Beauty blogger Hoàng Ngọc Diệp và chuyện nuôi dạy con: Mình đã làm rất nhiều điều khó trong đời, nhưng thật sự chưa có gì khó bằng làm mẹ
Làm mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, thế nhưng đó lại là một hành trình đầy thiêng liêng, hạnh phúc với rất nhiều cảm xúc.
Cùng lắng nghe những quan điểm và chia sẻ của hot blogger đời đầu – Hoàng Ngọc Diệp trên hành trình chăm sóc và nuôi dạy con của mình.
Những bạn trẻ yêu làm đẹp hẳn không còn xa lạ với gương mặt 9X xinh xắn, tài năng và giàu kinh nghiệm, một trong những beauty blogger đời đầu Hoàng Ngọc Diệp. Không chỉ được yêu mến bởi lối dẫn tự nhiên, khéo léo, thu hút người đối diện, chủ nhân của Loveat1stshine còn được ngưỡng mộ trong vai trò làm vợ, làm mẹ với tổ ấm nhỏ vô cùng đáng yêu của mình.
Hiện tại, ngoài công việc chính là làm mẹ full-time của hai cô con gái nhỏ Mí và Mochi, Ngọc Diệp còn là một Digital Content Creator – nhà sản xuất nội dung số đa nền tảng. Bên cạnh đó, bà mẹ 2 con còn tham gia dịch sách, viết lách, làm diễn giả cho những dự án yêu thích.
Bận rộn là vậy, 9X Hà thành đã dành thời gian cho công việc và chăm sóc các con ra sao, quan điểm nuôi dạy các con như thế nào, phải làm gì để vừa làm tròn vai trò của một người vợ, người mẹ mà vẫn luôn tự tin, hạnh phúc? Cùng lắng nghe những chia sẻ chân thành và thẳng thắn của bà mẹ 2 con này nhé!
Tổ ấm nhỏ của hot beauty blogger Hoàng Ngọc Diệp.
Làm rất nhiều điều khó trong đời, nhưng thật sự chưa có gì khó bằng làm mẹ
- Chào chị Ngọc Diệp, để nói về sự thay đổi sau khi có con, chị cảm thấy bản thân có điều gì khác không?
Chào độc giả của Afamily.vn. Sau khi có con, thực sự mình có rất nhiều thay đổi. Trước thời điểm sinh em bé, nghe dặn dò từ những bà mẹ khác, mình cũng biết đây sẽ là cột mốc thay đổi cuộc đời của người phụ nữ. Nên mình đã chọn đặt tên con là “Mí” – là chữ Mí trong “mí mắt” để nhắc nhở bản thân rằng, con sẽ giúp mẹ nhìn cuộc đời theo một cách rất khác.
Trước khi có con, mỗi khi mình nghĩ gì, làm gì, mọi điều thường thuận theo bản năng, theo tính cách hoặc phục vụ một mục đích gì đó tốt cho mình. Nhưng có con rồi, ngay lập tức con trở thành ưu tiên trước nhất. Có những điều thoải mái cho mình, nhưng không tốt cho con chẳng hạn, mình quyết tâm thay đổi. Mọi điều về cuộc đời, những kiến thức về sức khoẻ, tâm lý, giáo dục, xã hội… mình rất quyết tâm học hỏi và tìm hiểu, để có thể làm một người mẹ tốt nhất.
Mình rất hay chia sẻ với các bạn bè rằng mình đã làm rất nhiều điều khó trong đời, nhưng thật sự chưa có gì khó bằng làm mẹ. Ngay từ giây phút lên đường đi đẻ, vật vã đau đớn rồi mổ cấp cứu mình đã thấy đầy rẫy khó khăn, áp lực rồi. Và những khó khăn, áp lực đó chỉ càng ngày càng tăng cấp độ thôi chứ chẳng thấy giảm đi gì cả. May sao, nhìn thấy con mỗi ngày một khôn lớn, yêu thương mình vô điều kiện, mình lại thấy được tiếp sức rất nhiều, ngày một dũng cảm hơn, bền bỉ và mạnh mẽ hơn. Hành trình lớn lên cùng con cũng cho mình hiểu thêm về bản thân hơn rất rất nhiều. Bây giờ mỗi khi gặp khó khăn, áp lực, mình cũng không quá sợ hãi như trước. Nếu có cũng chỉ sợ một chút thôi, rồi sẽ tỉnh táo tìm hướng giải quyết. Nên mình vẫn hay nói với các bạn bè rằng, có con xong mình thấy mình như trở thành phiên bản được nâng cấp xịn hơn nhiều là vì thế.
