Bệnh do dư năng lượng
Chế độ ăn dư năng lượng đang khiến trẻ em tại các đô thị lớn đối mặt với các vấn đề nguy hại đến sức khỏe.
Chế độ dinh dưỡng cần phù hợp với độ tuổi của trẻ – Ảnh: Shutterstock
Hội thảo “Thực trạng dinh dưỡng trẻ em đô thị Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng. Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên toàn quốc ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi hiện là 16%, suy dinh dưỡng thấp còi 29,3% và tỷ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc là 4% (khoảng 300.000 trẻ).
Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở các TP lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng cao hơn hẳn trung bình cả nước. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Sở Y tế TP.HCM) cho biết có trẻ 12 tháng tuổi đã nặng 20 kg, gần gấp đôi so với mức bình thường là 11-12 kg; có trẻ 5 tuổi nặng đến 40 kg, so với trung bình là 18 kg. “Cân nặng hợp lý còn phải dựa trên số đo chiều cao, tuy nhiên với các trường hợp trên thực sự là các trẻ có cân nặng dư quá mức”, bác sĩ Tuấn cho biết.
PGS-TS Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết cơ cấu khẩu phần ăn cho trẻ ở các đô thị thay đổi rõ rệt về lượng và chất, theo xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm, béo. “Bữa ăn này giúp cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ, nhưng mặt khác lại làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì và các bệnh mạn tính không lây”.
Theo tiến sĩ Bạch Mai, một trong những vấn đề rõ nhất trong bữa ăn cho trẻ thành thị là nhiều chất béo, thiếu hụt vi chất. Chất béo chế biến tinh như dầu, mỡ không cao nhưng chất béo ẩn trong thực phẩm như thịt, trong món chiên xào thì cao. Một cuộc điều tra trong nhóm trẻ béo phì cho thấy, 71% các món mặn giàu đạm trong bữa ăn; các món được chế biến như xào, rán, quay chiếm đa số. Trong khi đó, món luộc, hấp vốn ít hoặc không có chất béo lại chiếm tỷ lệ thấp.
“Bữa ăn thường xuyên dư đạm từ động vật làm tăng đào thải can xi qua nước tiểu, trong khi can xi vốn đã không được đáp ứng đủ trong khẩu phần ăn thông thường. Thiếu hụt can xi không chỉ hạn chế đến tăng trưởng chiều cao mà còn ảnh hưởng xấu đến sức bền cơ bắp”, tiến sĩ Bạch Mai lưu ý.
Điều tra mới nhất trong tháng 6-7.2013 với những người mẹ tại đô thị cho thấy: 30% người mẹ có con bị thừa cân nhưng vẫn không biết trẻ đã thừa cân; 15% người mẹ có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục tăng cân; thậm chí nhiều người muốn con dư cân béo khỏe để có lực phát triển và dự phòng những lúc trẻ ốm. Điều tra cũng cho thấy, sự tiện ích của thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều người mẹ cho con ăn quá mức.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết, ở trẻ dưới 2 tuổi thì năng lượng từ chất béo chiếm khoảng 30% khẩu phần ăn và tỷ lệ này cần giảm đi khi trẻ sau 2 tuổi; càng lớn thì tỷ lệ này càng giảm dần. Nếu cung cấp chất béo không hợp lý sẽ dễ dẫn đến béo phì, từ đó kéo theo hệ lụy mắc các bệnh: đái tháo đường, tim mạch (tăng mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch), tiểu đường khi trưởng thành.
Theo TNO
Cách chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển.
Video đang HOT
Đây là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Làm thế nào để phòng tránh suy dinh dưỡng? Cha mẹ cần quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ thế nào?
Vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng?
Suy dinh dưỡng ở trẻ thường do tổng hợp nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Do dinh dưỡng: Trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh.
- Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ...
- Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.
- Do điều kiện kinh tế - xã hội: Suy dinh dưỡng là một bệnh do ảnh hưởng của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan đến kinh tế, văn hóa, dân trí.
Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.
Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2 - 3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:
- Suy dinh dưỡng độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi
- Suy dinh dưỡng độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi
- Suy dinh dưỡng độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.
Những nguy cơ của suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý hô hấp, tiêu chảy... xảy ra và kéo dài, bệnh lý làm cho trẻ ăn uống kém, nhu cầu năng lượng gia tăng và vì vậy suy dinh dưỡng ngày càng trở nên nặng nề hơn; Ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ để phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng. Ảnh: TN
Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp lờ đờ vì vậy giao tiếp xã hội thường kém, kéo theo sự giảm học hỏi, tiếp thu.
Biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ
Giai đoạn sớm: Thường chỉ có biểu hiện đứng cân kéo dài hay sụt cân.
Giai đoàn toàn phát: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng. Khi thăm khám thấy có thể biểu hiện của thể phù, thể teo đét hay hỗn hợp.
