Bến Tre dồn sức giảm nghèo bền vững
Bến Tre – mảnh đất giàu truyền thống cách mạng quê hương “Đồng Khởi” đang thay đổi từng ngày, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân cũng được cải thiện hơn.
Mô hình 5 1 giúp đỡ cựu chiến binh nghèo Trà Văn Khai (đứng thứ 3 từ trái qua) ở ấp Tân Thị (xã Tân Xuân – Ba Tri – Bến Tri) nuôi bò đã thoát nghèo bền vững
Ông Nguyễn Minh Lập – Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay hộ nghèo, người nghèo đã có bước chuyển về nhận thức, tự vươn lên thoát nghèo thông qua việc tận dụng cơ hội và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế. Nếu năm 2011, Bến Tre tỷ lệ hộ nghèo là 15,6% thì đến cuối năm 2015 giảm xuống còn gần 6%, thu nhập bình quân đạt 34,7 triệu đồng/người/năm”, ông Lập nói.
Có được kết quả trên, Bến Tre đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung sức dân, phát huy tinh thần đoàn kết, huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giúp người nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Trong phong trào giảm nghèo bền vững ở Bến Tre xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như Hội Cựu chiến binh với mô hình “5 1″, Hội Phụ nữ với mô hình nuôi dê, phát triển kinh tế hộ ở huyện Giồng Trôm, Hội Nông dân với mô hình CLB nuôi bò, dự án “Cải thiện sinh kế hộ nghèo” tại huyện Bình Đại…
Mô hình giảm nghèo được nhắc đến nhiều nhất ở Bến Tre là mô hình “5 1″, do Hội CCB khởi động và thực hiện bằng cách vận động 5 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên nghèo hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, hội tương trợ, tạo việc làm…
Trong đó, các CCB được phân công giúp đỡ những CCB nghèo là những cán bộ hội viên gương mẫu, tâm huyết, luôn bám sát từng hội viên CCB để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể để đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất.
Để hỗ trợ về vốn, Hội CCB đứng ra tín chấp với NHCSXH giúp họ vay được vốn mở rộng sản xuất và sớm thoát nghèo. Từ mô hình “5 1″, Hội CCB tỉnh Bến Tre đã giúp cho gần 1.000 hộ CCB thoát nghèo và hàng nghìn hộ CBB vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong CCB từ 6,38% cuối năm 2012 còn 2,32% cuối năm 2014. Cuối năm 2015, cơ bản không còn hộ nghèo.
Theo ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre cho biết: Ngoài mô hình “5 1″, các cấp Hội CCB Bến Tre đã vận động nguồn lực tài chính từ nhiều nguồn xã hội hóa, xây dựng được 1.067 căn nhà, trong tổng số 10.000 căn nhà của các gia đình diện chính sách rách nát, tạm bợ, với tổng giá trị gần 40,5 tỷ đồng.
“Không chỉ xây nhà, Hội CCB còn vận động các nguồn lực tài chính xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều kết quả thiết thực, CCB tham gia trên 47.500 ngày công lao động xây dựng cầu, làm đường, đóng góp trên 121.000m2 đất và cây trái, hoa màu trị giá gần 5 tỷ đồng.
Cùng với việc đóng góp tiền mặt trên 8,7 tỷ đồng, Hội CCB đã đứng ra vận động nhân dân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho địa phương trên 16,8 tỷ đồng, vận động và tham gia xây dựng 315 cây cầu, làm mới, mở rộng, nâng cấp trên 431km đường giao thông nông thôn…”, ông Việt nói.
Video đang HOT
Bến Tre hiện có trên 246.000 hội viên phụ nữ, hàng năm, các cấp Hội luôn hỗ trợ với nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau như: Sử dụng Quỹ hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn từ các tổ chức quốc tế…Đến nay, thông qua các nguồn vốn, đã hỗ trợ trên 70.600 phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Hồng Thắm ở ấp Giao Hòa (xã Giao Thạnh – Thánh Phú – Bến Tre) đã thoát nghèo từ mô hình nuôi dê của Hội Phụ nữ hỗ trợ vốn và kỹ thuật nuôi
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre – bà Phạm Thị Thanh Thảo: 5 năm qua, những mô hình, việc làm hiệu quả đã giúp trên 10.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục thực hiện tốt ba khâu đột phá là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững…nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững ở xứ dừa thời hội nhập.
Trao đổi về công tác chỉ đạo giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ông Nguyễn Hữu Phước cho biết: Bến Tre vẫn còn là tỉnh nghèo, với trên 44 nghìn hộ nghèo, trình độ phát triển còn thấp, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Để phát triển sinh kế giảm nghèo bền vững giai đoạn tới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm, Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi”, tự lực, tự cường tạo sự chuyển biến đột phá trong huy động các nguồn lực.
“Đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề, cũng như việc phát huy tiềm năng, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó đầu tư vào mô hình làm ăn hiệu quả. Song song đó, phối hợp đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động nhằm tăng thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo…”, ông Phước nói.
Theo Phương Nghi (Nông nghiệp Việt Nam)
Đổi đời vùng biển Hậu Lộc
Lâu nay, nói đến các xã vùng biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là Hải Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc..., người ta thường nghĩ đến cái nghèo.
Nhà máy nước sạch cung cấp cho 7 xã vùng biển Hậu Lộc
Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt các xã vùng biển này đã thay đổi rõ rệt.
Huy động đa dạng nguồn lực
Cách đây hơn 5 năm khi triển khai chương trình NTM, đa số người dân các xã Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc... đều nghĩ rằng, mô hình xây dựng NTM với 19 tiêu chí NTM chỉ là trên giấy.
Tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai, Minh Lộc là một trong 4 xã của huyện Hậu Lộc đã cán đích NTM. Nói về những khó khăn của 1 xã vùng biển, ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã cho biết, Minh Lộc đất chật, người đông, thiên tai bão lụt bất thường, nước mặn xâm nhập sâu gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Là xã thuần nông nên sản xuất nông nghiệp manh mún, nguồn lực đầu tư phát triển KT- XH còn hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đường giao thông nông thôn xuống cấp. Năm 2011, xã Minh Lộc chỉ đạt 9/19 tiêu chí NTM.
Với phương châm tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, việc nào được người dân đồng tình, ủng hộ cao thì làm. Để tạo sự đồng thuận, dân chủ cho người dân, xã đã ban hành quy chế, cơ chế huy động nguồn lực đóng góp từ người dân và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng các công trình sinh hoạt cộng đồng và phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Trạm Y tế xã Minh Lộc được xây dựng khang trang từ nguồn vốn xây dựng NTM
Nhờ đó, từ năm 2011 - 2015, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM của xã đạt 162 tỷ đồng; trong đó vốn trung ương là 14 tỷ, vốn tỉnh 300 triệu, vốn ngân sách địa phương 26 tỷ, vốn huy động DN hơn 6 tỷ, đặc biệt vốn nhân dân đóng góp là 114 tỷ.
Từ nguồn vốn đó, sau hơn 5 năm triển khai xây dựng NTM, Minh Lộc đã làm mới, nâng cấp được 2,1 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số km đường được xây kiên cố lên hơn 30km. Nhờ công sức, đóng góp của người dân, xã cũng làm mới 3,7km kênh mương, nâng số km kênh mương được kiên cố hóa lên 12,8km.
Đời sống nâng cao nhờ... nước sạch
Cùng với xây dựng hạ tầng nông thôn, tiêu chí thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân được huyện Hậu Lộc xác định là bước đột phá quan trọng, là tiền đề để thực hiện các tiêu chí khác.
Từ đó, các xã Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc... tập trung thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy là đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.
Nhà máy nước sạch cung cấp cho 7 xã vùng biển Hậu Lộc
Trong đó ưu tiên phát triển nhanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, có tỷ lệ gia tăng doanh thu cao như lợn, gà, vịt, thỏ, thủy sản...; quan tâm phát triển các sản phẩm tiềm năng như lạc, rau, củ, quả... Các mô hình SXKD, nhất là các mô hình liên kết với DN được nhân rộng như nghề mộc Minh Lộc, nghề làm muối ở Hải Lộc.
Ông Nguyễn Xuân Giảng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lộc cho biết, không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà thay đổi lớn nhất trong xây dựng NTM là tạo tiền đề phát triển KT-XH, giải quyết việc làm, cơ giới hóa các ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó khơi dậy tính tự chủ, năng động sáng tạo, giúp người nông dân tự tin, vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một trong những thay đổi lớn dẫn đến đời sống người dân các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc được nâng cao rõ rệt là công trình nước sạch.
Phấn khởi vì có nhà máy nước xây dựng ngay ở xã, ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết những năm trước đây, tình trạng thiếu nước sạch khá phổ biến ở các xã vùng biển.
Minh Lộc có hơn 3.000 hộ, gần 14.500 nhân khẩu, thiếu nước sạch sinh hoạt, nguồn nước lại thường xuyên bị nhiễm mặn là cả một gánh nặng với người dân. Đến nay, người dân trong xã không còn nỗi lo về nguồn nước nữa, đã yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Cũng như Minh Lộc và các xã vùng biển khác, công trình nước sạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng với xã Hải Lộc vì đã giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho hàng nghìn hộ dân của xã.
Bà Đỗ Thị Vượng, 68 tuổi, ở xã Hải Lộc, cho biết: Mấy năm trước, tình trạng nguồn nước ăn bị nhiễm mặn, dùng để giặt cũng không bảo đảm, các thiết bị thì đều bị gỉ sét, hư hỏng. Nhiều gia đình đào giếng khơi 3 đến 4 lần mà vẫn không dùng được. Nhiều đợt nắng hạn không có nước sạch, người dân phải đi đò qua sông Lạch Trường sang xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) mua nước về sinh hoạt.
Từ khi có nhà máy nước, nguồn nước sạch được dẫn vào tận nhà, gia đình bà Vượng và hàng nghìn hộ dân khác rất phấn khởi. "Nước sạch giờ về tận nhà, tắm giặt, ăn uống đều lấy từ bể chẳng phải đi xa mua nước nữa. Chỉ cần ra bể mở vòi là tôi đã có nước sạch, dùng thoải mái mà không lo thiếu. Có nước sạch một thời gian mà tôi thấy thay đổi nhiều quá", bà Vượng cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Trang, GĐ Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Thanh Hóa, các công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung cho 7 xã vùng ven biển Hậu Lộc với tổng nguồn vốn hơn 230 tỷ đồng, công suất thiết kế 7.500m3/ngày đêm, toàn bộ nguồn vốn do WB tài trợ và 10% vốn đối ứng đóng góp của người dân các xã thuộc dự án với mức đóng 1,7 triệu đồng/hộ, được chia làm 3 đợt đóng/3 năm.
Theo Hoàng Bình (Nông nghiệp Việt Nam)
Nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn Đó là đánh giá chung của các chuyên gia, để hướng đến mục tiêu vào năm 2020 có 90% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Việt Nam; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Cùng với đó, cần thay đổi nhận thức và cách tiếp cận trong quá trình triển khai Chương trình nước sạch...