Theo mình, điều khó khăn nhất cho tới thời điểm hiện tại trên hành trình chăm sóc con, là việc tìm được điểm cân bằng giữa làm mẹ và làm bản thân mình. Mình rất muốn làm một người mẹ tốt, nhưng cũng muốn được sống hết mình với những ước mơ và hoài bão của bản thân nữa. Nhưng thời gian, sức lực, tâm trí lại có hạn. Nên cũng có những lúc mình cảm thấy mệt mỏi, thất bại, và cô độc giữa rất nhiều áp lực.
- Theo chị, thời điểm nào là hoàn hảo cho việc quyết định có thêm bé thứ 2?
2 bé nhà Diệp cách nhau 4 tuổi.
Trước khi sinh mình cũng lo lắng không biết chị lớn đã sẵn sàng san sẻ bố mẹ cho em chưa. Nhưng sinh xong thì cả nhà đều rất bất ngờ vì thấy chị thực sự “ra dáng” lắm. Về phát triển tâm sinh lý thì mình thấy 4 tuổi cũng qua giai đoạn nhạy cảm tuổi lên 2, lên 3 nhiều rồi. Con đã nói sõi và biết trình bày đầy đủ mong muốn, cảm xúc của mình nên bố mẹ cũng dễ dàng hỗ trợ, trò chuyện khi con cần.
Và điều làm mình bất ngờ nhất đó là con cũng yêu em vô điều kiện ngay từ khi gặp em. Có lẽ một phần cũng do mình đọc rất nhiều sách cho con về việc em đến từ đâu, khi có em thì cuộc sống sẽ như thế nào, hai chị em yêu thương nhau vui ra sao. Nên ngay từ khi em về nhà, chị đã yêu thương, bao bọc, chăm sóc em vô cùng tự nhiên, dễ dàng.
Theo mình thì việc ghen tỵ hoặc so sánh thiệt hơn không tự nhiên mà có trong con trẻ. Cái này thường do người lớn (vô tình hay cố ý) đặt câu hỏi, khiến con suy nghĩ nhiều tới nó nên mới nảy sinh, lớn dần trong con. Văn hoá Việt sống trong cộng đồng đông người, việc so sánh cũng là chuyện bình thường, nên mọi người thường không để ý.
Khi sinh Mochi, cũng đúng thời điểm dịch nên 2 bé nhà mình cũng ít tiếp xúc nhiều với bên ngoài nên nhân dịp đó, gia đình mình cố gắng hạn chế so sánh, tránh khơi gợi cảm giác ghen tỵ. Tới giờ vẫn rất thành công. Chị yêu em, em yêu chị, cả nhà yêu nhau, bố mẹ yêu cả 2 nhất, tình yêu không phải chia phần chút nào cả, chỉ nhiều thêm thôi.
Video đang HOT
Theo dõi những câu chuyện đáng yêu về gia đình của Ngọc Diệp, ai cũng sẽ có cảm giác có một sự nhẹ nhàng, hạnh phúc, giản dị đến từ những niềm vui rất đỗi chân thành, mộc mạc.
Chỉ khi mình hạnh phúc, con mình mới hạnh phúc
- Nhiều người trẻ hiện nay ngại lấy chồng và sinh con vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp, nhan sắc… Chị quan điểm thế nào về việc này?
Mình nghĩ quyết định lấy chồng/ sinh con là một quyết định lớn của cuộc đời mỗi con người. Mình không thể và cũng không nên can thiệp vào quyết định của họ. Mình nghĩ quyết định không lấy chồng/ không sinh con còn khó khăn hơn là có rất nhiều, vì nó là số hiếm, chắc chắn phải cần nhiều can đảm để đi ngược với số đông.
Tuy nhiên, nếu đó là 1 người bạn thân, mình sẽ khuyên bạn rằng hãy thu thập hết mọi thông tin khách quan về lợi và hại trước khi đưa ra quyết định để đỡ hối hận trong tương lai. Vì thực tế là về mặt sinh học, càng chờ lâu việc có con càng rủi ro hơn cho sức khoẻ phụ nữ chúng mình. Nếu sau khi cân nhắc tất cả mà bạn vẫn chọn không lấy chồng/ sinh con, dù vì bất kỳ lí do gì, mình cũng sẽ ủng hộ. Phụ nữ hiện đại cởi mở còn không hiểu cho nhau và ủng hộ nhau thì còn ai hiểu và ủng hộ được nữa đây!
