Bé trai 8 tuổi bị khúc gỗ xuyên thấu mũi
Bé chạy xe đạp qua cầu, vô ý vấp ngã và bị thanh gỗ trên cầu đâm xuyên vào mũi.
Sáng 11.3, BSCK2 Phạm Thanh Phong – Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ Khoa Tai mũi họng vừa phẫu thuật thành công một trường hợp tai nạn rất hy hữu: khúc gỗ xuyên thấu mũi bé trai 8 tuổi
Khúc gỗ sau khi lấy ra khỏi mũi cháu bé – Ảnh: Phong Phạm
Bệnh nhi là Phan Hoàng Đ. (SN 2012, ngụ xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Chiều tối 5.3, bé chạy xe đạp qua cầu vô ý vấp ngã bị thanh gỗ đâm xuyên vào mũi, gia đình đưa bé tới bệnh viện địa phương và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tại đây bệnh nhi được xử trí kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chích ngừa uốn ván và được chỉ định chụp CT-scan sọ não. Nhưng sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa, các bác sĩ xác định tình trạng bệnh nặng, vượt khả năng chuyên môn nên chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Video đang HOT
Lúc vào viện, bé tỉnh, sinh hiệu ổn, mạch rõ, không ra máu mũi, vết thương rãnh mũi má phải kích thước 3cm, còn dị vật khúc gỗ kích thước 1,5 x 6cm lộ đuôi cây gỗ gần lỗ mũi phải, sụp khối mũi, xương chính mũi mất liên tục, không dấu thần kinh khu trú. Kết quả CT- scan sọ não: dị vật xoang mũi, đầu cây chạm thành dưới, trước xoang bướm không xuyên lên não.
Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành dùng kẹp Kelly lấy ra đoạn gỗ mục dài 7cm, đường kính 2cm, khâu vết thương ngoài da cánh mũi phải. Các bác sĩ nội soi kiểm tra hốc mũi hai bên, kiểm tra hốc mũi phải, lấy ra thêm đoạn gỗ mục dài 5cm, đường kính 1cm. Kiểm tra làm sạch hốc mũi hai bên, dị vật chỉ gây chấn thương mặt trước xoang bướm chưa tới sàn não. Thời gian phẫu thuật 120 phút.
Theo các bác sĩ, nếu đoạn gỗ cắm sâu thêm 5mm vào vùng xoang bướm, sẽ gây tổn thương động mạch cảnh trong gây tử vong. Nếu xuyên ra trước gây tổn thương dây thần kinh thị hoặc động mạch mắt gây mù mắt, hay vào vùng tuyến yên hạ đồi gây rối loạn nội tiết. Thương tổn não gây mất khứu giác và rối loạn tâm thần.
Sau phẫu thuật bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Tai mũi họng
Ở trẻ em chấn thương làm vỡ mũi hay bị coi thường sẽ để lại những di chứng xấu về thẩm mỹ và chức năng. Do đó, cần điều trị sớm, sơ cứu tốt, thăm dò kỹ và lấy hết dị vật, bơm rửa thật sạch, cắt lọc và cầm máu.
Phong Phạm
Theo Một thế giới
Sản phụ suýt trả giá đắt khi lúc mang thai thường hồi hộp nhưng không đi khám
Sáng 14-2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ (BV ĐKTW), cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho một sản phụ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng kèm bệnh lý hen phế quản.
Sản phụ tên N.T.B.N (29 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng) được tuyến trước chuyển đến trong tình trạng hồi hộp, mệt, nhịp tim 140 lần/phút được chẩn đoán: Thông liên nhĩ, tăng áp phổi nặng/thai phụ 39 tuần và có tiền sử bệnh tim là thông liên nhĩ và hen phế quản khoảng 2 năm trước nhưng không điều trị.
Sản phụ N. và con được cứu sống ngoạn mục
Trong thời gian mang thai, sản phụ thỉnh thoảng có những cơn mệt, hồi hộp và tự hết nhưng không đi khám chuyên khoa tim mạch. Trước một ngày dự sinh, sản phụ thấy mệt nhiều nên đến khám tại một bệnh viện chuyên khoa sản - nhi để được nhập viện. Sau khi tiếp nhận và thăm khám, phát hiện đây là trường hợp nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi nên chuyển tuyến đến BV ĐKTW Cần Thơ.
Tại đây, các bác sĩ xác định đây là trường hợp bệnh nặng nên hội chẩn cấp cứu với nhiều chuyên khoa và chẩn đoán: chuyển dạ sanh pha hoạt động, vết mổ lấy thai cũ sớm/ối vỡ sớm trên sản phụ có thông liên nhĩ kích thước to, tăng áp phổi nặng, hen phế quản.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu về sản khoa với tiên lượng nặng, nguy cơ phẫu thuật cao. Trong 15 phút, các bác sĩ đã đón một bé gái nặng 3kg khóc tốt, thực hiện da kề da và được chuyển ngay đến phòng dưỡng nhi chăm sóc.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân N. đã tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đang được điều trị tại Khoa Sản. Thành công của trường hợp này là sự kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ của nhiều chuyên khoa.
Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐKTW Cần Thơ - cho biết để bảo vệ cho cả mẹ và con về sự nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh, những phụ nữ trước khi dự định mang thai được khuyến cáo nên đi khám tầm soát các bệnh lí tim bẩm sinh.
Nếu như phát hiện bệnh lí này, phụ nữ này sẽ được bác sĩ đánh giá nguy cơ dự đoán của thai kì và khả năng mang thai, từ đó tùy từng trường hợp cụ thể sẽ được lên lịch theo dõi và làm xét nghiệm riêng biệt. Những phụ nữ mắc bệnh tim trong thai kỳ, cần được bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong suốt quá trình mang thai.
Trường Huy
Theo Người lao động
Tường đổ, đè người đàn ông đa chấn thương nguy kịch BV đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa can thiệp nút mạch thành công cứu sống một người đàn ông bị tường đè dẫn đến gãy đùi, đứt niệu đạo, gãy chậu mu. Ngày 6-3, BS CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, cho biết BV vừa can thiệp nút mạch...