là Trobicin hay Kirin, 4g – tiêm bắp một liều duy nhất trường hợp bệnh mãn tính, tiêm liên tiếp 2 ngày, với nữ giới thì dùng liều gấp đôi nam giới.
Nếu không tiện tiêm thuốc có thể chọn giải pháp uống nhưng thường tỉ lệ thành công sẽ thấp hơn, thuốc thường dùng azithromycin (Zithromax) 250mg x 4 viên uống liều duy nhất. Nếu điều trị đúng thuốc, đủ liều thì triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần sẽ giảm nhanh sau 24 – 48 giờ, riêng tiểu ra mủ sẽ hết chậm hơn sau 48 – 72 giờ. Các triệu chứng chung sẽ biến mất hoàn toàn sau 5 – 7 ngày.
Về phòng bệnh, cho đến hôm nay, dùng bao cao su được xem như là phương tiện duy nhất để phòng bệnh lậu, tuy nhiên đó chưa phải là phương pháp đảm bảo tuyệt đối.
Theo BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG ( Sức khỏe & Đời sống)
Bệnh vùng kín không nên giấu kín
Nhiều bạn chưa lập gia đình và cũng chưa quan hệ nam nữ nhưng có biểu hiện bất thường ở vùng kín như thỉnh thoảng bị khí hư, lúc màu vàng sậm, lúc lại là trắng đục, rất ngứa vùng kín, bụng dưới đau... muốn đi khám nhưng lại ngại.
Nhiều người sợ và cũng không biết khám, chữa trị ở đâu, khi đi khám thì nói những gì với bác sĩ điều trị... Bài viết dưới đây có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh từ vùng kín để đi khám sớm.
Khí hư, hay còn gọi là huyết trắng hay dịch tiết âm đạo, thể hiện tình trạng nội tiết, sức khỏe của người phụ nữ. Khí hư sinh lý có màu trắng trong có thể hơi ngả vàng. Giai đoạn trước và sau khi trứng rụng, khí hư thường ra ít, lỏng, nhưng đến thời điểm rụng trứng, khí hư ra rất nhiều, dai. Khí hư sinh lý có tác dụng giữ ẩm cho âm đạo, là chất bôi trơn, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung kết hợp với trứng.
Bên cạnh khí hư sinh lý, trong nhiều trường hợp khí hư là biểu hiện của các bệnh lý đường sinh dục. Các bệnh này nếu để lâu không chữa hoặc chữa không đến nơi đến chốn thì có khả năng viêm nhiễm sẽ lan lên vòi trứng, làm viêm tắc vòi trứng dẫn đến thụ thai khó và có thể dẫn đến vô sinh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh phụ khoa, hệ lụy là sinh khó, dễ sẩy thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Khi thấy bất thường ở vùng kín, không nên e ngại mà hãy đi khám phụ khoa ngay (ảnh minh họa).
Khí hư bệnh lý có biểu hiện bất thường, như màu vàng sậm, màu xanh, có mùi hôi, tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo ngứa cơ quan sinh dục. Tùy theo tổn thương, vị trí viêm trong đường sinh dục mà màu sắc khí hư sẽ khác nhau.
Khí hư trong (dịch trong, trắng, nhầy dính, có khi loãng như nước, không hôi): dấu hiệu của u xơ tử cung, polip cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung, quá sản nội mạc tử cung do cường estrogen.
Khí hư loãng, đục, hôi, màu vàng nhạt và có bọt hoặc khí hư như bột, có vảy nhỏ hoặc khí hư màu trắng, xanh đục: dấu hiệu viêm âm đạo.
Khí hư nhiều đặc, dính như hồ, có màu đục: dấu hiệu viêm cổ tử cung.
Khí hư loãng như nước: dấu hiệu viêm tử cung.
Khí hư giống như mủ (vàng hoặc xanh): viêm phần phụ (vòi trứng), nhiễm nấm.
Khí hư ra nhiều, xuất hiện sau giao hợp vài ngày, như mủ, đặc, màu xanh: dấu hiệu viêm nội mạc tử cung.
Khí hư vàng, dịch trong, trắng, loãng, có váng như sữa: dấu hiệu rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh thực vật.
Khí hư lẫn máu, ra máu bất thường: dấu hiệu của ung thư tử cung. Ung thư tử cung có những dấu hiệu như máu ra bất thường (dù ngoài chu kỳ nguyệt san), kèm theo đau bụng hoặc không, khí hư nặng mùi hoặc có lẫn máu.
Khí hư ra nhiều, ngứa ngáy: nhiễm nấm Candida và trùng roi gây ngứa.
Khí hư giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sinh lý, thể hiện tình trạng nội tiết, sức khỏe của người phụ nữ. Tuy nhiên, môi trường ẩm ướt mà khí hư tạo ra lại là một điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và phát triển nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
Trường hợp khí hư lúc màu vàng sậm, lúc lại là trắng đục, vùng kín rất ngứa, bụng dưới đau tức như bị ứ đọng một cái gì đó là dấu hiệu của việc viêm đường sinh dục. Viêm đường sinh dục không chỉ xảy ra ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục, sinh con... mà nhiều em gái nhỏ và phụ nữ chưa quan hệ tình dục cũng mắc phải. Nguyên nhân là do vệ sinh kém, do hoạt động của hệ nội tiết... Bạn nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt và không nên giấu kín. Bạn có thể khám tại trạm y tế xã, trung tâm y tế hoặc bệnh viện phụ sản của tỉnh...
Bạn cũng nên nói với bác sĩ về việc bạn chưa có gia đình, chưa có quan hệ tình dục để bác sĩ có biện pháp thăm khám phù hợp. Chính sự e ngại và xấu hổ khi nghĩ tới việc đi khám phụ khoa, hay phải chia sẻ căn bệnh của mình với những người có chuyên môn khiến cho rất nhiều chị em mắc bệnh này không được điều trị, hay điều trị không đúng phương pháp. Hậu quả là bệnh ngày càng nặng, điều trị càng khó khăn, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo BS.Trần Phương (Sức khỏe & Đời sống)
Bệnh phụ khoa - Chớ coi thường Mắc bệnh phụ khoa đang là một thực trạng báo động về nguy cơ sức khỏe hằng ngày, mà đặc biệt là sức khoẻ sinh sản của phụ nữ. Một số trường hợp do điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ khiến bệnh diễn biến mạn tính, để lại di chứng như: viêm dính vòi trứng, gây vô sinh hoặc thai ngoài...