Bên mộ nhạc sĩ Phú Quang, Bùi Công Duy chơi violin bản ‘Em ơi Hà Nội phố’
Bên mộ nhạc si Phú Quang, con rể ông, nghệ sĩ Bùi Công Duy, gửi đến nhạc phụ những giai điệu của ca khúc Em ơi Hà Nội phố trong giờ phút tiễn biệt.
Video: Bùi Công Duy chơi bài “Em ơi Hà Nội phố” bên mộ Phú Quang
Ngày 13/12, su khi kết thúc lễ viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), nhạc sĩ Phú Quang được đưa về an táng tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ.
Tại đây, bên mộ ông, con rể là nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, đã tiễn đưa bố bằng những nốt nhạc của chính nhạc sĩ tài hoa. Giai điệu Em ơi Hà Nội phố vang lên khiến những người thân, bạn bè có mặt ở đó không khỏi xúc động, nhớ thương.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy chơi đàn bên mộ của bố vợ.
Sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang coi Bùi Công Duy như con trai ruột của mình. Ông từng chia sẻ: “Khi Trinh Hương hỏi ý kiến tôi về Bùi Công Duy, tôi nói với con rằng, tình yêu đòi hỏi ba điều. Điều đầu tiên, tất nhiên là yêu. Sau đó là sự cảm thông. Và điều thứ ba, quan trọng nhất, là con có tôn trọng người mình yêu hay không? Hương nói con yêu Duy. Với tôi, thế là đủ. Sau này, khi hai đứa thành vợ thành chồng, tôi coi Duy như người bạn lớn. Hai bố con có thể chia sẻ với nhau nhiều, từ nghệ thuật cho đến bóng đá… giống như bạn bè vậy”.
Ngoài tiếng đàn da diết của Bùi Công Duy, các ca sĩ thân thiết của nhạc sĩ Phú Quang như Tấn Minh, Đức Tuấn cũng cất lên tiếng hát, mong nhạc sĩ được an nghỉ mãi mãi. Người thân trong gia đình của ông cũng hòa giọng cùng Tấn Minh và Đức Tuấn để nói lời tạm biệt nhạc sĩ của Hà Nội, người cả đời dành tình yêu đặc biệt cho mọi ngóc ngách của Thủ đô.
Vẻ buồn bã, tiều tụy hiện rõ trên khuôn mặt NSƯT Tấn Minh trước sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang.
Trong những ca sĩ gắn bó với nhạc sĩ Phú Quang, NSƯT Tấn Minh là giọng ca thể hiện thành công không ít tác phẩm như Ngọn nến, Biển, nỗi nhớ và em… Khi hay tin nhạc sĩ Phú Quang không còn nữa, dù vẫn biết tình trạng sức khỏe của ông nhưng Tấn Minh vẫn bàng hoàng và suy sụp. Anh chia sẻ với VTC News: “Tôi gắn bó với chú nhiều năm nay rồi. Chặng đường sự nghiệp mà tôi đi đều có bóng dáng các tác phẩm của chú. Tôi yêu âm nhạc của chú Phú Quang thế nào, có lẽ khán giả cũng cảm nhận được qua những ca khúc mà tôi từng hát. Tôi rất hạnh phúc khi đã được đồng hành cùng chú thông qua các tác phẩm, các dự án âm nhạc khác nhau.
Cho đến giờ tôi không thể đếm được mình đã hát bao nhiêu ca khúc mà chú sáng tác. Lần nào được hát nhạc của chú, tôi cũng rất mong chờ, hào hứng. Sự ra đi của chú là thiệt thòi lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Lúc này đây, tôi chỉ mong chú đến một nơi xa sẽ lại có những niềm vui mới. Còn chúng tôi và đặc biệt là tôi ở đây sẽ tiếp tục hát nhạc của chú”.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949. Ông qua đời lúc 8h45 ngày 8/12 sau hai năm điều trị trọng bệnh. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông đã có hơn 600 bài hát với nhiều ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội như Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Lãng đãng chiều đông Hà Nội…
Phú Quang và những lần thay đổi tài tình cho thơ
Nếu "Hà Nội phố" của Phan Vũ là cảm xúc sau chiến tranh thì "Em ơi Hà Nội phố" của Phú Quang là nỗi nhớ và tình yêu của thời bình.
Là người phổ nhạc rất nhiều bài thơ, nhạc sĩ Phú Quang không câu nệ đó là nhà thơ nổi tiếng hay vô danh. Có những bài ông được giới thiệu, rồi bạn bè nhờ vả cũng nhiều nhưng có bài là do ông tự tìm đến, vì thấy đồng cảm.
Gọi là phổ thơ nhưng có nhiều bài nổi tiếng, nhạc sĩ chỉ lấy ý, lấy tứ. Khi xử lý một bài thơ nào đó, ông không lệ thuộc vào lời thơ nguyên bản quá nhiều mà căn cứ vào cảm xúc cá nhân khi tiếp cận nó. Ông cũng chỉ phổ khi bài thơ ấy khiến ông tìm thấy cảm xúc của mình, để sự đồng điệu được chắp cánh. Vì thế, thơ và nhạc có sự hoà quện, gắn bó như của chính tác giả vậy.
Một bài hát nổi tiếng được nhiều người nhắc đến là "Em ơi Hà Nội phố", phỏng theo bài thơ "Hà Nội phố" của cố nhà thơ Phan Vũ (ông vốn là đạo diễn sân khấu - điện ảnh, hoạ sĩ) có thể nói là điển hình trong cách phổ thơ "thương hiệu" Phú Quang.
