Bên trong phòng khám chữa bệnh, châm cứu miễn phí cho chó mèo ở Hà Nội: “Ngoan, bà thương…”
Trong lúc học viên đưa tay sờ huyệt trên phần thân con “Mõm Đỏ” rồi đâm kim xuống, chú chó kêu khẽ một tiếng. Bà Vân đứng bên cạnh vuốt ve nó, miệng không ngớt “ngoan, bà thương”, chú chó liền nằm im để mọi người tiếp tục châm cứu.
7h30 mỗi sáng, phòng khám thú y nhỏ trong ngõ Ngô Xuân Quảng, huyện Gia Lâm, Hà Nội bắt đầu mở cửa. Các bạn sinh viên đến từ sớm, người dọn dẹp vệ sinh, người mát xa cho chó mèo. Trước khi châm cứu, thú cưng được xoa bóp, vận động trong khoảng một tiếng.
Đến 9h, những chiếc bàn chuyên dụng được bày ra giữa phòng, đủ các loại dây dợ. Các bài châm cứu dành cho thú cưng bị liệt sẽ được tiến hành dưới sự hướng dẫn của bà Phạm Xuân Vân, 89 tuổi.
Cụ bà 89 tuổi ở Hà Nội mở phòng khám chữa bệnh, châm cứu miễn phí cho thú cưng (Thực hiện: Minh Nhân)
Phòng khám Thú y Cộng đồng nơi cứu chữa thú cưng bị liệt chân, động kinh,…
Sau gần 10 năm, từ căn phòng sơ sài, phòng khám được tài trợ nhiều trang thiết bị, vật dụng, thuốc men,…
Phòng khám do bà Phạm Xuân Vân, cựu giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam sáng lập
Cụ bà 89 tuổi về hưu mở phòng khám châm cứu cho chó mèo
Bà Vân thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Về hưu, bà nhận khám chữa bệnh tại nhà cho vật nuôi, thú cưng. Tay nghề tốt, không chỉ nhiều người mang chó mèo tới nhờ bà thăm khám, mà các sinh viên Khoa Thú y cũng tìm đến xin học nghề.
Nhà chật, không có không gian giữ chó mèo lại để chăm sóc, khách buộc phải mang thú cưng đến khám rồi mang về. Thời gian sau, số lượng chó mèo tăng nhanh, sinh viên đến học cũng ngày một đông, bà Vân làm đơn đề nghị Khoa Thú y hỗ trợ phòng để tiện công tác giảng dạy và chữa bệnh.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện, cho bà Vân mượn căn nhà nhỏ trong khu huấn luyện vật nuôi của trường. Năm 2012, sau nhiều nỗ lực, phòng khám Thú y Cộng đồng ra đời, với mục đích phát triển phương pháp châm cứu để cứu sống vật nuôi thiếu may mắn.
Phòng khám đón tiếp thú cưng chủ yếu mắc các triệu chứng như liệt chân, rối loạn chức năng chuyển hóa, bí tiểu, động kinh,… được chữa trị bằng phương pháp châm cứu, mát xa. Tuy liệu pháp này mất nhiều thời gian nhưng khả năng lành bệnh và phục hồi chức năng ở vật nuôi rất tốt.
Mới đầu phòng khám rất đơn sơ, không bàn ghế, không tủ, không dụng cụ thuốc men. Mọi vật tư đều do bà Vân cùng sinh viên góp nhặt.
Mỗi sáng, thú cưng được xoa bóp, mát xa, nắn huyệt
Những chú chó, mèo đều được chăm sóc hết sức cẩn thận
Để chó, mèo liệt dễ di chuyển, bà Vân và sinh viên đã chế tạo “ xe lăn” đặc biệt cho chúng
Bà nhớ lại, “vị khách” đầu tiên của phòng khám là một con chó màu đen bị liệt, thân lở loét, được các bạn học viên nhặt về từ bãi rác. Sau nhiều tháng chữa trị, chú chó dần khỏe mạnh, có thể đi lại. Mọi người vui mừng đặt cho nó cái tên Lucky, với hy vọng sẽ mang lại may mắn cho nó và phòng khám.
Từ đó, phòng khám được nhiều người biết đến, nhận được tài trợ trang thiết bị từ một số cơ sở, doanh nghiệp. Bà Vân cho cải tạo lại phòng khám, chia làm các khu điều trị khác nhau, mua sắm thêm thuốc men,…
“Có thời điểm chúng tôi nhận chữa trị cùng lúc cho 30 thú cưng, sinh viên phải thay nhau chăm sóc, kể cả thứ 7, Chủ nhật”, bà Vân nói. Đến nay, phòng khám đã có hàng trăm khách hàng, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau.
Mỗi chú chó, mèo là mỗi hoàn cảnh đáng thương khác nhau, được bà Vân và sinh viên tận tình thăm khám và cứu chữa
Vẻ ngoài đáng yêu của chúng khiến người đối diện dành trọn vẹn tình thương
“Ngoan, bà thương”
Gần 10 năm nay, mỗi ngày bà Vân đều bắt xe ôm đến phòng khám. Chó mèo bị liệt nên bà cùng các bạn sinh viên phải thường xuyên xoa bóp, bấm huyệt. Bà nhớ tên từng con vật, bệnh tình ra sao. Như con phốc sóc lông trắng có tên “Càu Nhàu”, chú poodle dễ thương được gọi là “Mõm Đỏ”, rồi “Sam”, “Mun”, “Tun”, “Dollar”, “Xù”,…
“Con này bị ngã từ tầng cao xuống đất bị liệt, con thì bị bỏ rơi được người khác nhặt về nuôi mang đến, con lại bị vẹo cổ”, bà Vân nhớ tất cả, vì bà xem chúng như người thân, tận tình chăm sóc và dồn tình yêu thương.
Chăm sóc chó mèo bị liệt đã khó, châm cứu cho chúng càng khó hơn vì huyệt vị rất nhỏ, khó tìm thấy để châm cứu chính xác. “Chó mèo là động vật có móng vuốt sắc nhọn, nên trong quá trình châm cứu tôi và các bạn sinh viên hay bị cào, cắn chảy máu”, vuốt ve chú mèo nhỏ bị liệt chân mới được khách mang đến bà Vân cười nói.
Để tránh những sự cố xảy ra khi châm cứu, bà Vân cùng sinh viên thiết kế “bàn châm cứu” từ dây thừng mềm. Thú cưng trước khi châm cứu sẽ được cố định trên bàn châm. Bên dưới học viên đặt khăn mềm tránh bị chó mèo cào, cắn khi châm cứu.
“Để giúp những vật nuôi ở thể trạng nặng không thể đi lại, chúng tôi sáng tạo ra xe lăn đặc biệt giúp chúng nhẹ nhàng đi lại”, bà Vân chia sẻ.
9h mỗi sáng, các “khách hàng” sẽ được châm cứu
Bà Vân chế tạo bàn châm cứu để cố định vật nuôi
Chúng sẽ được cố định bằng dây thừng mềm, trải qua khoảng 30 phút châm cứu
Biện pháp châm cứu và trị liệu tuy mất nhiều thời gian nhưng mang lại cơ hội hồi phục cao cho vật nuôi
Mỗi bạn học viên sẽ có một hộp đựng vật dụng châm cứu riêng
Việc châm cứu đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ vì huyệt vị của thú cưng rất nhỏ
Những bàn tay khéo léo của các học viên được bà Vân đào tạo
Cứ 20 ngày châm cứu thú cưng sẽ được nghỉ 10 ngày, sau đó tiếp tục liệu trình cho đến khi khỏi bệnh. Hầu hết vật nuôi tại phòng khám đều được chữa khỏi sau nhiều tháng châm cứu và trị liệu, đôi khi cũng có những trường hợp không được may mắn.
Bà Vân miễn phí toàn bộ chi phí chữa trị cho vật nuôi, chỉ nhận tiền ăn trong suốt quá trình điều trị, để có thể duy trì hoạt động thăm khám cho những con vật tiếp theo.
Trần Hoàng, sinh viên năm cuối Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam biết đến phòng khám Thú y Cộng đồng từ một người bạn. 7 tháng gần đây, cậu chính thức đến đây làm việc.
Đối với Hoàng, bà Vân vừa là một người cô, vừa là người bà nghiêm khắc, có tình yêu với động vật. Tại đây, không chỉ Hoàng, các bạn sinh viên đều được bà Vân hướng dẫn tận tình, nâng cao tay nghề châm cứu.
“Trong công việc bà là một người nghiêm khắc, còn đời thường thì vui tính và yêu động vật”, Hoàng cho biết.
Trong lúc Hoàng đưa tay sờ huyệt trên thân con “Mõm Đỏ” rồi đâm kim xuống, chú chó kêu khẽ một tiếng. Bà Vân đứng bên cạnh vuốt ve nó, miệng không ngớt “ngoan, bà thương”, chú chó liền nằm im để mọi người tiếp tục châm cứu. Đối với bà Vân, mỗi chú chó, chú mèo đáng thương tại phòng khám, đều như những đứa cháu của bà vậy.
Bà Vân hướng dẫn một học viên cách tìm huyệt vị đúng cách
Tuy nghiêm khắc trong công việc, nhưng ngoài đời, bà Vân rất vui tính và dễ gần
Những chú cún tuy bị thương tật, nhưng vẫn rất đáng yêu và quấn người
Chúng sẽ được các anh chị sinh viên đưa ra ngoài hóng gió, tắm nắng mỗi khi thời tiết đẹp
Con 5 tuổi chỉ nói được 2 từ "xin chào", bố mẹ đứng ngồi không yên
Trẻ chậm nói thể hiện sự chậm phát triển. Nếu không điều trị sớm, trẻ sẽ chậm giao tiếp, tiếp thu. Ngôn ngữ bị hạn chế, dẫn đến quá trình can thiệp về sau sẽ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả điều trị không đạt kết quả như mong muốn.
5 tuổi nhưng chỉ nói được một từ đơn
Tại Viện Y dược học Dân tộc, TP.HCM, BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Diệp đón một bệnh nhi được mẹ đưa đến khám. Bé H. (3 tuổi), nép vào người mẹ, tay nắm chặt lấy tay mẹ. Dù chị Liên (mẹ của bé H.) liên tục nhắc nhở "con chào bác sĩ đi", nhưng mãi sau bé mới thốt ra được 2 từ "con... chào" một cách ngập ngừng, khó khăn.
Giống như bé H., bé Q. (5 tuổi) cũng được đưa đến khám, dù bác sĩ và ba mẹ của bé cố gắng tương tác nhiều với con, nhưng bé chỉ nói được vỏn vẹn 2 từ "xin chào". Những câu còn lại, bé luôn lắc đầu, hoang mang. Cả 2 bé đều được đánh giá chậm nói, cần phải có sự can thiệp của y học.
Bác sĩ Diệp đã tư vấn các phương pháp can thiệp về y học cổ truyền, trong đó có phương pháp điện châm (phương pháp dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để phòng và chữa bệnh. Dòng điện được tác động lên huyệt qua kim châm, hoặc qua các điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt); phương pháp cấy chỉ (phương pháp đưa một đoạn chỉ Catgut (chỉ phẫu thuật tự tiêu) vào huyệt vị thích ứng với bệnh tật, gây kích thích liên tục ở kinh huyệt để chữa bệnh, có thể duy trì từ 1-2 tuần). Vì điều kiện gia đình ở xa, cả hai bệnh nhi được bố mẹ chọn phương pháp cấy chỉ để tác động vào các huyệt đạo vùng ngôn ngữ và các huyệt đạo thần kinh khác.
Bé N.T.T. (5 tuổi, ngụ Quận 9) được mẹ đưa đến viện để duy trì phương pháp điện châm đã gần 1 năm nay. Cửa phòng bác sĩ trực vừa mở ra, bé đã líu lo không ngừng: "Con chào bác sĩ, nay con đến trễ... Bác sĩ đừng giận con nghen...".
Dù là câu nói bập bẹ, bé cũng phải dừng lại và suy nghĩ vài lần. Theo bác sĩ Diệp, bé đã có sự tiến bộ rất nhiều so với trước đây. Những ngày đầu đến viện, bé chỉ nói được 1 từ đơn "ba", "mẹ", "bà", dù ba mẹ gặng hỏi hoặc mớm một câu ngắn cho bé nhắc lại nhưng bé vẫn nín thinh.
BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Diệp đang châm cứu cho một bệnh nhi chậm nói
Về phương pháp điều trị, bác sĩ Diệp chia sẻ: "Thời gian đầu vì nhà quá xa nên bố mẹ của bé lựa chọn phương pháp cấy chỉ, nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Sau đó, ba mẹ của bé mới quyết định điều trị bằng điện châm. Bé được châm cứu vào các vùng ngôn ngữ, các huyệt huyết hải, á môn, phong trì...
Bên cạnh đó, bé được đánh giá vận động kém ở hai chân, được hỗ trợ châm cứu tại các huyệt ở chân để kích thích sức cơ cải thiện khả năng vận động. Kim châm cứu được gắn điện châm, duy trì tại các huyệt từ 20-30 phút. Đến nay, bên cạnh cải thiện ngôn ngữ, bé đã tăng thêm vốn từ, thích nói hơn trước, đồng thời các vận động ở đôi chân cũng được cải thiện rõ rệt".
Nhịp cầu kết nối giữa y học và gia đình
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Diệp, trong Đông y lý giải nguyên nhân chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ do tổng thể các cơ quan của trẻ như: phế - tâm - can - tỳ - thận gặp phải những vấn đề, ảnh hưởng đến sự phát triển về mọi mặt đời sống của trẻ, khiến cho trẻ chậm nói, chậm ăn, chậm đi...
Tại Viện Y dược học Dân tộc, bên cạnh số ít các trẻ chậm nói thông thường, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các trẻ chậm nói kèm theo bệnh lý tự kỷ, hoặc tăng động. Tuỳ vào từng mức độ, các bác sĩ sẽ lựa chọn can thiệp phương pháp để kích thích vào từng huyệt vị liên quan. Đối với những trẻ chậm nói, tự kỷ, tăng động các bác sĩ sẽ kết hợp châm cứu ở những huyệt vị an thần, kết hợp với thuốc Đông y có tác dụng an thần, hoặc kết hợp xoa bóp bấm huyệt để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Ghi nhận các trường hợp can thiệp tại Việt Y dược học Dân tộc, trẻ chậm nói từ 2-3 tuổi có khả năng đáp ứng tốt với điều trị, trẻ lớn hơn khả năng đáp ứng chậm hơn.
Bệnh nhi được duy trì điện châm từ 20-30 phút mỗi ngày
Theo nghiên cứu, trẻ từ 1-3 tháng tuổi đã phát ra âm thanh; từ 4-6 tháng bập bẹ những âm đơn; 7-9 tháng đã phát âm "ba", bà; 12-18 tháng tuổi bắt đầu nói được 1-2 từ hoặc câu đơn giản.
Do đó, phụ huynh cần lưu ý những mốc thời gian trên để nắm được các biểu hiện bất thường như: từ 1-3 tháng tuổi mà không đáp ứng với tiếng động mạnh, không phát ra âm thanh; sau 4 tháng đến 12 tháng trẻ không phản ứng với âm thanh, không phát âm được bất cứ từ nào, không phản ứng khi được gọi tên... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, đánh giá tổng quát khả năng nghe.
Ở giai đoạn sau 2 tuổi, trẻ chưa nói được từ nào hoặc chỉ nói được bập bẹ vài từ hoặc nói được những nguyên âm cũng được đánh giá chậm nói, được xem là giai đoạn trễ để điều trị.
Bác sĩ Diệp khuyến cáo: "Trẻ chậm nói thể hiện sự chậm phát triển, nếu chủ quan không điều trị sớm trẻ sẽ chậm giao tiếp. Vốn ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, cho nên quá trình phát triển về sau trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh chủ động phát hiện sớm, can thiệp sớm bằng y học để điều trị cho trẻ chậm nói cũng cần sự phối hợp từ phía phụ huynh. Theo đó, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều môi trường xã hội, cho trẻ tiếp xúc với nhiều người. Ở nhà, phụ huynh nên tăng cường giao tiếp với trẻ, tăng cường chia sẻ, kích thích trẻ được chia sẻ, trò chuyện nhiều hơn".
Trẻ chậm nói có thể có nhiều nguyên nhân: Trước sinh, thai phụ mắc những bệnh lý, hoặc có thói quen uống rượu hút thuốc. Trong quá trình sinh, trẻ bị ngạt hoặc sang chấn. Sau sinh trẻ bị nhiễm trùng, sốt cao, động kinh, suy dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển. Bên cạnh đó là những nguyên nhân về môi trường gia đình, yếu tố tâm lý, cha mẹ ít trò chuyện, chia sẻ với con...
Pha Lê bị thiếu ngủ và stress quyết định đi châm cứu 'chỗ quen', ai ngờ đầu lại sưng to 'bằng trái chanh' Tin lời người quen giới thiệu, Pha Lê châm cứu để giảm mệt mỏi nhưng kết quả lại không như mong đợi. Hậu kết hôn cùng bạn trai người Hàn Quốc, Pha Lê đã hạnh phúc chào đón con gái Ốc ra đời. Hiện tại, nữ ca sĩ không còn đi diễn nhiều mà tập trung chăm con và kinh doanh. Vất vả...