Belarus tiết lộ lý do tập trận với Nga gần biên giới Ukraine
Tại cuộc gặp với chính trị gia Ukraine Alexander Moroz ngày 14/2, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã nói về lý do tiến hành cuộc tập trận quân sự với Nga gần biên giới với Ukraine.
Hãng thông tấn Belarus (BelTA) dẫn lời ông Lukashenko cho biết: “Quyết định tổ chức một cuộc tập trận ở miền Nam Belarus (gần biên giới Ukraine) đã được đưa ra nhằm duy trì một số lượng nhỏ binh sĩ trước những diễn biến tình hình ở Ukraine, đặc biệt liên quan việc vận chuyển vũ khí, cũng như thiết lập các trại, huấn luyện của lực lượng đối lập lưu vong Belarus”.
Xe tăng Nga và Belarus trong cuộc tập trận gần biên giới Ukraine. Ảnh: BelTA
Ông Lukashenko nhấn mạnh rằng Belarus đã quyết định tăng cường an ninh ở biên giới phía Nam nước này, nhưng cũng cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Ukraine, đặc biệt là với cư dân khu vực biên giới.
Theo ông Lukashenko, Nga và Belarus có hợp tác phòng không cũng như các trung tâm huấn luyện chung. Nga đã cung cấp cho Belarus vũ khí phòng không S-400, Iskanders và các loại vũ khí hiện đại khác. Tổng thống Belarus cho biết thêm ông đã đề nghị Tổng thống Putin tổ chức cuộc tập trận chung và nhà lãnh đạo Nga đã đồng ý.
Về thời điểm rút quân của binh sĩ Nga tham gia tập trận, Tổng thống Lukashenko nêu rõ đây là công việc nội bộ của Belarus và Nga. Hai bên sẽ gặp nhau trong thời gian tới và lên lịch rút lực lượng Nga khỏi Belarus.
Tại cuộc gặp, ông Lukashenko cũng chỉ trích chính sách chống Belarus của Ukraine, cho rằng “chính sách của Chính phủ Ukraine chống lại Belarus bất chấp mọi lý do”. Tổng thống Belarus nêu ví dụ rằng Ukraine đã quyết định không mua phân kali của Belarus và yêu cầu Mỹ giúp cung cấp sản phẩm này để thay thế. Nhưng Mỹ đã từ chối giúp đỡ vì họ chủ yếu mua kali từ Canada. “Họ (Ukraine) muốn mua từ Mỹ! Hãy tưởng tượng cái giá phải trả: sản xuất, chế biến, chất hàng, vận chuyển bằng đường sắt, dỡ hàng tại cảng, vận chuyển hàng nghìn km, chuyển giao cho nông dân. Nó sẽ đắt hơn rất nhiều. Tại sao họ lại làm điều này?”, nhà lãnh đạo Belarus đặt câu hỏi.
Ông Lukashenko cũng lưu ý rằng Belarus luôn sẵn sàng giúp đỡ Ukraine, cụ thể gần đây, nước này đã hỗ trợ Kiev về điện theo yêu cầu của Ukraine, đồng thời cho biết trong những năm trước ông đã có nhiều nỗ lực để tổ chức đối thoại giữa Ukraine và Nga và giải quyết xung đột.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã từng đồng ý về nhiều thứ thời thời Tổng thống Ukraine Poroshenko. Đáng lẽ sẽ có hòa bình ở khu vực Donbass. Ông Putin đã cam kết đầu tư để khôi phục Donbass. Mọi người sẽ được sống trong hòa bình. Sau đó, Mỹ đã chống phá các thỏa thuận. Đây là loại chính sách gì?”, nhà lãnh đạo Belarus nói.
Đáp lại, ông Alexander Moroz nêu rõ: “Các bạn hiểu rất rõ rằng đây không phải là chính sách của Ukraine. Đây là chính sách của nước khác”.
Mỹ dự báo 48 giờ "sóng gió" nếu Nga động binh với Ukraine
Theo đánh giá của tình báo và quân đội Mỹ, Nga có thể triển khai lực lượng theo 9 tuyến đường khác nhau vào Ukraine và các xe tăng Nga có khả năng tiếp cận thủ đô Kiev trong vòng 48 giờ.
Các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tham gia cuộc tập trận quân sự có tên gọi Allied Resolve 2022 của Nga và Belarus (Ảnh: Tass).
Nga cho đến nay vẫn khẳng định nước này không có bất kỳ kế hoạch động binh nào với Ukraine, bất chấp lo ngại của Mỹ và các đồng minh. Trong khi đó, phương Tây cho rằng Nga đã triển khai gần 100 trong số 168 tiểu đoàn chiến thuật của quân đội, bao gồm 800-900 binh sĩ mỗi nhóm, với số lượng quân được huy động nhiều hơn mỗi ngày.