Bài "Hà Nội phố" vốn là trường ca dài 443 câu, chia thành 24 khổ, được Phan Vũ viết vào những ngày tháng Chạp năm 1972 - những ngày bi thương của Hà Nội. Bài thơ có đề từ là "Gửi những người Hà Nội đi xa".
Trong 443 câu, nhạc sĩ Phú Quang chỉ lấy 6 câu nguyên bản. Gồm ba câu mở đầu trong bài thơ (cũng là mở đầu cho bài hát): " Em ơi! Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa"; "Ta còn em một màu xanh thời gian"; và: " Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường".
Nhà thơ Phan Vũ
Còn lại, ông chỉ "nhặt" vài ý nhỏ trong trường ca, như: " Ai đó chờ ai, tóc xoã vai mềm" trong ý thơ: "Ta còn em một gốc cây/Một cột đèn/Ai đó chờ ai?/Tóc cắt ngang/Xoã xoã bờ vai".
Điều đặc biệt ở ca khúc này là từ bài thơ nói về sự buồn thương, nỗi xót xa khi Hà Nội tang tóc trong trận dội bom của không quân đế quốc Mỹ năm 1972, nhạc sĩ Phú Quang - ở thời điểm năm 1986 - đã đưa bài hát thành thời đại của mình, cảnh sống của mình (khi nhạc sĩ đang sống ở Sài Gòn). Những câu thơ lột tả về sự mất mát trong chiến tranh, nhạc sĩ chỉ nhắc nhớ ký ức một cách ẩn dụ: " Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông/Mảnh trăng mồ côi mùa đông/Mùa đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ".
Nhạc sĩ Phú Quang trong vòng tay người hâm mộ
Nếu như Phan Vũ gợi nỗi tiếc thương với người đã đi xa thì Phú Quang là sự nhớ nhung của người mong ngóng trở về. Nếu "Hà Nội phố" là cảm xúc sau chiến tranh thì "Em ơi Hà Nội phố" là tình yêu của thời bình.
Vì thế, bài hát không có ký ức đau thương như: " Em ơi! Hà Nội - phố.../Ta còn em mảnh đại bác/Ghim trên thành cổ/Một thịnh, một suy/Thời thế/Lẽ hưng vong/Người qua đó hững hờ bài học sử...";
Hay nỗi đau: " Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm..."; mà là cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung về Thủ đô với cảm xúc lãng mạn, hào hoa mà cũng đầy buồn thương, day dứt của người đi xa nhớ về. "Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác" - nhạc sĩ Phú Quang từng tâm sự về nỗi nhớ Hà Nội trong những ngày nặng gánh mưu sinh.
"Em ơi Hà Nội phố" do Hồng Nhung thể hiện được nhạc sĩ Phú Quang thích vì "nó dung dị hơn cả"
Dù vậy, có lần nhạc sĩ Phú Quang tâm sự rằng phải đến 10 năm sau, "Em ơi Hà Nội phố" mới trở nên nổi tiếng. Ngược với bài "Mẹ" của ông, chỉ 1 năm sau đã được phổ biến rộng rãi. Thậm chí, khi mới được phát lần đầu, có nhiều người hoảng hốt nói: "Ông viết như thế sắp mất Hà Nội đến nơi rồi!". Vậy mà 10 năm sau, nó là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội.
Sau này, có nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện "Em ơi Hà Nội phố" như Ngọc Tân, Bằng Kiều, Thanh Lam, Mỹ Linh, Cẩm Vân, Tuấn Ngọc... nhưng nhạc sĩ Phú Quang nói rằng ông thích bản thể hiện của Hồng Nhung hơn cả "vì Hồng Nhung đã hát bằng cách dung dị nhất".
Với bài "Hà Nội ngày trở về" cũng vậy. Trong bài thơ, nhà thơ Doãn Thanh Tùng viết những câu mà theo nhạc sĩ là "rất ghê": " Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy"; Hay: " Mỗi lần ra đi/Nặng nề như có chửa/Và vội vàng của một kẻ tham lam". Bằng sự tinh tế, nhạy cảm và tài hoa, nhạc sĩ Phú Quang đã khiến ca khúc trở nên lãng mạn và da diết hơn.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang - tác giả Khúc mùa thu và nhạc sĩ Phú Quang
Ngược lại, có bài ông gần như giữ nguyên, chỉ thay đúng 1 từ là bài "Khúc mùa thu" của nhà thơ Hồng Thanh Quang. " Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/Mãi cô đơn vằng vặc giữa trời", nhạc sĩ đổi: " Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời".
Những ngày này khi người nhạc sĩ tài hoa ấy đã mãi mãi rời xa, người yêu Hà Nội, yêu tiếng lòng của ông cảm giác như người thân của mình vừa đi xa. Và có lẽ, một phần nào đó của Hà Nội dường như cũng đi theo Phú Quang.
Ca sĩ Đức Tuấn: Phú Quang - tâm hồn Hà Nội Ca sĩ Đức Tuấn - người hát nhiều nhạc phẩm Phú Quang từ thời còn là sinh viên - buồn bã bày tỏ với Đồng Nai cuối tuần: Tôi thấy đau lòng và cảm giác thật mất mát. Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Đức Tuấn Đức Tuấn được nhạc sĩ lúc sinh thời tin tưởng giao cho thể hiện ca khúc...