“Bệnh công thần” rất đa dạng
Có thể thấy rõ thái độ kiêu ngạo, không xem ai ra gì của một số cán bộ, công chức khi tiếp xúc với dân
Trong tác phẩm “Đạo đức Cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng”.
Tạo ra lực cản
Hai chữ công thần vốn để chỉ những quan lại có công lớn đối với triều đình phong kiến như mở mang bờ cõi, giúp dân, phò vua giữ nước, đánh thắng giặc ngoại bang bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia… Người có công trạng to lớn thì được vua ban tặng danh hiệu nhằm tôn vinh họ trước thần dân thiên hạ. Nhưng 2 chữ công thần cũng còn được dùng để chỉ những người có tư tưởng dựa vào công lao đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo và đòi hỏi đãi ngộ quá đáng.
Vậy, khi nghiên cứu về biểu hiện của “đạo đức cách mạng” mà Bác Hồ dạy thì phải hiểu Người đang muốn nói đến những công bộc của dân, cụ thể hơn là cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trước hết phải lo làm sao “hoàn thành nhiệm vụ cho tốt” chứ không “kèn cựa về mặt hưởng thụ”; tiếp đó là không được công thần, không “dựa vào công lao đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo và đòi hỏi đãi ngộ quá đáng”.
Soi vào thực tiễn, chúng ta sẽ thấy nhiều người vẫn hưởng lương nhưng đi làm cho có, kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nhiều báo cáo cho thấy con số CB-CC-VC “làm cho có” này thậm chí phải trên 30%. Chính đây là bộ phận tạo ra lực cản làm bộ máy nhà nước trở nên trì trệ; năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc yếu kém; các công việc phục vụ nhân dân bị chậm trễ. Bộ phận CB-CC-VC này chính là gánh nặng của bộ máy, cản trở sự phát triển của đất nước.
Điều đáng nói nữa là có những người đã không chịu tự giác lo “hoàn thành nhiệm vụ cho tốt”, là lực cản của bộ máy nhưng lại luôn “kèn cựa về mặt hưởng thụ”, luôn so bì với đồng nghiệp trên tất cả mọi thứ, từ quyền lợi cho đến chức danh, tạo nên không khí không lành mạnh trong môi trường lao động. Có người từ chỗ kèn cựa mà bới móc, soi mói, kiện cáo khắp nơi, bất chấp khuyên bảo của đồng nghiệp, tổ chức.
Tóm lại, với bộ phận CB-CC-VC như đã nêu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần rà soát thấu đáo thông qua việc bình xét định kỳ; thông qua những tiêu chuẩn, quy chế, quy định công khai để kiểm soát; đặc biệt là thông qua các đợt bình bầu thi đua hay kiểm điểm đảng viên cuối năm. Tìm ra rồi thì phải có biện pháp giúp đỡ để uốn nắn; nếu vẫn tận tâm với công việc nhưng yếu kém chuyên môn thì tạo điều kiện cho họ được đào tạo, nâng cao tay nghề; nếu không có ý chí tiến thủ mà bất chấp thì kiên quyết loại bỏ ngay, nếu không muốn kéo dài tình trạng trì trệ của bộ máy.
Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM tận tình hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần vạch mặt, chỉ tên
Video đang HOT
Ở giai đoạn hiện nay, nhắc đến 2 chữ công thần là người ta lại thường nghĩ đến một loại “bệnh dịch” tương đối khó chữa, đó là “bệnh công thần”.
Nếu hỏi “bệnh công thần” có biểu hiện thế nào thì thưa rằng nó rất đa dạng. Tuy vậy, có thể nhìn rõ qua một số biểu hiện ở thái độ kiêu ngạo, không xem ai ra gì, nhất là trong các việc tiếp xúc với dân; những người như vậy cũng lại thường đòi hỏi được đãi ngộ quá đáng, không giống ai.
Là CB-CC-VC công bộc của dân nhưng khi làm việc với dân, với doanh nghiệp mà vòi vĩnh, hạch sách, ta đây, đẩy dân vào thế phải “tự nguyện lót tay” mới xong thì chính những người đó đã tự cho mình có cái quyền được thụ hưởng những cái mà luật pháp, chính sách không cho phép. Chồng làm công chức nhưng vợ con cũng được cơ quan đơn vị của chồng mang xe công vụ đón rước như xe nhà; cha mẹ làm lãnh đạo thì con cái phải được nâng điểm khi thi, được học trường tốt, được bố trí việc làm tốt, thăng tiến phải nhanh… Tất cả những điều đó đều là biểu hiện của tư tưởng công thần, đòi hỏi về mặt hưởng thụ quá đáng. Những tư tưởng ấy có nơi, có lúc còn là dấu hiệu của “ tham nhũng vặt”, rất cần vạch mặt, chỉ tên.
Biến tướng khó lường
“Bệnh thời nay” là cách mà dân gian chỉ một số mặt trái trong cuộc sống, đặc biệt là ở đội ngũ CB-CC-VC. Những loại “bệnh” này ngày càng có nhiều thể biến tướng khó lường nên rất cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó chú trọng phát huy cho được vai trò phản biện của nhân dân, đồng thời có biện pháp căn cơ bảo vệ an toàn cho người dũng cảm tố cáo các hành vi tham ô, tham nhũng lãng phí. Phải thực hiện cho tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và thực hiện dân chủ, vì đó cũng chính là “phương thuốc” quý giúp các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời và hiệu quả nhất, góp phần khôi phục niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và nhà nước.
