Bệnh án điện tử giúp người bệnh giảm chờ đợi
Từ 1-3, việc thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử chính thức bắt đầu. Theo ông Trần Quý Tường – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt sẽ hoàn thành trước việc thay thế.
Bác sĩ khoa cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nghiên cứu hình ảnh chụp phim của một bệnh nhân trong hệ thống quản lý bệnh viện – Ảnh: A LỘC
Nếu hoàn thành, người bệnh sẽ được lợi vì có mã số định danh khi khám chữa bệnh, bác sĩ có thể kiểm tra tất cả dữ liệu bệnh sử để cho lần điều trị sau… Một số bệnh viện đã thí điểm thực hiện bệnh án điện tử.
“Hiện nay mỗi bệnh viện tự đầu tư hoàn thiện số hóa trong nội bộ bệnh viện, phát triển phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử khác nhau do thông tư của Bộ Y tế chưa quy định phần mềm dùng chung cho các bệnh viện. Vì vậy, việc liên thông bệnh án điện tử trong toàn bộ hệ thống, dữ liệu hình ảnh, xét nghiệm, mã số định danh người bệnh giữa các bệnh viện toàn quốc hiện rất khó.
Bác sĩ Lý Hồng Khiêm
Tiện lợi mọi mặt
Tại quầy tiếp nhận bệnh nhân Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) – bệnh viện thí điểm thành công bệnh án điện tử, nhân viên y tế chỉ quét mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế để tìm phòng khám, bệnh lý của bệnh nhân vì tất cả hồ sơ của bệnh nhân bệnh viện này đã được lưu trữ trên hệ thống máy tính.
Khi nhân viên y tế thực hiện nhanh các thao tác, bệnh nhân giảm được thời gian chờ đợi.
Ông Nguyễn Minh Quân – giám đốc Bệnh viện Thủ Đức – cho biết từ năm 2008, bệnh viện bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, một trong những giải pháp đó là quy trình khám, chữa bệnh thông minh, bệnh án điện tử.
Năm 2015, khi được sự đồng ý của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, sự thống nhất với cơ quan bảo hiểm y tế, bệnh viện triển khai đề án điện tử.
Lúc đó bệnh viện thí điểm thành công tại một số khoa, sau nhân rộng ra các khoa khác và đến nay đã “bao phủ” toàn bệnh viện.
Đang điều trị bướu tuyến giáp, bà N.P.S. (65 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) cho rằng bệnh án điện tử tiện lợi mọi mặt như giảm thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian, chi phí.
“Trước đây tôi khám bệnh viện nào thì phải mua sổ khám bệnh của bệnh viện đó, rất lãng phí. Mỗi lần khám là mỗi lần phải nêu lại bệnh sử cho bác sĩ biết. Nếu bệnh án điện tử kết nối mạng được với nhau sẽ giúp ích nhiều cho người bệnh lẫn việc quản lý hồ sơ” – bà S. nói.
Chưa liên thông các bệnh viện
Ông Phan Huy Anh Vũ – giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – cho biết từ đầu năm 2019, Đồng Nai bắt đầu triển khai bệnh án điện tử ở 2 bệnh viện lớn, có trang thiết bị tương đối hiện đại là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.
Đến nay hai bệnh viện mới trong giai đoạn triển khai, rà soát phần cứng, phần mềm xem có phù hợp hay không.
Trên cơ sở đó mới biết được các bệnh viện cần những gì để có hướng triển khai rộng hơn. Khi đã thấy ổn hết, sở mới lên kế hoạch trình ủy ban tỉnh để đầu tư cho toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn.
Video đang HOT
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho thấy hầu hết công tác lập hồ sơ bệnh án vẫn được thực hiện song song, vừa ghi hồ sơ giấy vừa nhập vào hệ thống máy tính nên tốn khá nhiều thời gian. Nhân viên y tế liên tục lên xuống các khoa phòng để lấy kết quả xét nghiệm.