- Chị làm gì để vượt qua những stress trong cuộc sống hàng ngày?
Mình thường hay viết. Mình rất thích viết mỗi khi có nỗi niềm khó tâm sự. Điều gì không quá riêng tư mình sẽ viết và chia sẻ với các bạn đọc hay theo dõi mình trên Instagram hoặc Facebook. Điều gì riêng tư thì mình sẽ viết riêng vào sổ.
Việc viết ra làm mình kiểm soát được cảm xúc, giúp nó được điều hoà bình ổn hơn. Các suy nghĩ của mình khi được viết lại ra giấy cũng trở nên mạch lạc, đơn giản hơn. Sau khi gỡ rối được về mặt cảm xúc rồi thì mình sẽ tìm phương án giải quyết dễ dàng hơn. Nếu không tự giải quyết được thì mình cũng sẽ chia sẻ để được nhận thêm sự giúp đỡ từ chồng, người thân trong nhà, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Nhưng thường phần bình ổn cảm xúc đối với mình là khó nhất. Khi bình tĩnh lại được mình tự thấy mọi thứ dễ giải quyết hơn nhiều.
- Quan điểm nuôi dạy con cái của chị là gì?
Mình không có quan điểm hay phương pháp nào cố định đâu. Mình luôn nhìn vào việc làm mẹ như 1 hành trình vừa làm vừa học.
Một cách lý tưởng, mình cũng muốn con được phát triển tự nhiên mà vẫn lớn lên suôn sẻ thuận lợi, nhưng cuộc đời không đơn giản vậy. Ai cũng phải sống không chỉ cho mình mà còn cho người khác nữa dù muốn hay không. Nhỏ tuổi thì sống trong gia đình, lớn thì phải đi học, học xong còn phải đi làm, đóng góp và tồn tại trong xã hội. Nên nếu cân bằng được giữa phát triển tự nhiên và có những thói quen tốt, có kỷ luật tốt để có cuộc sống tốt là điều mình mong nhất. Đây cũng là cái khó nhất trong việc làm cha mẹ. Vì mình không biết chắc chắn thế nào là tốt nhất mà. Tốt theo chuẩn của xã hội, theo thời đại và cũng phải tốt và thuận theo cá nhân con cái mình nữa. Nên bố mẹ và con cái cần phải đồng hành với nhau liên tục, cùng cố gắng, chia sẻ và học hỏi thôi.
- Nếu phải lựa chọn, chị sẽ chọn nội trợ hay công việc?
Mình nghĩ đã làm mẹ ai cũng là siêu nhân hết cả, vì đúng vậy, ai cũng phải chịu hi sinh nhất định một điều gì đó, dù mình rất không muốn dùng từ “hi sinh” để có thể luôn nhìn vào những mặt tích cực. Xã hội hiện đại cũng có vô vàn áp lực lên vai phụ nữ: kiếm ra tiền, làm vợ, làm mẹ, làm con gái làm con dâu, vẫn phải làm một cá nhân có dấu ấn xinh đẹp khoẻ mạnh, thú vị, đối nội đối ngoại tốt.
Cá nhân mình thì thấy, dù chọn tập trung vào vai trò nào cũng đã là một quyết định khó khăn rồi, phụ nữ ít nhiều cũng sẽ thấy tội lỗi và áp lực. Mỗi người lại có một kỳ vọng riêng về cuộc đời hạnh phúc cho riêng mình. Người này có thể hạnh phúc khi ở cạnh chăm con 24/24h, người khác lại chỉ hạnh phúc khi được làm việc lớn cống hiến cho xã hội, có người nửa nọ nửa kia. Mình nghĩ khi phụ nữ biết được thứ đem lại cho mình hạnh phúc và có dũng cảm theo đuổi nó là điều rất tốt.
Những khoảnh khắc đáng yêu bên gia đình của Ngọc Diệp.
