Bên trong cung điện nơi hạ sinh vua Bảo Đại ở Huế
Cung điện được vua Khải Định cho xây năm 1917 là sự kết hợp độc đáo của ba phong cách kiến trúc Huế, Trung Quốc và Pháp.
Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu (TP Huế), được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1917. Đây là nơi vua Khải Định và bà phủ thiếp Hoàng Thị Cúc (1890-1980) sinh ra người con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ (tức vua Bảo Đại sau này). Ban đầu cung có khoảng 10 công trình, đến nay chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Cổng chính theo lối tam quan, gồm hai tầng, xây bằng vôi gạch và trang trí cầu kỳ bằng nghệ thuật đắp nổi sành sứ, thuỷ tinh màu. Cả hai mặt trong và ngoài của cổng đều có các hình ảnh rồng, phượng, lân, hoa lá… cùng một số văn tự và câu đối bằng chữ Hán.
Đình Trung Lập là công trình nằm giữa cổng vào và lầu Khải Tường. Ngôi đình có kết cấu nhỏ với mặt bằng hình bát giác và hai lớp mái làm theo dạng cổ lầu.
Lớp mái dưới của đình Trung Lập có 8 cạnh, lớp trên còn 4, đắp nổi 12 con rồng nhìn ra 4 phương 8 hướng. Chính giữa của đình đặt pho tượng của vua Khải Định, đúc bằng đồng với tỷ lệ như người thật.
Lầu Khải Tường được xây dựng từ năm 1917-1918 tại vị trí phủ An Định cũ. Đây là công trình kiến trúc quan trọng nhất của cung An Định với 3 tầng và 22 phòng, thiết kế chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá phương Tây.
Sau khi lên ngôi và sống trong hoàng cung từ năm 1916, vua Khải Định nghĩ đến việc cải tạo phủ An Định, mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm một số công trình kiến trúc tại đây. Mục đích là tạo ra một cơ ngơi to lớn hơn để kỷ niệm nơi tiềm để (nơi ở của vua trước khi lên ngôi) và ban tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy làm của riêng sau này.
Video đang HOT
Vào thời điểm xây dựng lầu Khải Tường, nền văn hóa của Tây phương nói chung, nền mỹ thuật Pháp nói riêng đã ảnh hưởng đến Việt một cách mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ từ vật liệu xây dựng, phong cách kiến trúc đến nghệ thuật trang trí nội ngoại thất của tòa nhà.
Trong căn phòng chính giữa ngay lối vào, vua Khải Định cho vẽ 6 bức tranh tường mô tả những khu lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn. Bức tượng đặt trong gian chính hiện nay là hoàng thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy trong lễ sắc phong và rước Đông cung thái tử từ Hoàng thành về cung An Định vào tháng 4/1922.
Căn phòng chính nhìn từ chiếu nghỉ trên cầu thang tầng một. Các trụ đỡ, tay vịn cầu thang và hoạ tiết trang trí đều mang đậm phong cách phương Tây.
Phía trên là phần nền móng còn lại của nhà hát Cửu Tư Đài. Toàn bộ công trình này đã bị phá huỷ trong chiến tranh. Trong thời gian tồn tại, nhà hát có hai tầng, diện tích 1.150 m2 và có thể chứa hơn 500 khán giả cùng lúc. Theo các tài liệu cổ, ngoại thất của Cửu Tư Đài gần giống Nhà hát Lớn ở Hà Nội.
Một hoạ tiết trang trí trên tường trong cung An Định. Quần thể kiến trúc này đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây, thể hiện qua mọi công trình đều mang phong cách kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam với các đề tài trang trí châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.
Theo VNE
Vẻ đẹp gây thương nhớ của xứ Huế mộng mơ
Từ lâu Huế được ví như cô gái nhỏ hiền dịu nằm giữa dải đất miền Trung đầy nắng và gió. Huế nên thơ, Huế dịu ngọt, Huế đằm thắm và quyến rũ du khách thập phương
Huế và nét cổ kính
Dải đất miền Trung đã tạo cho Huế những đặc ân khó có thể so bì với các vùng đất khác của đất nước. Huế là nơi tập trung của quần thể di tích lịch sử, văn hóa, với các công trình kiến trúc độc đáo, cảnh sắc nên thơ, hữu tình. Vùng đất này là đại diện cho một trong ba trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Đến với Huế là đến với xứ "mộng mơ" của bóng dáng của Thành nội cổ xưa, của dòng sông Hương xanh mát, hiền hòa bên ngọn Ngự Bình hùng vĩ, của chùa Thiên Mụ thanh tịnh bình yên.
Đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn lên trị vì đất nước, đóng đô ở Huế đã cho xây công trình vĩ đại kinh thành Huế.
Đến nay, quần thể di tích triều Nguyễn bao gồm các cung điện, đền đài, thành quách, lăng tẩm, các kiến trúc chùa chiền, nhà thờ...vẫn giữ nguyên nét uy nghi, cổ kính.
Kinh thành Huế là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông cùng sự ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương tây. Nằm ở giữa kinh thành Huế là Đại Nội với hơn 100 công tình kiến trúc khác nhau được chia thành nhiều khu vực.
Từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa là nơi cử hành các lễ lớn của triều đình. Các miếu, điện là nơi thờ phụng vua chúa nhà Nguyễn, Phủ Nội Vụ nơi chế tạo đồ dùng cho hoàng gia.
Tử cấm thành, nơi dành riêng cho vua và gia đình vua.... Ngoài ra Huế còn nổi tiếng bởi khu lăng tẩm, mỗi lăng mang một sắc thái riêng và những câu chuyện lịch sử thú vị.
Trải qua những thăng trầm, những biến động của lịch sử, Huế vẫn là miền đất quyến rũ với vẻ hiền hòa, thanh bình đầy lãng mạn. Những giá trị mà Huế lưu giữ đã được ghi nhận xứng đáng với với việc UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993.
Lắng mình với ca Huế trên sông Hương
Giữa cuộc sống hối hả và tấp nập của ngày hôm nay, có lẽ Huế là thành phố duy nhất còn giữ được vẻ đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn năm xưa của quê hương đất Việt.
Nghe ca Huế trên sông Hương, trên chiếc thuyền rồng mang không gian cổ kính, trang trọng của cung đình xưa, hành trình xuôi dòng sông Hương từ Phu Văn Lâu đến cầu Tràng Tiền, đi ngang qua Kinh Thành đã không còn xa lạ với du khách thập phương đến Huế.
Du thuyền lướt nhẹ trên sông Hương, giữa một trời mây nước bồng bềnh, dưới ánh đèn lung linh, dưới ánh trăng thơ mộng chơi vơi một giọng hò ai ngân, ai hát .... Du khách thả hồn vào những điệu bắc trang trọng vui tươi, những câu hát nam ai, nam bình sâu lắng, da diết...
Ca Huế trên sông Hương là hình thức nghệ thuật độc đáo, là một món ăn tinh thần quý giá mà bất cứ du khách nào đến Huế cũng đều muốn có dịp được được thưởng thức.
Sự giao hòa giữa thiên nhiên trầm mặc và âm nhạc du dương của ca Huế đã tạo nên vẻ đẹp riêng có của vùng đất cố đô.
Theo phununews.vn
5 địa điểm cứ giơ máy là có ảnh đẹp ở Huế Hội sống ảo thích "săn lùng" những khung hình bắt mắt sẽ không thể phớt lờ 5 địa điểm tọa lạc tại xứ Huế mộng mơ dưới đây. Lăng Khải Định: Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km, lăng Khải Định là địa điểm được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Dù có diện tích nhỏ,...