Thể phù: Trẻ chỉ được nuôi bằng chất bột, thiếu tất cả những chất dinh dưỡng đa lượng có cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng vi lượng khác. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là: Phù trắng, mềm toàn thân; Rối loạn sắc tố da; Da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng; Còi xương; Chậm phát triển tâm thần, vận động: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng.
Thể teo đét: Trẻ thiếu dinh dưỡng toàn bộ, cân nặng còn dưới 60% so với cân nặng trẻ bình thường. Mất toàn bộ lớp mỡ dưới da bụng, mông, chi, trẻ teo đét, chi còn da bọc xương, vẻ mặt như cụ già. Tinh thần mệt mỏi, ít phản ứng với ngoại cảnh, trẻ hay quấy khóc, không chịu chơi, không ăn hoặc kém ăn. Thường xuyên có rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, phân sống.
Thể hỗn hợp: Thể phù sau khi điều trị phục hồi một phần, hết phù trở thành teo đét nhưng gan vẫn thoái hoá mỡ.
Làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng?
Với thể vừa và nhẹ (độ I và độ II): Điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc.
- Chế độ ăn: Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, bất cứ lúc nào kể cả ban đêm, nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa cần bổ sung các loại sữa bột công thức theo tháng tuổi, hoặc dùng sữa đậu nành (đậu tương).
Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cho trẻ ăn bổ sung theo tháng tuổi, đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất nhưng số bữa ăn phải tăng lên, thức ăn phải nấu kỹ, nấu xong ăn ngay.
Tăng đậm độ năng lượng của bữa ăn bằng cách cho tăng thêm men tiêu hóa trong các hạt nảy mầm để làm lỏng thức ăn và tăng độ nhiệt lượng của thức ăn. Cụ thể là: có thể dùng giá đậu xanh để làm lỏng thức ăn cho trẻ, tức là có thể tăng lượng bột khô lên 2 - 3 lần mà độ lỏng của bột không thay đổi. Cứ 10g bột cho 10g giá đậu xanh giã nhỏ lọc lấy nước.
Với trẻ suy dinh dưỡng nặng (độ III): Cho ăn nhiều bữa trong ngày; Tăng dần calo; Dùng sữa cao năng lượng theo chỉ định và tư vấn trực tiếp của bác sĩ.
Trẻ cần được ăn bổ sung theo các chế độ ăn giống như trẻ bình thường. Số lượng một bữa có thể ít hơn nhưng số bữa ăn nhiều hơn trẻ bình thường. Những trẻ có suy dinh dưỡng nặng kèm theo tiêu chảy hoặc viêm phổi phải đưa vào điều trị tại bệnh viện.
Thực đơn tham khảo cho trẻ suy dinh dưỡng tại nhà
Trẻ dưới 6 tháng: Bú sữa mẹ theo nhu cầu. Trường hợp mẹ không đủ sữa mà phải dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ thì phải có chỉ định của bác sĩ.
Trẻ từ 6 - 12 tháng: Cho trẻ ăn nước cháo xay trộn sữa như trên nhưng tăng thêm lượng thịt, gạo và rau củ, trường hợp trẻ không thích ăn cháo trộn sữa thì dùng sữa cao năng lượng pha với nước sôi để ấm theo hướng dẫn mỗi ngày uống 500ml và cho ăn bột hoặc cháo xay 3 - 4 bữa/ngày, trẻ ăn ít có thể tăng số bữa lên.
Trẻ 13 - 24 tháng: 6h: 150 - 200ml sữa cao năng lượng; 9h: Cháo thịt rau: 200ml (1 bát ăn cơm); Gạo tẻ: 30g; Thịt nạc: 50g (hoặc cá, tôm, cua: 50g, trứng gà: 1 quả); Dầu: 10ml (2 thìa cà phê); Rau xanh: 20g (2 thìa cà phê); 12h: Sữa: 200ml; 14h: Chuối tiêu: 1 quả hoặc đu đủ 1 miếng;17h: Cháo thịt (cá, tôm, trứng) rau dầu
Nếu trẻ đang bú mẹ vẫn phải tiếp tục cho bú và thời gian cho bú kéo dài từ 18 - 24 tháng. Khi cai sữa vẫn nên cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành.
Ăn thêm các loại quả chín theo nhu cầu của trẻ.
Theo Bác sĩ Bạch Mai (Sức khỏe & Đời sông)
"Thủ phạm" gây mệt mỏi vào đầu tuần Áp lực của công việc, thay đổi cuộc sống... là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn thường cảm thấy chán nản và căng thẳng, nhất là mùa nắng nóng. Thực tế, áp lực của công việc, bệnh tật, thuốc, thay đổi cuộc sống... là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi. Bệnh tật Bất kỳ ai trong cuộc...