Bé trai Nepal sau một năm sống sót kỳ diệu trong động đất
Thật khó tin Sonies Awal suýt chết dưới đống đổ nát trong trận động đất cách đây một năm khi nhìn cậu bé cười tít mắt, chạy nhảy quanh sân.
Cậu bé Sonies khi được giải cứu ngày 25/4 năm ngoái. Ảnh: Kathmandu Today
Một năm trước, Sonies được gọi là “em bé kỳ diệu” của Nepal. Mọi người đều nghĩ cậu bé đã chết khi bị chôn vùi suốt 22 giờ dưới ngôi nhà sập nhưng cuối cùng em vẫn sống sót nhờ được một chiếc tủ đổ xuống giường che chắn phía trên người. Sonies được lực lượng cứu hộ giải cứu vào ngày hôm sau.
Nhìn Sonies chơi đùa với chị gái Sonia 11 tuổi, mẹ của em, Rasmila, lại rơm rớm nước mắt.
“Tôi cố gắng không nghĩ nhiều về trận động đất xảy ra năm ngoái”, Newsdẫn lời cô nói. “Thằng bé rất dễ thương. Tôi chỉ biết hạnh phúc và thanh thản vì thằng bé đã sống sót và Sonia cũng thoát khỏi thảm họa nhưng các cháu tôi đều thiệt mạng. Vợ chồng anh rể mất cả hai con gái. Điều đó khiến tôi mỗi ngày đều thấy mình thật may mắn”.
Sonies giờ đã là một cậu bé 18 tháng tuổi vui vẻ, sôi nổi và nhanh nhẹn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của trận động đất lên cuộc sống của gia đình em vẫn còn đó. Họ không thể quay về nhà bởi nó vẫn là một đống đổ nát ở ngoại ô thủ đô Kathmandu.
Cậu bé Sonies hiện 18 tháng tuổi. Ảnh: Daily Mirror
Họ vớt vát được một số xoong nồi, ít quần áo, nhưng hiện phải sống tạm trong một căn phòng nhỏ gần đó và chưa biết bao giờ mới có thể quay về nhà.
“Chúng tôi sẽ không thể trở về nữa. Chúng tôi rất muốn xây lại nhà nhưng nó nằm trên con đường chính đi qua thị trấn và chính phủ muốn lấy một phần đất để xây con đường lớn hơn. Thật buồn vì chúng tôi đã sống ở đó 11 năm, đó là nhà của chúng tôi. Đó là nơi chúng tôi nuôi lớn bọn trẻ”. Rasmila, 36 tuổi, nói. “Tôi không thể phủ nhận rằng rất khó khăn khi toàn bộ chúng tôi phải chen chúc trong căn phòng nhỏ. Chúng tôi cũng không còn tivi nữa nhưng chúng tôi vẫn sống và cùng nhau hướng về tương lai. Tôi muốn Sonies thành công và được học hành. Đó là ước mơ của tôi”.
Rasmila cảm ơn trời đã phù hộ cho Sonies không chịu vết sẹo hay tổn thương nào về thể chất lẫn tinh thần sau trận động đất. “Thằng bé vẫn chỉ là một đứa trẻ, nó rõ ràng không nhớ gì về những điều đã xảy ra hôm đó. Nó không gặp vấn đề gì về sức khỏe và rất khỏe mạnh”, người mẹ cho hay.
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter làm rung chuyển Nepal ngày 25/4 năm ngoái, khiến hơn 8.000 người chết, hơn 21.000 người bị thương và ước tính 3,5 triệu người mất nhà cửa.
Video đang HOT
Nó cũng gây ra hai vụ lở tuyết, trong đó có một vụ trên đỉnh Everest giết 21 người, khiến ngày này trở thành ngày đẫm máu nhất trong lịch sử ngọn núi.
Hàng trăm triệu USD viện trợ đã đổ về Nepal nhưng Rasmila và chồng là Shyam, 35 tuổi, vẫn chưa nhận được đồng nào. Họ không được chính phủ Nepal hỗ trợ tài chính mà sống dựa vào thu nhập ít ỏi từ nghề lái xe tải của Shyam.
Điều này khiến Rasmila rất tức giận. “Gia đình chúng tôi bị thiệt hại nặng nề nhưng nhiều người khác cũng thế. Tình hình vẫn chưa được giải quyết”, cô nói. “Tôi biết đây là một thảm kịch lớn nhưng tôi không thể tin được rằng sau một năm chúng tôi vẫn sống trong một căn phòng. Tôi thực sự nhớ ngôi nhà cũ và bọn trẻ cũng thế”.
Rasmila và hai con. Ảnh: Daily Mirror
Đồ chơi yêu thích của Sonies ở nhà mới là một chiếc xe và một quả bóng nhưng cậu bé vẫn thích nhất được chạy nhảy và leo lên leo xuống các bậc tam cấp ở ngoài sân.