Và việc chia sẻ những vai trò còn lại cho người khác (ông bà, bảo mẫu hay các đồng nghiệp) cũng không phải là gì xấu. Ngược lại nó rất đáng khen vì mình đang trao quyền cho người có khả năng tốt hơn làm điều đó, còn mình dành thời gian làm điều mình giỏi, mình thích. Hiệu quả đôi bên. Điều gì nặng gánh, làm mình mệt mỏi và đau khổ thì hãy tìm cách san sẻ. Mình tập trung hơn để làm việc khiến mình hạnh phúc. Đơn giản vì chỉ khi mình hạnh phúc, những người xung quanh mình, đặc biệt là con mình mới hạnh phúc được. Mình không thể cho con điều gì mình không có.
Còn đối với cá nhân Diệp, mình đã thử làm nội trợ full-time trong gần 2 năm ở Mỹ rồi và thú thật mình thấy khó lắm. Sau một thời gian quá mệt mỏi và stress, Diệp đã phải chuyển nhượng đầu việc giặt giũ và lau dọn nhà cửa hàng ngày sang cho chồng phụ trách. Nhà cửa êm ấm, vợ chồng con cái vui vẻ hơn hẳn. Nên mình rất ngưỡng mộ các chị em vừa làm mẹ vừa làm nội trợ full-time luôn đấy. Giờ được lựa chọn rồi, mình chọn vừa làm việc vừa chăm con. Việc nhà nhờ chị giúp việc hỗ trợ. Thời gian của mình được phân bổ cho những công việc hiệu quả hơn – đem lại cả niềm vui lẫn tài chính cho bản thân mình. Mình nhất định phải vui để mọi người xung quanh mình cũng vui theo mà, quan trọng lắm!
- Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ chân thành và thẳng thắn này!
Trải lòng của hot YouTuber làm mẹ full-time tại Nhật, lựa chọn nghỉ việc để toàn tâm toàn ý chăm sóc và nuôi dạy 2 con gái
Cùng lắng nghe một chút tâm sự của bà mẹ trẻ về hành trình làm mẹ, làm vợ vừa thiêng liêng, ngọt ngào nhưng cũng không kém phần khó khăn ở đất nước mặt trời mọc.
Có lẽ cộng đồng người Việt ở Nhật đã rất quen thuộc với cái tên Heni in Japan, một trong những Youtuber nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Dù chỉ mới bước vào công việc này từ năm 2018 nhưng với lối dẫn hóm hỉnh, nội dung gần gũi đã giúp Heni chiếm được cảm tình từ những người con xa xứ tại Nhật Bản.
Không chỉ vậy, Heni còn trở thành cô dâu người Việt trong gia đình Nhật, bà mẹ 2 con đã có những chia sẻ chân thật về cuộc sống hôn nhân cũng như mối quan hệ với các thành viên nhà chồng. Những khoảnh khắc rất đỗi giản dị lại có sức hút kì lạ với nhiều bà mẹ bỉm sữa, đặc biệt là những chị em cũng đang làm mẹ ở Nhật.
Cuộc sống xa gia đình quả thực không hề dễ dàng, gắn bó cả cuộc đời với những con người và đất nước xa lạ cũng là một trong những thử thách mà các mẹ Việt ở Nhật đều phải trải qua. Cùng lắng nghe một chút trải lòng của bà mẹ 2 con về việc làm mẹ và nuôi dạy con full-time nhé!
Tổ ấm nhỏ của Heni in Japan.
- Chào Heni, bạn có thể giới thiệu qua một chút về bản thân không?
Mình là Thu Hiền, 31 tuổi, hiện đang sống tại Nara, Nhật Bản. Mình có 2 bé gái là Jenny 2 tuổi rưỡi và Mia 1 tuổi rưỡi. 2 bé cách nhau đúng 1 năm.
- Việc sinh con sát nhau có nằm trong kế hoạch của hai vợ chồng Hiền?
Thực ra việc có bé thứ 2 nằm ngoài kế hoạch của bọn mình. Khi biết tin có bé thì mình cũng hơi bất ngờ nhưng vui nhiều hơn là lo lắng vì đối với mình con cái là lộc trời cho. Lộc đến dồn dập thì mình phải vui chứ.
- Hiện tại Hiền đang làm mẹ full-time?
Đúng vậy. Việc này thì mình và chồng đã bàn với nhau trước khi bầu bé thứ nhất rồi. Đó là mình sẽ nghỉ việc ở công ty và ở nhà làm nội trợ cũng như chăm sóc con cái. Quan điểm của bọn mình là tiền thì kiếm lúc nào cũng được, nghèo tí cũng không sao, còn tuổi thơ của con chỉ có một, rất ngắn và qua đi rồi thì không thể nào lấy lại được. Nên mình muốn dành nhiều thời gian cho con nhất có thể trong những năm đầu đời của con.
