Bên trong bảo tàng phố đèn đỏ khét tiếng của Bangkok
Bảo tàng Patpong giới thiệu tới du khách hiếu kỳ lịch sử hình thành và những hình ảnh bên trong khu phố đèn đỏ Patpong từng một thời nổi danh nhờ mối quan hệ với CIA.
“Tôi yêu Patpong”, Michael Messner, người sáng lập và điều hành bảo tàng Patpong tại Bangkok, nói.
Vị doanh nhân người Australia, 42 tuổi và có 5 cộng sự, đã đầu tư hơn 1 triệu USD vào bảo tàng này, một tổ hợp trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, các vật dụng cũ và thông tin về khu vực đã cho ra đời một trong những khu phố đèn đỏ tai tiếng bậc nhất thế giới.
Tuy vậy, bảo tàng này không chỉ xoay quanh nền công nghiệp tình dục, Messner nhấn mạnh.
“Tour tham quan bảo tàng của chúng tôi giới thiệu lịch sử Đông Nam Á suốt 100 năm qua thông qua lăng kính của con phố này”, anh nói với tờ South China Morning Post.
Messner, con trai của danh họa người Australia Ernst Fuchs, là người có kinh nghiệm về bảo tàng. Gia đình anh có một bảo tàng Ernst Fuchs tại Vienna, Áo, nơi Messner học hỏi cách điều hành bảo tàng từ khi còn trẻ.
Chuyển tới Bangkok năm 2001, Messner nhanh chóng bị quyến rũ bởi khu Patpong vì “quá khứ và sự chân thật” của nơi này. Anh từng đầu tư một quán bar go-go (loại quán bar có vũ công phổ biến tại Thái Lan), và đang điều hành hộp đêm Barbar Fetish và Black Temple, nằm ngay phía trên Bảo tàng Patpong trên đường Patpong 2.
Khu chợ đêm tại Patpong, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Tajlandiafaq.pl
Khu phố đèn đỏ cho CIA trong Chiến tranh Việt Nam
Người khai sinh ra khu đèn đỏ Patpong là Tun Poon, một người Trung Quốc ở đảo Hải Nam, di cư cùng gia đình năm 1893 để đến Thái Lan, lúc bấy giờ là vương quốc Xiêm. Trung Quốc lúc này đang đói nghèo và loạn lạc, trong khi Xiêm ở vào thời kỳ rực rỡ về kinh tế và rộng cửa đón những người Hoa chăm chỉ.
Như nhiều người Hoa khác, Tun Poon bắt đầu buôn gạo Thái từ nông thôn ra thành phố. Ông nhanh chóng nhận thấy đất đai ở Saraburi, miền Trung Thái Lan, không phù hợp để gieo trồng lúa gạo, nhưng bù lại rất giàu calcite, nguyên liệu thô hoàn hảo để sản xuất xi măng.
Tun Poon nhanh chóng khai thác calcite bán cho công ty xi măng quốc doanh SCC và chẳng bao lâu sau giúp công ty này cạnh tranh với xi măng nhập khẩu. Nhờ những thành tựu của mình, Tun Poon được đặt biệt danh Patpongpanich “đáng kính” và gây dựng đế chế Patpongpanich, điểm khởi đầu cho khu Patpong bây giờ.
Video đang HOT
Con trai của Patpongpanich là Udom được gửi sang Mỹ học trong Thế chiến II, nơi ông gia nhập phong trào chống Nhật Seri Thai, đồng thời gây dựng nhiều mối quan hệ với các thành viên của Văn phòng chiến lược Mỹ, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Udom kế thừa tài sản sau khi bố qua đời năm 1950. Hiểu biết về tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng, ông cho xây đường nối liền giữa đường Silom và Surawong, tức đường Patpong hiện nay – một trong những đại lộ tư nhân còn tồn tại của Bangkok. Patpong 2 cũng được xây dựng sau đó với tham vọng biến vùng Patpong thành một quận kinh tế lớn – với các cửa hàng, văn phòng và bãi đỗ xe nhiều tầng đầu tiên của Thái Lan.
Biển hiệu trước cửa Bảo tàng Patpong tại Bangkok. Ảnh: CNN
Mối quan hệ thân cận của Udom với nhiều tập đoàn Mỹ như IBM, Caltex, Trans World Airlines khiến các công ty này nhanh chóng mở văn phòng tại Patpong trong Chiến tranh Việt Nam, trong đó có Air America – hãng hàng không mà CIA sử dụng đứng sau cuộc chiến bí mật tại Lào và nhiều trụ sở liên quan đến CIA khác.