Sonies được cứu sống nhờ những người hàng xóm nghe thấy tiếng khóc của em ở dưới đống đổ nát và gọi lực lượng quân đội. Một nhóm binh sĩ cuối cùng đã giải thoát cho cậu bé.
“Đúng là phép màu. Tôi cứ đinh ninh thằng bé đã chết. Tôi rất hạnh phúc, tôi không thể tin được”. Nhìn Sonies cười, cô lại thốt lên lần nữa: “Tôi thật may mắn”.
Anh Ngọc
Theo VNE
Người Nhật bình tĩnh đối phó với động đất
Người dân khu vực bị nạn lặng lẽ xếp hàng chờ tiếp tế, trong khi nhân dân cả nước tích cực quyên góp và gửi hàng cứu trợ tới khu vực bị động đất ảnh hưởng, là cách người dân Nhật Bản cùng nhau đối phó với thiên tai.
Người dân địa phương viết dòng chữ "Cho chúng tôi nước uống" trên sân trường cấp hai Konan ở tỉnh Kumamoto. Ảnh: AFP
Nhật Bản nằm trong khu vực "vành đai lửa" Thái Bình Dương có hoạt động địa chất nên thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất.
Hai trận động đất hôm 14/4 và 16/4 đã khiến 42 người chết, hơn 1.000 người bị thương, hàng trăm nghìn người phải sống trong lều trại, ôtô, nhà trú ẩn tạm thời. Đây được coi là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Nhật sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân Fukushima năm 2011.
Người dân địa phương xếp hàng nhận lương thực và nhu yếu phẩm ở địa điểm phân phối hàng cứu trợ tại thị trấn Mashiki, tỉnh Kumamoto, trong khi mây đen vần vũ, báo hiệu cơn bão to sắp đổ xuống hôm 16/4. Ảnh: AP
Hai người phụ nữ giơ khẩu hiệu và bắc loa, phân loại dòng người xếp hàng ở Mashiki. Ảnh: Kyodo
Người dân xếp hàng nhận thực phẩm tại cổng tòa thị chính thành phố Kumamoto, đảo Kyushu hôm 16/4. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố chính phủ sẽ huy động mọi nỗ lực cứu trợ người bị nạn, tìm kiếm người sống sót với sự giúp đỡ của quân đội Mỹ. Nhật đã triển khai 25.000 binh lính tới các khu vực bị ảnh hưởng tại đảo Kyushu.
Binh lính Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) cùng sinh viên đại học Tokai mang thực phẩm chuyển bằng trực thăng tới ký túc xá của trường hôm 17/4. Ngôi trường năm trong khu vực hẻo lánh ở Minami Aso, tỉnh Kumamoto. Ảnh: AFP
Lính GSDF nấu cơm cho người dân địa phương ở địa điểm phân phối hàng cứu trợ tại Mashiki hôm 16/4. Ảnh: AP
Với khoảng 180.000 người đang phải trú ẩn tạm thời, lượng cơm phân phối cho mỗi người chỉ là hai nắm cho bữa tối. Ảnh: AP.
Nhiều siêu thị ở Kumamoto không thể cung ứng đủ thực phẩm cho người dân, do đường sá bị hư hỏng cắt đứt đường vận chuyển và kênh phân phối.
Hai trận động đất xảy ra cùng ngày đã rung chuyển miền tây nam Nhật Bản, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa phải sơ tán trong nhà thể thao hoặc hành lang khách sạn. Ảnh: AP
Sinh viên đại học Gakuin ở Kobe hôm qua ra đường kêu gọi quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất ở Kyushu. Ảnh: Kyodo
"Chúng tôi được đồng bào cả nước giúp đỡ trong thời điểm động đất Hanshin lớn năm 1995, trong đó có người dân tỉnh Kumamoto. Lúc này là thời điểm chúng tôi phải đền ơn họ", Shota Ishibashi, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba đại học Gakuin nói.
Cộng đồng nhiều địa phương trên nước Nhật có kinh nghiệm trải qua các trận động đất mạnh hoặc lũ lụt trong những năm gần đây, từ khu vực Tohoku tới Niigata hay Kobe, đang hành động nhanh chóng để hỗ trợ tỉnh Kumamoto và các khu vực lân cận bị ảnh hưởng.
Không chỉ gửi cán bộ tới tham mưu cho chính quyền Kumamoto cách giảm thiểu lo lắng của người dân, họ còn đưa nhiều hàng cứu trợ tới như nước uống, nhà vệ sinh công cộng, buồng dành riêng cho phụ nữ cho con bú.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Động đất Ecuador: Tù nhân vượt ngục, xe hàng cứu trợ bị cướp Nạn hôi của, cướp bóc đã xảy ra tại một số khu vực của Ecuador sau trận động đất 7,8 độ Richter; tường sập tại một nhà tù đã gây ra tình trạng tù nhân vượt ngục. Người dân đứng trên đống đổ nát ở thành phố Portoviejo, Ecuador - Ảnh: Reuters Tổng thống Ecuador Rafael Correa ngày 18.4 cho biết trận động...