Bến xe Hà Nội miễn phí dịch vụ cho nhà xe do ảnh hưởng của COVID-19
Trước thực trạng vắng khách và các đơn vị vận tải cắt giảm tần suất hoạt động để giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19, bến xe Hà Nội đã có động thái ban đầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Các đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe đã cắt giảm tần suất hoạt động do vắng khách vì dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam )
Công ty cổ phần bến xe Hà Nội vừa có thông báo giảm phí dịch vụ cho các nhà xe vắng khách do phải cắt tần suất hoạt động trước dịch bệnh COVID-19.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ cấu lại tổ chức vận tải trên các bến, giảm tần suất hoạt động trong các thời điểm vắng khách, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cho biết Công ty không thu tiền dịch vụ đối với các chuyến xe khách liên tỉnh giảm tần suất hoạt động.
“Công ty đã báo cáo cơ quan quản lý tuyến xem xét không xử lý các xe có tỷ lệ hoạt động thấp dưới 70% chuyến/lượt đăng ký do ảnh hường của dịch bệnh,” ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, Công ty sẽ đảm bảo an toàn phòng dịch cho mỗi chuyến xe xuất bến, tạo niềm tin an toàn cho hành khách, qua đó thu hút hành khách đến với bến và đi xe khách, tạo thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh.
Trước đó, Công ty cổ phần Bến xe Hà nội đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch đồng thời tạo an toàn phòng dịch cho hành khách đến bến đi xe khách với những giải pháp như cấp khẩu trang miễn phí cho những hành khách chưa có khẩu trang, cấp nước sát khuẩn cho hành khách sử dụng miễn phí, thường xuyên phun phòng dịch tại bến, tăng cường thông tin tuyên truyền phòng dịch trên bên, tăng cường vệ sinh môi trường bến xe…
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sản lượng hành khách vận chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) tính trong tháng Hai vừa qua đã sụt giảm mạnh nghiêm trọng.
Cụ thể, đối với vận tải hành khách liên tỉnh, khách đi xe giảm từ 40-50%; trong đó các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30-40%; bến xe Nước Ngầm sản lượng giảm 65%; bến xe Yên Nghĩa sản lượng giảm 43%.
Video đang HOT
Riêng vận tải bằng xe taxi giảm từ 50-60%; vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70-80% do không còn xe hợp đồng đưa đón học sinh, nhiều lễ hội Xuân không tổ chức…, chủ yếu vận chuyển công nhân, khách du lịch phương Tây; vận tải hàng hóa giảm 30% so với cùng kỳ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, các đơn vị vận tải đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả (đặc biệt đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe); tìm đối tác, thị trường mới, qua đó tạo động lực phát triển hoạt động vận tải; xử lý tốt các tin đồn thất thiệt gây hưởng đến tâm lý người dân; kết hợp phát triển vận tải theo chuỗi các giải pháp kích cầu đầu tư của các ngành khác; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vận tải…
Cơ quan quản lý Nhà nước xem xét các giải pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, giảm chi phí cầu đường; giãn, hoãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, … để giảm bớt gáng nặng cho doanh nghiệp vận tải; có kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát triển hoạt động giao thông vận tải an toàn và bền vững khi hết dịch.
Các đơn vị vận tải cũng đề nghị cho phép được chủ động cắt giảm bớt số chuyến, không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Thông tư 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 “thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt”./.
Việt Hùng (Vietnam )
Thực hư dự án "qua mặt" Sở, thi công "thần tốc" trong giờ cao điểm
Được cấp giấy phép một đằng nhưng nhà thầu thi công dự án thực hiện một nẻo khiến người tham gia giao thông đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Hiện trạng cải tạo, nâng cấp đường Ngọc Hồi đoạn từ ngã ba Pháp Vân đến ngõ 83 Ngọc Hồi (Ảnh chụp chiều ngày 27/2/2020)
Như đã đưa tin, những ngày gần đây, Tạp chí Giao thông vận tải liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng nhà thầu thi công ẩu tại dự án cải tạo, nâng cấp đường Ngọc Hồi khiến ùn tắc diễn ra nghiêm trọng tại đoạn từ Bến xe Nước Ngầm đến ngõ 83 Ngọc Hồi (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) nhất là vào các khung giờ cao điểm, từ 7h30 - 8h30 và 16 - 18h30 hàng ngày.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường lúc 16 giờ chiều 27/2, ghi nhận của PV cho thấy, có rất nhiều công nhân, những chiếc xe công trình và những đống vật liệu cùng "án ngữ" dưới lòng đường phục vụ thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường Ngọc Hồi. Việc thi công đúng tầm mật độ giao thông qua lại tăng cao, đã khiến cho đoạn đường này nhanh chóng trở nên quá tải. Các dòng phương tiện bị cản trở, không di chuyển được nên đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Rất nhiều người tham gia giao thông đã tỏ ra bức xúc, khi cho rằng việc chọn thời điểm để thi công vào khung giờ cao điểm là bất hợp lý nên đã gây ra tắc đường. Điều đáng nói, việc thi công không hề có biển báo hay thông báo nào để cảnh báo người dân.
