“Bệnh án tâm thần”: Trưởng khoa nhận sai phạm
Bước đầu, bác sỹ Phong thừa nhận toàn bộ sai phạm, kể cả việc vòi tiền để bán bệnh án tâm thần. Lãnh đạo Bệnh viện (BV) Tâm thần Hải Dương đã tạm đình chỉ công tác vị trưởng khoa này để kiểm điểm, xử lý.
Thông tin trên được ông Phạm Công Lạng, Giám đốc BV Tâm thần Hải Dương cho biết, tại buổi làm việc với PV chiều qua (21/1). Cùng làm việc có ông Nguyễn Huy Viết, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính-Kế toán BV.
Tạm đình chỉ Trưởng khoa Khám bệnh
Ông Phạm Công Lạng nói: “Ngay sau bài báo Bệnh án tâm thần, mua là có, ngày 16/1 Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu BV kiểm tra, xử lý vụ việc. Phía công an tỉnh cũng đã cử cán bộ đến BV nắm tình hình.
Trong ngày, lãnh đạo BV lập tức họp khẩn cán bộ chủ chốt, ra quyết định tạm đình chỉ công tác bác sỹ Ngô Lê Phong (Trưởng khoa Khám bệnh, người bị phản ánh mua bán giấy chứng nhận tâm thần – PV) để yêu cầu giải trình.
Ông Phong đã thừa nhận sai phạm như PV phản ánh và cho biết, sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật của cấp trên”.
Ông Phạm Công Lạng (phải) và ông Nguyễn Huy Viết
Bác sỹ Phong nói gì về việc nhận tiền của người nhà bệnh nhân để bán giấy chứng nhận tâm thần?
Việc này, anh Phong cũng đã thừa nhận là có. Toàn BV chúng tôi rất sốc. Sai sót này là quá rõ và là bài học xương máu cho toàn thể cán bộ nhân viên BV.
PV tìm ra việc này là quá đúng rồi, bản thân chúng tôi cũng giật mình. Làm sao lại có chuyện bác sỹ vòi tiền để làm hồ sơ sai lệch như vậy. Người bác sỹ phải đặt lương tâm lên hàng đầu chứ.
Việc cán bộ sai đến đâu chúng tôi sẽ xử lý nghiêm đến đây. Nhưng cũng xin nói thêm, bác sỹ Phong là người có chuyên môn vững, thuộc diện cán bộ “nguồn” của BV, lại là con liệt sỹ, hiện sống với mẹ già. Nói thật, mấy ngày gần đây anh Phong suy sụp rất nhanh, có dấu hiệu trầm cảm, chúng tôi chỉ sợ anh ý nghĩ quẩn…
“Tôi hứa là không cầm tiền”
Trong bài điều tra của PV, bác sỹ Phong nói phải đưa 1 triệu đồng để “cảm ơn” Giám đốc BV Tâm thần Hải Dương, thực tế ra sao?
Anh Phong nói thế thôi chứ không đưa tiền cho tôi. Tôi xin hứa với các anh đúng là như thế. Trong bản giải trình của anh Phong cũng khẳng định không đưa tiền cho giám đốc.
Nhưng trong bản chứng nhận tâm thần có chữ ký, con dấu của ông, chỉ sau khi bác sỹ Phong vào phòng ông ít phút?
Video đang HOT
Cái này thuộc về quy trình, tôi phải ký, không ký thì lại bị cho là thủ tục hành chính rườm rà.
Theo quy trình, chúng tôi giao cho bác sỹ phòng khám, khi có bệnh nhân đến xin xác nhận tâm thần và có giấy giới thiệu của địa phương (đã có xác minh ban đầu rồi) thì anh có quyền khám và kết luận, sau đó trình lãnh đạo ký duyệt.
Nếu thấy nghi ngờ, lãnh đạo mới khám lại hoặc yêu cầu khám lại, vì đã giao quyền cho bác sỹ khám bệnh rồi. Anh làm và anh phải chịu trách nhiệm.
Còn trường hợp bệnh nhân Thành ở huyện Nam Sách, gia đình họ tố phải chi 8 triệu đồng để mua bệnh án, BV đã kiểm tra chưa?