Theo đánh giá của Mỹ, Nga đã điều động quân nhân và thiết bị từ 6 trong số 7 đơn vị đặc nhiệm của Nga, được gọi là Spetsnaz. Mỗi đơn vị gồm 250-300 binh sĩ tinh nhuệ.
Hai kịch bản động binh quy mô nhất bao gồm một cuộc tấn công đồng thời từ nhiều phía, được gọi là chuyển động gọng kìm hoặc bao vây kép.
Theo một kịch bản tiếp cận được nêu trong bản đánh giá của Mỹ, quân đội Nga có thể sẽ tiếp quản phần lớn lãnh thổ Ukraine ở phía đông sông Dnipro, bao gồm khoảng 50% lực lượng quân đội Ukraine, trong đó có các đơn vị mạnh nhất của nước này.
Sơ đồ các tuyến đường di chuyển của quân đội Nga nếu xảy ra xung đột với Ukraine theo đánh giá của Mỹ (Ảnh: NBC).
Xe tăng và khí tài Nga sẽ vượt qua biên giới từ Nga và tiến về phía Poltava và Kharkiv, bao vây các thành phố này khi vượt qua sông. Lực lượng mặt đất sẽ tiến dọc theo 3 đường từ Donbas, đi về phía đông và phía nam đến Crimea, và kiểm soát đường bờ biển dọc theo Biển Azov.
Các trực thăng quân sự của Nga có thể sẽ đồng thời hỗ trợ một cuộc không kích từ Crimea.
Phương án này cũng có thể bao gồm một cuộc tấn công đổ bộ để kiểm soát bờ Biển Đen, hoặc các đơn vị trên không và trên bộ di chuyển từ Odessa đến Moldova để tạo ra một cây cầu trên bộ dọc theo Biển Đen.
Nga đã bố trí các tàu ngầm và 5 tàu đổ bộ cùng các tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngoài khơi Ukraine. Theo đánh giá của Mỹ, 6 tàu nữa sẽ có mặt ở khu vực này trong vài ngày tới.
Khí tài Nga tham gia tập trận hồi tháng 1 (Ảnh: Reuters).
Một phương án khác là bổ sung hai tuyến tấn công từ phía bắc để bao quanh thủ đô Kiev của Ukraine, bao gồm hỏa lực pháo binh, tác chiến điện tử và binh sĩ trên mặt đất có thể di chuyển từ phía nam Belarus vào Zhytomer và phía đông vào Kiev.
Kịch bản này bao gồm một tuyến đường khác từ Nga quanh khu vực Chernobyl và vào thủ đô Kiev.
Theo đánh giá của Mỹ, với những con đường được xây dựng kiên cố trong khu vực, xe tăng và phương tiện quân sự của Nga có thể ở ngay cửa ngõ của Kiev trong hai ngày đầu tiên. Quân đội Nga đã đặt hai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 ở Belarus, cho phép Nga chiếm được ưu thế trên không với khả năng ngăn chặn các máy bay hoặc tên lửa bay tới.
Cả hai phương án trên có thể khởi động bằng cuộc khai màn của một loạt pháo binh, tên lửa đạn đạo tầm trung và các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom - có thể vào ban đêm - nhằm vào các kho đạn, trạm radar, máy bay và hệ thống phòng không cũng như các địa điểm quân sự quan trọng khác của Ukraine.
Bản đánh giá của Mỹ cho biết, Nga sẽ cố gắng vô hiệu hóa khả năng phòng vệ của Ukraine trong những giờ xung đột đầu tiên, bao gồm việc tiến hành cả tấn công mạng và tác chiến điện tử (gây nhiễu) để cắt đứt đường dây liên lạc giữa các đơn vị quân đội Ukraine đóng quân ở các vùng khác nhau của đất nước. Đồng thời, phía Mỹ cho rằng quân đội Nga sẽ tìm cách chia tách, phá hủy các cây cầu và sử dụng binh sĩ và công binh để chiếm giữ các điểm giao cắt qua sông.
Các quan chức Mỹ ước tính một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ khiến 25.000-50.000 dân thường thiệt mạng, cùng với 5.000-25.000 binh lính Ukraine và 3.000-10.000 lính Nga tử vong. Ngoài ra, giới chức Mỹ dự đoán, một cuộc xung đột như vậy cũng sẽ gây ra làn sóng tị nạn từ 1-5 triệu người, chủ yếu vào Ba Lan.
Belarus dự kiến điều hàng trăm binh sĩ hỗ trợ Nga tại Syria Belarus đã lên kế hoạch triển khai 200 binh sĩ nước này đến Syria hoạt động cùng lực lượng của Nga. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Viktor Khrenin (giữa) trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Minsk ngày 3/2. Ảnh: AP Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết thông tin...