Bệnh khảm lá sắn vô phương cứu chữa hoành hành các tỉnh Đông Nam Bộ
Giữa năm 2017, bệnh khảm lá sắn (mì) xuất hiện lần đầu tiên ở Tây Ninh. Sau một năm tổ chức các biện pháp phòng chống, đến nay, đã có thêm 3 tỉnh miền Đông nhiễm bệnh.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTT), trên tổng diện tích hơn 48.100ha, hiện 4 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai đã bị nhiễm bệnh với diện tích 29.160ha, tăng gần 28.900ha so với cùng kỳ năm 2017.
91% diện tích sản xuất sắn của Tây Ninh đã nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: Nguyên Vỹ
Riêng Tây Ninh, Cục BVTT thống kê có gần 28.590ha nhiễm bệnh. Trong đó có 5.580ha nhiễm nặng nhưng diện tích tiêu hủy chỉ mới đạt 143ha. Bệnh xuất hiện tại 9/9 huyện, thị xã.
Còn theo báo cáo mới từ Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, tính đến giữa tháng 7, toàn tỉnh đã xuống giống được 34.262ha sắn. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh là 31.216ha, chiếm 91% diện tích sản xuất, tăng 5,3 lần so với năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tây Ninh đã tiến hành cày hủy 143ha diện tích sắn nhiễm bệnh. Tuy nhiên chỉ có một số ít người trồng đồng thuận tiêu hủy với diện tích bị nhiễm với tỷ lệ hơn 70%. Riêng với diện tích nhiễm bệnh dưới 70% và nhiễm muộn sau 2 tháng tuổi, nhiều người vẫn tiếp tục chăm sóc đến cuối vụ.
Video đang HOT
Thời gian qua, nguồn nguyên liệu mì thiếu hụt do dịch bệnh khảm lá ảnh hưởng đến cả năng suất, sản lượng. Trên diện tích 1,5ha chuẩn bị thu hoạch, ông Trần Anh Xuân (TP.Tây Ninh) cho biết, ruộng sắn của gia đình bị nhiễm bệnh khảm lá toàn bộ. Bệnh không những làm củ sắn sụt giảm chữ bột để phục vụ chế biến mà còn gây thối củ. Nhiều khả năng vụ sắn này nhà ông bị mất trắng.
Theo ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NNPTNT, cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng sẽ dẫn đến năng suất giảm khoảng 80%.
“Việc người trồng sắn cố duy trì diện tích nhiễm bệnh không những khó thu hồi vốn đầu tư cho sản xuất mà còn làm dịch bệnh lây lan, không ngăn chặn được” – ông Trong nói.
Tăng cường kiểm soát
Tình trạng khan hiếm nguồn giống kháng bệnh cũng khiến nông dân đánh liều xuống giống bằng các hom sắn đã nhiễm bệnh từ vụ trước. Ông Trần Văn Ngọc (huyện Dương Minh Châu) kể, thời gian qua, giống sắn KM94 được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo là ít nhiễm bệnh nhưng lại không đủ giống để cung cấp cho người dân.
Đây cũng là nguyên nhân khiến thương lái mua cây sắn không rõ nguồn gốc từ nhiều địa phương khác về bán cho người dân làm giống.
Theo Sở NNPTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, giữa tháng 6 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã kiểm tra và phát hiện một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Xuyên Mộc kinh doanh số lượng lớn giống sắn HL-S11 có nguy cơ lây nhiễm cao. Chi cục và Thanh tra sở đề nghị chủ hộ tiêu hủy ngay lô giống sắn trên.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện 34,3ha nhiễm bệnh khảm lá sắn. Trong đó có 34ha tại vùng trồng sắn thuộc Công ty CP Nông nghiệp Hòa Lâm.
Chi cục đã yêu cầu công ty tiêu hủy toàn bộ diện tích 12,7ha bị nhiễm tỷ lệ bệnh hơn 70%; tiêu hủy những cây bị bệnh đối với diện tích hơn 21ha có tỷ lệ bệnh 15-20%. Đồng thời, chi cục yêu cầu công ty này cam kết không trồng giống HL-S11; không vận chuyển, không sử dụng làm hom giống hay buôn bán, trao đổi các giống sắn đã nhiễm bệnh.
