Bệnh “cuối tháng” của xì tin
Quang Hà (sn1992) tuy đang học lớp 12 nhưng đã sớm kiếm ra tiền nhờ làm partime marketing cho các dự án truyền thông. Thông minh và năng động, số tiền Hà kiếm được mỗi tháng thậm chí còn hơn lương của những anh chị sinh viên ra trường. Cứ đến mùng 1, đều đặn mail thông báo có lương gửi vào hòm thư, và Hà lại hí hửng cầm thẻ ra rút tiền. Thế nhưng, sự “no đủ” chỉ tồn tại không đầy 2 tuần, thậm chí có tháng Hà tiêu béng 5 triệu chỉ trong 1 tuần lễ. Những ngày sau đó, cậu cũng giống như hàng trăm xì tin khác, mắc bệnh “cuối tháng” nặng!
Sớm làm ra tiền, hiểu rõ giá trị của đồng tiền nhưng lại không biết cách tiêu sao cho hợp lý, để đầu tháng thì “hoành tá tràng”, tiêu tiền không thèm đếm, đến cuối tháng không ai bảo ai đều… “móm nhăn răng” đang là căn bệnh chung trong giới teen mình. Cứ đến cuối tháng, bệnh trở nên vô phương cứu chữa và đây cũng là lúc teen đóng vai con ngoan về ăn cơm với bố mẹ đều đặn nhất. (vì hết tiền mà)
Hoành tráng vào đầu tháng…
Tùng (sn1991) cho biết, giây phút “có giá trị” trong cuộc đời cậu là khi tin nhắn thông báo lương của 2 công việc partime được chuyển vào tài khoản. Vừa là designer, vừa làm cộng tác viên nhiếp ảnh cho các báo teen, số tiền Tùng kiếm được mỗi tháng không phải là nhỏ. Làm ra tiền thì phải “hưởng thụ” đồng tiền, cậu cho rằng mình đã vất vả cả tháng, thế nên có tiêu vung vít một tí cũng không thành vấn đề. Và “nguyên tắc” bất di bất dịch mà bố mẹ Tùng cũng phải nằm lòng, đó là từ mùng 1 đến giữa tháng, đừng hòng thấy mặt cậu con ăn cơm nhà. Bao giờ cũng thế, cứ có lương là cậu rút ngay 3 triệu ra tự thưởng cho mình một vài bộ quần áo thật bảnh. Sau đó là chuỗi ngày Mega xem phim với bạn gái, hát karaoke, đàn đúm cafe, quán ăn suốt cả ngày. Có tiền trong tay, Tùng ngồi học cũng không yên tâm mà phải nghĩ ra đủ thứ để tiêu đến tiền. Thậm chí còn hào phóng không lấy lại tiền lẻ, khiến bạn bè được nhiều phen lác mắt và ai cũng nghĩ lương của Tùng có khi phải tới “mấy nghìn”.
7 triệu bạc không đủ tiêu đến tuần thứ 2, và tháng nào cũng vậy, cứ đến tuần thứ 3 là Tùng rơi vào tình trạng nhẵn túi. Không còn dư dả để lên Mega, cậu đành thuê đĩa về nhà xem phim. Cũng chẳng còn cảnh lê la ở những quán cafe đắt tiền. Nếu như đầu tháng hào phóng với bạn gái, thì cuối tháng chỉ biết “ngó lơ” khi nàng nói thích cái này, thích cái nọ. Tối đến chăm chỉ về nhà ăn cơm, bạn bè rủ đi đâu cũng đành cáo mệt từ chối. Cứ thấy cậu về nhà ăn cơm, cả nhà lại gật gù bảo nhau “Đã kịp “xơi” hết cả lương rồi đấy!”.
Và méo mặt vào cuối kỳ!
