Bến Tre: Dự trữ nước ngọt để ứng phó với hạn mặn
Theo dự báo mùa khô 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ đến sớm và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Vì vậy chính quyền địa phương các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, vận động người dân ngay từ thời điểm này (đang mùa mưa) hãy trữ nước ngọt để ứng phó với hạn mặn sắp tới.
Người dân Bến Tre chuẩn bị các thùng chứa nước ngọt để ứng phó với hạn mặn . (Ảnh: Báo Đồng Khởi)
Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đặng Hoàng Lam cho biết, dự báo xâm nhập mặn trên các sông chính của tỉnh sẽ xuất hiện sớm và mùa khô 2019-2020 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và khó lường, do phụ thuộc nhiều vào việc điều tiết nước của các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong.
Theo ông Đặng Hoàng Lam, từ cuối tháng 11/2019, độ mặn 4 xâm nhập vào đất liền cách các cửa sông chính từ 28 – 30km; độ mặn xâm nhập đến các địa bàn xã Vang Quới Tây (Bình Đại), xã Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) và Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam).
Theo dự báo, độ mặn 4 tiếp tục lấn sâu vào đất liền, tăng dần trong các ngày từ cuối tháng 12/2019 kéo dài đến tháng 5/2020. Khoảng tháng 3/2020, độ mặn 4 xâm nhập sâu nhất vào đất liền khoảng 54 – 56km, thuộc địa phận huyện Châu Thành và huyện Mỏ Cày Bắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; chuẩn bị phòng tránh, ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn đến đời sống, sản xuất.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu chính quyền địa phương, các chi bộ xóm ấp vận động cộng đồng trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ thời điểm này (đang mùa mưa) để ứng phó với hạn mặn sắp tới.
Video đang HOT
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có giải pháp tích trữ nước, vận hành hợp lý các nhà máy nước, nhằm đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi; rà soát các cống, đê bao để kịp thời khắc phục, sửa chữa và trao đổi với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để thống nhất phương án vận hành các cống cho phù hợp, đảm bảo tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đề nghị Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải tăng cường bản tin dự báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu liên quan về tình hình hạn mặn cho cơ quan báo chí, đoàn thể. Từ đó, mỗi đơn vị phải có trách nhiệm tập trung tuyên truyền, vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt trong mùa hạn, mặn.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần hướng dẫn các huyện biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt; khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch, kiên quyết không sản xuất lúa vụ 3.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập lưu ý đối với các đơn vị cấp nước cần sẵn sàng phương án vận chuyển nước để cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, nhà hàng, khách sạn và các khu công nghiệp… trong giai đoạn hạn mặn biến đổi gay gắt.
Được biết, để khắc phục xâm ngập mặn, đầu tháng 8/2019, tỉnh Bến Tre khánh thành đưa vào sử dụng hồ chứa nước ngọt Ba Tri tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri với công suất chứa hơn 800.000 m3 nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Tri.
Hồ chứa nước ngọt Ba Tri có tổng vốn đầu tư khoảng 86 tỉ đồng, được xây dựng trên kênh Lấp (huyện Ba Tri). Công trình này được xây dựng trên tuyến Kênh Lấp với chiều dài 7 km, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tình hình biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn những tháng mùa khô; đồng thời cấp đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ của huyện Ba Tri.
Minh Chính
Theo ĐCSVN
Chung sức gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Không đợi đến lúc này, gần hai năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các địa phương ven biển đã đồng lòng, chung sức hành động nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của EC ...
Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng tuyên truyền cho ngư dân về IUU. Ảnh: Bá Vĩnh
Khẩn trương chấn chỉnh đội tàu khai thác xa bờ
Đầu tháng 5-2019, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3483/VPCP-NN gửi các bộ, ngành liên quan; UBND các địa phương ven biển yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực gỡ "thẻ vàng" (cảnh báo của EC cho các nước có hải sản nhập khẩu vào châu Âu có dấu hiệu vi phạm IUU) cho ngành thủy sản.
Trên thực tế, sau khi EC cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam hồi năm 2017, cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thủy sản đã nỗ lực triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Đã cơ bản đưa các quy định của quốc tế, khu vực vào Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về IUU; tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển của các nước khu vực Thái Bình Dương cơ bản chấm dứt; có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản...