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận, nhập thông tin bệnh nhân vào hệ thống quản lý bệnh viện – Ảnh: A LỘC
Bà Lê Thị Phương Trâm – phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai – nhận định việc triển khai bệnh án điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với bác sĩ khám chữa bệnh và đối với bệnh nhân.
Khi áp dụng bệnh án điện tử, nội dung sẽ chính xác, tránh tình trạng chữ viết không rõ ràng, khó đọc; người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi; bác sĩ và nhân viên y tế không phải di chuyển từ khoa này qua khoa khác để lấy kết quả xét nghiệm…
Theo bà Trâm, một trong những khó khăn hiện nay khi triển khai bệnh án điện tử là vấn đề cơ sở dữ liệu của các bệnh viện chưa đồng bộ, chưa thống nhất với nhau nên việc kết nối gặp khó khăn.
“Phải chờ đến khi Sở Y tế triển khai đồng bộ trong cả tỉnh thì vấn đề này mới có thể giải quyết được”, bà Trâm nói.
“Hồ sơ bệnh án điện tử sẽ là một đột phá lớn trong ngành y tế. Giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh; tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y bác sĩ; hướng đến việc điều trị hiệu quả, chất lượng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân
Cần có lộ trình, kinh phí lớn
“Triển khai bệnh án điện tử, cần có lộ trình và kinh phí lớn để phát triển phần mềm” – ông Phan Hữu Chính, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nói.
Ông cho biết hiện tại bệnh viện đã áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện được 21 năm do nhân viên của bệnh viện tự viết và hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, hiện chưa có lộ trình đầu tư phần cứng lẫn phần mềm để trích xuất các dữ liệu này ra.
Theo ông Chính, để thực hiện áp dụng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cần giải quyết nhiều thứ.
Thứ nhất, chi phí cho phần mềm quản lý bệnh viện, phần cứng cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin, Bộ Y tế chưa tính vào giá tiền thu hiện tại.
“Trong khi hệ thống quản lý bệnh viện chưa đáp ứng được theo yêu cầu, các công ty công nghệ hiện đang chào hàng một chữ ký điện tử là 1,5 triệu đồng/năm. Bệnh viện nếu ký thì 600 người ký tương đương cả tỉ đồng/năm, sẽ không có kinh phí để bù vào trong khi bệnh viện đang tự thu, tự chi” – ông Chính nói.
Thứ hai, Bộ Y tế hiện chưa có chuẩn thống nhất cho toàn ngành y tế mà hầu như các sở, ban, ngành tự xoay xở phần mềm quản lý bệnh viện.
Có những bệnh viện hai năm phải sử dụng ba phần mềm quản lý bệnh viện của ba công ty khác nhau như tại Trung tâm y tế huyện Diên Khánh.
Thứ ba, tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra về bệnh án điện tử quá cao so với mặt bằng hiện tại cơ sở khám chữa bệnh tại Khánh Hòa.
Thứ tư, giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề bệnh án điện tử nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh khi đi đầu tư để hoàn thành một bệnh án điện tử tại cơ sở.
Thứ năm là chưa có sự đồng bộ thống nhất trong liên thông xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh tương đương hoặc khác (tức chưa thống nhất phân bệnh viện loại 1, 2, 3, 4).
Lưu ý về bí mật thông tin của người bệnh
Theo GS.TS Phạm Thị Minh Đức – nguyên phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, thực hiện bệnh án điện tử sẽ có nhiều ưu điểm cả với bệnh nhân và bác sĩ.
Tuy nhiên, bà Đức cũng lưu ý việc đảm bảo bí mật thông tin của bệnh nhân khi thực hiện bệnh án điện tử, cần có quy định rõ là ai được mở và mở đến đâu, do đảm bảo bí mật cho người bệnh là một trong những lời thề của người thầy thuốc, đây cũng là vấn đề nhân quyền.
