Bên trong chiếc máy bay chở Chủ tịch Tập Cận Bình sang Mỹ
Không như Tổng thống Mỹ luôn dùng chuyên cơ Air Force One vang tiếng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ trên chiếc Boeing 747-400 dân dụng của hãng hàng không Air China.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân bước ra khỏi chiếc Boeing 747-400 của Air China chở ông tới Mỹ – Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có chuyên cơ riêng, họ đều đi máy bay của Air China, cựu quyền giám đốc sở Lễ tân thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lu Peixin nói với báo China Daily sau khi ông Tập vừa đáp máy bay đến Mỹ.
Nhưng tất nhiên, nhà lãnh đạo đất nước đông dân nhất hành tinh không phải ngồi bó chân chật hẹp giống như bạn khi đi máy bay. Hàng tháng trời, trước bất kỳ chuyến công du nào của ông, chiếc máy bay được chọn sẽ phải nằm đất để lắp đặt lại nội thất bên trong, lắp giường ngủ, ghế salon vào. Ông Tập lúc nào cũng có riêng một phòng khách, một phòng ngủ và một phòng làm việc – chiếm hết 1/3 ổ bụng con chim sắt khổng lồ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh (giữa) cùng Ray Conner, tổng giám đốc Boeing thăm dây chuyền sản xuất loại máy bay này giữa chuyến thăm Mỹ của ông Tập – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc không có máy bay riêng, nhưng 2 chiếc Boeing mang số hiệu B-2447 và B-2472 thường được sử dụng cho các chuyến công du của lãnh đạo nhất. Còn lúc bình thường, máy bay sẽ được tháo giường, tháo sofa ra, trở lại nguyên hình dáng những chiếc máy bay dân dụng bình thường.
Tất nhiên, với một chiếc máy bay mà trước đó bất kỳ bác phó thường dân nào có vé trong tay cũng đều leo lên được, giới chức an ninh phải soi kỹ từng đường tơ kẽ tóc trên thân con chim khổng lồ đó. Tổ lái và tiếp viên cũng được lựa chọn kỹ càng. Trung Quốc càng giàu lên, càng có lắm tham vọng thì các rủi ro về mặt an ninh càng lớn.
Hồi năm 2013, khi nói về việc ông Tập dùng máy bay dân dụng, ông Lu tuyên bố an ninh và chống lãng phí là lý do khiến máy bay của Air China được huy động. Báo South China Morning Post dẫn lời ông Lu nói: “Một chiếc máy bay có hàng trăm linh kiện khác nhau và nếu không dùng nó thường xuyên, máy bay sẽ kém an toàn”.
Kể từ khi lên ghế lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Tập phát động chiến dịch chống lãng phí và chống tham nhũng rầm rộ. Đi máy bay dân dụng có lẽ là cơ hội tốt để ông thể hiện chính sách của mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bên chiếc Air Force One trứ danh – Ảnh: Reuters
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Chủ tịch Trung Quốc được đãi món Nhật với rượu xoàng
Trong thực đơn mà chính quyền Seattle chiêu đãi Chủ tịch Tập Cận Bình trong đêm đầu tiên ông đến Mỹ đầy rẫy những nguyên liệu Nhật, nước có quan hệ đầy sóng gió với Trung Quốc. Còn rượu vang thì chỉ ở hạng "tầm tầm".
Toàn cảnh buổi tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình tại Seattle - Ảnh: AFP
Bữa tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình tại thành phố Seattle - chặng dừng chân đầu tiên của ông trên đất Mỹ - chẳng phải là quốc yến và không có mặt Tổng thống Mỹ Barack Omaba. Nhưng rõ ràng đó là một buổi chiêu đãi ngoại giao, đồng nghĩa mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng được tính toán kỹ lưỡng nhất.
Ấy vậy mà người ta phải nhướng mắt nhìn nhau khi thấy trong thực đơn có wasabi, loại gia vị độc chiêu của ẩm thực Nhật Bản, không thể nhầm lẫn với bất kỳ nguyên liệu của quốc gia nào khác. Ai cũng biết mối quan hệ đầy sóng gió giữa Trung Quốc và Nhật Bản với các mắc mứu khó gỡ của lịch sử. Thế nên người Mỹ chẳng có lý do gì, nếu thực sự muốn làm vui lòng khách mời, lại đưa nguyên liệu độc chiêu của người Nhật vào thực đơn trong buổi tiếp đãi đầu tiên dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Thêm vài nguyên liệu khác, nổi tiếng trong ẩm thực Nhật Bản nhưng cũng phổ biến ở những nước khác, được ghi theo tên cách gọi của người Nhật trong tờ thực đơn. Chẳng hạn củ cải trắng, thay vì được ghi bằng tên chung thông dụng "white radish" thì được ghi theo cách gọi của người Nhật là "daikon". Đối với loại đậu nành trong trái dài, hạt to, thực đơn lập tức "phang" ngay là edamame - cách gọi của người Nhật cho món đậu nành Nhật Bản luộc. Trong khi đó, người ta có thể thay bằng một cách viết "trung lập" hơn như "green soy bean" đối với loại đậu phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa phải) trong một buổi làm việc tại Seattle - Ảnh: Reuters
Bây giờ thì thử "soi" rượu vang, thức uống không bao giờ thiếu trong các buổi chiêu đãi ngoại giao. Với vang đỏ, người Seattle đãi Chủ tịch Tập loại cabernet sauvignon năm 2013 của hãng Chateau Ste. Michelle. Vang trắng thì có loại chardonnay cũng của hãng này. Với mức giá 15 USD và 11,95 USD/chai thì hẳn đã biết đó không phải là loại rượu tinh túy "xứng tầm" để đem mời nhà lãnh đạo của một đất nước là thị trường rộng lớn nhất đối với Mỹ.
Trang web tin tức Quartz "chọt" rằng hay ban tổ chức rất ý thức về chiến dịch chống chi tiêu lãng phí trong chính phủ mà ông Tập đang phát động ở Trung Quốc, và không muốn làm ông phải khó xử khi mời loại rượu hảo hạng đắt tiền?
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Ông Tập pha trò ở Mỹ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trêu đùa khi nói về chiến dịch trấn áp tham nhũng của Bắc Kinh và nhận được sự tán thưởng của đám đông tại Seattle, Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Seattle ngày 22/9. Ảnh: Reuters Khẳng định chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" kéo dài ba năm nay là nhắm vào việc...