Bên trong túp lều của gã giang hồ cứu chục đôi sinh viên tình tự đêm vắng
Chúng tôi hỏi anh Minh, trong đời anh có yêu một cô gái nào không? Không ngập ngừng, anh nói ngay, ‘đến giờ này tôi chưa yêu ai cả’.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM nằm ở phường Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) và phường Đông Hòa (TX Dĩ An, Bình Dương). Những năm trước, nơi đây hoang vắng. Khi màn đêm buông xuống, tội phạm ra sức hoành hành. Gã giang hồ trượng nghĩa Minh ‘cô đơn’ tiếp tục trải lòng với phóng viên về cuộc đời mình.
‘Trong suốt thời gian ở trường bắn, tôi sống với nghề lượm ve chai. Qua Làng Đại học Quốc gia TP.HCM cũng sống bằng nghề cũ. Thời đó, ve chai có giá lắm. Tôi lượm một ngày bán có thể sống được vài ngày.
Mỗi ngày tôi xách bao đi quanh khu vực chỉ một lát là đầy bao. Năm 2004, một hôm trong lúc đang lượm ve chai tôi phát hiện có một cặp nam nữ đang ngồi trò chuyện trong chỗ khuất. Cả hai đang vui vẻ thì bất ngờ từ phía sau, hai thanh niên đánh mạnh vào người nam và bắt người này phải đưa đồ, đưa tiền. Cô gái sợ quá đứng về một phía. Không chần chừ, tôi nhào vô đánh mạnh vào tên cướp. Tên còn lại dùng dao chém vào tay tôi rồi cả 2 tẩu thoát. Cặp nam nữ thoát nạn nhanh chóng bỏ chạy để lại tôi với cánh tay đầy máu’.
Kể đến đây, anh đưa cho tôi xem vết sẹo rồi nói, ‘không phải một vết này đâu. Trên tay, trên lưng, ở chân tôi chi chít vết chém nhưng mà trời thương nên tất cả đều lành nhanh chóng.
Tôi đã giải cứu được nhiều người bị cướp trong các trường hợp tương tự như thế. Đa số đều là sinh viên đưa nhau đến nơi vắng vẻ trò chuyện.
Chiếc giường nơi anh ngủ. Bên cạnh là bằng khen về những việc anh đã làm.
Một lần khác, trong đoạn đường vắng, 3 thanh niên đi bộ đã uy hiếp, cướp tài sản 2 sinh viên. Tôi phát hiện, chúng hoảng sợ tháo chạy và tôi bắt được một tên giao cho công an.
Nhiều lần như vậy nếu không có tôi, chắc chắn các sinh viên trở thành nạn nhân của chúng. Một trường hợp đáng nhớ nhất cách nay mấy năm, lúc ấy đã 23h tôi đứng ở ngã tư phát hiện có hai tên đi xe chạy về hướng cổng 2.
Phát hiện có một cặp nam nữ đang ngồi tâm sự, một tên nhảy xuống. Ánh đèn của tôi rọi vào làm chúng hoảng sợ bỏ đi, nhưng sau đó, một cặp khác lại lao đến. Một tên nhảy xuống, kề dao vào cổ anh thanh niên. Tên còn lại lục túi lấy tiền và điện thoại.
Tôi nhào tới, không ngờ trên tay hắn có cây súng điện. Hắn chích tôi. Tôi dùng khả năng của mình lôi được hắn đi ra đường. Hắn vùng vẫy rồi thoát được nên chạy mất. Tôi vào bên trong, tên cầm dao sợ hãi vụt chạy bỏ xe lại. Tôi hô hoán nam sinh viên lên xe của hắn chạy ra ngoài báo bảo vệ. Rất đông công an, dân phòng được huy động lùng sục và kết quả, 2 tên bị bắt’, anh Minh nhớ lại.
Anh cho biết, ‘Một ngày của tôi làm việc tới khuya. Bất kể trường hợp nào cầu cứu, tôi đều ra tay giúp đỡ. Tôi chưa từ chối một ai và cũng nhờ vậy mà nhiều người thoát được những chuyện không may. Tôi mong sao cứ được khỏe mãi để có thể giúp được nhiều người. Cũng may, trời nuôi trời dưỡng đến nay tôi chưa lần nào bị bệnh nặng cả’.
Túp lều cô quạnh dưới lùm cây
Video đang HOT
Chúng tôi hỏi anh Minh, trong đời anh có yêu một cô gái nào không? Không ngập ngừng, anh nói ngay, ‘đến giờ này tôi chưa yêu ai cả’. ‘Anh nghĩ xem, tôi có gì để yêu người ta và người ta yêu tôi. Nhà cửa không, học thức không, tài sản không. Nói chung là tôi không có một điều kiện nào để yêu và được yêu. Thì thôi, một mình hơn 50 năm nay cũng đã sao đâu. Người ta gọi tôi là Minh cô đơn mà’, anh nói, giọng có chút bùi ngùi, chút xót xa.
Chúng tôi đi theo anh để thăm nơi anh ở. Vượt qua gần 300m đường mòn, túp lều của anh ẩn dưới một lùm cây. Gọi là túp lều bởi không còn từ gì để có thể định hình được nơi anh ở. Không cửa nẻo, không tiện nghi. Chỉ một tấm bạt trải dài che cho một chiếc giường bên dưới. Dụng cụ đồ đạc ngổn ngang …
Túp lều của anh Minh.
Anh cho biết, anh ngụ tại đây đã hơn 5 năm. Chỗ anh ở, nằm cạnh một miếu thờ. Xung quanh hoang vu vắng vẻ và ít người qua lại. Nhưng đêm nào cũng thế, cứ nửa đêm là anh trở về tìm giấc ngủ . Anh nói, anh ngủ rất ngon. Ở đây, không ai phá phách anh cả.
Chúng tôi nhìn bếp của anh. Tro củi vun đầy nhưng một ngày anh chỉ nấu cơm một lần cho cả 3 bữa. ‘Vậy cho tiện anh à. Ăn sao cũng được, miễn qua ngày là vui rồi. Trước đây khi mới về đây cực lắm. Phải góp cả chục tấm áo mưa mới che được chỗ ngủ. Nhóm Kết nối yêu thương đã tặng cho tôi tấm bạt này đó. Nhờ vậy, giấc ngủ ấm hơn’, anh Minh cười nói.
Anh cho biết, anh có 8 giấy khen nhưng vì không có tủ đựng, để ở ngoài nên có cái hư có cái rách. Giờ chỉ còn 2 cái. Chúng tôi nhìn vào. Giật mình, tấm giấy khen của Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc công an Bình Dương nêu rõ công trạng của anh: Đã có tinh thần dũng cảm truy bắt các đối tượng cướp tài sản tại phường Đông Hòa, TX Dĩ An. Một giấy khen khác của ông Mai Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM cũng cùng lý do tương tự.
Anh cho biết, anh không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, không nhà cửa. Anh chỉ ở trong căn chòi đó hy vọng đến cuối đời. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều quan tâm đến anh. Anh cho tôi xem phát ngôn của Thiếu tá Dương Đình Thanh -Trưởng Công an phường Đông Hòa đăng trên báo Công An TP.HCM ngày 7/6/2019.
Qua đó, Thiếu tá Thanh xác nhận anh là người làm nhiều việc thiện và tích cực đấu tranh chống tội phạm. Anh là một quần chúng năng nổ ở địa phương nên CA phường sẽ báo cáo lên cấp trên để có giải pháp giúp đỡ…
Chiều ngày 30/7/2019, PV báo VietNamNet đã trực tiếp đến UBND phường Đông Hòa với mục đích tìm hiều thêm về trường hợp anh Minh cô đơn. Tại đây, một cán bộ phường cho biết, chỉ có Chủ tịch phường mới được trả lời báo chí nhưng chủ tịch đã đi họp, không có ở cơ quan. Chúng tôi đã để lại câu hỏi. Vị cán bộ này tiếp nhận và hứa sẽ chuyển cho chủ tịch để có câu trả lời sớm nhất.
Trần Chánh Nghĩa
Theo vietnamnet
Nam sinh 10 lần bắt cướp ở Sài Gòn : 'Nhiều người chỉ đứng chụp hình'
"Mình rất buồn khi thấy mọi người lại tỏ ra thờ ơ với người gặp nạn. Có lần sau khi hạ gục được tên cướp mình kêu to để người dân ra hỗ trợ, vậy mà nhiều người chỉ đứng nhìn và chụp hình, quay phim", Thiều Quang Thanh Sang - chàng sinh viên nhiều lần bắt cướp - nói.
Thiều Quang Thanh Sang (21 tuổi), chàng sinh viên hơn 10 lần ra tay bắt cướp.
Người dân sống ở khu phố 2, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM không ai không biết chàng sinh viên hóa thân làm "Lục Vân Tiên" Thiều Quang Thanh Sang, 21 tuổi, sinh viên năm 2 tại Học viện Cán bộ TP.HCM. Sang là người nhiều lần bắt cướp giữa Sài Gòn
Hơn 10 vụ cướp được ngăn chặn
Sang tâm sự, từ nhỏ đã có ước mơ trở thành công an nhưng vì ngành này khó đậu nên Sang rẽ sang con đường khác. Đối với Sang, việc học gì không quan trọng, quan trọng là mình được giúp đời, giúp người và sống có ích cho cộng đồng.
Lần đầu tiên gặp, ai cũng sẽ ấn tượng với Sang bởi tính cách thẳng thắn, cương trực và luôn nhiệt tình khi những người xung quanh cần giúp đỡ. Tuy nhiên, cũng rất khó khăn để nghe Sang bộc bạch về bản thân mình.
Thanh Sang đang kể lại hành trình bắt cướp với một người bạn. Ảnh: M.M
Sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được Sang. Sang kể, năm học lớp 10, đang trên đường về nhà, tình cờ nhìn thấy hai thanh niên giật điện thoại của một phụ nữ, Sang nhanh trí đuổi theo và bắt gọn tên cướp giúp người bị hại. Từ lúc đó, Sang "bén duyên" với việc bắt cướp lúc nào chẳng hay. Tính tới nay, Sang đã rượt đuổi và bắt hơn 10 vụ cướp.
Khi tôi hỏi: "Một mình bắt cướp vậy anh có lo không?', Sang nhanh nhẹn nói: "Lúc đầu mình hơi lo lắng vì bọn cướp hay thủ hung khí trong người. Sau này, mình quen với việc bắt cướp thì không sợ nữa, nhưng lúc nào cũng phải cẩn trọng để không bị nguy hiểm".
Từ nhỏ, Thanh Sang đã học võ để tự vệ. Sang cho hay, trong quá trình bắt cướp phải luôn ứng biến nhanh, vừa truy đuổi cướp vừa tìm cách liên lạc với công an để hỗ trợ. Thế nên, chàng sinh viên 21 tuổi luôn lưu số điện thoại của các anh công an khu vực để hỗ trợ khi cần.
Sang trò chuyện cùng bạn bè trong khuôn viên UBND phường Tam Bình, quận Thủ Đức. Ảnh: M.M
Tháng 3 năm ngoái, tại địa bàn Thủ Đức, Sang phát hiện nhóm đối tượng cướp xe máy và rượt theo, đồng thời gọi cho công an hỗ trợ. Hôm đó, Sang cùng công an tóm được 2 vụ cướp xe máy trong đêm. Tiếp sau đó vài ngày, xem camera do người dân ghi lại về một vụ trộm tài sản xảy ra tại quận 9, Sang để ý biển số xe và cảm thấy rất quen, hình như đã từng gặp ở đâu đó. Cuối cùng, Sang cũng tìm ra được chiếc xe có biển số trên. Sang cùng một người nữa theo dõi chiếc xe xuống tận Dĩ An, Bình Dương. Tại đây, Sang liên lạc với Công an thị xã Dĩ An hỗ trợ và bắt đối tượng này.
Giấu ba mẹ đi bắt cướp
Thiều Quang Thanh Sang sinh ra trong một gia đình có ba từng là công nhân xây dựng, mẹ làm nghề giữ trẻ. Sang cho biết, do hiểu được nỗi vất vả của ba mẹ nên khi làm việc gì Sang đều cố gắng hoàn thành tốt. Đặc biệt, khi tham gia bắt cướp, Sang luôn chú ý giữ an toàn cho bản thân để ba mẹ không phải lo lắng.
Thanh Sang tranh thủ thời gian rảnh đọc sách để thư giãn. Ảnh: M.M
Sang kể, ban đầu vì sợ ba mẹ lo lắng nên mọi việc đều làm âm thầm và bí mật. Ngay cả trên Facebook cá nhân, Sang không đăng bất kì một thông tin nào về việc bắt cướp. Một phần sợ ba mẹ biết và lo lắng, phần khác Sang không muốn mang đến những hình ảnh bạo lực khiến người dân lo sợ, không an tâm.
Vừa rồi có vụ một số người trong nhóm "hiệp sĩ" của chú Hoàng (Trần Văn Hoàng - PV) bị đâm chết khi bắt cướp, Sang tự nhủ mình phải phải cẩn trọng hơn khi tham gia bắt cướp, trường hợp nào nên làm và trường hợp nào thì phải bỏ cuộc để đảm bảo an toàn.
"Mình luôn tâm niệm lúc nào cần thiết phải nhờ người hỗ trợ chứ không tự mình manh động. Hơn nữa, mình chưa từng tự nhận là hiệp sĩ bắt cướp, việc bắt cướp chỉ xuất phát từ ngẫu nhiên, trên đường mình gặp chuyện bất bình thì mình ra tay giúp đỡ thôi", Sang nhấn mạnh.
"Nhưng việc này rồi cũng không thể giấu ba mẹ được lâu", Sang tâm sự. Sau khi được UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả", lúc đó, ba mẹ Sang mới biết con trai mình lâu nay giấu họ đi bắt cướp. Lúc đầu ba mẹ giận, nhưng về sau, ba mẹ Sang thấy việc làm này tuy có nguy hiểm nhưng tốt cho cộng đồng nên ủng hộ. Nhưng mỗi lần Sang ra ngoài hay biết tin tham gia truy đuổi cướp, ba mẹ không quên dặn dò Sang phải cẩn thận giữ mình.
Hồ Hoàng Phương, bạn học chung đại học cùng Thanh Sang chia sẻ: "Sang là người khá thẳng thắn, bộc trực, hay giúp người. Trong lớp bạn nào có khó khăn gì cần giúp đỡ Sang luôn sẵn sàng hỗ trợ. Về việc bắt cướp của Sang, em tin tưởng bạn sẽ làm tốt và biết giữ an toàn cho mình. Tụi em luôn ủng hộ việc làm của Sang vì đó là hành động có ích cho cộng đồng".
Chàng sinh viên này tuy mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng có lúc mộng mơ. Ảnh: M.M
"Mình rất buồn khi thấy mọi người lại tỏ ra thờ ơ với người gặp nạn. Như có lần, sau khi hạ gục được tên cướp mình kêu to để người dân ra hỗ trợ, vậy mà nhiều người chỉ đứng nhìn và chụp hình, quay phim", Sang ngậm ngùi nói.
Không phải vụ bắt cướp nào cũng gặp thuận lợi. Đôi khi gặp bọn cướp có hung khí hoặc chống trả bằng hơi cay, bột ớt, đạp xe làm Sang té ngã, thậm chí có vụ phải truy đuổi tốc độ cao bằng xe máy. Những lúc như vậy, Sang luôn nhắc mình phải chú ý an toàn và lượng sức mình. "Giúp người mình luôn sẵn sàng, nhưng cũng phải biết bảo vệ an toàn cho bản thân. Có như vậy, ba mẹ và người thân của mình mới tin tưởng và an tâm", Sang chia sẻ.
Thiều Quang Thanh Sang nhận giấy khen của Quận Đoàn Thủ Đức, TP.HCM
Năm 2018, Thiều Quang Thanh Sang nhận được Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm do T.Ư Đoàn trao, bằng khen của Học viện Cán bộ TP.HCM cho sinh viên có hành động dũng cảm vì cộng đồng... Ngày 14.10.2018, Sang là 1 trong 10 thanh niên toàn quốc được nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp do Hội LHTN Việt Nam trao tặng.
Theo Danviet
Luật Phòng chống tác hại rượu bia: 'Bàn tay sắt' ngăn chặn ma men gây họa cho xã hội Có lẽ ít có đạo luật nào mà có hành trình từ khi thai nghén đến lúc được thông qua trắc trở đến vậy. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra từ chốn nghị trường cho đến quán trà đá ven đường xung quanh những điều khoản của đạo luật này. Nhưng rốt cuộc thì quyền lợi và sự an toàn...