Bé tý hon múa gậy gây sốt ở Liên hoan võ
Vượt qua mặc cảm khuyết tật bệnh ‘người lùn’, bé tý hon Văn Tài (13 tuổi) trở thành võ sinh múa gậy tài năng.
Bé tý hon Đặng Văn Tài (13 tuổi) múa gậy, đi quyền trên đường phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Văn Minh.
Tối 2/8, tại Liên hoan võ quốc tế cổ truyền Việt Nam lần thứ 5, bé tý hon Đặng Văn Tài đến từ môn phái Võ Kinh Vạn An (Thừa Thiên Huế) đã “gây sốt” tại lễ hội đường phố với những tràng pháo tay kèm theo lời khen ngợi không ngớt của khán giả và bạn bè quốc tế. Nhiều người hoan hô, trầm trồ thán phục, một số thanh niên còn giơ ngón tay cái ra hiệu với bé Tài khen biểu diễn võ cổ truyền “tuyệt vời” và chạy đến bắt đôi bàn tay nhỏ xíu.
Bé Tài cho biết, em học võ cổ truyền ở môn phái Võ kinh Vạn An lúc mới lên 7 tuổi, trải qua 6 năm rèn luyện võ thuật đến nay múa gậy nhuần nhuyễn và thuộc nhiều bài võ của môn phái. Dù mới 13 tuổi lại khuyết tật, cậu bé sớm vào đời mưu sinh biểu diễn võ thuật tại các địa điểm du lịch ở Thừa Thiên Huế kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Video đang HOT
Bé tý hon Đặng Văn Tài ngồi trên vai võ sư cùng môn phái Võ Kinh Vạn An trong đêm lễ hội đường phố, Liên hoan võ quốc tế cổ truyền Việt Nam lần 5 tại Bình Định. Ảnh: Văn Minh.
Cảm nhận về “đệ tử” tý hon này, ông Trương Quang Kim, Chưởng môn phái Võ Kinh Vạn An cho hay, thoạt đầu nhận Tài vào học ở võ đường, thầy trò nhìn nhau ái ngại vì cơ thể cậu bé thấp lùn chỉ vài chục centimet khó thể đảm bảo sức khỏe để luyện võ.
“Kỳ diệu thay, càng học võ, cậu bé càng tỏ ra thông minh, nhanh nhẹn, bộc lộ năng khiếu võ thuật hơn người. Gắn bó võ đường suốt 6 năm qua, giờ đây bé Tài đã biểu diễn thành thục nhiều bài quyền, đặc biệt là múa gậy xoay tít trông giống nhân vật Tôn Ngộ Không trong bộ phim Tây Du Ký. Không chỉ biểu diễn võ thuật ở các địa điểm du lịch tự nuôi sống bản thân mình, cậu bé còn phụ giúp cuộc sống gia đình rất lớn”, ông Kim nói.
Theo VNE
Hai bé tý hon chờ vào Sài Gòn khám bệnh
Các chuyên gia nghi ngờ 2 bé tý hon mắc hội chứng hiếm gặp Seckel hay còn gọi là tật "người lùn, đầu chim", là bệnh di truyền gien lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18.
Bé K'Rể có ông nội và ông ngoại là anh em ruột. Ảnh: Trí Tín.
Ngày 28/2, bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết đã đề xuất lãnh đạo Sở Y tế đưa hai bé Đinh Văn K'Rể và Đinh Văn Khít đến Bệnh viện Y Dược TP HCM để xét nghiệm mẫu máu, phân tích gene nhằm xác định bệnh. Bên cạnh đó, Sở cũng đang liên hệ mời chuyên gia về hội chẩn tìm cách điều trị cho các cháu.
Theo bác sĩ Phụ, sau khi trao đổi với nhiều chuyên gia khoa Nhi ở các bệnh viện lớn trong nước, nhiều khả năng các bé mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là tật "người lùn, đầu chim". Đây là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, là bệnh di truyền gene lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18. Hội chứng dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh này có những đặc trưng như vóc dáng thấp bé, nhẹ cân lúc sinh, kích thước đầu rất nhỏ (não nhỏ), trán thụt, mắt to, tai đóng thấp, mũi nhô ra có hình như mỏ chim và cằm tương đối nhỏ.
Ngoài việc phát triển chậm về thể chất, trẻ mắc bệnh này còn chậm phát triển về tâm thần. Hầu hết có chỉ số IQ thấp dưới 50. Năm 1960, bác sĩ nhi khoa Helmut G.P (quốc tịch Đức) là người đầu tiên mô tả những đặc điểm của hội chứng này, từ đó thuật ngữ "hội chứng Seckel" ra đời.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đo chiều cao của cậu bé tý hon 9 tuổi. Ảnh: Trí Tín.
Cháu K'Rể đến nay tròn 5 tuổi (ngụ thôn Gò Da, xã Sơn Ba) nhưng chỉ cao khoảng 50 cm, nặng 3 kg như một trẻ sơ sinh. Cậu bé chào đời trong môi trường quá cận huyết thống khi ông nội và ông ngoại của cháu là anh em. Quan hệ anh em họ của cha mẹ bé được cho là không nghiêm trọng với người dân tộc thiểu số H'Re dù vi phạm pháp luật.
Còn Khít ngụ thôn Hàng Gòn, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà, đã 9 tuổi nhưng chỉ cao 78 cm và nặng 8 kg. Lúc cháu chào đời, người cha đã già gần 60 tuổi.
Theo VNE