Du khách sau đó rời phòng “lịch sử” để bước vào một quầy bar với hình ảnh nhiều phụ nữ khỏa thân đang nhảy múa. Khách sẽ được mời một món đồ uống có cồn trong lúc ghé thăm những hiện vật sót lại từ Grand Prix – hộp đêm đầu tiên của Patpong do Rick Meynard, một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam mở năm 1967.
Việc phụ nữ mặc bikini nhảy múa một mình trên những bậc sàn cao lại không hề vi phạm luật mở vũ trường lúc bấy giờ của Thái Lan, vốn chỉ yêu cầu phụ nữ không được nhảy với đàn ông.
“Từ đó các quán bar go-go ở đường Patpong được mở cửa vì bạn không cần giấy phép mở vũ trường, chỉ cần giấy phép kinh doanh rượu thôi, và thực tế đó vẫn không thay đổi đến giờ”, Messner nói.
Những hiện vật tái tạo thời kì đầu của phố đèn đỏ Patpong. Ảnh: Trip Advisor
Trào lưu hộp đêm đang thoái trào
Hiện nay, các quán bar đời đầu từng một thời làm sôi động cả dãy phố về đêm đã không còn, ngoại trừ Madrid, một quán bar vẫn phục vụ nhiều món ăn trưa nổi tiếng từ những năm 1960. Tuy nhiên ngày nay, một quán bar không có vũ công như Madrid rất khó tồn tại.
“Việc kinh doanh từng thuận lợi trong 20 năm đầu, sau đó chợ đêm được mở vào thập kỉ 90, và từ đó mọi thứ xuống dốc”, Khun Daeng – chủ cũ của Madrid nói. Khu chợ mà ông nhắc đến là dãy những sạp hàng hóa dài bán đủ thứ từ quần áo giá rẻ đến băng đĩa lậu từ 6 giờ tối. Giờ đây, khu chợ này trở thành điểm thu hút khách du lịch chính và làm lu mờ những quán bar của Patpong.
Trái ngược với quan niệm phổ biến, Patpong chưa từng là điểm dừng chân của quân đội Mỹ khi nghỉ phép trong Chiến tranh Việt Nam. Theo Khun Daeng, chỉ các quan chức mới tới Patpong, trong khi lính tráng sẽ tới phố Petchburi Mới. Những quán bar tại Patpong cũng dần chết yểu sau khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973.
Căn phòng cuối cùng được đánh dấu “nhạy cảm” và đem lại du khách những cảm xúc khó tả về Patpong. Bên cạnh đó là một bài kiểm tra bằng hình ảnh với nhiều ảnh của phụ nữ thật và người chuyển giới. Du khách sẽ phải đoán và lật tấm ảnh để biết giới tính thật.
Du khách đoán và lật lên để biết người trong ảnh là phụ nữ hay người chuyển giới. Ảnh: Newsflare
Michael Messner – người đã kết hôn với một phụ nữ Thái và có 5 con – không muốn bảo tàng của mình bỏ qua những cảnh trần trụi của các quán bar ở Patpong, nhưng cố gắng giữ chúng “thân thiện với các cặp đôi” (bảo tàng vốn chỉ dành cho những khách tham quan đủ 18 tuổi).
Messner khẳng định rằng bảo tàng của mình đã nhận được sự gật đầu không chính thức từ Patpongpanich, đế chế vẫn đang nắm giữ hai con đường và toàn bộ bất động sản khu Patpong.
“Họ đã tới nhìn qua và mang hoa tới chúc mừng nhân dịp khai trương”, Messner nói. “Ban đầu họ đã lo ngại nơi này lại trở thành một quán bar go-go khác”.
An Nguyễn
Theo news.zing.vn/South China Morning Post
Mục sở thị bảo tàng phơi bày địa ngục IS
Bên dưới trụ sở Tình báo Quân đội Iraq, cuối hành lang trải thảm, là cánh cửa dẫn tới một bảo tàng phơi bày các góc khuất của IS.
Bảo tàng này được thành lập không nhằm mục đích kỷ niệm chương đen tối nhất trong lịch sử Iraq hiện đại, mà giống như một lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của những kẻ ôm mộng thành lập cái gọi là "nhà nước Hồi giáo" ở Iraq và Syria.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xóa sạch lịch sử tại nhiều vùng đất mà chúng chiếm đóng ở Iraq bằng việc phá hủy mọi dấu vết của văn hóa phi Hồi giáo, cho nổ tung các tòa nhà cổ kính và những di chỉ khảo cổ có từ hàng nghìn năm trước.