L.Anh
Từng bước nâng cấp
Hiện tại, các bệnh viện tuyến thành phố và quận huyện ở Cần Thơ vẫn đang sử dụng phần mềm của
một công ty dược tài trợ trước đây. Đây là phần
mềm quản lý khám chữa bệnh trong khuôn khổ từng bệnh viện, chủ yếu dùng quản lý dữ liệu bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú, bệnh án ngoại trú và một phần dữ liệu khám chữa bệnh nội trú.
Bác sĩ Võ Hồng Sở – phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ – cho biết muốn phát triển bệnh án điện tử thực sự cần phải lưu trữ dữ liệu hình ảnh xét nghiệm, CT scan, X quang của bệnh nhân…
Lộ trình thực hiện của bệnh viện hạng 1 đến năm 2023 phải hoàn thành bệnh án điện tử cả ngoại trú và nội trú.
Hiện tại bệnh viện đang tìm các nhà cung cấp phần mềm để hoàn thành, tuy nhiên cũng khá khó khăn đối với bệnh án nội trú vì phải đầu tư máy tính đồng bộ kết nối, việc số hóa chữ ký đối với tất cả cán bộ y tế, rồi bệnh nhân (hoặc người nhà bệnh nhân) như trong hồ sơ giấy cũng là việc rất khó…
Nếu hoàn thành, người bệnh sẽ được lợi vì có mã số định danh khi khám chữa bệnh.
T.LŨY
X.MAI – A LỘC – TH.THỊNH
Theo tuoitre
Bệnh án điện tử: Có bảo vệ được thông tin cá nhân?
Để tiến tới mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử lưu trữ suốt đời, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư quy định thí điểm về bệnh án điện tử.
Cần bảo mật thông tin cá nhân từ bệnh án điện tử. Ảnh: TL
Dự kiến Thông tư này sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám-chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Đối với các cơ sở khám-chữa bệnh khác nếu đủ điều kiện quy định trong thông tư này, có thể báo cáo Bộ Y tế để triển khai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là lam thê nao giam sat quan ly đươc thông tin ngươi bênh trong bôi canh rât nhiêu nhan hang, doanh nghiệp mong muôn co đươc thông tin nay đê ban hang.
Bác sĩ và bệnh nhân đều cần
Theo dự thảo, bệnh án điện tử (EMR) là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là phiên bản số của hồ sơ sức khỏe giấy do Bộ Y tế quy định, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời.
Một bác sĩ làm công tác quản lý bệnh viện cho biết: Số lượng bệnh nhân nhiều nên việc kê đơn, thanh toán viện phí, thống kê báo cáo rất khó khăn. Công tác quản lý bệnh viện rất phức tạp. Hơn nữa, chữ viết của bác sĩ khó đọc, khó khăn cho người sử dụng hồ sơ bệnh án, dễ gây ra rủi ro do nhầm lẫn. Ghi diễn biến của bệnh chưa đầy đủ, còn sai sót trong ghi chép hồ sơ bệnh án. Khó khăn trong việc lưu trữ và tìm kiếm thông tin bệnh nhân. Khi bệnh án điện tử được triển khai, bệnh án sẽ "sạch đẹp", đầy đủ các yêu cầu; từng bước quản lý được sự tuân thủ các qui định, quy trình và phác đồ điều trị. Không còn sai sót của điều dưỡng trong việc thống kê sai số lượng thuốc, vật tư y tế tiêu hao, xét nghiệm...; sao chép sai, chỉ định không phù hợp về thời gian.
Dự thảo nêu rõ, bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể như tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn công nghệ thông tin theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế. Bảo đảm khả năng kiểm soát truy cập của người dùng (nhân viên CNTT và nhân viên y tế) tại bất kỳ thời điểm nào, trong đó: Bảo đảm khả năng xác thực người dùng và cấp quyền cho người dùng; bảo đảm quyền riêng tư, bảo mật và kiểm tra truy vết. Có khả năng lưu trữ và truy cập bệnh án điện tử theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo dự thảo, Thông tin định danh người bệnh được xây dựng dựa trên mã số bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hành. Dự thảo nêu rõ, chỉ được chia sẻ, trao đổi thông tin bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử cho các cá nhân, cơ quan theo quy định của pháp luật. Có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn truy cập trái phép vào hồ sơ bệnh án điện tử và quy trình phục hồi hồ sơ bệnh án trong trường hợp có sự cố hệ thống. Phải yêu cầu xác thực và ghi lại ngày, thời gian khi nhập, cập nhật và chỉnh sửa dữ liệu thông tin của bệnh án điện tử.