Bên Nhật thì trường mẫu giáo được chia làm 2 loại cơ bản là Hoikuen và Yochien. Hoikuen thì bắt buộc mẹ phải đi làm mới có thể gửi còn Yochien thì cứ đủ tuổi là được đi học nhưng thời gian gửi ngắn nên phù hợp với các mẹ ở nhà nội trợ hơn. Và Hoikuen thì đơn thuần là trông giữ trẻ thôi còn Yochien mới dạy trẻ theo chương trình đề ra của Bộ giáo dục.
Vợ chồng mình quyết định là sẽ cho con đi học Yochien khi con đủ 3 tuổi vì thế mình chưa có ý định đi làm cho đến khi con vào tiểu học. Mà thay vào đó mình sẽ làm một số công việc có thể làm tại nhà và linh hoạt về giờ giấc để vẫn có thể đưa đón và chăm sóc con như là nhận dạy tiếng Nhật online, dịch thuật hoặc là tập trung nhiều hơn vào kênh Youtube hiện tại của mình.
Cả nhà siêu đáng yêu trong trang phục áo dài.
- Theo Hiền, đẻ dày sẽ có ưu điểm và nhược điểm gì?
Có 2 em bé sát tuổi thì có những ưu điểm là:
1. Tiết kiệm được khá nhiều đồ dùng vì bé sau có thể dùng lại luôn được của bé trước. Ví dụ như bình sữa, khăn xô, quần áo, đồ chơi... nếu như sinh cách 3-5 năm thì thường sẽ muốn mua mới chứ không ai dùng lại đồ đã để không trong thời gian lâu như vậy cả, nhưng nếu liền sau đó thì dùng được không sao cả.
2. Rút ngắn thời gian bỉm sữa và khi 2 bé lớn lên đi học hết thì mẹ sẽ nhàn hơn và có nhiều thời gian dành cho bản thân và sự nghiệp hơn. Vì mình làm mẹ full-time mà nếu cứ chờ 3-5 năm mới sinh bé nữa thì thời gian ở nhà của mình sẽ rất là dài.
3. Hai bé sát tuổi sẽ đi học cùng nhau, chơi cùng nhau rất vui nên không sợ cô đơn hay không có bạn bè.
Nhược điểm thì:
1. Sẽ vô cùng vất vả. Nhất là ở Nhật hầu như người mẹ làm hết tất cả mọi việc. Ông bà nội ngoại có thể quý cháu chơi với cháu nhưng không có khái niệm chăm cháu hộ. Các dịch vụ giữ trẻ tắm trẻ thì không sẵn tiện như ở Việt Nam và giá cả cũng rất đắt. Nghĩ lại khoảng thời gian 4 tháng đầu sau khi sinh bé thứ 2 mình thấy sợ thật. Hầu như là không ngủ. Đêm cho bé thứ 2 bú 2-3 lần đến sáng, bé thứ 2 ngủ thì bé đầu dậy. Rồi bé đầu ngủ trưa thì bé thứ 2 lại ăn, thay bỉm, tắm rửa, cứ thế ngày qua ngày luôn. Chồng mình ở nhà ngày nào thì phụ ngày đấy nhưng cũng không xuể.
2. Không thể dạy con học này học kia, chơi này chơi kia nhiều như khi chỉ có 1 bé. Nhiều lúc bạn sẽ thấy lực bất tòng tâm khi mà không thể phân thân ra để giải quyết 2 việc ập đến một lúc mà chỉ có thể chọn thứ tự ưu tiên. Chọn thay bỉm cho bé này trước hay bế bé kia đang gắt ngủ trước. Đọc truyện cho bé này trước hay cho bé kia uống sữa trước. Nhiều lần phải từ chối bé lớn khi bé muốn mình chơi cùng hay đọc sách cho nghe rất là thương. Nhưng cũng chỉ 1-2 năm thôi, khi bé thứ 2 lớn hơn xíu rồi thì có thể dạy 2 bé cùng lúc, chơi cùng nhau luôn.