Ngoài các giải pháp mang tính chỉ đạo vĩ mô, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các bộ, ngành và các địa phương cũng rất quan trọng. Tại Bến Tre, toàn tỉnh có 3.975 tàu cá đăng ký, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm 52,2%, sản lượng khai thác hằng năm hơn 200.000 tấn. Ngay từ khi triển khai IUU, UBND tỉnh Bến Tre chủ động đề xuất xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý khai thác thủy sản trên biển giữa tám tỉnh gồm: Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Ngoài ra, để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng tăng cường công tác ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ, kịp thời, quyết liệt có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Bến Tre khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5.647 tàu cá, tổng công suất 1,73 triệu CV; trong đó tàu có công suất 90 CV trở lên có 3.662 chiếc. Có gần 1.600 tàu đánh bắt xa bờ với khoảng 38.000 lao động trực tiếp trên biển. Cùng với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Quảng Ngãi rà soát, lập danh sách theo dõi, quản lý 53 chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu đưa tàu ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Phùng Đình Toàn cho biết: "Chúng tôi tổ chức kiểm soát nguồn hải sản cập cảng, không thu mua hải sản có nguồn gốc trái phép ở vùng biển nước ngoài, loại hải sản cấm khai thác. Nếu phát hiện vi phạm, mức xử phạt rất cao và sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề. Nhờ các biện pháp đồng bộ, quyết liệt đã giúp ngư dân thay đổi nhận thức, tình trạng xâm phạm vùng biển các nước giảm mạnh". Kết quả là từ năm 2018 đến nay, chưa có tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm vùng biển các nước khác.
TP Đà Nẵng cũng là địa phương có nghề đánh bắt thủy sản rất phát triển với gần 2.000 phương tiện đánh bắt lớn, nhỏ, trong đó hơn 1.250 tàu đánh bắt xa bờ. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng Đặng Duy Hải cho biết từ đầu năm 2019, đơn vị đã tổ chức ba đợt kiểm tra, kiểm soát khi tàu cá vào bến và đi khai thác, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng việc ghi, nộp và báo cáo sản lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; công bố tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp. Cụ thể, toàn thành phố kiểm tra 1.173 tàu cá, phương tiện, xử phạt hành chính tám phương tiện với số tiền 6.750.000 đồng về các hành vi không có nhật ký, không ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định, sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá đã quá hạn, vận hành tàu cá không có văn bằng, chứng chỉ máy trưởng.
Mới đây nhất, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Văn bản số 2606/UBND - SNN ngày 24-4-2019 về việc phối hợp quản lý và ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU đối với tàu cá Đà Nẵng khai thác hải sản ngoài tỉnh. Để nâng cao hiệu quả việc quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động trên vùng biển, nhất là tàu cá thường xuyên khai thác ngoài địa phương, thành phố chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại địa phương, kiên quyết không cho tàu ra khơi khi không bảo đảm đủ điều kiện quy định. Tại Đà Nẵng, mỗi chiếc tàu cá chuẩn bị ra khơi đều được lực lượng biên phòng cấp phát một cuốn nhật ký khai thác hải sản. Ngoài việc kiểm tra giấy tờ theo quy định như đăng ký số danh bạ thuyền viên, giấy phép khai thác, các trạm kiểm soát biên phòng còn hướng dẫn các chủ tàu ghi chép nhật ký khai thác của từng chuyến biển.
Tuyên truyền tại cửa biển
Một trong những giải pháp mạnh và mang lại hiệu quả cao trong thực hiện IUU được các địa phương áp dụng nhằm tăng nhận thức của ngư dân là kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền cho ngư dân ngay từ cửa biển. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã đồng loạt triển khai chỉ đạo của Chính phủ một cách đồng bộ như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định đối với thuyền trưởng, thuyền viên; thành lập văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm IUU để góp phần sớm tháo gỡ cảnh báo của EC. Đến nay, chưa phát hiện tàu cá nào của Đà Nẵng vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tương tự, tỉnh Quảng Ngãi tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về Luật Thủy sản, các quy định pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU. Tổ chức chín hội nghị tập huấn Luật Thủy sản và các quy định của IUU cho gần 700 chủ tàu, thuyền trưởng, cán bộ các xã ven biển; tổ chức bốn hội thảo truyền thông về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp cho 500 cán bộ cơ sở, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, cơ sở thu mua thủy sản các huyện Bình Châu, Lý Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, sắp tới, các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp sẽ thực hiện IUU, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp thành kế hoạch chung của tỉnh. Đồng thời, xây dựng phương án tuyên truyền thật hiệu quả, thiết thực, như in tờ rơi ghi cụ thể, chi tiết từng hành vi vi phạm, mức phạt, đối tượng xử lý để phát tận tay các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên.
Mặc dù các tỉnh ven biển đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản, song theo đánh giá của các chuyên gia về thủy sản, do trình độ nhận thức của chủ tàu, ngư dân và doanh nghiệp buôn bán hải sản còn chưa đồng đều, trong khi các quy định của IUU lại hết sức phức tạp, vì thế việc tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức phải được làm theo lộ trình và có sự kiên nhẫn, bền bỉ.
TÂM THỜI, ANH ĐÀO, ĐÔNG HUYỀN, HOÀNG TRUNG
Theo NDĐT
Nông dân Nghệ An khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chạy bão số 4 Mặc dù điều kiện thời tiết xập xìu nhưng bà con nông dân các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn... vẫn đang hối hả thu hoạch lúa hè thu vì theo dự báo bão số 4 có thể ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ, cơn bão số 4...