Nhiều teen chưa đi làm thêm nhưng cũng lĩnh tiền tiêu vặt của phụ huynh theo kiểu “một cục” vào đầu tháng. Chỉ duy nhất một lần nhận tiền nên muốn tiêu pha gì cũng phải tính thật kỹ, kẻo cuối tháng cần tiền lại “nhăn răng”. Thế nhưng ít có xì tin nghĩ được như vậy, cầm một khoản tiền cũng kha khá trong tay, thôi thì tỉ thứ cần mua và tiền thì cứ một đi không trở lại giống như cô nàng Minh Hương, teen 10 PDP. Nhà khá giả nhưng bố mẹ không chiều con mù quáng nên nếu có lỡ tiêu hết tiền tiêu vặt thì cứ xác định là “nhịn”. Biết rõ luật là vậy, thế mà tháng nào Hương cũng rơi vào cảnh “móm nặng” vào cuối tháng, mặc dù số tiền bố mẹ cho thừa sức để cô nàng sống dư dả.
4 triệu/tháng, chưa kể tiền xăng xe, nạp thẻ điện thoại được tính riêng là ước mơ của không ít teen, và bằng nguyên 1 tháng lương của công nhân viên chức. Nhưng với thói tiêu bạt mạng và thích là mua mà không cần dùng đến như Hương thì nó chỉ nhiều vào đúng ngày… lĩnh tiền mà thôi. Vừa cầm tiền, cô nàng đã đem đi “rải” ở những shop thời trang mới nhất, rồi làm nail, hấp tóc, sắm sanh đủ loại túi xách, guốc dép, cặp tóc… Toàn những thứ mà theo cô nàng là “không mua không được”. Rồi tháng nào “đen đủi” dính nhiều sinh nhật thì chỉ có mà “đi” sớm. Tuần cuối cùng của tháng với Hương thật thảm hại. Trong túi chẳng có lấy 50k, chẳng may xe hỏng hay có việc gì cần đến tiền, cô nàng lại cuống cuồng đi vay. Cảnh đầu tháng “đại gia”, cuối tháng thành con nợ trở nên thường xuyên hơn. Có tháng vừa nhận tiền từ mẹ thì trả nợ đã quá nửa, vậy mà khi có tiền, Hương vẫn không thể sửa nổi tính tiêu vung vít của mình.
Lại có teen vung tiền đến mức vô lý như Amy, sinh viên năm nhất trường Mở. Cô nàng này khác ở chỗ nhận tiền tiêu vặt từ chính anh người yêu đang du học ở Sing. Mỗi tháng, chàng cung cấp đều như vắt chanh 300$ chỉ để Amy mua sắm và ăn uống. Số tiền quả là không nhỏ, nhưng cách tiêu của cô nàng thì khiến người ta phải chết khiếp.
Vừa lĩnh “lương”, ngay lập tức cô nàng phải đi “xả”, mua một loạt thực phẩm xa xỉ cho mình và cho con mèo kưng. Mà nào phải mua ở siêu thị thông thường, Amy chỉ chọn mua ở những nơi bán thực phẩm cho người nước ngoài vì theo nàng, như thế mới “đảm bảo chất lượng”. Có lần, vừa cầm tiền là nàng sắm cho mèo hơn 2 triệu tiền thức ăn, gồm rau câu và tảo biển hảo hạng. Cô nàng vung tay cả triệu bạc cho nho, táo Mỹ, rồi sữa đắt nhất để “em mèo” được tẩm bổ tốt nhất. Chỉ 2 tuần sau, 300$ đã tiêu hết sạch và không may cho Amy là con mèo lăn đùng ra ốm. Amy phải đi vay bạn từng đồng một để ăn và mua đồ ăn cho mèo, đến khi mèo chết, nàng lại gõ cửa từng cô bạn để lấy tiền… hỏa táng cho mèo. Cuối tháng đó, vay khắp nơi được 800.000, cô nàng đem mèo đi hỏa táng rồi mua bánh mỳ sống qua ngày. Không dám mở miệng ra xin người yêu, bố mẹ thì ở xa, “bệnh cuối tháng” của Amy xem ra còn thảm hơn các teen khác vì sống một mình và phải “gặm” bánh mỳ suốt 5 ngày trời.