Theo ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ngoài việc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giống cây trồng, nghiêm cấm hành vi buôn bán, trao đổi các giống mì đã bị nhiễm bệnh khảm lá, công tác giống phải được xúc tiến nhanh để người nông dân sớm ổn định sản xuất.
Đại diện Bộ NNPTNT cũng cho biết đã giao Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương, nhất là tỉnh Tây Ninh, xây dựng những chương trình khuyến nông đặc biệt để kiểm soát nguồn giống sạch bệnh.
Theo Danviet
Giá sắn xuất khẩu đang tăng mạnh, Trung Quốc "ăn" tới 92,1%
Giá sắn xuất khẩu tháng 6 của nước ta bình quân đã tăng tới 79,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 458,8 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công thương) cho biết, tháng 6/2018 cả nước đã xuất khẩu được 169,18 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 77,81 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 22,3% về trị giá so với tháng 5/2018, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2017 giảm 41,1% về lượng nhưng tăng 5,7% về trị giá.
Giá sắn xuất khẩu tháng 6 của nước ta bình quân đã tăng tới 79,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 458,8 USD/tấn.
Giá xuất khẩu bình quân tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2017 lên 458,8 USD/tấn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đã xuất khẩu đạt 1,47 triệu tấn, trị giá 543,01 triệu USD, giảm 26,4% về lượng nhưng tăng 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trong tháng 6/2018, Việt Nam xuất khẩu lượng sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc là chủ yếu, chiếm 92,1% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước đạt 156,18 nghìn tấn, trị giá 71,11 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 14,2% về trị giá so với tháng 5/2018, so với cùng kỳ năm 2017, giảm 37,6% về lượng nhưng tăng 12,2% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng 79,8% so với cùng kỳ năm 2017, lên mức 455,4 USD/tấn.
Nhìn chung trong tháng 6/2018, lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đều giảm mạnh so với tháng 5/2018 và so với cùng kỳ năm 2017.
Dự báo, trong tháng 7, thị trường sắn lát dự báo sẽ sôi động trở lại khi các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc tăng công suất hoạt động. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, trong tháng 6/2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, tăng 606,1% về lượng và tăng 649,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, nhưng so với tháng 5/2018 vẫn giảm 87,7% về lượng và giảm 86,7% về trị giá, với khối lượng đạt 2,55 nghìn tấn, trị giá 775,16 nghìn USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 303 USD/tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ Công Thương dự báo, trong tháng 7, thị trường sắn lát dự báo sẽ sôi động trở lại khi các nhà máy cồn và hóa chất tại Trung Quốc tăng công suất hoạt động sau thời gian nghỉ bảo dưỡng do hoạt động thanh tra môi trường.
Tuy nhiên, giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc khó tăng cao trong thời gian tới vì nước này hiện còn một lượng ngô tồn kho lớn (do ngành chăn nuôi gặp khó khăn), nên có thể được sử dụng thay thế cho sắn trong sản xuất ethanol. Do đó, người trồng sắn trên cả nước cần lưu ý triển khai các biện pháp để duy trì năng suất và sản lượng hợp lý để nắm bắt tốt nhu cầu từ các thị trường trong và ngoài nước.
Được biết, các nhà máy thu mua sắn tại khu vực Tây Nguyên đã dừng hoạt động do niên vụ sắn đã kết thúc. Nguồn cung sắn từ Campuchia đã gần hết và chất lượng sắn bị ảnh hưởng bởi virut bệnh khảm lá. Hiện nay, diện tích nhiễm bệnh đã lên tới 55%, đòi hỏi phải quyết liệt hơn trong việc tiêu hủy nguồn bệnh và phun thuốc đồng loạt trước khi vụ 2018-2019 bắt đầu.
Theo Tùng Anh (Tri Thức Trẻ)
Vụ bổ nhiệm "bừa" trước khi về hưu: Kỷ luật cảnh cáo Trưởng phòng Tổ chức Liên quan đến việc Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa bổ nhiệm sai quy định nhiều cán bộ trước khi nghỉ hưu không lâu, mới đây Sở này đã họp kiểm điểm cá nhân, tập thể liên quan, trong đó Trưởng phòng tổ chức bị kỷ luật cảnh cáo. Sáng ngày 2/7, tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan...