Bên trong “nơi đáng sợ nhất trái đất”
Trước những diễn biến khó lường tại khu vực phi quân sự thuộc biên giới liên Triều, lính tại căn cứ Camp Bonifas của quân đội Mỹ phải luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ.
Binh sĩ Hàn Quốc gác tại khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên ngày 4/4. Ảnh: AFP
Khu vực biên giới quân sự hóa nhất trên trái đất
Khu vực phi quân sự (DMZ) nằm trên biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và cách căn cứ quân sự Camp Bonifas của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc khoảng 400 m về phía bắc.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng ví DMZ là “nơi đáng sợ nhất trái đất” sau một chuyến thị sát khu vực này.
Tuy nhiên, DMZ có lẽ lại là khu vực biên giới quân sự hóa nhất trên trái đất. Bình Nhưỡng phái 1,2 triệu binh sĩ, vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa chiến lược tới điểm nóng. Trong khi đó, lực lượng thường trực của Seoul tại DMZ gồm 650.000 binh sĩ, chưa kể sự hỗ trợ của 28.000 quân Mỹ.
Phương tiện truyền thông quốc tế liên tục cảnh báo về “những căng thẳng gia tăng” giữa hai miền Triều Tiên kèm minh họa là hình ảnh làng đình chiến Panmunjeom (Bàn Môn Điếm) với 3 ngôi nhà sơn màu xanh – biểu tượng của hòa bình, cùng với đó là ánh mắt cảnh giác của lính gác ở hai phía biên giới dành cho “đối phương”.
Video đang HOT
“Tiếng chim hót, thời tiết đẹp khiến người ta dễ dàng quên rằng, phía trước họ khoảng 50 m là một hàng rào và di chuyển thêm 2 km về phía bắc là tới lãnh thổ Triều Tiên. Nơi đó có sự hiện diện của 13.200 khẩu pháo và lực lượng quân đội luôn túc trực”, Berndt Grundevik, một vị tướng Thụy Điển thuộc Ủy ban Giám sát các nước Trung lập (NNSC), nói.
Bàn Môn Điếmlà ngôi làng ở tỉnh Gyeonggi. Đây là giới tuyến phân cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Tại đây, vào năm 1953, Hiệp định ngừng chiến được ký kết. Bàn Môn Điếm chỉ cho phép du khách nước ngoài tới thăm, cấm người Hàn Quốc và Triều Tiên kèm theo những điều kiện hết sức ngặt nghèo về trang phục, lời nói, cử chỉ và phải ký bản cam kết tự chịu trách nhiệm nếu chẳng may thương vong.
Giám sát và bất ngờ
Hai sĩ quan chỉ huy của quân đội Thụy Sĩ và Thụy Điển tại một đường hầm ở khu DMZ. Ảnh: Andrew Salmon
Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải hiệp ước hòa bình. Kể từ đó, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt bởi DMZ trải rộng 4 km. Cả hai miền đều duy trì các chốt kiểm soát và lực lượng tuần tra tại hai phía DMZ. Vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo binh không được phép tiến vào trong vùng đệm này, song lực lượng quân đội hùng hậu của hai nước luôn túc trực xung quanh.
NNSC được thành lập vào tháng 8/1953 và nằm trong Bàn Môn Điếm. Mục đích của NNSC là giám sát hai miền Triều Tiên thực thi hiệp định đình chiến.
Nhiệm vụ của NNSC ở biên giới phía nam là giám sát các bài tập quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ, kiểm tra vị trí của Seoul trong DMZ và điều tra các hành vi vi phạm hiệp ước đình chiến nếu có. Họ cũng tra khảo người Triều Tiên vô tình vượt qua ranh giới.
Binh sĩ của NNSC ở đây không giao tiếp với lính Triều Tiên và không được phép vượt qua làn ranh giới mong manh. Quyền của họ cũng hạn chế. Họ chỉ có thể viết báo cáo và gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Có lẽ chúng tôi là đội quân duy nhất trên bán đảo không có kẻ thù. Chúng tôi không cảm thấy bị đe dọa bởi chúng tôi giữ vai trò cầu nối ngoại giao”, đại tá Christian Jorgensen của quân đội Thụy Sĩ thuộc NNSC, nói.