3. Cơ thể người mẹ sẽ rất yếu sau 2 lần sinh nở liên tiếp như vậy, sự thay đổi về cơ thể có thể dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti, chán nản và dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh. Mình bị rụng tóc rất nhiều sau khi sinh bé đầu rồi đến bé thứ 2 thì tóc con nó mọc ra chỉa thẳng lên trời, không dám chụp ảnh với con nhiều vì nhìn xấu quá mặc dù rất thích. Đành cứ phải tự nhủ là rồi nó sẽ dài ra không sao cả.
Cuộc sống làm mẹ ở Nhật dù khó khăn nhưng rất hạnh phúc.
- Quan điểm dạy con của Hiền là gì?
Mình muốn con có một tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ nên mình lựa chọn giáo dục không la mắng, cũng rất khó và nhiều khi không kiềm chế được cảm xúc vì bé lớn đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi 2-3 nhưng mình vẫn đang cố gắng rèn luyện bản thân hàng ngày. Mình ưu tiên dạy con biết lễ nghĩa, phép tắc trước khi dạy con kiến thức.
Con có thể chưa thuộc bảng chữ cái, chưa biết cờ các nước, chưa biết nói 2 thứ tiếng 3 thứ tiếng, nhưng con nhất định phải biết nói lời cảm ơn mỗi khi được nhận, biết nói lời xin lỗi mỗi khi làm điều không đúng, biết mời khi ăn và cảm ơn khi ăn xong rồi. Biết giữ trật tự khi ở nơi công cộng, biết quan tâm và yêu thương mọi người. Mình cũng cố gắng để đưa các con ra ngoài chơi thật nhiều, cho con tiếp xúc với thiên nhiên cỏ cây hoa lá, mình muốn con năng động tự tin và thích tìm tòi khám phá.
- Hai bé có được học tiếng Việt không?
Hiện tại các bé chỉ nói tiếng Việt khi call video với ông bà ngoại. Mình dự định khi 2 bé khoảng 4 tuổi thì sẽ bắt đầu dạy tiếng Việt bài bản hơn.
Mình xin phép không chia sẻ việc con đã nói và học được những gì. Vì như vậy con sẽ bị đem ra so sánh. Nếu con không bằng các bạn khác thì sẽ bị chê, còn nếu con giỏi hơn thì vô tình có thể tạo áp lực cho các mẹ khác. Đối với mình mỗi một em bé đều tài giỏi theo cách riêng của các em ý.
Mình dành thời gian toàn bộ trong ngày cho con. Khi đang phơi đồ hay nấu ăn mà con mang sách đến đòi đọc thì mình sẽ dừng công việc lại và đọc cho con trước, đồ phơi sau tí cũng chẳng sao. Dạy con thì cũng tuỳ, mình cố gắng duy trì quy định tráo thẻ 10 phút mỗi sáng, đọc tối thiểu 10 cuốn ehon mỗi ngày và nhất định phải hát cho con nghe 3 bài yêu thích trước khi đi ngủ.
Ngoài ra thì mình dạy bất cứ thứ gì vào bất cứ khi nào có thể. Ví dụ khi đang nấu ăn thì mình tranh thủ dạy con nhận biết các loại rau củ, khi làm việc nhà thì dạy con tên các đồ vật rồi màu sắc, cách đếm...
Nhưng mà hôm nào mệt quá thì mình cũng bảo con tự chơi nhé vì mẹ mệt quá. Hay hôm nào tâm trạng không tốt thì mình cũng nói với con rồi có khi cả ngày 3 mẹ con chỉ nằm dài hát hò với gọi đồ ăn về ăn. Vì mình biết nếu mình cố gắng quá thì mình sẽ dễ mất bình tĩnh, nổi nóng cáu giận với con mà mình thì không muốn như vậy nên chọn cách làm sao để 3 mẹ con được vui vẻ thoải mái nhất. Đấy là tiêu chí của mình và đối với mình thì việc con chơi vui vẻ quan trọng hơn việc con học được nhiều kiến thức.
Hiền tâm sự may mắn khi có một người chồng biết quan tâm, san sẻ trách nhiệm với vợ.
- Có lúc nào Hiền buồn chán khi ngày này qua tháng nọ cứ phải trông con như thế không?
Có chứ, nhiều lúc chán lắm, một phần cũng vì dịch bệnh nữa nên 3 mẹ con cứ ru rú trong nhà chẳng dám đi đâu. Rồi đầu bù tóc rối, cả ngày 1 bộ đồ ngủ dính đầy thức ăn con bôi vào, rồi nhìn mọi người cứ xúng xính váy áo xinh đẹp, sự nghiệp phát triển thành công, cảm giác như cả xã hội đều đang dịch chuyển về phía trước chỉ có mình là đứng yên tại chỗ, cũ kỹ và nhàu nhĩ, kiểu như bị xã hội đào thải vậy đó.
