Bênh con, phụ huynh đánh nhau sẽ “lây” bạo lực cho trẻ
Ngày 3.3, vì bênh con, 3 phụ huynh của lớp 3D Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng đã lao vào đánh nhau trước sự ngỡ ngàng của thầy cô và học sinh. Bạo lực không giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến con trẻ “lây” bạo lực.
Cụ thể, ngày 3.3, vì mâu thuẫn của các con, ba phụ huynh của lớp 3D Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng đã lao vào đánh nhau trước sự ngỡ ngàng của thầy cô và học sinh. Cuộc ẩu đả của ba người phụ nữ làm náo loạn sân trường, những người có mặt phải rất vất vả để can ngăn. Một trong hai phụ huynh được xác định là cán bộ văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng, sau cuộc ẩu đả phụ huynh này đã bị trầy xước mí mắt.
Người lớn bạo lực thì trẻ em cũng học bạo lực (ảnh minh hoạ).
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra những vụ xô xát giữa các bậc cha mẹ, mà nguyên nhân lại chính là mâu thuẫn của con trẻ. Trước đó không lâu, ngày 21.2, em L.Q.H (10 tuổi, học sinh lớp 3B Trường Tiểu học số 2 Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) có nô đùa với bạn cùng lớp là em N.H.P.Đ.
Trong khi đùa giỡn H đã quơ tay trúng mặt làm Đ đau nên em này đã chạy về nhà mách mẹ. Nghe nói con bị đánh, ông Nguyễn Hữu Khảng cùng 1 người khác đến trường. Thấy em H, ông này đã tát vào mặt, đánh vào bụng và đập đầu H vào tường khiến em này phải nhập viện điều trị.
Đáng tiếc hơn, vào ngày 10.11.2016, Tòa ánh nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Châu Thành Long (46 tuổi ngụ tại ấp 19, xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) 12 năm tù về tội Giết người. Nạn nhân là anh Trần Văn Tâm cùng địa phương.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bạc Liêu, trước đó, anh Tâm có đến nhà của bị cáo Long để nói chuyện về việc hai con đánh nhau. Nói phải trái không thành, hai gia đình cãi vã, xô xát lớn. Bị cáo Long đã dùng dao tự chế chém nhiều nhát vào đầu và người anh Tâm dẫn đến tử vong.
Nói về việc cha mẹ bênh con, quay sang đánh nhau, ông Phạm Vũ Thiên – Phó giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP cho rằng: “Việc cha mẹ quay sang đánh chửi nhau ngay trước mặt các con sẽ để lại hậu quả nặng nề. Có thể ngay sau đó, các em cũng sẽ học bố mẹ dùng “luật rừng” để xử nhau. Đã không ít vụ việc trẻ đánh nhau gây tổn thương nặng nề, thậm chí cướp đi tính mạng của bạn, lúc đó có hối hận cũng không kịp”.
Nói về giải pháp, thạc sĩ Nguyễn Hồng – chuyên gia tâm lý học đường – cho rằng, cha mẹ không nên đánh lại bạn thay con. Việc này sẽ làm con hiểu rằng, quan trọng là sức mạnh chứ không phải là lẽ phải. Không những thế, trẻ sẽ hình thành được thói quen ích kỷ, không biết nhường nhịn, luôn ỷ vào bố mẹ.
“Khi con có mâu thuẫn với bạn bè, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân, khéo léo kể cho con nghe chuyện ngày trước mình cũng từng vượt qua những chuyện như thế này ra sao. Rồi để con tự giải quyết vấn đề với bạn mà không cần dùng đến bạo lực. Việc bố mẹ can thiệp vào chỉ làm mối quan hệ bạn bè trở lên trầm trọng hơn” – bà Hồng nói.
Theo Danviet