Sau khi báo phản ánh, chúng tôi đã rà soát lại hồ sơ và tìm ra được bệnh nhân này. Tôi phải khẳng định, bệnh nhân này có bị tâm thần. Sau khi được yêu cầu giải trình, bác sỹ Phạm Văn Thân thừa nhận có sai phạm là cho bệnh nhân điều trị ngoại trú không báo cáo với lãnh đạo BV, nhưng không nhận là đã nhận tiền. Xử lý cán bộ phải căn cứ vào chứng cứ cụ thể mới xử lý được.
“Bệnh án chỉ có giá trị tham khảo”
Ông nghĩ sao nếu những bệnh án tâm thần này rơi vào tay những đối tượng hình sự?
Với những đối tượng thanh thiếu niên, những đối tượng có biểu hiện làm bệnh án tâm thần để trốn tránh pháp luật, chúng tôi để ý kỹ hơn. Chứ không ai nghĩ một cháu bé 4 tuổi làm bệnh án để trốn tránh pháp luật gì đâu.
Còn tất cả những người vi phạm pháp luật, mặc dù anh có bệnh án hay không nhưng sau đó đều phải giám định, ra hội đồng.
Lúc đó, bệnh án chỉ có giá trị tham khảo thôi, chúng tôi phải xem xét tất cả hồ sơ, từ nhân chứng của gia đình, của địa phương, của cơ quan y tế… nói chung là tất cả những chứng cứ để chứng minh người đó có phải tâm thần không. Chứ không phải cứ có bệnh án thì được coi là tâm thần.
Hơn nữa, kể cả xác định đúng người đó là tâm thần thì vẫn phải tiếp tục xem xét xem lúc phạm tội họ có tỉnh táo không. Nếu lúc phạm tội, người này hoàn toàn tỉnh táo, làm chủ được hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trung bình mỗi năm, BV tham gia giám định cho bao nhiêu trường hợp người vi phạm pháp luật có dấu hiệu tâm thần?
Khoảng 30 đến 40 trường hợp, trong đó trọng án như giết người, cướp của rất ít. Nhân vụ điều tra của PV, Bộ Y tế đã yêu cầu chúng tôi rà soát lại toàn bộ số liệu, bệnh án từ năm 2003 đến nay.
Thực ra văn bản của Bộ chúng tôi chưa nhận được, chúng tôi mới được Giám đốc Sở Y tế thông báo như vậy.
Trở lại trường hợp của bác sỹ Phong, với những sai phạm như trên mức kỷ luật sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong dự thảo báo cáo gửi Sở Y tế Hải Dương, chúng tôi đề nghị cách chức bác sỹ Phong. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng phải do Sở quyết định.
Cảm ơn ông!
Theo 24h
Mua, bán bệnh án tâm thần: Sở Y tế vào cuộc
Ông Phạm Văn Tám (Phó giám đốc Sở Y tế Hải Dương) cho biết, ngay sau khi Tiền Phong đăng bài điều tra việc mua bán bệnh án tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương, Sở đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện báo cáo kết quả xác minh, xử lý sai phạm.
Với những tiêu cực tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương mà báo Tiền Phong phản ánh, quan điểm xử lý của lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương như thế nào, thưa ông?
Ngay sau khi Tiền Phong đăng bài ngày 16/1, tôi đã đọc, lập tức làm công văn yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương giải trình và báo cáo xử lý sai phạm theo phản ánh của báo, gửi Sở trước ngày 22/1.
Quan điểm của chúng tôi là ai vi phạm sẽ bị xử lý, tuyệt đối không bao che. Trên cơ sở bài báo nêu, rõ ràng tôi thấy có sai phạm.
Chúng tôi đã yêu cầu báo cáo giải trình ngay, không thể chậm trễ. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, bởi đây cũng là cơ hội để chúng tôi tuyên truyền, giáo dục đối với toàn bộ cán bộ, bác sĩ, y tá trong ngành.
Qua việc Tiền Phong phản ánh, trước hết chúng tôi xin cảm ơn báo đã hỗ trợ phát hiện tiêu cực của ngành. Điều này cũng giúp chúng tôi quản lý, điều hành công việc tốt hơn trong ngành của mình.
Công văn yêu cầu làm rõ nội dung Tiền Phong phản ánh của Sở Y tế Hải Dương
Theo dư luận phản ánh, những dấu hiệu tiêu cực xảy ra ở Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương đã xảy ra từ lâu, nhưng vì sao các cơ quan chức năng ở tỉnh lại không phát hiện ra sớm để ngăn chặn?