Nhưng rồi lại nghĩ ai cũng có mốc thời gian riêng, mình chỉ cần cố gắng vài năm đến khi con đi học là sẽ có nhiều thời gian để phát triển bản thân và sự nghiệp rồi. Đây là lựa chọn của mình nên mình sẽ cố gắng để làm nó tốt nhất. Và mình không thể cho con thứ mà mình không có nên nếu muốn con được vui vẻ hạnh phúc thì trước tiên là mình phải vui vẻ tích cực nhiều năng lượng cái đã.
À, cũng phải cám ơn chồng mình đã đồng hành và hỗ trợ mình rất nhiều. Đi làm công việc cũng bận rộn và vất vả nhưng biết vợ con ở nhà bí bách nên cứ được nghỉ là đưa vợ con đi chơi chỗ nọ chỗ kia, đi công viên rồi đi cắm trại, ngắm hoa ngắm lá đỏ nên cũng không đến nỗi chán lắm.
Gia đình thường xuyên đi chơi và lưu lại những khoảnh khắc đặc biệt cùng nhau.
- Chia sẻ về hành trình làm mẹ, Hiền có lời khuyên nào cho đa số các bà mẹ Việt sống tại Nhật không ạ?
Cuộc sống Ở Nhật vốn đã không vui vẻ náo nhiệt, anh em bạn bè hàng xóm thân thiết quây quần như ở Việt Nam, nên mọi người sống xa gia đình rồi lại sinh con chăm con vất vả tâm lý sẽ rất dễ stress. Nếu mà khuyên thì mình khuyên mọi người nên chuẩn bị thật kỹ cả về tâm lý, kiến thức cũng như điều kiện sinh hoạt trước khi quyết định sinh con và nuôi con bên này.
Xác định xem có chăm con một mình được không, chồng có phụ giúp không. Trang bị vốn tiếng Nhật để đi khám thai, đi sinh hay là các kiến thức để chăm con bên này. Tìm hiểu trước về các chế độ trợ giúp mẹ sau sinh của thành phố nơi mình sống. Bây giờ có nhiều những hội nhóm dành cho mẹ Việt ở Nhật trên Facebook, mọi người có thể vào đó hỏi xin kinh nghiệm, hay là tìm bạn ở cùng khu vực mình sống để gặp gỡ giao lưu cho các mẹ và các bé chơi cùng nhau, tâm sự cùng nhau thì sẽ vui hơn.
Còn về áp lực chăm con thì ở đâu cũng có, xác định nuôi con là cuộc chiến đường dài chứ không phải ngày một ngày hai, đừng vì những vấn đề nhỏ mà buồn rầu, mẹ không vui con cũng không vui. Mình có kiến thức, có hiểu biết thì mình sẽ làm tốt, và cũng không ai hiểu con bằng mẹ cả. Không có sữa thì uống sữa ngoài, con nhẹ cân có thể do tạng người chứ chẳng liên quan gì đến mẹ biết chăm hay không. Nên là mẹ cứ lạc quan vững tinh thần thì là cân được hết.
Còn việc yếu tiếng Nhật thì chỉ có cách khắc phục duy nhất là học thôi. Xác định là học vì con chứ không phải vì mình nữa. Sau này con có ốm đưa đi khám cũng không biết vào khoa nào làm thủ tục ra sao, con đi học không biết cô nói cần chuẩn bị những gì, không biết viết sổ liên lạc cho con như thế nào thì con rất thiệt thòi. Nên lấy đó làm động lực để cải thiện vốn tiếng Nhật là được.
- Cảm ơn những chia sẻ chân thành và gần gũi của Hiền!
Đỉnh cao hát ru của mẹ 9x: Cover mất luôn ký ức bản gốc, nghe xong muốn "sang chấn tâm lý" nhưng các bé cực thích Nghe xong cười muốn "nội thương" nhưng không hiểu sao con cứ thích mọi người ạ! Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bé nào cũng thích được nghe bố mẹ kể chuyện hoặc hát những bài hát ru. Lời ca da diết, dịu dàng sẽ giúp con đi vào giấc ngủ dễ hơn và cảm nhận được tình yêu thương của bố...