Một mẫu hồ sơ bệnh án điện tử của một cơ sở y tế. Ảnh: PV
Ai phải chịu trách nhiệm về thông tin cá nhân người bệnh?
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng chính sách về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của người bệnh. Đối với hệ thống chẩn đoán hình ảnh, thông tư cũng đã có các quy định để hình ảnh điện tử có thể sử dụng thay phim, nếu cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng các tiêu chuẩn ngành do Bộ Y tế đã quy định, ngoài ra, còn phải có hệ thống lưu trữ dự phòng.
Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tổ chức, cá nhân được phép truy cập và khai thác hồ sơ bệnh án theo quy định tại Khoản 4, Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức, cá nhân được phép truy cập và khai thác hồ sơ bệnh án điện tử phải có trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân trong hồ sơ bệnh án điện tử theo đúng các quy định tại Mục 2 "Bảo vệ thông tin cá nhân" của Luật An toàn thông tin mạng.
Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, về vấn đề này thì ở Việt Nam là mới, nhưng ở các nước, họ đã làm từ lâu. Theo luật sư Huế, thông tin cá nhân luôn được pháp luật bảo hộ, kể cả luật dân sự và một số nghị định, hiến pháp... Tuy nhiên, chưa có quá trình lưu trữ cụ thể như thế nào, việc lưu thông tin cá nhân là thuộc về cơ quan lưu trữ.
"Trong trường hợp dùng bệnh án điện tử thì trách nhiệm lưu trữ bí mật thông tin cá nhân là thuộc về bệnh viện, chứ không phải thuộc về bệnh nhân. Dù là bệnh án giấy hay điện tử thì cũng chỉ là phương pháp quản lý hồ sơ cá nhân, bảo mật khách hàng. Do đây là bí mật đời tư nên cấm mọi hình thức để chia sẻ thông tin cá nhân của khách hàng. Trước khi làm đến phương án này thì bệnh viện phải tính đến phương án bảo mật cho khách hàng"- luật sư Huế nói.
Cũng theo luật sư Huế, đây cũng là 1 khoảng trống pháp luật. Tuy nhiên, nếu trường hợp khách hàng phát hiện thông tin của mình bị lộ ra ngoài thì có thể khởi kiện.
"Không phải riêng Việt Nam mà các nước khác, khi đi vào cuộc cách mạng 4.0 thì con người ta càng ít có sự riêng tư, càng ít sự bí mật. Đó cũng là 1 mặt trái. Rõ ràng, công cụ pháp luật không thể kiểm soát được hết. Bởi lẽ, 1 số điện thoại của 1 cá nhân sẽ phải giao dịch ở nhiều nơi, nhiều môi trường và nhiều thời điểm, nên khi truy việc bị lộ là rất khó. Khi áp dụng hình thức này, thì các cơ quan nhà nước tránh việc sao chép thông tin. Chống tin tặc thì khó, nhưng chống trộm cắp thông tin thông thường thì không khó. Bất cứ quy trình nào đi chăng nữa, có tốt hay không thì cũng do con người tạo nên"- luật sư Huế nói thêm.
THÙY LINH - CAO NGUYÊN
Theo laodong.vn
Đắk Lắk: Khánh thành bệnh viện nghìn tỷ vùng Tây Nguyên Sau 9 năm xây dựng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động. Sáng 26/2, các ban ngành tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột), chính thức đưa bệnh viện vào hoạt động khám, chữa...