Mai Lịch
Theo nguoilaodong
Khi hiệu trưởng là "chủ tài khoản"
Nhiều vị hiệu trưởng nắm "quyền sinh quyền sát" trong tay nên đã chi tiêu quá đà, bị kỷ luật là bài học cho nhiều người đang là "chủ tài khoản".
LTS: Chỉ ra những bất cập khi hiệu trưởng là "chủ tài khoản", tác giả Hồng Lam Sơn đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Có ý kiến cho rằng: Hiệu trưởng một nhà trường (dù trường lớn hoặc nhỏ) cũng đều có quyền hành hơn một phó giám đốc, hơn cả trưởng, phó phòng sở giáo dục?
Ngẫm cho kỹ thì ý kiến đó khá chính xác, phản ánh đúng thực tế việc phân cấp hiện nay của ngành giáo dục.
Bởi vì, hiệu trưởng của một trường là chủ tài khoản, có quyền quyết định sự thu chi của nhà trường (ở những mặt cho phép).
Còn phó giám đốc sở; các trưởng, phó phòng sở giáo dục thì không phải chủ tài khoản, không có quyền chi tiêu mọi hoạt động của lĩnh vực mình phụ trách.
Hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền ( Ảnh minh họa: ĐAN).
Làm hiệu trưởng "ngon lành" hơn nhiều so với các vị trí nêu trên ở cấp sở, cấp phòng. Vì thế, người xưa có nói "Đầu gà hơn đuôi trâu" là như vậy.
Nếu mọi quyền chi tiêu nằm trong tay những hiệu trưởng có tâm, trung thực, không tham lam, không lộng quyền thì mọi việc chi tiêu cho các hoạt động của nhà trường luôn luôn rõ ràng, khoản nào đúng khoản đấy.
Thực tế có những hiệu trưởng có tâm, trung thực, chí công vô tư như vậy nhưng không nhiều.
Giáo viên trong trường đa số an phận, không dám lên tiếng về những việc làm thiếu minh bạch của hiệu trưởng.
Có lần hiệu trưởng sửa chữa một tường rào dài hơi hai mươi mét (xây gạch) nhưng chỉ đập bỏ phần trên chút ít rồi xây tiếp lên cao, sau đó quét vôi lại như mới...
Nghe nói khi quyết toán, kê ra đủ nào là sắt thép, xi măng, gạch... hơn hai mươi lăm triệu đồng (trên thực tế chi phí sửa chữa này hết khoảng 7 đến 8 triệu đồng mà thôi).
Nhìn qua thì ai cũng biết không đến giá đó nhưng không ai dám nói ra (kể cả "thanh tra nhân dân", công đoàn cơ sở) vì tất cả đều suy nghĩ "việc ai làm đấy biết". Vô tình chúng ta đã dung túng cho cái sai, cái "tham nhũng vặt" của hiệu trưởng.
Chưa hết, cứ gần hết năm (có lẽ chi cho hết tiền, nếu không chi sẽ phải trả về trên và nêu rõ vì sao chi không hết; nếu lý do không chính đáng sẽ bị phê bình về việc chi không hết tiền) nên nhà trường "khẩn trương" bày ra các công việc để chi.
Tủ, bàn các phòng chức năng đang dùng tốt liền bị thay ra, mua hàng loạt cái mới về thay vào. Gạch lát đường đi đang còn tốt cũng bị cạy lên, làm mới... cho đẹp. Màu sơn lớp học đang còn tốt nhưng cũng bị cạo ra, sơn mới vào để "chào mừng năm mới"...
Những công việc sửa chữa, nâng cấp đều được hiệu trưởng "quan tâm" từ đấu đến cuối và ký các thủ tục, giấy tờ quyết toán (nhờ người đứng tên mua).
Lẽ ra công việc sửa chữa này phải được hiệu trưởng phân công cho hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất. Nhưng vị hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất này chỉ được phân công vài "món" gọi là cho có .
"Tham nhũng vặt" trong trường học luôn xảy ra và được hợp thức hóa bằng những hóa đơn đỏ theo quy định. Nhưng loại hóa đơn đỏ này có thể mua khống, kê khống ra vật liệu mua và số tiền kèm theo...
"Chủ tài khoản" luôn có "uy quyền" là như vậy; được ký duyệt mua, duyệt chi mọi thứ trong nhà trường.
Nhiều vị hiệu trưởng nắm "quyền sinh quyền sát" trong tay nên đã chi tiêu quá đà, bị kỷ luật là bài học cho nhiều người đang là "chủ tài khoản".
HỒNG LAM SƠN
Theo giaoduc.net
TPHCM: Phòng, chống "tham nhũng vặt" trong giáo dục Sở GD-ĐT TPHCM vừa triển khai công tác phòng, chống tham nhũng năm học 2019-2020. Trong đó, nhấn mạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, nhất là các hành vi "tham nhũng vặt". Cụ thể, đối với công tác này, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát...