Bên trong tàu chiến Mỹ duy nhất bị Triều Tiên bắt giữ
USS Pueblo là tàu hải quân duy nhất của Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ vì bị cáo buộc do thám năm 1968. Gần 50 năm sau, con tàu vẫn nằm trong tay Bình Nhưỡng.
Tàu USS Pueblo và thủy thủ đoàn của Hải quân Mỹ đã bị Triều Tiên bắt giữ vào tháng 1/1968 vì bị nghi tiến hành hoạt động do thám Triều Tiên. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Tàu USS Pueblo được chế tạo năm 1944 với mục đích ban đầu là một tàu hỗ trợ, nhưng sau đó được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 1966 với vai trò là một tàu trinh sát. Đây là tàu hải quân duy nhất của Mỹ trong biên chế bị Triều Tiên bắt giữ. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Sau 50 năm, Triều Tiên đã biến con tàu thành một “bảo tàng” trên sông Potong ở thủ đô Bình Nhưỡng để tuyên truyền chống Mỹ. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Phóng viên ảnh người Mỹ Mark Edward Harris từng nhiều lần tới bán đảo Triều Tiên đã có dịp chụp lại hình ảnh con tàu. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Những dữ liệu mà Triều Tiên tìm thấy trên con tàu và coi đó là bằng chứng để cáo buộc tàu Mỹ do thám Triều Tiên. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Video đang HOT
Trên tàu có treo các hình ảnh về vụ bắt giữ con tàu năm 1968 dưới thời cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Thủy thủ đoàn của tàu USS Pueblo bị Triều Tiên bắt giữ gần 1 năm trước khi được thả. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Ngày 23/12/1968, thủy thủ đoàn tàu USS Pueblo được nhìn thấy vượt qua cây cầu ở khu phi quân sự liên Triều, vài ngày sau đó họ trở về Mỹ. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Thủy thủ đoàn tàu USS Pueblo còn sống sót chụp ảnh kỷ niệm sau 40 năm. Năm 2018 sẽ là kỷ niệm tròn 50 năm kể từ khi con tàu bị bắt giữ. (Ảnh: Mark Edward Harris/Dailymail)
Minh Phương
Theo Dailymail
USS Pueblo - Con tàu chứng kiến thất bại ê chề của tình báo Mỹ
Vụ tàu do thám cải trang USS Pueblo của Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ đầu năm 1968 được xem là một trong những thất bại lớn nhất của tình báo nước này.
USS Pueblo trong một chuyến ra khơi. Ảnh: Japan Times.
Vào thập niên 1970, hải quân Mỹ rất muốn thu thập tin tức tình báo về tàu ngầm của Triều Tiên, cũng như các tàu ngầm tối tân của Liên Xô được cho là đang hoạt động trong khu vực. Bởi vậy, họ quyết định sẽ sử dụng một tàu do thám cải trang để thực hiện nhiệm vụ tối mật này, theo BBC.
Theo tài liệu giải mật của Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia, phương tiện được tình báo Mỹ lựa chọn là tàu do thám USS Pueblo (AGER-2) trang bị nhiều công nghệ hiện đại nhằm thu thập thông tin từ quân đội Triều Tiên.
Tháng 1/1968, USS Pueblo khởi hành từ quân cảng Sasebo, Nhật Bản dưới vỏ bọc tàu nghiên cứu khoa học tới vùng biển Triều Tiên để thực hiện nhiệm vụ. Các chi huy hải quân Mỹ ở Nhật Bản đánh giá việc sử dụng tàu do thám chuyên dụng này sẽ không gặp nhiều rủi ro.
Ngày 23/1/1968, USS Pueblo tiến hành hoạt động do thám ở ngoài khơi Wonsan, cảng quân sự và hậu cần lớn nhất Triều Tiên. Hai ngày sau, một tàu săn ngầm cùng ba tàu phóng lôi Triều Tiên áp sát, ra lệnh cho tàu Mỹ dừng lại để kiểm tra. Khi thuyền trưởng USS Pueblo từ chối, phía Triều Tiên sử dụng pháo và súng máy tấn công.
"Chúng tôi không có bất cứ vũ khí gì để chống trả bởi khi đó tàu chúng tôi đang cải trang và không mang theo vũ khí", Skip Schumacher, sĩ quan trên tàu khi đó nhớ lại. Trên thực tế, tàu USS Pueblo được trang bị hai khẩu súng máy cỡ nòng 12,7 mm, nhưng thủy thủ đoàn được yêu cầu không sử dụng vũ khí, trừ trường hợp nguy hiểm tới tính mạng. Ngay cả khi muốn khai hỏa, họ cũng cần ít nhất 10 phút để căn chỉnh và kích hoạt súng.
Thuyền trưởng USS Pueblo cố gắng câu giờ bằng cách điều khiển tàu hướng ra biển. Nhưng tốc độ tối đa của tàu chỉ là 24 km/h, chậm hơn so với các tàu chiến Triều Tiên. Lúc này mối quan tâm chủ yếu của thủy thủ đoàn là đốt tất cả tài liệu nhạy cảm, để chúng không rơi vào tay đối phương. Nắm được ý đồ này, phía Triều Tiên khai hỏa mỗi khi thấy khói trên tàu bốc lên.
Chỉ trong vòng một giờ, một thủy thủ Mỹ thiệt mạng và nhiều người bị thương vì hỏa lực của Triều Tiên. Thuyền trưởng quyết định đầu hàng, sau đó họ bị đưa vào bờ và tống giam trong 335 ngày ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Việc Triều Tiên bắt giữ tàu USS Pueblo và nhiều trang thiết bị của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) gây ra mối đe dọa lớn với an ninh tình báo Mỹ, khiến chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson đau đầu trong việc tìm cách trả đũa. Theo các tài liệu giải mã trong cuốn "Hành động Chiến tranh" của Jack Cheervers, chính quyền Mỹ lúc đó đã cân nhắc một loạt hành động trả đũa mạo hiểm nhằm vào Triều Tiên.
Các biện pháp trả đũa gồm phong tỏa cảng biển Triều Tiên, không kích các mục tiêu quân sự, tấn công dọc khu giới tuyến chia cắt hai miền Triều Tiên, phô trương sức mạnh không quân và hải quân bên ngoài cảng Wonsan, nơi USS Pueblo bị bắt giữ. Tuy nhiên, Tổng thống Johnson đã bác bỏ kế hoạch trả đũa hiếu chiến này, xem việc giải quyết bằng con đường ngoại giao là cách tốt nhất để giải cứu thủy thủ tàu Pueblo.
USS Pueblo được trưng bày trong bảo tàng tại Triều Tiên. Ảnh: Wikipedia
Vụ bắt giữ tàu khiến Mỹ rất tức giận, nhưng không có thông tin tình báo về nơi giam giữ các thủy thủ nên việc tiến hành chiến dịch giải cứu là điều không thể.
Tổng thống Lyndon Johnson và cố vấn tìm cách giải thoát họ mà không gây nên cuộc chiến tranh Triều Tiên lần hai, khiến Trung Quốc và Liên Xô tham chiến. Ông thậm chí đã chuẩn bị một loạt các biện pháp dự phòng, một trong số này là sử dụng đòn tấn công hạt nhân.
Tiến trình đàm phán bắt đầu được tiến hành. Ngày 23/12/1968, 11 tháng sau vụ bắt giữ, các nhà đàm phán Mỹ và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng. Mỹ thừa nhận tàu của mình đã xâm phạm lãnh thổ Triều Tiên và xin lỗi về hành động này, đồng thời cam kết không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.
82 thủy thủ Mỹ được áp tải qua cây cầu ở Panmunjon sang Hàn Quốc và trở về Mỹ vào dịp Giáng Sinh cùng năm. USS Pueblo sau đó bị Triều Tiên giữ, sơn lại và trở thành một phần của bảo tàng chiến tranh tại Bình Nhưỡng vào năm 2013.
Tàu USS Pueblo ngày nay vẫn nằm trong biên chế Hải quân Mỹ. Đây là chiếc tàu duy nhất của Hải quân Mỹ bị một quốc gia nước ngoài giữ, trong khi Washington tiến hành rất ít nỗ lực để thu hồi.
"Tài liệu mật dài 326 trang về sự cố tàu USS Pueblo của NSA năm 1992 cho thấy vụ bắt giữ này được coi như một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử của tình báo Mỹ", nhà sử học Jack Cheevers cho biết.
Duy Sơn
Theo VNE
Triều Tiên nạp tên lửa diệt hạm lên tàu chiến Triều Tiên lần đầu tiên gắn tên lửa hành trình lên tàu chiến kể từ năm 2014, có thể nhằm đối phó với các chiến hạm Mỹ tại khu vực. Tàu chiến Triều Tiên thử tên lửa chống hạm năm 2015. Ảnh: KCNA. Tình báo Mỹ thông qua trinh sát vệ tinh mới đây phát hiện tàu tuần tra Wonsan của Triều Tiên...