Nội dung công văn (số 50/SYT-NVY, ngày 16/1) của Sở Y tế Hải Dương nêu rõ: "Báo Tiền Phong có đăng bài: "Bệnh án tâm thần, mua là có" của tác giả Khiết Giang phản ánh về hiện tượng tiêu cực trong cấp Giấy chứng nhận sức khỏe tại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hải Dương. Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo rà soát, thẩm định các nội dung theo báo phản ánh và đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan. Báo cáo bằng văn bản về Sở Y tế trước ngày 22/1/2013".
Đúng là ở đây có những người đã lợi dụng những chính sách tốt đẹp của Nhà nước để làm lợi cho mình. Tại các cuộc họp giao ban, hội nghị, chúng tôi luôn nhắc nhở họ. Thế nhưng sự việc mà báo chí phát hiện ra khiến chúng tôi rất bất ngờ. Nếu chúng tôi mà phát hiện sớm thì chắc chắn không để những việc đó xảy ra.
Tại nhiều xã của Hải Dương có số bệnh nhân tâm thần, động kinh nhiều một cách bất thường, sắp tới Sở có rà soát lại, xem xét những bệnh án "có vấn đề" như báo nêu?
Chúng tôi sẽ rà soát lại, đặc biệt là những đối tượng được phép sinh con thứ ba mà có chứng nhận tâm thần cho một người con nào đó, những đối tượng ở các xã có nhiều bệnh nhân tâm thần.
Nếu chúng tôi phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý ngay. Hiện cả tỉnh có hơn 6.600 bệnh nhân, tôi cho rằng con số này so với khoảng 1,7 triệu dân của tỉnh chưa phải là cao.
Ý kiến của ông như thế nào về việc một người không nằm bệnh viện điều trị một ngày nào mà vẫn có bệnh án?
Để xác định một người bị tâm thần thì phải có cả một Hội đồng giám định y khoa, do Giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch hội đồng. Còn nếu như anh nói và báo nêu, thì những bệnh án mà các bác sĩ ở bệnh viện đã làm là bệnh án "khống". Như vậy ở đây là anh đã lợi dụng vị trí của mình để làm những việc sai trái.
Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương, nơi diễn ra cảnh mua bán bệnh án tâm thần
Ông nghĩ sao khi mà một em bé đang bình thường khỏe mạnh lại được các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương chứng nhận là tâm thần?
Việc một thầy thuốc không khám bệnh hoặc khám bệnh sơ sài mà đã kết luận là vi phạm quy chế người thầy thuốc, vi phạm đạo đức người thầy thuốc. Điều này chúng tôi không bao giờ ủng hộ. Ở đây còn là vấn đề lương tâm nghề nghiệp nữa. Đúng là việc làm của họ đã làm tôi giật mình, nếu ông không khám bệnh thì không phải là thầy thuốc.
Cảm ơn ông!
185 đảng viên, cán bộ sinh con thứ ba
Hôm qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Sai, Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm 2012 toàn tỉnh có số trường hợp vi phạm sinh con thứ ba tăng mạnh so với những năm trước, hơn 3.400 trường hợp. Trong đó, số đảng viên, cán bộ công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ ba cũng tăng mạnh, 185 trường hợp.
Ông Sai cho rằng, nguyên nhân cơ bản là tâm lý muốn có đông con và phải có con trai nối dõi vẫn còn tồn tại ở một bộ phận nhân dân dẫn đến tỉ lệ sinh con thứ ba có xu hướng tăng. "Vẫn còn đảng viên, cán bộ công chức, viên chức không gương mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số, đã tác động xấu đến công tác vận động nhân dân thực hiện. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với những cán bộ đảng viên vi phạm có phần nhẹ hơn"- ông Sai nói.
Theo 24h
Muốn "tâm thần xịn", chi tám triệu đồng? Tại nhiều xã của Hải Dương, thời gian qua số người có bệnh án tâm thần tăng vọt. Trong những ngày về điều tra đường dây mua bán bệnh án tâm thần tại Hải Dương, PV Tiền Phong còn được người nhà "bệnh nhân" phản ánh họ phải bỏ ra 6-8 triệu đồng để được các bác sỹ lập khống bệnh án. Tại...