Các công nhân "tranh thủ" thi công trong giờ cao điểm bị lực lượng TTGT xử lý.
Xe cẩu tự hành "án ngữ" dưới lòng đường phục vụ thi công dự án đường Ngọc Hồi gây cản trở gia thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường sau giờ tan tầm buổi chiều (Ảnh chụp lúc 16h30 phút ngày 27/2/2020)
Cũng theo ghi nhận, công tác tổ chức đảm bảo ATGT của nhà thầu rất ẩu, phần đường dành cho phương tiện lưu thông với công trường đang đào bới dở dang, không được rào chắn liên tục bằng các tấm tôn, thay vào đó là hình ảnh một vài chiếc cọc tiêu bằng nhựa được nối với nhau bởi những đoạn dây ni lông. Theo quan sát, người điều khiển phương tiện chỉ cần đánh nhẹ tay lái là có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng khi xe lao sang đoạn đường đang thi công không rào chắn, chênh lệch cao độ lên đến 70-80cm.
Liên quan đến công tác thi công dự án này, chiều 27/2, trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân, Sở GTVT chỉ cấp phép cho nhà thầu thi công vào ban đêm (từ 22h đến 5h) và tổ chức rào chắn 1/3 mặt đường Ngọc Hồi theo mỗi chiều tại vị trí thi công, sử dụng 2/3 mặt đường còn lại để phân luồng bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện.
Sở GTVT cũng yêu cầu nhà thầu bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo và đèn tín hiệu giao thông trên đoạn thi công; bố trí người hướng dẫn phân luồng giao thông cục bộ tại phạm vi thi công và hướng dẫn phân luồng từ xa cho các phương tiện, tránh gây ùn tắc tại các vị trí thi công...
Những hố to, rảnh sâu trên đường Ngọc Hồi như chực chờ để "bẫy" người đi đường.
Người tham gia giao thông vật lộn di chuyển qua tuyến đường nhiều "bẫy' ngầm.
Đặc biệt, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông có trách nhiệm giám sát, đôn đốc nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn tuyến được tiếp nhận bàn giao để thi công dự án. Các phương tiện tham gia thi công phải được đăng ký và cấp phép của cơ quan chức năng thành phố nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa phương tiện lưu thông qua khu vực.
Trả lời câu hỏi của Tạp chí Giao thông vận tải về việc dự án thi công sai phép, nhà thầu thi công không có biện pháp đảm bảo ATGT sẽ bị xử lý thế nào? đại diện này nói: "Việc này, Thanh tra GTVT sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo quy định".
PV Tạp chí Giao thông vận tải liên hệ với lãnh đạo Đội TTGT quận Hoàng Mai - đơn vị phụ trách đường Ngọc Hồi để làm rõ vụ việc trên, vị đại diện này thừa nhận: "Làm gì có kiểu thi công không biển báo, đèn báo, lại đổ bê tông, bó vỉa ngay lúc cao điểm người dân đi lại, đào đường ngay nơi tập trung đông đúc người dân. Ngay khi biết thông tin, tôi đã cử cán bộ xuống hiện trường đề nghị nhà thầu yêu cầu dừng ngay việc thi công trong giờ cao điểm".
Cán bộ TTGT quận Hoàng Mai kiểm tra tại hiện trường và yêu cầu dừng ngay việc thi công trái phép.
Các phương tiện phục vụ dự án vi phạm đều bị lập biên bản.
Một cán bộ thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường Ngọc Hồi, chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đúng giấy phép thi công của Sở GTVT Hà Nội. Đặc biệt, nhà thầu thi công không gửi giấy phép đến đơn vị quản lý, không đảm bảo an toàn giao thông theo đúng quy định.
"Chúng tôi sẽ kiến nghị Sở GTVT tạm đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép nếu như nhà thầu cố tình vi phạm và bỏ qua các biện pháp đảm bảo ATGT. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ quyết liệt xử lý tình trạng này, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân", vị này nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
LÊ MINH
Theo GTVT
Thứ trưởng Bộ GTVT giật mình trước đề xuất tăng 60% giá vé xe khách dịp Tết Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ giật mình trước thông tin đề xuất tăng đến 60% giá vé xe khách dịp Tết tại Bến xe Nước Ngầm, ông yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ không để tăng cao. Sáng 17/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng đại diện các đơn vị quản lý Nhà nước đến kiểm tra tình...