Hình nộm các tay súng IS được trưng bày tại bảo tàng nằm bên dưới trụ sở Cơ quan Tình báo Quân đội Iraq ở thủ đô Baghdad. Ảnh: CNN.
IS đã ghi lại những hành động tàn bạo của chúng và đăng trên Internet nhằm hăm dọa thế giới và đảm bảo sự phục tùng của người dân tại những khu vực chúng chiếm giữ.
Khu vực kiểm soát của IS từng rất rộng lớn, tương đương diện tích nước Anh với 12 triệu người sinh sống. Những thứ được trưng bày trong bảo tàng ở Iraq chỉ là phần rất nhỏ bé trong nỗi kinh hoàng mang tên IS.
Những cuốn sách toán tiểu học của IS dạy đếm bằng súng AK-47. Lượng giác được giải thích bằng cảnh một xạ thủ tính toán khoảng cách tới nạn nhân của mình. Thời gian trôi qua, tư tưởng của những đứa trẻ ngày càng bị cực đoan hóa với những ý niệm bạo lực. Theo giới quan sát, IS thực sự bị ám ảnh với việc trẻ con phải nhất mực tuân thủ các quy tắc mà chúng tạo ra.
IS tự phát hành đồng tiền riêng, lưu hành biển số xe riêng và còn có kế hoạch cấp hộ chiếu riêng. Các "công dân" IS chắc chắn không thể xuất ngoại bằng hộ chiếu này nhưng chúng cho thấy mức độ nghiêm túc của phiến quân trong tự tuyên bố nhà nước.
Đó là một nhà nước xây nên từ nỗi sợ hãi, máu và nô lệ tình dục. Tại khu vực triển lãm mang tên "Sexual Jihad", có một thời gian biểu cho các tay súng trẻ tuổi muốn quan hệ tình dục với một phụ nữ. Họ có thể là nô lệ tình dục hoặc một phụ nữ "tận tụy" muốn hiến dâng cho IS.
Bộ sưu tập các bằng chứng và hiện vật tại bảo tàng được Tình báo Quân đội Iraq ở Baghdad tập hợp lại nhằm cung cấp thêm kiến thức về IS cũng như hiểu rõ hơn về tâm lý tội phạm của chúng.
IS kêu gọi các chiến binh qua Internet và bằng những video đăng trên mạng xã hội. Với cách này, chúng đã tuyển mộ được không ít chiến binh nước ngoài, lặn lội hàng nghìn km tới Iraq và Syria để gia nhập tổ chức.
Nhiều người gia nhập IS là những đàn ông và phụ nữ Hồi giáo trẻ bị vỡ mộng, khao khát tôn giáo của họ được thấu hiểu và chấp nhận tại đất nước quê hương, nơi họ luôn cảm thấy lạc lõng. Các thanh niên trẻ bị dụ dỗ tới Trung Đông bằng những lời chào mời khó tin như sự đảm bảo quyền thực hành tôn giáo tuyệt đối, giấy phép cho bạo lực không giới hạn và thu nhập ổn định.
Hồ sơ về các chiến binh IS nước ngoài đã bị bắt cho thấy họ thực tế chỉ có những hiểu biết "thô sơ" về đạo Hồi, không phải những người quá cuồng tín. Tuy nhiên, các hình ảnh và video trong bảo tàng lại cho thấy họ có quyền tự do thực hiện các tội ác khủng khiếp, giết người và hãm hiếp, chỉ cần nhân danh tôn giáo.
Theo giới chức tình báo, các tài liệu còn hé lộ số tiền khổng lồ mà IS thu được nhờ bán dầu lậu và những kho báu khảo cổ cũng như đánh thuế người dân sống tại nơi chúng kiểm soát.
Một biểu ngữ đặt bên trong bảo tàng ghi dòng chữ "Đừng bao giờ quên tội ác băng đảng và khủng bố của IS". Nó là lời nhắc nhở tới tất cả mọi người, đặc biệt là người dân Iraq về những gì mà sự cuồng tín tôn giáo có thể gây ra với một quốc gia.
Theo Vũ Hoàng (VNE)
Chuyến đi cuối cùng của máy bay siêu thanh Concorde Máy bay siêu thanh huyền thoại Concorde đã được một nhiếp ảnh gia ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp trong chuyến đi cuối cùng. Ảnh: Courtesy SWNS. Ngày 26/11/2003, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Lewis Whyld chụp bức ảnh này trong chuyến bay cuối cùng của máy bay siêu thanh Concorde khi bay cầu treo Clifton ở Bristol, miền tây nước Anh. Bức...