Biển chỉ dẫn đường tới Stockholm. Ảnh: Andrew Salmon
Lực lượng sĩ quan Thụy Sĩ – Thụy Điển đóng quân tại Bàn Môn Điếm với nhiệm vụ giám sát khu vực phía nam DMZ. Trại của lực lượng là các khu nhà nằm giữa vùng sơn cước, một phòng tập thể dục và hai quán bar. Binh sĩ treo các tác phẩm điêu khắc và biển chỉ dẫn tới Stockholm (Thụy Điển) trong vườn. Vũ khí không hiện diện tại đây mặc dù một boongke luôn sẵn sàng hoạt động trong trường hợp khẩn cấp.
“Chúng tôi không khóa cửa khi trời tối. Tại đây, chúng tôi ngủ ngon hơn khi ở Seoul. Có thể là do không khí ở đây trong lành hơn”, đại tá Jorgensen nói và nhấn mạnh rằng, mọi thứ ở DMZ không giống những gì mà họ từng biết khi ở Kosovo và Georgia.
Mặc dù NSCC đảm trách nhiệm vụ giám sát khu vực nhạy cảm này trong suốt 6 thập kỷ qua, song đôi khi binh sĩ của lực lượng vẫn gặp tình huống bất ngờ. Tháng 10/2013, họ điều tra trường hợp một người Hàn Quốc chết dưới họng súng của binh sĩ Hàn Quốc khi cố đào tẩu sang Triều Tiên bằng cách bơi qua sông Hàn. “Đây là tình huống bất ngờ. Tôi đã nói chuyện với nhiều đại sứ và không ai trong số họ biết rằng, binh sĩ Hàn Quốc nhận lệnh bắn bất kỳ ai cố gắng đào tẩu khỏi đất nước của họ”, tướng Urs Gerber của quân đội Thụy Sĩ nói.
“Rất khó lường”
Tướng Urs Gerber (trái) tại khu DMZ. Ảnh: Yonhap
Theo tướng Gerber, khác với binh sĩ của lực lượng NSCC, lính tại căn cứ quân sự của Mỹ Camp Bonifas luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ. “Chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu ngay trong đêm nay”, Private Yoon, một thành viên Camp Bonifas, nói.
Căn cứ Camp Bonifas có cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách, sân bóng chày hay sân golf. Nhưng đây không phải là nơi để đùa cợt. Theo lời một nữ quân nhân Mỹ, một quả bóng đã kích nổ mìn sau khi vọt ra ngoài sân bóng rổ.
Theo Al Jazeera, bên dưới các tòa nhà ở vùng biên giới quân sự hóa nhất thế giới chính là những đường hầm xuyên mặt đất. Đó là nơi các binh sĩ ngày ngày vẫn hô vang từng nhịp trong các buổi tuần tra.
“Theo quan điểm của tôi, đây là khu vực nguy hiểm. Chúng tôi phải luôn trong tình trạng sẵn sàng để bảo vệ đồng minh”, trung úy Mỹ Ron Magtanong nói.
Những binh sĩ làm việc tại căn cứ Camp Bonifas dường như đồng tình về tầm quan trọng trong nhiệm vụ mà họ đảm nhận. “Việc chúng tôi giám sát thỏa thuận, ít nhất là ở phía nam, sẽ đóng góp hòa bình và ổn định tại khu vực này. Một ngày không có máu đổ chính là thành công của chúng tôi”, tướng Grundevik nói.
Tuy nhiên, trước những lời lẽ khiêu khích từ Triều Tiên, tình trạng chiến tranh lạnh ở mức căng thẳng và đôi khi là những sự cố chết người đã khiến nhiều thành viên NSCC không khỏi hoài nghi về vai trò của họ tại “nơi đáng sợ nhất trái đất” này.
Theo Tri Thức